Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Hồi 21h15 giờ Việt Nam (17h15 giờ Ethiopia) ngày 01-12-2016, tại Addis Ababa, Thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia, trong Phiên họp lần thứ XI, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 (UNESCO) về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức ghi danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là một hình thức tín ngưỡng trên nền tảng tín ngưỡng thờ nữ thần, là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ qua lịch sử. Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Sau một thời gian trầm lắng, tín ngưỡng này đã phát triển trở lại từ đầu thập niên 90, với sự thực hành tự nguyện của các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản, huy động, góp tiền hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ mẫu.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt bao gồm các nghi lễ, sản vật cúng tiến, trang phục, đạo cụ, múa thiêng, âm nhạc, lễ hội và nhiều hoạt động khác. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; Thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam, Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, TP Hồ Chí Minh, trong đó Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe.

Theo Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt “đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” như “góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ 16 thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành”.

P.V

Top