Trao quyền bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể cho cộng đồng và các NGOs
Cộng đồng giữ vai trò then chốt
Tính đến nay, Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên được vinh danh chính là Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn vào năm 2003. Sau 15 năm, di sản này đã được bảo vệ và phát huy giá trị, quảng bá ra tầm thế giới.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, Ủy viên Thường vụ Hội DSVH Việt Nam kể rằng: Năm 2002, khi TTBTDTCĐ Huế tổ chức hội thảo khoa học về Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn, các học giả còn tranh luận rất nhiều về loại hình nghệ thuật này. Lúc đó, ít ai hình dung được Nhã nhạc chính xác là gì?, bởi sau năm 1945 khi Triều đình nhà Nguyễn sụp đổ thì Nhã nhạc cũng bị tán xạ trong dân gian và ít nhiều đã bị biến tướng.
Năm 2003 sau khi Nhã nhạc được UNESCO vinh danh, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho TTBTDTCĐ Huế xây dựng chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc, với sự hỗ trợ của UNESCO. Chương trình được thực hiện trong vòng 4 năm (2005-2009) và đã đạt được những kết quả tích cực ở nhiều nội dung: Công tác nghiên cứu, lưu trữ; Công tác truyền dạy và chính sách dành cho các nghệ nhân; quảng bá Nhã nhạc đến với cộng đồng…
Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn giới thiệu đến các đại biểu quốc tế dự Hội nghị
Theo ông Hải, sau 15 năm UNESCO vinh danh, Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn có được sức sống như bây giờ không chỉ có sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia mà còn là nhờ cộng đồng. Trước hết là sự truyền dạy của các nghệ nhân cho các thế hệ con cháu trong gia đình, và những người trẻ này đã tiếp thu được các bài bản, kinh nghiệm quý báu để lưu giữ và phát triển. Có gia đình 4 thế hệ cùng làm việc tại Nhà hát truyền thống cung đình Huế, đó là gia đình cố nghệ nhân Lữ Hữu Thi. “Các nghệ sĩ trẻ từ những gia đình truyền thống trong dân gian, những nghệ sĩ con nhà nòi được truyền nghề là lực lượng nòng cốt để lưu giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể hiệu quả”. - TS Phan Thanh Hải chia sẻ.
Vai trò của cộng đồng trong phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không chỉ được thể hiện rõ nét ở Nhã nhạc cung đình Triều Nguyễn, mà còn ở nhiều di sản khác như Hát Xoan Phú Thọ; Ví, Gặm Nghệ Tĩnh…
TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), người từng tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị của hát Xoan khi loại hình nghệ thuật này bị UNESCO đưa vào danh sách “cần bảo vệ khẩn cấp”, cho biết: Công tác bảo vệ, bảo tồn với yếu tố then chốt là cộng đồng, đã giúp cho hát Xoan được đưa ra khỏi danh sách khuyến cáo của UNESCO và được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào cuối năm 2017.
Giáo dục về di sản được quan tâm
Những năm trở lại đây, việc đưa di sản vào trường học được chính quyền địa phương và ngành Giáo dục nhiều tỉnh, thành quan tâm thực hiện. Ở Thừa Thiên Huế, các giờ ngoại khóa về di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện ở nhiều trường học trên địa bàn, điển hình là mô hình truyền dạy Nhã nhạc và Múa Cung đình ở Trường Tiểu học Cư Chánh (xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy) và Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Huế). Trong đó, nhiều học sinh Trường Nguyễn Huệ đã biểu diễn được các bài bản, điệu múa cung đình xưa và tham gia biểu diễn ở các quốc gia trong khu vực.
Trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chính những học sinh Trường Nguyễn Huệ trình diễn màn múa Lục cúng hoa đăng một cách thành thạo khiến nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế ngỡ ngàng. TS Lê Thị Minh Lý bày tỏ: Tôi rất cảm động và tự hào khi được thưởng thức buổi biểu diễn về điệu múa cung đình Triều Nguyễn của các cháu học sinh. Tôi đánh giá cao việc tạo ra môi trường diễn xướng khác nhau, trong đó có sự gắn kết với việc làm thế nào để các học sinh ở trường học tham gia học nhã nhạc, múa cung đình…
Toàn cảnh Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Chính ông Kwon Huh, Tổng Giám đốc của ICHCAP cũng cho biết: Cách đây 3 năm, ông từng đến Thủ đô Hà Nội tham gia một hội nghị quốc tế và đã được thưởng thức chương trình biểu diễn Nhã nhạc cung đình Việt Nam. “Tôi nhận thấy rằng có nhiều phiên bản Âm nhạc cung đình khác nhau ở khu vực Đông Á (có cả ở Hàn Quốc, Nhật Bản…), và tôi rất thú vị với Nhã nhạc cung đình của các bạn Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên và cảm phục khi thấy Việt Nam đã có nhiều chính sách và cơ chế để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể và di sản nói chung” - Tổng Giám đốc ICHCAP nhấn mạnh.
Không chỉ Nhã nhạc, di sản phi vật thể cấp quốc gia là Ca Huế cũng đã và đang được truyền dạy trong cộng đồng và một số các trường học trên địa bàn. Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên kế hoạch xây dựng hồ sơ Ca Huế để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo nhà thơ Võ Quê, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT tỉnh, hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng, là một người tâm huyết và đóng góp nhiều công sức bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Ca Huế: Có mối liên hệ và “hiệu quả kép” khi quảng bá di sản Nhã nhạc cung đình và Ca Huế, có sự lan tỏa của Nhã nhạc thông qua Ca Huế và ngược lại..
Cần “lôi kéo” các NGOs vào công tác bảo vệ di sản
Theo TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói chung và ở Việt Nam nói riêng ngày càng được thể hiện rõ nét. Các NGOs (như Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) thật sự tâm huyết, đã tự trang trải, đóng góp- bằng tư duy, trí tuệ, và hoạt động phi lợi nhuận trong bảo vệ di sản. Và chính các NGOs cũng có ảnh hưởng trong xã hội, có tác động vào cộng đồng để nâng cao nhận thức, hướng hoạt động cộng đồng vào công ích, để họ nhận ra vị trí, vai trò và giá trị của di sản văn hóa trong đời sống xã hội. Các tổ chức NGOs cũng tổ chức các hoạt động đưa lại lợi ích về vật chất và tinh thần cho cộng đồng. Bảo tồn di sản văn hóa gắn với bảo vệ môi trường sống, gắn kết con người trong cộng đồng và góp phần giáo dục di sản văn hóa đến cộng đồng…
Với tư cách là đại diện của một NGOs, TS Lê Thị Minh Lý cũng cho rằng, khi thực hiện công tác bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, các địa phương cần “lôi kéo” sự tham gia của các NGOs. Dẫn chứng như việc bảo vệ hát Xoan Phú Thọ, ngoài yếu tố cộng đồng thì việc tham gia của NGOs đã đưa lại kết quả đáng mừng. “Khi chúng tôi tham gia làm hồ sơ thì chỉ có 7 nghệ nhân hát Xoan nhớ được các bài bản một cách tương đối nhưng không có không gian thực hành. Ngay lập tức, tỉnh Phú Thọ đã có biện pháp bằng cách: đầu tiên là phục hồi các bài bản, sau đó tạo ra một lớp công chúng mới. Lớp công chúng này là cộng đồng thông qua giáo dục và thông qua truyền thông. Khi hát Xoan đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, Phú Thọ cũng đã có một chiến lược gần như là “phổ cập” hát Xoan. Chúng tôi với tư cách NGOs và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, không nên phổ cập hát Xoan như vậy, vì nó sẽ mất bản sắc và làm ảnh hưởng đến chính các cộng đồng. Sau đó, Phú Thọ đã thay đổi chiến lược và địa phương này coi như việc phổ biến ấy là tạo ra lớp công chúng thăng hoa thay vì xem họ là thực hành di sản chính thức. Sau 6 năm, hát Xoan thoát khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và được UNESCOs vinh danh”- TS Lê Thị Minh Lý thông tin.
Bài học từ TP Hà Nội cũng được nêu ra tại Hội nghị, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn, địa phương này đã giao cho các NGOs thực hiện và sau 3 năm thì hoàn thành. Khi tham gia, NGOs không phải làm một mình mà chỉ là đơn vị tư vấn, các công việc cụ thể do cán bộ ngành ở địa phương thực hiện. Kết quả, đã có 1.793 di sản được kiểm kê, trong đó đã lên danh sách hơn 200 di sản cần ưu tiên bảo vệ. “Hiện nay Hà Nội đã thực hiện bản đồ di tích ở các quận, huyện… Và nguồn tài liệu sau khi kiểm kê nói trên rất có giá trị cho công tác giáo dục” - TS Lê Thị Minh Lý nói.
An Nhiên