Rượu làng Vọc

Làng Vọc nằm cuối huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Trải qua bao thăng trầm, từ thời kỳ nấu rượu bị coi là bất hợp pháp, đến thời kinh tế mở cửa, lương thực dồi dào, làng nghề dần được khôi phục và phát triển. Rượu Vọc vào Nam lên ngược, chẳng những được tiêu thụ trong nước, mà đã có mặt ở nước ngoài và là món quà quý cho du khách, Việt kiều mỗi khi về thăm quê.

Tương truyền, từ thế kỷ XIII, trên dòng Ninh Giang, thuyền rồng của Nhà Vua, thuyền buôn của các “chú Khách” thường xuyên về làng Vọc chở gạo, chở rượu đi giao dịch thập phương. Rượu làng Vọc đã theo chân thương nhân vào đến xứ Thanh, xứ Nghệ, lên xứ Lạng, Lào Cai, rồi được cung tiến dâng Vua ngự lãm. Rượu làng Vọc thơm nức mùi hương gạo, có vị đậm đà, ngọt lịm mà không say. Từ bao đời nay, người làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu. Rượu được nấu bằng gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc nấu với gạo nếp, mà còn nhờ thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước đặc thù kết hợp với kỹ thuật nấu cổ truyền tạo nên bản sắc riêng. Công đoạn làm rượu rất công phu, phải qua 11 bước và khâu quan trọng nhất là chế biến men. Cơm rượu nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men, sau đó cho vào vò sành ủ 48 tiếng, khi có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì đem nấu. Chỉ có một số người trong làng là học và làm được men thơm, ngon giữ được đúng hương vị đặc trưng của rượu làng Vọc. Úp men 2-3 ngày, tùy theo nhiệt độ ngoài trời. Khi đưa vào nấu rượu, gạo được sát chuội thổi thành cơm để đảm bảo không ướt dính, không khô quá rồi vào men, cho vào cong để ủ. Chờ khoảng 2 ngày, khi có nước mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm nữa là có thể đun được. Nồi nấu rượu chỉ gồm có nồi đồng vấu tầu, máng gỗ, còi tre.

Từ lâu người làng Vọc đã xây dựng được hương ước bảo vệ và giữ gìn bí quyết gia truyền. Quy ước quy định rõ ràng về chất lượng rượu cổ truyền làng Vọc, rượu chỉ dùng men thuốc Bắc, nấu với gạo đặc sản của quê hương, nghiêm cấm việc sản xuất rượu kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của làng. Hiện nay có nhiều công nghệ sản xuất rượu hiện đại nhưng người làng Vọc vẫn cất rượu theo phương pháp cổ truyền. Cầm chai rượu trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu chạy quanh chai bám chặt với nhau toả ra hương thơm ngào ngạt.

Từ bao đời nay, người làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu riêng của làng (Ảnh: TL)

Nghề nấu rượu của làng đã phát triển từ rất lâu. Ngày trước hầu như gia đình nào cũng trực tiếp làm men rồi tự chưng cất rượu đem bán cho các vùng lân cận. Ngày nay, sự tấn công ồ ạt của rượu ngoại cùng với sự ra đời của rất nhiều đồ uống khác nhau đã khiến rượu gạo (còn gọi là rượu cuốc lủi) truyền thống cũng mất dần ưu thế. Vì thế, ở làng Vọc người ta cũng không nấu nhiều rượu nữa. Tuy nhiên, có một gia đình đã quyết tâm vực dậy danh tiếng cho rượu Vọc. Đó là gia đình ông Đỗ Văn Long, ông chủ của thương hiệu Vọc Long Tửu nổi tiếng cả nước. Sinh ra trong gia đình theo nghề nấu rượu lâu đời, ông Long rất buồn khi thấy rượu quê mình ngon mà chỉ bán quanh quẩn mấy vùng lân cận. Ông quyết định phải xây dựng một thương hiệu cho rượu Vọc để có thể tự tin mang sản phẩm quê mình đi xa hơn nữa. Tất nhiên ông phải giữ đúng phương pháp truyền thống. Vào mùa rượu (bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau), mỗi ngày gia đình ông nấu từ 60-100 lít rượu nếp. Một trong những yếu tố làm nên hương vị đặc trưng của rượu Vọc là nguồn nước nơi đây. Nước dùng để chưng cất rượu là nước giếng khơi trong. Một số người đã mang nghề nấu rượu truyền thống quê mình đến các nơi khác làm ăn nhưng rượu nấu lên không thể có hương vị giống với rượu được chưng cất tại làng Vọc này được. Hiện nay, Vọc Long Tửu đang có mặt trên thị trường cả nước nhất là các thành phố lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và được du khách mua làm quà mang sang các nước Nhật, Đức, Pháp, Nga... để làm quà và quảng bá thương hiệu. Vọc Long Tửu đã đoạt được nhiều giải, cúp vàng về chất lượng và mẫu mã cùng nhiều câu thơ ca tụng.

Nghề nấu rượu của làng đã phát triển từ rất lâu. (Ảnh: TL)

Nhờ sự giáo dục qua nhiều thế hệ làng nghề về cái tâm trong sáng nên dù trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt nhưng rượu Vọc vẫn giữ được hương vị đậm đà, không phai lẫn với hàng trăm thứ rượu đang có mặt trên thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh, rượu chỉ đóng trong vò sành, nậm gốm chứ không đựng trong can hoặc chai nhựa. Được khách hàng gần xa biết đến, nhất là trong thời kỳ hội nhập WTO, thị trường rượu Vọc ngày càng mở rộng. Hương rượu Vọc đã bay tới Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, là món quà không thể thiếu của những người con xa quê hương.

Năm 2006, rượu Vọc đã đoạt giải Nhất về mẫu mã và giải Nhì về chất lượng tại Hội thi tuyển chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống do Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức. Đầu năm 2007, rượu Vọc được tặng Bằng khen tại Hội chợ Triển lãm thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Năm 2006, rượu Vọc đã đoạt giải Nhất về mẫu mã và giải Nhì về chất lượng tại Hội thi tuyển chọn các sản phẩm làng nghề truyền thống do Bộ Văn hoá - Thông tin tổ chức. (Ảnh: TL)

Rượu Vọc đã trở thành đặc sản quý không chỉ của Hà Nam. Niềm tự hào đó nhắc nhở người làng Vọc càng phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống của làng nghề, để rượu Vọc chiếm lĩnh được thị trường, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hồng Quân

Top