Thăm Di sản Văn hóa thế giới Wat Phou ở Lào

Wat Phou là một di tích đền và chùa lớn của Vương quốc Lào cũng một phần là được thừa hưởng cái địa lợi của một trung tâm giao thông lớn, liên khu vực: dọc theo bờ sông Mekong lên miền Bắc Lào, xuôi xuống là vùng Biển Hồ với Angkor nổi tiếng của Campuchia, lại là vùng có mối liên hệ với Tây Nguyên của Việt Nam và cũng có những lễ hội đâm trâu nổi tiếng.

Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO đã công nhận ngôi Đền Núi này danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới từ năm 2001. Theo tiếng Lào, ngôi đền được gọi là Wat Phou (Wat có nghĩa là đền, Phou là núi). Đền nằm ở giữa vùng Champasak cách sông Mê Kông chỉ có 6km. Vùng Champasak chính là vùng vựa lúa của miền Nam nước Lào. Có lẽ vì thế mà trong thời kỳ Vương triều Chân Lạp tách đôi, thì đây là vùng Lục Chân Lạp, để phân biệt với vùng hạ lưu sông Mê Kông thì được gọi là vùng Thuỷ Chân Lạp.

Đền Wat Phou nằm ở dưới chân ngọn núi thiêng có tên là Phou Khao (nghĩa là Núi Con Voi) trong quần thể có 9 ngọn núi bao quanh. Một thời gian dài, ngôi đền đã trở thành phế tích, không ai trông nom. Nhờ có kiến trúc bằng đá mà ngôi đền vẫn còn hình hài và ngày nay đang từng bước được phục dựng theo các dự án của hai chính phủ Lào và Ấn Độ.

Một đền thờ ở Wat Phou 

Ngôi đền thờ Khmer Hindu, tức thờ các vị thần Ấn Độ giáo, có thể được khởi dựng từ thế kỷ V. Các kiến trúc còn thấy thì muộn hơn có niên đại thế kỷ XI-XIII. Từ ngôi đền, có đường dẫn đến một điện thờ dựng tượng Linga tắm trong nước suối chảy xuống từ núi thiêng. Cho đến nay, đền Wat Phou được coi là ngôi đền thiêng và cổ nhất của đất nước Triệu Voi, thờ thần Shiva là vị thần phổ biến của Ấn Độ giáo. Nhiều học giả cho rằng, vị thế của đền Wat Phou rất quan trọng, là trung tâm tiến hành nghi lễ của vùng Champasak, nơi có thành Crethapura, Kinh đô đầu tiên của Vương quốc Chân Lạp.

Một thời gian sau, ngôi đền lại được chuyển chức năng biến thành thờ Phật. Vì thế, nơi đây lại được sửa sang thành một ngôi chùa, nhưng vẫn giữ được một số không gian thờ thần như các nghi lễ tế thần hàng năm vẫn được tổ chức ở những đền thờ dưới chân núi.

Đến thăm đền hôm nay, du khách có thể thăm được các kiến trúc thờ thần và cả thờ Phật. Chúng ta có thể thấy đền Wat Phou được xây bằng các tảng đá sa thạch được ghè đẽo và mài cho ghép lại khớp với nhau. Sau đó, dựng các ngôi đền bằng đá từ cột đến tường, mái nhọn, một số đã ngả màu thời gian, rêu phong. Con đường xưa lát đá phiến gập ghềnh dẫn du khách từ ngoài vào đền với hai hàng cột đá xếp dọc hai bên. Các cột đá này là những hình linga (sinh thực khí của người đàn ông) được cách điệu hoá với thân thẳng, đầu tròn.

Cụm 5 linga và 1 yoni đặc biệt

Các diềm cửa được trang trí phù điêu bằng đá, trên đó có khắc hình một vị thần cưỡi 3 con voi. Ở một phù điêu khác thì có hình vũ nữ đang múa với thế tay duỗi ngang, chân dang rộng, nhún nhẩy sinh động.

Bên ngoài các công trình kiến trúc còn có các khối tượng tròn. Ấn tượng nhất là tượng rắn 7 đầu bằng đá sa thạch có thân hình ống mọc ra từ một cái thân rắn duy nhất. Tượng còn miêu tả những cái đầu rắn còn có mắt và miệng. Thân rắn có những hình khắc vòng tròn. Hình tượng rắn 7 đầu rất quen thuộc với văn hoá Angkor ở một số nước Đông Nam Á.

Tượng rắn 7 đầu bằng đá

Đến với Wat Phou, du khách còn được tham quan Bảo tàng dưới chân núi. Trong đó có khoảng 100 tác phẩm nghệ thuật được thu thập và khai quật từ di tích này, chủ yếu được là các tượng làm bằng sa thạch. Ấn tượng nhất là có rất nhiều Linga đủ các cỡ. Đặc biệt có cặp Linga-Yoni bằng sa thạch hiếm thấy, có 5 chiếc Linga đứng trên 1 chiếc Yoni. Niên đại của tượng này vào thời kỳ Tiền Angkor. Đây là biểu tượng sinh lực của thần Shiva khá dồi dào (có những 5 chiếc Linga, biểu tượng yếu tố dương cắm trong 1 chiếc Yoni biểu tượng yếu tố âm).

Trong Bảo tàng chúng ta còn thấy các đài thờ, tượng đá khắc các vị thần và vật thiêng của đạo Hindu giáo (tức Ấn Độ giáo) như thần Shiva, đầu thần Vishnu, chim thần Garuda, voi thần, thần sư tử… và nhiều tượng Phật khác.

Một mảng phù điêu trên riềm cửa

Trong thời cực thịnh của mình, Wat Phou như một điểm sáng của Vương quốc Chân Lạp không thua gì Angkor Vat và Angkor Thom. Giữa Wat Phou và Angkor Vat có con đường liên hệ trực tiếp với nhau, khoảng cách khá gần, khoảng 100km. Hai nơi đều là vùng đô hội vì có những địa thế quan trọng trong Vương quốc: một bên nằm ở ven hồ Tongle Sap lắm tôm nhiều cá, một bên là giữa vùng trồng lúa ven sông Mê Kông. Các địa điểm hành lễ này đều được xây dựng uy nghi bằng đá, được khắc hoạ các vị thần, đứng đầu là Shiva, thần khai phá và sáng tạo, những vị thần rắn 7 đầu Naga, các nàng vũ công Apsara tuyệt đẹp…

Dọc đường lên Đền có hàng cột đá biểu tượng Linga 

Dường như, nền văn minh Angkor và Wat Phou có những nét tương đồng của cùng thời Vương quốc Chân Lạp, một nền văn minh mà một nhà thám hiểm người Trung Quốc đến Vương quốc này vào thế kỷ XIII tên là Châu Đạt Quan đã phải kinh ngạc vì một thế giới huyền bí, tâm linh, nhiều đền đài, thành quách kỳ vĩ, nhiều tượng đá tuyệt đẹp. Ông đã từng đóng thuyền đi từ miền Nam Trung Quốc, đến dọc biển Việt Nam, vào cửa sông Tiền Giang rồi ngược thuyền lên tận Biển Hồ, thăm Angkor Vat và chiêm ngưỡng nhiều đền đài ở vùng này.

Wat Phou là một di tích đền nằm trong quần thể một đô thị lớn ở vùng Champasak, nơi đoạn sông Mekong chảy qua, có đến 4000 hòn đảo giữa sông với cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Đó là vùng Siphandone (Siphan nghi 4.000, done nghĩa là đảo). Đi thăm Wat Phou, người ta còn được nghe nhiều truyền thuyết mà nổi bật nhất là chuyện nàng con gái Chúa Mường Champa Nakhon là Nàng Phăn. Nàng bị phụ tình nên có lời nguyền là nếu có một người con gái nào bị phụ tình và chửa hoang thì phải cúng Thần một con trâu để giải tội. Nếu không thì lúa trên rẫy sẽ chết khi thành bông, lúa trên đồng sẽ khô héo, tàn lụi. Thế nhưng, hàng năm vẫn có những người con gái lầm lỡ và có nhiều lễ “giải tội”. Dần dà, lễ giải tội cũng là ngày hội của nam thanh nữ tú. Các chàng trai, cô gái khi bên nhau hình như đã quên đi tội lỗi và lời nguyền của Nàng Phăn. Những ngày lễ giải tội ở Wat Phou lại là ngày nhiều đôi nam nữ thành duyên.

Wat Phou cũng là nơi tổ chức lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, một trong những lễ hội lớn nhất ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Trong ngày hội, nhân dân trong vùng và cả nhân dân vùng Đông Bắc Thái Lan cũng kéo về đây để dự hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn múa nhạc…Các nghi lễ cúng Phật và thờ thần Ấn Độ giáo được song hành tổ chức.

Bài và ảnh: GS Trịnh Sinh

Top