Tạp chí điện tử Thế giới Di sản ra đời tạo thêm kênh mới quảng bá di sản văn hóa, hòa nhập chung xu thế phát triển báo chí thế giới

Ngày 18-3-2016, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tạp chí Thế giới Di sản, Cơ quan của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương Tạp chí điện tử Thế giới Di sản. Tại buổi Lễ, PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản và Tạp chí điện tử Thế giới Di sản, đã có bài phát biểu. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài phát biểu (Tít bài do Ban Biên tập đặt).

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến khai trương Tạp chí điện tử Thế giới Di sản. Trước hết, thay mặt Ban Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và cám ơn các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu đã đến dự sự kiện quan trọng này.

Sau đây, tôi xin phép trình bày một số nét chính về quá trình hoạt động của Tạp chí Thế giới Di sản và sự ra đời của Tạp chí điện tử Thế giới Di sản.

Ngày 23-4-2004, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 28/2004/QĐ-BNV về việc thành lập Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và những người tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Ngay sau khi thành lập, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã khẩn trương từng bước chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của cơ quan ngôn luận của Hội. Từ 3 số thử nghiệm vào năm 2006, ngày 29 tháng 12 năm 2006, Tạp chí Thế giới Di sản, Cơ quan ngôn luận của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chính thức hoạt động theo Giấy phép số 196/GP-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản và Tạp chí điện tử Thế giới Di sản phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Ngọc Quang

Qua gần 10 năm hoạt động, Tạp chí Thế giới Di sản liên tục xuất bản đều đặn hàng tháng được 113 số, phát hành trên 230.000 bản; thực hiện nghiêm chỉnh tôn chỉ mục đích: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; giới thiệu giá trị di sản văn hóa, các công trình nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; cổ vũ các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; bám sát các sự kiện thời sự của đất nước, của ngành trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phản ánh, bình luận và thông tin trung thực, khách quan, xây dựng về các vấn đề di sản văn hóa của đất nước. Nội dung và hình thức của Tạp chí Thế giới Di sản, cùng với thời gian, yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, thường xuyên được đổi mới, mở rộng và nâng cao, từng bước khẳng định bản sắc của một Tạp chí thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, gắn di sản với đời sống, xác lập được vị thế trong hệ thống báo chí nước nhà, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, được bạn đọc gần xa ghi nhận và hoan nghênh.

Các đại biểu xem phần giới thiệu giao diện chính thức của Tạp chí điện tử Thế giới Di sản. Ảnh: Ngọc Quang

Song song với bản tiếng Việt, từ ngày 2 tháng 11 năm 2010, Kỳ 2 của Tạp chí Thế giới Di sản bằng Tiếng Anh, với tên gọi Vietnam Heritage, có Trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, cũng đi vào hoạt động theo Giấy phép số 1648/GP-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến nay, Vietnam Heritage đã xuất bản hàng tháng được 55 số, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

          Mặc dù được phát hành trong phạm vi cả nước, nhưng do số lượng phát hành còn khiêm tốn, lại là tạp chí của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự trang trải kinh phí, nên cũng có nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao, chưa thực sự cập nhật thông tin nhanh nhạy và sâu rộng về di sản văn hóa Việt Nam và thế giới cũng như của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, trước yêu cầu, tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới; ngày 05 tháng 02 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 70/GP-BTTTT cấp phép hoạt động Tạp chí điện tử Thế giới Di sản, với thời hạn 10 năm, từ 05 tháng 02 năm 2016 đến 05 tháng 02 năm 2026.

Sự ra đời của Tạp chí điện tử Thế giới Di sản song song cùng Tạp chí Thế giới Di sản (in) và Vietnam Heritage sẽ tạo thêm kênh thông tin báo chí mới, cung cấp cho bạn đọc những bài báo có giá trị lý luận khoa học, những thông tin chính thống, mang tính định hướng đúng đắn trong công tác quản lý di sản văn hóa; góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam và kích cầu du lịch. Đây cũng là sự kiện quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và đánh dấu một bước phát triển mới của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, hòa nhập chung xu thế phát triển báo chí trên thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi, trước mắt cũng có những khó khăn về kinh nghiệm, về tổ chức,… nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, Tạp chí điện tử Thế giới Di sản sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển trên nguyên tắc giữ vững tôn chỉ, mục đích của Tạp chí.

Nâng ly chúc mừng Lễ Khai trương Tạp chí điện tử Thế giới Di sản.

Ảnh: Ngọc Quang

Từ khi có quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, trực tiếp là Ban Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và sự phối hợp tích cực về mặt kỹ thuật của Công ty Cổ phần Dịch vụ Truyền thông JUGOA, giao diện Tạp chí điện tử Thế giới Di sản đã được hoàn thành, chuẩn bị chính thức bước vào hoạt động phục vụ độc giả sử dụng internet.

Nhân dịp này, Tạp chí Thế giới Di sản xin chân thành cám ơn Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Báo chí, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các cơ quan, cá nhân hữu quan đã ủng hộ, quan tâm, tạo điều kiện để Tạp chí điện tử Thế giới Di sản ra mắt bạn đọc.

Tạp chí điện tử Thế giới Di sản rất mong nhận được sự ủng hộ, cổ vũ động viên, và sự hợp tác, giúp đỡ về mọi mặt của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bạn đọc trong và ngoài nước.

Top