Tiếng Nghệ với Dân ca Ví, Giặm

Tôi về quê lần này là để dự một đêm Ví Giặm. Là người Nghệ Tĩnh nhưng đã bao giờ được dự một đêm hát ví nào đâu. Những câu hát nằm lòng là do bà, do mẹ truyền cho hay học được từ một nguồn truyền miệng nào đó nào đó. Những là Thấy anh như thấy mặt trời/ Chói chang khó ngó, trao lời khó trao; Sự đời nước mắt soi gương/ Càng thương mến lắm càng thương nhớ nhiều với lại Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng... cứ tưởng là ca dao dân ca người Việt chứ ít khi lại phân định rạch ròi ra là hát Ví Nghệ Tĩnh...

Ở ngoài Bắc đã lâu, lại sẵn tính ham chơi, tôi từng theo bạn theo bầu xuống tận Thái Bình, ngồi với bà con ở đình làng để xem một chiếu chèo, đã lên tận Bắc Ninh thức trắng đêm với Hội Lim để nghe quan họ, thế mà lần này là lần đầu được ngồi lặng mà nghe Ví, Giặm. Dẫu biết rằng đã sân khấu hóa, dẫu biết rằng những người hát là nghệ sỹ đã thành danh mà lòng không cầm nổi nước mắt. Có lẽ vì vừa xem vừa nhớ lại những cảnh cũ người xưa, vừa nghe vừa trở về với tiếng bà, tiếng mẹ thân quen từ thơ bé, trở về với cái tình vừa nồng nàn vừa mộc mạc của người quê, với thổ âm thổ ngữ cổ xưa mà chân thực, chữ nghĩa sâu sắc, thâm thúy mà trữ tình, mà trào lộng... Với lại các anh các chị trong ta làm đêm diễn thật dụng công, thật có nghề với một tình yêu sâu sắc di sản văn hóa quê nhà. Nghe nói các đạo diễn, diễn viên gạo cội ở Hà Nội cũng về góp sức.

Thì cũng phải thôi, Nghệ Tĩnh là một trong những cội nguồn văn hóa Việt, để bảo tồn vốn cổ thì cả nước cùng lo chứ! Các nhà nghiên cứu cho rằng trong tiếng Nghệ còn lưu giữ rất nhiều từ ngữ tiếng Việt cổ, có người còn nói, tiếng Nghệ là hóa thạch sống của nhiều tầng văn hóa Việt! Người viết bài này có thời làm xuất bản – báo chí, cũng đã từng rắp ranh soạn một cuốn từ điển tiếng Nghệ vì lo rằng tiếng Nghệ rồi sẽ mai một dần theo thời gian vì để hòa nhập với cả nước thì dân Nghệ phải nói tiếng phổ thông mà quên dần tiếng cổ! Với suy nghĩ đơn giản là, nào có gì đâu, cứ đem cuốn Từ điển tiếng Việt ra rồi điểm mặt từng mục từ, mục từ nào tiếng Nghệ trùng với tiếng phổ thông thì bỏ qua, mục từ nào tiếng phổ thông nói một đàng, tiếng Nghệ nói một nẻo thì ghi lại, rồi đem sắp xếp theo vần ABC, rồi đem in, thế thôi! Nhưng khi bắt tay vào thì mới biết là mình quá thiển cận! Để soạn một cuốn Từ điển tiếng làng Kẻ Khóng (làng tôi) thì có thể làm theo phương cách đó nhưng nếu đem so với “cuốn từ điển tiếng làng bên cạnh” thì đã khác xa rồi. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, theo mẹ đi chợ Chay, thuộc làng Kẻ Chay cách làng tôi mấy cây số. Vào chợ tôi như lạc vào một quốc gia khác, ở đó người ta sử dụng một loại ngôn ngữ mà tôi không sao hiểu nổi. Cho nên, sau khi soạn xong cuốn Từ điển tiếng làng Kẻ Khóng, để có thể đi chợ Chay giao dịch mua bán tôi lại phải soạn một cuốn từ điển đối chiếu khác, đấy là cuốn “Từ điển Chay – Khóng” (tương tự như cuốn Từ điển Anh – Việt đang nằm trên bàn viết của tôi lúc này)! Xin thêm một chi tiết nữa để bạn đọc tiện thẩm tra, là làng Kẻ Khóng thuộc xã Đức Yên, làng Kẻ Chay thuộc xã Đức An (cũng là Đức Yên, đọc khác đi một chút!) của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh! Cho nên, muốn giữ lại “ngôn ngữ hóa thạch sống” ở quê tôi, thì Xứ Nghệ có bao nhiêu làng phải soạn bấy nhiêu cuốn từ điển! Một công việc không thể thực hiện được bởi một người mà phải cần đến một tâp đoàn, một consortium mạnh về tài chính, giỏi về chuyên môn, kiên cường về ý chí! Nguyên nhân tình trạng “cát cứ” ngôn ngữ thì vẫn là kinh tế tiểu nông, tự cung tự cấp, là chính sách ngu dân, là ngăn sông cấm chợ, là mấy cái lũy tre làng... Xin không nói nữa.

Tất nhiên đấy là chuyện của mấy chục năm trước! Bây giờ truyền hình, phát thanh đã vào đến từng nhà, mọi chuyện đã khác. Tôi về quê có nhỡ nói một câu “tiếng Bắc” cũng không đến nỗi sợ phải ăn mắng vì trong làng không chỉ nam thanh nữ tú mà các bậc cao niên cũng đã dùng nhiều từ phổ thông, như cách các xướng ngôn viên hai nhà đài Nghệ An và Hà Tĩnh thường dùng. Mừng đấy nhưng cũng thoáng chút tiếc nuối như vừa đánh mất đi một điều gì đó, vì rằng nếu kịp làm mấy cuốn từ điển thì cũng như là xây được mấy cái bảo tàng để cất giữ những hóa thạch, đến khi cần, có cái mà sờ sẫm, mà so sánh, không đến nỗi phải lật đất, lật đá đi tìm!

Tôi lại nghĩ xa xôi, sau này hy hữu có ai đó bỗng nhiên cần tìm một từ cổ tiếng Nghệ thì tìm ở đâu nhỉ? Trong hai đặc trưng lớn của văn học nghệ thuật Xứ Nghệ là Truyện Kiều và Dân ca Ví, Giặm ta không thể hy vọng vào Truyện Kiều! Trong công trình bác học này, trong từ điển từ ngữ văn học, từ điển điển tích này không có đến hai từ cổ Xứ Nghệ dẫu rằng tác giả quê gốc Tiên Điền và Truyện Kiều đã được viết cách nay hơn hai trăm năm. Lại phải trông chờ vào Dân ca Ví, Giặm thôi! Cũng may mà những người đi trước đã dụng công sưu tầm và gìn giữ. Bất chấp những thô ráp trong phát âm, tiếng Nghệ vào dân ca, ca dao rất ngọt ngào nhuần nhụy. Gió mô gió thổi sau lưng/ dạ mô dạ nhớ người dưng thế này Chim bay về núi túi (tối) rồi/ gởi thơ (thư) thơ chậm, gởi lời lời quên, và nữa Vì sương cho núi bạc đầu/ vì tình em bạc nên sầu(rầu) lòng anh... Một phương ngữ cổ rất đặc sắc về sự đa dạng của ngôn từ, về cách phát âm, về ngữ điệu như tiếng Nghệ bỗng tìm được cách dung hòa cho tất cả các yếu tố trong “tiếng nói chung” là Dân ca Ví Giặm. Trong khi Quan Họ, Hát Chèo... với nhiều làn điệu thì Ví Giặm Nghệ Tĩnh có rất ít làn điệu, thậm chí có người (như ông Ninh Viết Giao, nhà sưu tầm và nghiên cứu văn học dân gian Xứ Nghệ nổi tiếng) cho rằng Dân ca Ví Giặm chỉ có duy nhất một làn điệu! Phải chăng tiếng Nghệ đã tìm được sự thống nhất trong dân ca đặc trưng của quê hương mình?    

Nếu Hát Xoan Phú Thọ là hát nghi lễ, hát cửa đền; Hát Quan Họ Bắc Ninh là hát giao duyên, hát trong mùa lễ hội thì Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hát trong lao động thường ngày, hát trong khi đang xe tơ, dệt vải, đang vót nan, đan sàng, đang chèo thuyền, kéo lưới, đang đi cày, đi gặt..., là “văn nghệ tự túc” của người dân lao động, được họ ngẫu hứng sáng tác và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Vì thế mà trong làn điệu, tiết tấu, trong ca từ của Ví, Giặm mang nhịp điệu, mang trạng huống của đời sống thực và dĩ nhiên, được viết ra bằng ngôn ngữ tươi tắn và sống động. Dù là sinh hoạt tự biên tự diễn nhưng Ví Giặm lại sinh ra trên một vùng văn hóa cội nguồn, một miền “đất học”, nơi có rất nhiều danh nhân văn hóa, nhân sỹ tài hoa, có rất nhiều “ông đồ” uyên thâm, rất nhiều học trò tinh nghịch. Như một lẽ tự nhiên, họ không thể không “can dự” vào sự hình thành và phát triển của loại hình văn nghệ dân gian này. Cho nên những gì liên quan đến Ví Giặm được bảo tồn đến ngày nay còn mang đậm dấu ấn của các nhà Nho Xứ Nghệ, còn lấp lánh những câu chữ tài hoa, những nụ cười hóm hỉnh, những tình tiết lãng mạn, những giai thoại phiêu bồng... 

Có thể nói Tiếng Nghệ đã phát triển và trở nên thống nhất, giàu có và phong phú trong sự phát triển của Dân ca Ví Giặm. Theo thời gian, những chất liệu và âm hưởng của Ví Giặm đã trở thành một trong những cội nguồn của ca nhạc Việt. Trong bốn, năm chục năm gần đây có rất nhiều những ca khúc mang chiều sâu tâm hồn của Dân ca Ví, Giặm trở thành thân thuộc và nổi tiếng. Các tác giả không bắt chước y nguyên mà đã đưa vào tác phẩm của mình những kỹ thuật của thời đại, đã sử dụng khúc thức học, những giá trị hòa thanh, phức điệu để phát triển Dân ca Ví, Giặm thành những tác phẩm có thể nói là bất hủ, trong đó có Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý, Câu hát quê hương của Hồ Hữu Thới và nhiều những ca khúc khác nữa.

 Và tôi đã nghĩ lan man bao điều trong một chuyến về quê.

Nghiêm Huyền Vũ

Top