Tìm hiểu Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Tại Phiên họp lần thứ 32 diễn ra từ 29 tháng 9 đến 17 tháng 10 năm 2003 tại Thủ đô Paris (CH Pháp), ngày 17-10-2003, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Công ước gồm 8 chương, 40 điều, nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; nâng cao nhận thức ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể, để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế. 

Di sản văn hóa phi vật thể, theo định nghĩa của Công ước, là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ, đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ thêm sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Vì những mục đích của Công ước này, chỉ xét đến những di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với các văn kiện quốc tế hiện hành về quyền con người, cũng như những yêu cầu về sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân và về phát triển bền vững.

Di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện ở những hình thức sau: 

1. Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; 

2. Nghệ thuật trình diễn; 

3. Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội; 

4.Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ; 

5. Nghề thủ công truyền thống. 

Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hoá, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này.

Các quốc gia thành viên của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là các quốc gia chịu sự ràng buộc của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Đại hội đồng của các quốc gia thành viên của Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Đại hội đồng) là cơ quan cao nhất của Công ước. 

(Ảnh: internet)

Đại hội đồng họp phiên thường kỳ hai năm một lần. Có thể họp các phiên đặc biệt nếu có quyết định họp hoặc theo đề nghị của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể hoặc theo đề nghị của ít nhất 1/3 số quốc gia thành viên.

Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể được thành lập trong phạm vi của UNESCO,  gồm đại diện của 18 quốc gia thành viên, do các quốc gia thành viên bầu chọn tại cuộc họp của Đại hội đồng.

Số lượng thành viên của Ủy ban là 24 nếu số quốc gia thành viên của Công ước lên đến 50. 
Việc bầu cử các thành viên của Ủy ban phải tuân theo nguyên tắc đại diện cân bằng về khu vực địa lý và luân phiên. 

Các quốc gia thành viên thuộc Ủy ban được bầu cho nhiệm kỳ 4 năm tại Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước tại Đại hội đồng. 

1/2 số thành viên của Ủy ban được bầu lần đầu tiên có nhiệm kỳ 2 năm. Các thành viên này được bầu chọn bằng hình thức rút thăm tại cuộc bầu cử đầu tiên. 

2 năm một lần, Đại hội đồng sẽ thay đổi một nửa số quốc gia thành viên của Ủy ban. 

Thành viên của Ủy ban được bầu chọn vừa đủ vào các chỗ trống. 

Một quốc gia thành viên của Ủy ban không được bầu chọn hai lần liên tiếp.

Các quốc gia thành viên của Ủy ban lựa chọn các đại diện của mình là những người có đủ năng lực về nhiều lĩnh vực khác nhau của di sản văn hóa phi vật thể. 

Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có chức năng:

1. Thúc đẩy mục tiêu của Công ước, theo đó khuyến khích và giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu đó; 

2. Đưa ra các hướng dẫn thực hành tốt nhất và khuyến nghị các biện pháp nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;

3. Soạn thảo và đệ trình lên Đại hội đồng để thông qua dự thảo kế hoạch nhằm sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ;

4. Tìm kiếm các cách thức nhằm tăng cường các nguồn lực và áp dụng các biện pháp cần thiết để thực hiện mục đích này;

5. Soạn thảo và đệ trình lên Đại hội đồng để thông qua các định hướng hoạt động nhằm thực hiện Công ước;

6. Nghiên cứu các báo cáo của các quốc gia thành viên và tóm tắt nội dung báo cáo cho Đại hội đồng…

Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại 

Nhằm đảm bảo tầm nhìn rõ ràng hơn về di sản văn hóa phi vật thể và nhận thức về tầm quan trọng của chúng, đồng thời khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa, căn cứ những đề nghị của các quốc gia thành viên, Ủy ban phải thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Ủy ban cần phải soạn thảo và đệ trình lên Đại hội đồng để thông qua các tiêu chí đối với việc thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp 

Với quan điểm thực hiện các biện pháp bảo vệ thích hợp, Ủy ban cần phải thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và sẽ đưa những di sản loại này vào Danh sách theo yêu cầu của các quốc gia thành viên. 
Ủy ban sẽ soạn thảo và đệ trình lên Đại hội đồng để thông qua các tiêu chí đối với việc thiết lập, cập nhật và công bố Danh sách này. 

Trong những trường hợp cực kỳ khẩn cấp, Đại hội đồng sẽ thông qua các tiêu chí khách quan này trên cơ sở đề xuất của Ủy ban, với sự cố vấn của quốc gia thành viên có liên quan, Ủy ban có thể đưa một loại hình di sản liên quan vào Danh sách.

Từ ngày 27 đến 29-6-2006, khóa họp đầu tiên của đại hội đồng các nước thành viên Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã diễn ra tại Paris. Tham gia khóa họp có 45 nước thành viên UNESCO đã phê chuẩn Công ước và nhiều quan sát viên các nước. Kết thúc khóa họp, Chủ tịch Đại hội đồng đã công bố danh sách 18 quốc gia thành viên trúng cử vào Ủy ban Liên chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có Việt Nam.
                                                                                                   

 Đỗ Vũ 
 

Có thể bạn quan tâm

Top