Quần thể Thương cảng Vân Đồn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Quần thể Thương cảng Vân Đồn và di tích kiến trúc - nghệ thuật đình Trà Cổ, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến thuyền thương mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long.

Trên phạm vi khoảng 200 km2, có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi), Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn), Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu), Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.

Một góc Vân Đồn hiện nay.

Trong khi đó đình Trà Cổ là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thành phố Móng Cái đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1974.

Đây là ngôi đình có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi đình Trà Cổ vẫn vững chãi nơi địa đầu Tổ quốc như một cột mốc văn hóa khẳng định chủ quyền nơi biên ải. Năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong…

Hàng năm, từ ngày 30/5-3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống. Đây là lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi "Ông voi" (lợn) độc đáo.

P.V

 

Top