Rối nước Nhân Hòa
Phường Rối nước Nhân Hoà thành lập năm 1978, là 1 trong 14 phường Rối nước còn lại của Việt Nam. Từ 10 nghệ nhân lúc ban đầu, đến nay phường có gần 20 người, trong đó có 3 nghệ nhân nữ. Những năm gần đây, hoạt động của phường tương đối đều đặn nhờ vào việc thu hút khách du lịch nước ngoài. Trung bình Phường đón khoảng 20 tour khách/tháng, có tháng 40-50 tour, chủ yếu đến từ các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ. Nhiều nghệ nhân trong phường gắn bó với nghề mấy chục năm như các ông Trần Văn Phước, Nguyễn Văn Luật...
Phường Rối được khôi phục lại và đi vào hoạt động từ năm 1991. Đến nay, phường Rối có 16 người (trong đó có 3 nữ), đều là con em trong làng. Trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, nghề múa rối nước cổ truyền của làng bị thất lạc, nay chỉ sưu tầm được 5 trò múa rối cổ là: Chọi trâu, Múa rồng, Múa lân, Cáo bắt vịt và Đánh cá... Các nghệ nhân phường Rối chia nhau người dựng lại các trò múa, người dạy cho tụi trẻ trong làng cách múa rối. Đến nay Phường đã có hơn 100 con rối to nhỏ các loại, diễn được hơn 30 trò múa rối... độc đáo, mang đậm chất làng quê vùng biển sôi động, thu hút và cuốn hút người xem.
(Ảnh: TL)
Đội nhạc của phường Rối Nhân Hòa có ông Trần Đức Tụ, 52 tuổi, nguyên là Đại úy Bộ đội Thông tin. Nay được phục viên về làng, ông đảm nhận đánh trống. Ông Trần Đức Thịnh, 62 tuổi, cũng nguyên Đại úy, lái xe đoàn 359 Bộ đội Trường Sơn, phục viên về làng đảm nhận đánh đàn nhị. Các ông học đánh đàn và trống từ thời đi bộ đội, bây giờ về làng tự học thêm và chơi nhạc Chèo cho phường rối. Các cô gái làng như: cô Liên 38 tuổi, cô Miên 40 tuổi và cô Xuyến 41 tuổi... đảm nhận hát Chèo. Giọng hát chèo của các cô cũng rất truyền cảm, đậm chất hương đồng gió nội.
Giữa lúc nhiều phường vẫn phải ngày ngày mang rối đi diễn làng gần, làng xa như trăm năm trước, phường Rối Nhân Hoà đã biến ao làng thành sân khấu với những suất diễn cố định hằng tháng. Nghệ nhân diễn rối - đương nhiên - vẫn là những nông dân làm ruộng. Đang gặt ở dưới đồng nhưng thấy thông báo có khách du lịch đến là bỏ ruộng chạy vội về nhà, thay quần áo và trở thành... nghệ sĩ. Chuyện rối làng làm du lịch đã bắt đầu từ hơn chục năm về trước. Năm 1995 phường Rối bắt đầu chương trình biểu diễn rối nước cho khách du lịch. Thời gian đầu, thi thoảng mới diễn một buổi. Cứ diễn cầm cự như thế, có những lúc nản chí quá, tưởng bỏ không làm nữa nhưng rồi cũng qua được thời gian khó. Mùa đông nhất của rối, mỗi tháng phường Nhân Hòa biểu diễn hơn 30 buổi. Có những lúc ba đoàn đến một lúc, anh em phải cho đoàn đi tham quan trong làng rồi diễn phục vụ từng đoàn một. Cứ có lịch là diễn, đang vụ mùa cũng vẫn diễn như ngày nông nhàn. Nhiều anh em diễn xong để lại đồ đạc, chạy vội ra đồng đi cấy tiếp...
Trong Liên hoan nghệ thuật Rối nước dân gian tại Festival Huế 2004, phường rối nước Nhân Hòa có nhiều tiết mục đạt giả A, B. Tháng 4-2005, tham gia Liên hoan Rối nước không chuyên toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, nhiều tiết mục của phường đạt Huy chương vàng, bạc và Bằng khen... Tại Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất (từ 13 đến 18-6-2011) do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL Hải Dương tổ chức, trong số 15 phường múa rối của 7 tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng , Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, có 3 phường múa rối dân gian thuộc huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng ) tham dự là: Bảo Hà, Minh Tân (rối cạn), Nhân Hoà (rối nước). Phường múa rối nước Nhân Hoà đoạt 2 giải A (chương trình múa rối và trò diễn hay).
Để phục vụ việc biểu diễn mỗi năm phường phải làm ít nhất 2 bộ con rối, một bộ con rối có 60-70 con trò. Làm một bộ con rối người thợ phải mất nhiều thời gian, công sức, qua nhiều công đoạn: đục đẽo, phủ sơn, trang trí, số tiền chi phí lên đến 25-30 triệu đồng/ bộ. Muốn làm được một con rối tinh xảo, nhất thiết phải làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ thì con rối mới dễ dàng nổi trên mặt nước. Nhưng gỗ sung khó kiếm, có khi phải vất vả lên tận vùng rừng núi mới mua được. Thêm nữa, việc bảo quản con rối không dễ vì khi xuống nước con rối chóng mục, hư hỏng.
(Ảnh: TL)
Vài năm nay Rối nước Nhân Hoà có bước phát triển đáng kể, nhưng thực tế còn nhiều khó khăn, chi phí đầu tư làm con rối, mỗi năm Phường mất đến cả trăm triệu đồng. Khoản tiền này không dễ có đối với phường Rối ở vùng quê thuần nông. Đời sống của nghệ nhân phường rối còn nghèo. Hầu hết nghệ nhân là nông dân, sống bằng nghề làm ruộng, việc diễn rối như là cách để họ giữ gìn nghề gia truyền. Tiền công của mỗi người sau một buổi biểu diễn chỉ từ 30.000-35.000 đồng. Có những hôm trời rét cắt da cắt thịt, nghệ nhân lội nước mấy tiếng đồng hồ, lúc lên người nào người nấy run cầm cập, tê cứng tay chân, mặt mày tím tái. Ngoài những khó khăn đó, những nghệ nhân cao tuổi của phường Rối Nhân Hòa còn canh cánh nỗi lo về sự thiếu hụt đội ngũ kế cận trẻ tuổi, đam mê và tâm huyết với nghề. Tìm người đã khó, nhưng để giữ được người bám trụ với nghề còn khó hơn. Thanh niên trong làng giờ không còn mấy ai hào hứng, mặn mà với nghề truyền thống của cha ông, vì công việc vất vả, tiền công không đủ sống. Nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến nhiều người không bám trụ lâu dài với nghề. Phần lớn thanh niên đi làm ăn ở nơi khác, số ít ở lại làng cũng đi làm giày da, gấu bông. Các nghệ nhân phường Rối nay hầu hết tuổi đều cao, người trẻ nhất cũng ở tuổi 40. Trong câu chuyện về nghề ông Phước, Trưởng phường không giấu tiếng thở dài: “Chỉ 5- 10 năm nữa thôi, khi lớp chúng tôi không đủ sức để xuống nước được nữa, nghề múa rối Nhân Hòa không biết sẽ ra sao?”.
Gìn giữ, phát huy nghệ thuật múa rối nước - một nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương và dân tộc, không chỉ là niềm mong ước của lớp nghệ nhân cao tuổi phường rối nước Nhân Hòa. Để duy trì và phát huy rối nước Nhân Hòa, góp phần vào sự phát triển chung, quảng bá du lịch của địa phương cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước, thành phố và các ngành chức năng. Có vậy mới tìm được đội ngũ trẻ kế cận để tiếp tục giữ nghề.
Hoài Nam