Thế hệ trẻ với việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống đương đại

Nhân dịp tổng kết một năm thực hiện chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (giai đoạn 2015-2020), Tạp chí Thế giới Di sản trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới.

Thứ nhất: Quá trình hình thành và phát triển Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, thế hệ trẻ đã có sự tiếp cận như thế nào?

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ra đời trong lao động sản xuất và sinh hoạt đời sống của người lao động. Nó là loại hình văn nghệ tự túc, người lao động tự ngậu hững sáng tác trên các thể thơ 5 chứ, thơ lục bát và lục bát biến thể, rồi truyền miệng cho nhau tồn tại từ đời này sang đời khác. UNESCO đã công nhận những giá trị nổi bật của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, trong đó có giá trị phổ biến, sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ; chính những giá trị đó đã bảo đảm sự tồn tại và phát huy mạnh mẽ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong đời sống cộng đồng. Lực lượng tham gia hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày xưa chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động, đi cấy, hái củi, đan nón, quay tơ dệt vải, chèo thuyền trên sông…Có người đã có gia đình, có người chưa có gia đình đi hát để tìm người kết tóc xe tơ. Trong các cuộc hát, nhiều đôi lứa đã nên duyên vợ chồng. Tuổi trẻ thời đó cũng bắt đầu xuất hiện trong các cuộc hát, nhưng chủ yếu là đi theo người lớn để được nghe hát. Trong tập truyện Bác Hồ thời niên thiếu (NXB Chính trị Quốc gia - 1995) có nói đến việc Bác Hồ thường theo mẹ Loan và dì An đi hát phường vải, chắc cậu bé Cung thời đó theo mẹ và dì đi chầu rìa là chính. Và không những bé Cung, nhiều bé khác ở làng Hoàng Trù thời đó cũng thường theo cha mẹ đi hát dân ca. Những tình tiết này đã chứng tỏ, bên cạnh những người hát lớn tuổi (nghệ nhân) thì có thêm những người hát trẻ tuổi (thanh, thiếu niên), cùng hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, cùng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong quá khứ để các giá trị đó tồn tại cho đến ngày hôm nay. Trong tập “Hát phường vải” của hai cố tác giả Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao, có nói đến giai đoạn hát dân ca có sự tham gia của các nho sĩ, trí thức bình dân và một số nhà khoa bảng danh tiếng như Nguyễn Du, Phan Bội Châu… Hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không còn mộc mạc, đơn sơ như khi mới ra đời mà đã có chất trí tuệ, uyên thâm, kể cả quy cách hát, cuộc hát cũng được hình thành. Như vậy, ngay từ xa xưa, Ví, Giặm đã có sự tác động của tuổi trẻ (nho sĩ, trí thức bình dân), làm cho Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh có thêm chất trí tuệ, uyên thâm. Đó là sự bổ sung, hoàn thiện tất yếu của quá trình phát triển xã hội.

Thứ hai, “ Thế hệ trẻ với việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại”

Như đã trao đổi ở phần trên, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tồn tại cho đến ngày hôm nay là đã qua hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm (theo Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Thiết: tính từ khi có các thể thơ 5 chữ, thơ lục bát xuất hiện trên đất Nghệ An và Hà Tĩnh xưa). Sự tồn tại đó được lưu truyền qua các thế hệ, người đi trước truyền lại cho người đi sau, và cứ nối tiếp như vậy để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tồn tại mãi với cộng đồng, không bao giờ tách khỏi đời sống người lao động. Tuy nhiên quá trình phát triển xã hội, nó sẽ kéo theo sự phát triển của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, đáp ứng yêu cầu của từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Trong xã hội đương đại, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại, nhưng không còn môi trường diễn xướng xưa, không còn lối hát ngẫu hứng như ông cha ta đã làm, mà thay vào đó là hát theo bài bản được các nhạc sĩ ghi chép lại trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu; Hát theo thầy cô giáo dạy hát dân ca hàng tuần trong các trường phổ thông, trên Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh; Hát theo nghệ nhân trao truyền trong các buổi sinh hoạt tại câu lạc bộ hát dân ca và hát theo ông,bà, cha, mẹ trong những lúc rảnh rỗi, sinh hoạt gia đình…

Vậy thế hệ trẻ với việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại là gì?

Theo tôi, họ là những người nòng cốt để nắm giữ và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để phục vụ cuộc sống đương đại. Vì chính họ là lớp người kế cận để người đi trước trao truyền những giá trị truyền thống của ông cha để lại. Và cũng chính họ là lớp người đang tiếp cận với cuộc sống hôm nay, gần gũi, nhạy bén. Xã hội đương đại phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, trong đó có công nghệ thông tin, thông tin đại chúng. Không như ngày xưa chỉ khép kín trong vùng, trong từng làng quê, thôn xóm. Người hát dân ca thời đó không bị ảnh hưởng bởi dân ca các vùng, miền khác nhau. Ngày nay, không những ảnh hưởng dân ca các vùng, miền khác nhau mà còn ảnh hưởng các trào lưu âm nhạc mới, trong nước và quốc tế. Tuổi trẻ bây giờ khi đang nằm trong vòng tay của mẹ, của bà mới có cơ hội tiếp xúc với dân ca qua lời ru của những người ruột thịt… Khi đến lớp, đến trường, xa dần với môi trường hát dân ca, nhưng lại gần với môi trường nhạc mới: nhạc trẻ mang âm hưởng thời đại, nhạc có tiết tấu mạnh: nhạc da, nhạc rốc, ráp… Tuổi trẻ ở các vùng thôn quê đang có cơ hội, khi tan trường về nhà vẫn được sống trong môi trường hát dân ca; ở đô thị thi thì thiệt thòi hơn, không được tiếp xúc với môi trường đó. Nhiều năm qua, trên hệ thống phát thanh và truyền hình của tỉnh, khu vực và cả nước đã xuất hiện nhiều chương trình, nhiều sân chơi ca nhạc, múa của tuổi trẻ, kể cả tuổi nhí. Tuổi trẻ cả nước đã cuốn hút vào các sân chơi đó, có lúc tưởng chừng như quên lãng các giá trị dân ca, trong đó có Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền của chúng ta làm khá tốt, nhất là từ khi dân ca các vùng, miền như : Nhã nhạc Cung đình Huế, Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Hát Xoan Phú Thọ, Ca Trù, Đơn ca Tài tử Nam Bộ… được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, dân ca Việt Nam nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng vẫn được thế hệ trẻ quan tâm. Đặc biệt, từ khi Nghệ An có chủ trương đưa dân ca vào trường học (1996), tuổi trẻ tiếp cận với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng nhiều hơn, rộng và sâu hơn. Những làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh học được ở nhà trường các em đưa về hát trong gia đình, sinh hoạt đoàn, đội. Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức liên hoan hát dân ca trong hệ thống nhà trường, từ cơ sở lên đến tỉnh,các em học sinh không những trở thành những diễn viên hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không chuyên, mà còn là những tác giả không chuyên tham gia cải biên, phát triển dân ca, đặt lời cho các làn điệu dân ca có nội dung mới “dạy tốt- học tốt”. Những việc làm nói trên đã góp phần quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại.

Hiện nay, trong đời sống cộng đồng vẫn tồn tại các hình thức hát dân ca, hát trong lao động, hát trong sinh hoạt đời sống. Tuy không còn môi trường diễn xướng xưa, không còn cách hát ngẫu hứng như ông cha vẫn làm thuở trước, nhưng trong các cuộc sinh hoạt ở làng quê, ở các câu lạc bộ hát dân ca, chúng ta vẫn được nghe các nghệ nhân, các thành viên câu lạc bộ trẻ tuổi hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đúng là Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không bao giờ vắng bóng trong cộng đồng người Nghệ. Những lúc đất nước có chiến tranh, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lại theo các chiến sĩ ra chiến trường, vào các trận địa pháo động viên các chiến sĩ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược. Gần đây, trong cộng đồng người Nghệ đã xuất hiện nhiều hạt nhân tiêu biểu, biết tổ chức các chương trình hát dân ca, tổ chức các nhóm hát dân ca, biết đưa dân ca đến với cộng đồng, đến với khách du lịch trong và ngoài nước tại các điểm du lịch quan trọng ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

Và xa hơn nữa, trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã làm được khá nhiều việc đối với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như: vẫn duy trì được hát dân ca trong cộng đồng người Việt ở Nghệ An và Hà Tĩnh bằng các hình thức: hát dân ca trong từng gia đình, thôn, xóm, câu lạc bộ; Hát dân ca trong lao động sản xuất, sinh hoạt đời sống: chèo thuyền, đan nón, trảy hội… Sưu tầm, nghiên cứu, xuất bản các tập sách, băng đĩa nhạc, phục dựng các trò diễn xướng dân gian, cho ra đời hàng chục vở diễn dân ca Nghệ Tĩnh với các đề tài khác nhau: dân gian, truyền thống, lịch sử, dã sử, hiện đại, cách mạng…và gần 20 năm thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh Nghệ An.Trong quá trình xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch Nghệ An và Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm kê phổ thông và kiểm kê khoa học toàn bộ kho tàng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Tất cả những việc làm trên đã góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại. Tất cả những việc làm trên đều có sự tham gia của thế hệ trẻ, nghệ nhân, các nghệ sĩ, mỗi người có một trách nhiệm khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại.

Thứ ba, Cần phải làm gì để thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại ngày một tốt hơn?

Để trả lời câu hỏi này tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

1. Những việc đã làm trong hơn nửa thế kỷ qua, cần tổng kết thật đầy đủ, rút ra bài học kinh nghiệm cho tất cả mọi người, mọi lĩnh vực hoạt động đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong xã hội đương đại, trong đó có thế hệ trẻ.

2. Chương trình đưa dân ca vào trường học đã thực hiện gần 20 năm (1996-2015), trong suốt chặng đường gần 20 năm đó có lúc rất rầm rộ, nhưng cũng có lúc bị lắng lại, cho nên cần phải tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện tốt hơn. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch đưa di sản vào trường học (đưa di sản vào giảng dạy trong trường học), nên chăng Nghệ An và Hà Tĩnh cần tiếp tục làm tốt hơn chương trình đưa dân ca vào trường học, vì Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng là một di sản văn hóa phi vật thể quan trọng, mới được UNESCO công nhận, cần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ trong hệ thống trường học.

3. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã đào tạo nhiều khóa giáo viên dạy nhạc cho các trường phổ thông, ngoài dạy nhạc cơ bản chắc chắn các giáo viên đó phải dạy hát dân ca, thực hiện chương trình đưa dân ca vào trường học, cần có kế hoạch bồi dưỡng cho các giáo viên đó về những giá trị truyền thống của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, để sau này truyền đạt cho học trò của họ. Những kiến thức đó có thể đọc trong sách của các nhà sưu tầm, nghiên cứu để lại, nhưng cũng cần có kiến thức thực tế do các nghệ sĩ, nghệ nhân trao truyền, hướng dẫn.

4. Cần xây dựng một số mô hình hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của thế hệ trẻ ở ngay tại nơi sinh ra dân ca như: lao động thủ công, chèo thuyền, sinh hoạt đời sống…để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra trong cộng đồng người Việt ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

5. Phát động một phong trào hát Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh rộng khắp trong cộng đồng người Việt ở Nghệ An và Hà Tĩnh, bằng nhiều hình thức khác nhau: khuyến khích các tổ chức, cá nhân, duy trì hát dân ca trong cộng đồng, trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt đời sống. Hàng năm tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn để đánh giá kết quả hưởng ứng cuộc phát động. Hai năm hoặc ba năm một lần, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để làm tốt hơn cuộc phát động trong thời gian tiếp theo. Nếu làm được như vậy tin chắc rằng, phong trào hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ phát triển mạnh mẽ trong  đời sống đương đại.

6.  Cần tăng cường công tác tuyên truyên, quảng bá những giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đối với thế hệ trẻ nói riêng, cộng đồng người Việt ở Nghệ An và Hà Tĩnh nói chung. Làm thế nào để mọi người dân hiểu biết sâu sắc về giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của Dân ca ví, Giặm Nghệ Tĩnh, để họ có trách nhiệm cùng với thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy giá trị đó trong xã hội đương đại.

7. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là một trong những sản phẩm du lịch quan trọng ở vùng quê xứ Nghệ; hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá du lịch, cần tuyền truyền quảng bá di sản phi vật thể đại diện của nhân loại “Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” cho du khách trong và ngoài nước bằng nhiều cách khác nhau: đưa Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào phục vụ trong các tuyến du lịch thân thiện ở Nghệ An và Hà Tĩnh, xây dựng các tua tuyến du lịch có sản xuất hàng thủ công tuyền thống kết hợp phục dựng các trò diễn xướng dân ca để phục vụ khách du lịch nghe hát dân ca và mua hàng thủ công truyền thống…

8. Đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến với người Nghệ xa quê và những người ở quê khác nhưng yêu thích Ví, Giặm xứ Nghệ. Hiện nay ở một số tỉnh, thành phố đã xây dựng được câu lạc bộ hát dân ca xứ Nghệ như: “Câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội”, “Câu lạc bộ UNESCO Ví, Giặm xứ Nghệ”…mục đích là muốn đưa Ví, Giặm đến với đời sống của nhiều cộng đồng, không riêng gì Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để làm tốt việc này cần phải có người am hiểu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong các câu lạc bộ đó. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, người Nghệ xa quê và những người yêu thích Ví, Giặm Nghệ Tĩnh sẽ có một đời sống tinh thần thật phong phú, không những Ca Trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca Tài tử Nam bộ mà trong đó Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là chủ yếu. Chính việc làm này, chúng ta đã góp phần quan trọng cho việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng trong xã hội đương đại...

Tóm lại, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vừa mới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là cơ hội tốt nhất để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ra cả nước và bạn bè quốc tế; đây cũng là cơ hội tốt nhất để thế hệ trẻ đến với Ví, Giặm Nghệ Tĩnh một cách tự nguyện, vì những giá trị mang tầm nhân loại cần phải  gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

                                                                                                

Có thể bạn quan tâm

Top