Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018

Nhằm đảm cho người dân tham gia lễ hội thực sự văn minh, an toàn, tiết kiệm. Trong năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới.

Công tác lễ hội ngày càng chuyển biến tích cực

Năm 2017, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh đồng thời thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Việc tổ chức, phục dựng hiệu quả các hoạt động lễ hội góp phần khai thác tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ghi danh 21 lễ hội truyền thống vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên tổng số 88 lễ hội truyền thông đã được ghi danh vào Danh sách từ năm 2012 tới nay. Tại các lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội đã quan tâm khôi phục, bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc có trong lễ hội. Lễ hội Yên Thế (Bắc Giang) đã quan tâm bảo tồn bản sắc văn hóa, các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tổ chức khôi phục các nghi lễ cổ như: phóng ngư, thả điểu... Tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương phục dựng và bảo tồn Lễ cầu mùa dân tộc Si La, tại bản Nâm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé... Năm 2017, tỉnh Cao Bằng khôi phục Lễ hội Lồng Tồng xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh; Lễ hội Đền Kỳ Sâm, xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng. Tỉnh Hà Giang tổ chức phục dựng “Lễ ra đồng” của dân tộc Pu Péo, thôn Chúng Chải, xã Phố Là; Lễ sơn thần thổ địa, dân tộc Cờ Lao, thôn Mã Trề, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn. Tỉnh Hòa Bình phục dựng Lễ hội Gầu Tào, xã Pà Cò, huyện Mai Châu...

Nhìn chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực hơn hẳn năm 2016 và những năm trước đây. Các đơn vị, địa phương khi tổ chức lễ hội đều xây dựng kế hoạch, chương trình, không tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, kinh phí tổ chức lễ hội chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, việc mời khách tham dự lễ hội và thời gian tổ chức mở hội được đảm bảo theo đúng quy định. Có thể khẳng định, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017 được tổ chức đúng quy định pháp luật, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân, những khó khăn, yếu kém trong quản lý và tổ chức lễ hội những năm trước cơ bản đã được khắc phục, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Ở một số địa phương còn chưa quan tâm đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” tại Lễ hội xuân Đinh Dậu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An.

Lễ hội gầu tào của người Mông

Bên cạnh đó, vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại Lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc tại Hội Lim (Bắc Ninh)... Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Cái Lân (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh); Đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa; Đền Bảo Hà (Lào Cai);…

Một số di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; Nâng vé gửi xe không đúng quy định, còn hoạt động xóc thẻ, tán thẻ (Lễ hội đền Bia, cẩm Giàng, Hải Dương); công tác vệ sinh môi trường, ùn tẳc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời, hàng quán kinh doanh có nơi còn lộn xộn, tình trạng kinh doanh trò chơi có thưởng có tính cờ bạc còn diễn ra ở nhiều lễ hội.

Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thời gian tới Bộ VHTTDL sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, thời gian trình Quý I năm 2018. Nghị định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội được thống nhất thực hiện theo các quy định của pháp luật; đồng thời khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Tích cực phối hợp với các Ban, Bộ, ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội tràn lan, vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây những có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tiếp tục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống để ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thế và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội trong giờ hành chính (trừ trường hợp được giao thực thi nhiệm vụ).

Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Nâng cao năng lực quản lý về lễ hội thông qua các lớp tập huấn cho các ban quản lý di tích, chính quyền địa phương và ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội: quy hoạch cụ thể khu vực dịch vụ, nơi sắp lễ, có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Ngay từ đầu mùa lễ hội 2018, Đoàn kiểm tra lễ hội do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) thành lập đã tới các điểm nóng như Đền Sóc (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Khu Di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), Lễ hội Đúc Bụt (Đồng Tĩnh, Tam Dương, Vĩnh Phúc), Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc).

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, "kiểm tra tại các “điểm nóng” nhằm thể hiện quan điểm của Bộ VHTTDL, yêu cầu các địa phương, Ban tổ chức các lễ hội phải cam kết giải pháp triệt để cho những nổi cộm, phản cảm đã diễn ra ở từng lễ hội."

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, "Năm nay, công tác thanh tra, giám sát sẽ được Bộ tiến hành đột xuất, đảm bảo hỗ trợ tối đa cho các địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời với những vấn đề nổi cộm".

Toquoc.vn

 

Top