Sửa đổi Luật Di sản văn hóa: Cần lấp những khoảng trống

(TGDS). Nhìn lại 20 năm kể từ khi Luật Di sản văn hóa ra đời, nhiều vấn đề liên quan tới bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đã được các nhà quản lý, chuyên gia đặt lên bàn Hội nghị - Hội thảo tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 12-1-2022. Các chuyên gia cho rằng, Luật đã đến thời điểm cần sửa đổi và lấp những khoảng trống. Ở đó, phải đánh thức cho được trong mỗi người dân - chủ thể của các di sản tình yêu và ý thức tình nguyện bảo vệ những tài sản vô giá của dân tộc.

Quản lý di sản không có nghĩa là “trói buộc”

Một lần nữa khẳng định di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa cần phải được nhìn ở 2 góc độ, đó là vừa phải bảo vệ, vừa phát huy giá trị di tích, di sản. Bảo vệ không có nghĩa là bó buộc, giá trị của di tích, di sản phải được tỏa sáng, dẫn dắt, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, khẳng định hồn cốt dân tộc…

Nhắc đến một trong những “điểm nghẽn” cần khơi thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản, không thể chỉ chờ đợi vào nguồn lực ngân sách nhà nước. Cần phân tách đâu là nguồn lực của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đâu là nguồn lực có thể xã hội hóa, là nguồn lực của nhân dân. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cũng phải đảm bảo tạo ra sự tương thích với các bộ luật khác để tạo động lực, sức mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhắc lại phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về tiếp tục khẳng định văn hóa là hồn cốt của dân tộc; văn hóa của Việt Nam được tỏa sáng từ các giá trị của di sản vật thể và phi vật thể, trách nhiệm của chúng ta là phải phát huy giá trị đó trở thành sức mạnh mềm để thu hút, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra cộng đồng thế giới..., Bộ trưởng nhấn mạnh, những chỉ đạo đó, căn dặn đó của Tổng Bí thư là mệnh lệnh, yêu cầu toàn ngành phải làm sao để tổng kết một bộ luật thực sự có chiều sâu, đề xuất luật mới có tư duy dài hạn, với cách nhìn, tiếp cận mới.

Có hiệu lực thi hành từ năm 2002, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa. Được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009, một số hạn chế, bất cập trong việc thực thi Luật Di sản văn hóa đã cơ bản được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo đảm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau 20 năm được ban hành và 10 năm được sửa đổi, bổ sung, Luật đã có tác dụng mạnh mẽ đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần tạo ra những thành tựu đáng khích lệ.

Nhưng bên cạnh đó, những khoảng trống đang được tạo ra ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi việc sửa đổi Luật cần sớm lấp đầy. Một trong những biểu hiện rõ nét là thực trạng việc tu bổ di tích, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa vẫn còn bị buông lỏng quản lý, sự thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân địa phương, của người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công, muốn di tích được “xứng tầm”, hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, một số di tích được đầu tư bằng các nguồn vốn của địa phương, nguồn vốn công đức, xã hội hóa được thực hiện theo quy trình, thủ tục triển khai còn chưa đảm bảo.

“Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa xử lý được đầy đủ những phát sinh, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…”, báo cáo của Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh.

Lấp những khoảng trống

Một khoảng trống cũng ngày càng hiện hữu rõ nét là sự lỏng lẻo từ việc phân cấp trong bảo vệ di tích. Bất cập từ đây là nguyên nhân của một số hạn chế như việc bảo tồn chưa được ưu tiên và coi trọng tại các khu di sản, việc khai thác mạnh mẽ đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội; còn hiện tượng vi phạm trong hoạt động tu bổ di tích, xây dựng công trình mới… khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Nhiều vi phạm chỉ được phát hiện khi cơ quan báo chí lên tiếng.

Ngoài ra, nhận thức về di sản văn hóa chưa thật sự sâu sắc và toàn diện. Ở các di tích, bên cạnh việc chấp hành tốt quy định pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa, vẫn còn diễn ra tình trạng nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững. Một số địa phương ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ mà chỉ ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản.

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhấn mạnh, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Từ nhiều góc độ, các chuyên gia, nhà quản lý đều đồng thuận cho rằng Luật Di sản văn hóa cần sớm được sửa đổi, bổ sung. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, việc sửa đổi cần lấp những khoảng trống đang hiện hữu. Điều quan trọng nhất, sửa đổi Luật phải khơi dậy và đánh thức trong mỗi con người tình yêu, nhận thức quan trọng về di sản, từ đó mỗi người sẽ tự nguyện tham gia quá trình bảo vệ, phát huy.

Tham luận gửi đến Hội nghị của PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh vai trò của phản biện xã hội trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa. Theo đó, giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực di sản văn hóa là hoạt động có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. “Thực tiễn cho thấy, rất nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử với di sản được báo đài đưa tin hay người dân phản ánh thông qua mạng xã hội, đã kịp thời cung cấp thông tin đến các nhà quản lý. Vì vậy, cần tranh thủ ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi….”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nêu.

Nhìn nhận về hoạt động của các bảo tàng, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh, các bảo tàng cần đẩy mạnh hơn chức năng nghiên cứu khoa học, chức năng giáo dục đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Từ góc nhìn này, bà Lý đề nghị sửa lại và bổ sung một số nội dung trong định nghĩa về Bảo tàng trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi tới đây.

Ở một góc nhìn khác, Đại biểu QH khóa XV, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng cố vấn  MED group, nơi vừa cho ra đời Bảo tàng ngoài công lập Di sản các nhà khoa học Việt Nam, và từ nhiều năm trước là Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cho rằng: Cần chú trọng khía cạnh di sản phải tạo được những hiệu quả kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là phải làm đúng, làm cho các di sản vừa được phát huy và lan tỏa giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế nhưng vẫn cần phải bảo tồn nguyên vẹn, không bị xâm phạm giá trị nguyên gốc. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển hài hòa. Trao đổi thêm với Thế giới Di sản, ông Trí nêu: Có thể cho phép “nhân bản di sản” có kiểm soát để phổ biến, lan tỏa di sản. Ví dụ: khách tham quan rất muốn mua một “đôi dép Bác Hồ” làm kỷ niệm, nhà nước cho phép Bảo tàng Hồ Chí Minh được phép nhân bản dựa trên nguyên mẫu đôi dép của Bác và ghi rõ là “phiên bản”. Như thế chúng ta có thêm nguồn thu, còn khách tham quan thì yên tâm vì đôi dép được thực hiện bởi một cơ quan được cấp phép chứ không phải từ thị trường tự do... “Đối với các hiện vật, bảo vật khác cũng có thể thực hiện như vậy” - Ông Trí cho rằng nên cụ thể vấn đề này trong Luật sửa đổi.

MAI PHƯƠNG NGÂN

Ảnh: TRẦN HUẤN

 

 

Top