Tìm hiểu con đường mang tên doanh nhân Đỗ Đình Thiện

Ngày 02-01-2014, theo Quyết định số 31/QĐ UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, một con đường thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm được mang tên doanh nhân Đỗ Đình Thiện. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước và nhân dân về cống hiến lớn lao của một gia đình doanh nhân yêu nước đã hiến dâng một sản nghiệp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Lúc sinh thời, khi được hỏi về cuộc đời mình, Đỗ Đình Thiện (1904- 1972) nói: “Lúc đi học làm cách mạng, ra đời kinh doanh kỹ nghệ và nông nghiệp, tham gia vào công cuộc xã hội.” Câu nói thật ngắn gọn, chân thành và khiêm tốn, nhưng chứa đựng một tình cảm yêu nước lớn lao.

Sinh ra trong một gia đình nổi tiếng ở Hà Nội, Đỗ Đình Thiện đã sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước. Năm 1926, vì tham gia vào phong trào bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh nên Đỗ Đình Thiện bị đuổi học. Để tiếp tục theo đuổi con đường của mình, Đỗ Đình Thiện đã làm lại giấy khai sinh và học tiếp tại tỉnh Nam Định. Sau đó, năm 1927 Đỗ Đình Thiện sang Pháp học kỹ sư canh nông ở Toulouse và đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.

Năm 1931 vì những hoạt động cách mạng in truyền đơn gửi về nước qua các lính lê dương Đông Dương ở Pháp nên Đỗ Đình Thiện đã bị trục xuất về Việt Nam.

Trở về nước Đỗ Đình Thiện kết hôn (Vợ ông là bà Trịnh Thị Điền, người đã hứa hôn với ông từ trước khi đi Pháp). Từ đây, ông bà nổi tiếng về những hoạt động kinh doanh ở Hà thành với tiện tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, nhà máy dệt ở Gia Lâm, Hà Nội, rồi đồn điền ở Chi Nê, Hòa Bình. Số nhà 54 Hàng Gai cũng là cơ sở cưu mang nhiều nhà cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh…, nơi Bác Hồ đã từng tiếp khách quốc tế trong những ngày đầu cách mạng.

Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện. Ảnh:mof.gov.vn

Là một doanh nhân giàu lòng yêu nước, khi sự nghiệp được phát đạt, Đỗ Đình Thiện và gia đình đã có nhiều đóng góp cho nền tài chính cách mạng. Năm 1943, trong khi quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng bạc Đông Dương thì gia đình Ông đã góp 30.000 đồng (qua đồng chí Nguyễn Lương Bằng) và 20.000 đồng (qua đồng chí Nguyễn Văn Tạo). Năm 1945, ông bà gửi 100.000 đồng cho Quỹ Đảng để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trong hoàn cảnh Chính phủ rất khó khăn về tài chính, bà Đỗ Đình Thiện đã tham gia tích cực vào cuộc vận động “Tuần lễ vàng”, thành lập Quỹ “Công thương ngân hàng”. Bà cũng tham gia phụ nữ cứu quốc, quyên góp tiền để ủng hộ cách mạng mua vũ khí chuẩn bị cho kháng chiên chống thực dân Pháp.

Trong “Tuần lễ vàng”, cả nước đóng góp được 374 kg vàng, trong khi đó gia đình Đỗ Đình Thiện đã góp 100 lượng. Ông Đỗ Đình Thiện được giao phụ trách Quỹ Độc lập và cũng là người mua đấu giá bức chân dung Bác Hồ của Họa sỹ Nguyễn Sáng với giá 1 triệu đồng đưa vào Quỹ rồi sau đó tặng lại bức tranh cho Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Hà Nội, biến cuộc đấu giá trở thành lễ rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cổ vũ lòng kính yêu của nhân dân đối với lãnh tụ.

Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Đỗ Đình Thiện đã được tháp tùng Bác. Nhiều tư liệu và hình ảnh về thời gian này đã được gia đình tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Gia đình Đỗ Đình Thiện là một trong số những gia đình Hà Nội đầu tiên đi tham gia kháng chiến. Bà Thiện tham gia Ủy ban kháng chiến, ông Thiện cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến của khu Hoàn Kiếm. Với tấm lòng yêu nước, gia đình đã đề nghị và đã được đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đồng ý cho phép mua vàng để tích lũy cho Nhà nước, thu mua lương thực để dự trữ cho quốc phòng.

Ông bà Thiện có một đồn điền lớn ở Chi Nê, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đồn điền này ông bà mua từ năm 1943 với giá một triệu đồng tiền Đông Dương (tương đương với 2.000 lạng vàng). Trên khu đất rộng gần 9 km vuông, ngoài việc sản xuất lúa, cà phê, chăn nuôi và nhiều hoa màu khác, đồn điền cũng là nơi dừng chân cho một số đơn vị giải phóng trên đường hành quân đánh giặc. Nhiều lương thực, thực phẩm của đồn điền được cung cấp cho kháng chiến. Riêng vụ mùa năm 1946-47, ông bà Thiện đã ủng hộ Vệ quốc đoàn Chiến khu II toàn bộ lương thực của vụ mùa đó là gần 200 tấn để nuôi quân.

Tháng 2-1947, đồn điền bị thực dân Pháp ném bom. Khi nhận được tin đồn điền bị ném bom, Bác Hồ đã gửi thư cho gia đình. Bức thư viết: “Được tin chú thím… và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ “còn trời, còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ”. Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe… Chào thân ái và quyết thắng”. Sau trận bom đó, ông bà Thiện quyết định giao toàn bộ khu đồn điền cho cách mạng và gia đình đi kháng chiến. Ở Chiến khu Việt Bắc, ông Đỗ Đình Thiện được giao phụ trách về máy móc, phương tiện cho các công binh xưởng, sản xuất giấy cho việc in tiền. Từ năm 1947 đến năm 1953, ông Đỗ Đình Thiện được giao nhiệm vụ làm Giám đốc trưởng của Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Trưởng Phòng Quỹ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Một điều rất đặc biệt là Đỗ Đình Thiện đã hiến nhiều tài sản cho cách mạng, bản thân trực tiếp tham gia các công việc kháng chiến cũng như các công việc sau hòa bình, nhưng Ông đều tình nguyện không nhận lương của Chính phủ. Hiến tài sản cho cách mạng, đi kháng chiến đến khi trở về cả gia đình vẫn sống bình thường như bao gia đình khác, không đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào. Ông là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho đến khi qua đời, ngày 02-01-1972.

Ghi nhận những đóng góp lớn lao của gia đình Đỗ Đình Thiện, Đảng và Nhà nước ta đã tặng nhiều phần thưởng cao quý:

Năm 1950 cả hai ông bà Đỗ Đình Thiện được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì;

Năm 1991 bà Đỗ Đình Thiện (tức Trịnh Thị Điền) đã được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất;

Năm 2008 ông Đỗ Đình Thiện được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh;

Năm 2009 ông bà Thiện được Nhà nước truy tặng Kỷ niệm chương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.”

Gia đình còn được tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Huy chương “Vì sự nghiệp tài chính của Đảng”.

Đỗ Đình Thiện thật sự “là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật… được nhân dân suy tôn và thừa nhận..” (Nghị định số 91/2005NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, ngày 11-7-2005).

Năm 2011, tại xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, nơi tọa lạc đồn điền của gia đình cũng đã khởi công xây dựng Trường Mầm non mang tên Đỗ Đình Thiện.

Cùng với các danh nhân khác như Trần Văn Lai, Dương Đình Nghệ… đường mang tên doanh nhân Đỗ Đình Thiện góp thêm nét đẹp văn hóa và ý nghĩa lịch sử cho phường Mễ Trì và Thủ đô Hà Nội.

TS Nguyễn Thị Tình

 

 

Top