Sôi nổi các hoạt động chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11

Nhiều sự kiện văn hóa sôi nổi, hấp dẫn và đặc sắc nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11 đã diễn ra trên cả nước.

* Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2017

Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2017 diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 18-23/11) với 5 nhóm hoạt động chính: Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”; Tái hiện Văn hóa chợ nổi Cái Răng - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Hoạt động của cộng đồng các dân tộc tại Làng; Hội thảo - Tọa đàm chủ đề “Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ mới”; Lễ khánh thành giai đoạn I chùa Pháp Ấn.

* Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh – Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên

Từ ngày 21 đến 23-11, tại số 2 Hoa Lư, Vân Hồ (Hà Nội), Bộ VHTTDL phối hợp với ủy ban nhân dân 15 tỉnh thành và cơ quan ban ngành, tổ chức “Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh - Nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” lần thứ hai năm 2017.

Khu vực triển lãm chung với tiêu đề “Ấn tượng di sản thiên nhiên Việt Nam” là một bức tranh tổng quát về di sản thiên nhiên Việt Nam với vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh cùng các giá trị đa dạng sinh học, nét văn hóa đặc sắc, những nét đặc trưng trong sinh hoạt và đời sống của con người gắn với môi trường…

Cắt băng khai mạc Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh

Tại khu vực trưng bày địa phương, thông qua những mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, sinh vật cảnh, trình diễn nghệ thuật và thao tác tay nghề tại khu trưng bày, Ban Tổ chức đã làm nổi bật giá trị di sản thiên nhiên của mỗi vùng, miền, đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch, các sản vật đặc trưng tiêu biểu được nuôi trồng trong khu dự trữ sinh quyển, các di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận, các vườn di sản ASEAN, vườn quốc gia của địa phương. Trong đó có: Di sản Thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh); Khu Dự trữ sinh quyển Cát Tiên (Đồng Nai); Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng); Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai); Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn)...

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là thành viên Ban Tổ chức sự kiện. Tại Tuần Văn hóa Du lịch Di sản xanh, Hội triển lãm giới thiệu 100 bức ảnh đẹp về di sản Việt Nam của 66 nhiếp ảnh gia được chọn lọc từ 3.479 tác phẩm dự thi của Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017 do Tạp chí Vietnam Heritage và Canon tổ chức.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, còn có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm của thế hệ trẻ với việc bảo tồn di sản như Ngày hội vẽ tranh “Thiếu nhi với di sản thiên nhiên Việt Nam”; Giao lưu và thi tìm hiểu “Tuổi trẻ với di sản thiên nhiên” của sinh viên các trường đại học, cao đẳng với các tỉnh, thành phố tham gia Tuần Văn hóa Du lịch. Một không gian ẩm thực giới thiệu các món ăn Việt Nam do các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng thuộc Hiệp hội ẩm thực Hà Nội trình diễn và chế biến là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

* Triển lãm và trao giải Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017

Từ ngày 26-10-2017 đến 30-3-2018, tại Hà Nội, Tạp chí Vietnam Heritage trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Triển lãm 100 tác phẩm xuất sắc nhất của Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017 tại 7 trung tâm du lịch, bảo tàng và các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hưng Yên...

Cuộc thi năm nay tập trung vào 5 chủ đề: Thiên nhiên, Văn hóa vật thể, Văn hóa phi vật thể, Đời sống và Chợ. Ảnh dự thi được chia thành hai thể loại: Ảnh đơn và ảnh bộ. Với chủ đề và thể loại phong phú đa dạng, các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên đã có cơ hội tái hiện nét đẹp đất nước, con người Việt dưới nhiều góc nhìn độc đáo và đặc sắc.

Tạp chí Vietnam Heritage tổ chức Triển lãm 100 tác phẩm xuất sắc nhất của Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017 tại Hà Nội

Ngày 21-11-2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Vietnam Heritage đồng hành cùng nhà tài trợ chính Canon tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017. Sau khi phát động, Cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam 2017 đã nhận được 3.479 tác phẩm dự thi.  Ban Tổ chức đã chọn 16 tác phẩm ảnh xuất sắc nhất của các tác giả đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để trao giải. Theo đó, ba giải Nhất của cuộc thi đã thuộc về các tác phẩm: “Kể chuyện ghe Ngo trăm tuổi” (Đinh Công Tâm); “Xóm chai Đầm Chuồn” (Hà Văn Đông); “Về đích” (Ngô Minh Phương). Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao ba giải Nhì, ba giải Ba và 7 giải Khuyến khích cho các tác giả chuyên và không chuyên đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

* Hội thảo khoa học về Giá trị Cụm Di tích lưu niệm thờ Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh

          Ngày 15-11-2017, tại Cẩm Giàng, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Giá trị Cụm Di tích lưu niệm thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương” với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan có liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

          17 báo cáo tham luận gửi về, trong đó có trên 10 tham luận và ý kiến được trình bày trực tiếp tại Hội thảo, tập trung vào các nội dung như: Cụm di tích thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh từ góc nhìn di sản văn hóa; Lưu niệm danh nhân từ nhận thức đến thực tiễn; Những giá trị về kiến trúc và di sản văn hóa vật thể tại Cụm di tích; Hội Nam y với việc kế thừa phát huy tri thức y dược của Y tổ; Tuệ Tĩnh - Tiểu sử và sự nghiệp; Nhận diện giá trị DSVH phi vật thể gắn với di tích thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh....

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp và những thành tựu tri thức y dược cổ truyền mà Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh để lại; Giá trị lưu niệm, kiến trúc nghệ thuật của Cụm Di tích thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh, đặc biệt, nghề trồng cây thuốc nam và không gian văn hóa đã làm tăng thêm giá trị của Cụm Di tích này. Những ý kiến đóng góp và nguồn tư liệu mà các nhà khoa học, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo này sẽ là tư liệu cơ sở quan trọng góp phần bổ sung nguồn tư liệu khoa học quý báu cho việc lập hồ sơ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, xứng tầm với công lao to lớn của Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh.

* Cúng tiến chuông, tượng

Ngày 5-11-2017, Liên Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam Hội Chân Tâm phối hợp với Trụ trì Chùa Pháp Vân, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội tổ chức Đại lễ đúc Đại hồng chung và đúc tượng Phật Thích Ca Mô Ni.

Chùa Pháp Vân được khởi dựng từ thời Nhà Lý, trải qua hàng ngàn năm chùa Pháp Vân đã bị xuống cấp, đồ thời tự bị thất lạc và thiếu thốn nhiều. Nhân dân địa phương và thầy Thích Đàm Hường – Trụ trì chùa mong muốn đúc một pho tượng Phật Thích Ca Mô Ni và một quả chuông. Phát huy truyền thống trong những năm vừa qua, đã cúng tiến nhiều chuông, tượng phật ở các di tích lịch sử văn hóa, hội viên Liên Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam Hội Chân Tâm cùng nhà chùa, khách thập phương phát tâm công đức đúc thành công pho tượng Phật Thích Ca Mô Ni nặng 2100 kg và một quả chuông Đại hồng chung nặng 500 kg với giá trị hơn 1 tỷ đồng. Đây là thành tích thiết thực kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và chào mừng Đại hội III Liên Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam Hội Chân Tâm.

* Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng

Chiều 17-11-2017, tại Bảo tàng Đà Nẵng đã khai mạc Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng năm 2017. Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức hoạt động này nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11.

Liên hoan làng nghề truyền thống xứ Quảng có sự tham gia của 15 làng nghề truyền thống ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống ở xứ Quảng, đồng thời để công chúng được dịp tìm hiểu, khám phá nét đẹp, các giá trị văn hóa đặc sắc của các làng nghề truyền thống và được trải nghiệm thực tế. Tại đây, người dân và du khách sẽ được tham gia một số công đoạn trong quá trình sản xuất sản phẩm và thưởng lãm những sản phẩm đặc sắc của các làng nghề nổi tiếng.

* Trưng bày nhiều cổ vật, di sản văn hóa thời Lý - Trần 

Ngày 21-11, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương tổ chức Trưng bày Di sản văn hóa thời Lý - Trần qua hệ thống di tích và phát triển khảo cổ học trên đất Hải Dương.

Trưng bày chuyên đề được chia thành hai nội dung: Giới thiệu di tích, nhân vật thời Lý-Trần trên đất Hải Dương và trưng bày cổ vật, những phát hiện khảo cổ học từ thế kỷ XI - XIV tại Hải Dương. Đặc biệt, Ban Tổ chức đã giới thiệu tới công chúng gần 300 hiện vật, hình ảnh được sưu tầm, khai quật, nghiên cứu bảo quản trong nhiều năm qua.

Trưng bày diễn ra đến ngày 5-12-2017.

* Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nghi lễ chầu văn của người Việt 

Ngày 21-11-2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề "Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam". 

Trưng bày chuyên đề "Nghi lễ chầu văn của người Việt ở Hà Nam" gồm ba chủ đề: Nghi lễ chầu văn - không gian văn hóa thiêng; nghi lễ chầu văn - hành trình tâm linh; nghi lễ chầu văn - phát huy và lan tỏa. Hàng nghìn hình ảnh, tài liệu và hiện vật được sưu tầm, chắt lọc từ 185 di tích trong hệ thống thờ Mẫu Tứ phủ và Đức Thánh Trần tại các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã được giới thiệu. 

* Triển lãm “Áo dài xưa và nay”

Ngày 21-11- 2017, tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TP. Hồ Chí Minh khai mạc Triển lãm chuyên đề “Áo dài xưa và nay”.

Với khoảng 200 hình ảnh và hiện vật, Triển lãm gồm 2 phần: Phần 1: Lịch sử hình thành và phát triển chiếc áo dài Việt Nam; Phần 2: Áo dài gắn liền với những phụ nữ tiêu biểu có nhiều cống hiến.

Triển lãm diễn ra đến tháng 3-2018.

* Đại hội Hội Di sản văn hóa tỉnh Phú Thọ lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022

Ngày 22-11,  tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Dự Đại hội có lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa – Bộ VHTTDL, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, tỉnh Phú Thọ cùng đại diện phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành, thị…

Được thành lập ngày 30-3-2011 theo Quyết định số 1049/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết và đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh và những người quan tâm tới di sản văn hóa vùng Đất Tổ. Qua 5 năm hoạt động, với sự chủ động, tích cực và nỗ lực vượt khó, Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ đã ghi được nhiều dấu ấn góp phần quan trọng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của tỉnh. Hiện nay Hội Di sản Văn hóa tỉnh có 4 chi hội cơ sở và 135 hội viên, tăng 77 hội viên so đầu nhiệm kỳ. Hội đã tham gia nghiên cứu, tư vấn, phản biện, xây dựng, bảo vệ và tuyên truyền cho công tác xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ trình UNESCO xem xét ghi danh hai di sản văn hóa phi vật thể là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt, Hội Di sản Văn hóa tỉnh đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá, vận động UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2017.

        BCH Hội Di sản Văn hóa tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2017-2022

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San và Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ ghi nhận và biểu dương kết quả mà Hội Di sản Văn hóa tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Hội Di sản văn hóa tỉnh cần tiếp tục củng cổ về tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, nòng cốt tại các tổ chức Hội; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về việc xây dựng giá trị văn hóa cộng đồng. Đặc biệt tăng cường quảng bá di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ với thế giới; tạo điều kiện để bạn bè quốc tế, đồng bào ta ở nước ngoài có điều kiện tìm hiểu và tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa….

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Di sản văn hóa tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 15 thành viên. Đại hội suy tôn ông Nguyễn Hữu Điền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh là Chủ tịch Danh dự Hội Di sản Văn hóa tỉnh. Ban Chấp hành họp phiên thứ nhất, bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy ban Kiểm tra. Ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Thường trực Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên BCH Hội DSVHPT nhiệm kỳ I, được tín nhiệm là Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa tỉnh.

                                                                                                P.V 

 

 

 

 

 

 

 

Top