Quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là đặc sản của xứ Nghệ. Cũng như dân ca các vùng, miền trong cả nước, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xuất hiện từ lâu đời, có sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống nhân dân.

Trải qua thăng trầm, biến đổi của lịch sử, dân ca đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục tư tưởng, tình cảm cho nhân dân và làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc kế thừa và phát huy vốn cổ quý báu đó được đặt ra như một tất yếu lịch sử và là bổn phận thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa. Chính vì vậy, hàng chục năm qua, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không những được bảo tồn bằng hình thức hát dân ca truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ theo hướng sân khấu hóa. Nhìn lại quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, chúng ta có thể thấy được những nét khái quát của kết quả đạt được, quá trình đó có thể chia làm ba giai đoạn:

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là đặc sản của xứ Nghệ.

- Giai đoạn 1: Từ 1972- 1985: Giai đoạn này chủ yếu tập trung làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và thể nghiệm một số vở để rút kinh nghiệm, trong đó có vở “Cô gái sông Lam” của tác giả Nguyễn Trung Phong, được chuyển thể từ chèo sang. Đỉnh cao của giai đoạn này là vở “Mai Thúc Loan” của tác giả Phan Lương Hảo, được tặng Huy chương Vàng cho vở diễn, nhạc sĩ và hai diễn viên chính tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Vở “Mai Thúc Loan” được thể nghiệm thành công toàn diện từ khấu kịch bản, đạo diễn, âm nhạc thiết kế mỹ thuật, phục trang…Sự thành công này là tổng hợp cả quá trình thể nghiệm trong giai đoạn 1. Đồng thời đề xuất được một số hướng phát triển mới như: Tìm phong cách riêng cho sân khấu dân ca, hát nói, hát có tính kịch sâu sắc trong sân khấu dân ca… Giai đoạn 1 đã tổ chức được hai cuộc hội thảo khoa học quan trọng vào các năm 1976, 1984. Hội thảo khoa học đã khẳng định được phương hướng phát triển cho bộ môn kịch hát dân ca, tạo điều kiện để đoàn dân ca tiếp tục nghiên cứu, thể nghiệm trong giai đoạn tiếp theo.

- Giai đoạn 2: Từ 1986 - 1991: Sau thắng lợi của vở “Mai Thúc Loan”, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã được giới sân khấu cả nước công nhận, trở thành một bộ môn kịch hát mới “Kịch hát dân ca”. Nhiều vở diễn có quy mô hoành tráng lại được tiếp tục giàn dựng, thể nghiệm và công bố kết quả phục vụ nhân dân trong tỉnh, một số tỉnh, thành phố khác và đưa lên hệ thống thông tin đại để chúng phục vụ nhân dân trong cả nước. Giai đoạn này, ngoài việc tiếp tục thể nghiệm đề tài dân gian, lịch sử, dã sử như “Bão táp cửa Kỳ Hoa” của tác giả Phạm Ngọc Côn, “Ông vua hóa hổ” của tác giả Lưu Quang Vũ, đoàn còn mạnh dạn thể nghiệm đề tài hiện đại như: “Hai ngàn ngày oan trái”, “Quyền được sống hạnh phúc” của tác giả Lưu Quang Vũ…Giai đoạn này tổ chức được một cuộc hội thảo khoa học vào năm 1987, hội thảo khoa học đã đánh giá được kết quả thể nghiệm của giai đoạn 1, đồng thời mở ra một số hướng quan trọng để tiếp tục thể nghiệm trong giai đoạn tiếp nối.

- Giai đoạn 3: Từ 1992 đến nay (Giai đoạn này tính từ sau khi chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh): Giai đoạn này đã mạnh dạn thể nghiệm nhiều vở đề tài hiện đại và một số vở đề tài dân gian. Trong đó có một số vở diễn thể nghiệm thành công như “Chuyện tình ông vua trẻ” của tác giả Phùng Dũng, được tặng Huy chương Bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Vở sử thi nghệ thuật “Danh nhân lớn lên từ điệu hò, câu ví” của tác giả Vũ Hải, được tặng giải Xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Dân ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1999. Vở diễn này được thể nghiệm theo phong cách mới, từ khâu kịch bản, giàn dựng đến âm nhạc. Vở “Vết chân tròn trong bão tố” của tác giả Vũ Hải được tặng Huy chương Vàng  tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp miền duyên hải năm 1996, đề tài hiện đại, thể nghiệm theo phong cách mới. Giai đoạn này, Đoàn Dân ca Nghệ An cũng được nâng lên thành Nhà hát Dân ca, rồi Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ. Từ khi được nâng lên thành Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Dân ca xứ Nghệ đến nay, ngoài nhiệm vụ tiếp tục thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh ở bước cao hơn, còn có trách nhiệm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân (được khoán chỉ tiêu hàng năm như các đoàn nghệ thuật khác). Ngoài ra, Trung tâm còn có nhiệm vụ quan trọng là tham mưu cho tỉnh và sở về việc bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Nhất là quá trình lập hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, Trung tâm đã tham mưu cho tỉnh và sở tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học quan trọng tại Nghệ An về Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Trung tâm đã cùng với các đơn vị chuyên môn của bộ và hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tổ chức cho đoàn đại diện UNESCO về kiểm tra Ví, Giặm, tổng kiêm kê phổ thông và kiểm kê khoa học về Ví, Giặm nguyên gốc, đây là căn cứ quan trọng để đưa vào hồ sơ khoa học, giúp các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá thật đầy đủ các giá trị nổi bật, riêng có của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để đưa vào hồ sơ khoa học trình UNESCO. Đặc biệt, đã phối hợp với chính quyền các địa phương trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, xây dựng và phát triển hệ thống câu lạc bộ hát dân ca, một hệ thống tổ chức quan trọng chuyên thực hiện nhiệm vụ đưa dân ca về với cộng đồng. Trung tâm phải làm nhiều việc như vậy cho nên việc thể nghiệm sân khấu hóa không được duy trì và phát triển như giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Tuy nhiên, giai đoạn từ 1992 đến nay, cũng không phải làm như hai giai đoạn trước, vì sân khấu thể nghiệm dân ca đã được định hình từ giai đoạn 1; Giai đoạn 2 chỉ bổ sung thêm bước thể nghiệm đối với đề tài hiện đại; Còn gai đoạn 3, chúng ta chỉ tập trung thể nghiệm đối với những vở diễn có quy mô hoành tráng, những vở diễn chuẩn bị cho các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Còn lại, chúng ta có thể giàn dựng các vở diễn để phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị theo cách đã làm ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Sau đây, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về các lĩnh vực thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh:

- Về sáng tác và chuyển thể kịch bản: Kịch bản được xem là vấn đề cốt tử của sân khấu. Từ trước đến nay, đây là vấn đề băn khoăn, trăn trở của những người làm công tác sân khấu nói chung và sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng. Bởi vì cho đến nay, chưa có tác giả viết kịch bản riêng của loại hình sân khấu này, chưa có kịch bản hay viết cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Nếu nói vở “Mai Thúc Loan” của tác giả Phan Lương Hảo là viết riêng cho sân khấu dân ca thì cũng phải sửa chữa, cấu trúc lại, viết lại mới thành. Tác giả Vũ Hải có nhiều đóng góp cho sân khấu dân ca nhưng chắc chắn cũng chưa có vở nào Vũ Hải viết thẳng cho sân khấu dân ca mà cũng phải qua chuyển thể. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ qua, sân khấu thể nghiệm dân ca Nghệ Tĩnh đã chọn được nhiều kịch bản hay để chuyển thể, có một số kịch bản đã được khẳng định, đôi khi nhầm đó là kịch bản viết riêng cho sân khấu dân ca.

Kịch bản đã không viết riêng cho sân khấu dân ca thì người chuyển thể đóng một vai trò hết sức quan trọng, họ đã làm cho kịch bản dưới dạng kịch hát nói chung, thậm chí dưới dạng kịch nói điều phải chuyển sang kịch hát dân ca. Kịch hát nói chung chuyển sang kịch hát dân ca là cùng một dạng kịch bản viết cho sân khấu ca kịch. Nhưng kịch nói chuyển sang kịch hát dân ca, người chuyển thể phải rất công phu, giống như viết lại vở kịch nói đó trở thành kịch hát. Phải thay đổi những lớp diễn gần gũi với kịch hát hơn. Phải lồng các làn điệu dân ca nguyên gốc, dân ca cải biên vào những lớp diễn đó. Nếu chưa có lời thơ của tác giả kịch bản thì người chuyển thể cũng phải làm thay, mới có lời lồng vào các điệu hát.

Với cách làm đó, nhiều thập kỷ qua chúng ta đã thể nghiệm thành công  nhiều loại hình kịch bản: Chính kịch, bi kịch, bi hài kịch…với các đề tài chính sử, dã sử, huyền thoại, dân gian, cách mạng, hiện đại… Sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã đạt được những thành công, được nhân dân đồng tình ủng hộ, được giới nghệ thuật sân khấu công nhận.

- Về thể nghiệm âm nhạc: Từ hội thảo đầu tiên năm 1976, định hướng thể nghiệm âm nhạc của sân khấu kịch hát dân ca theo hướng kịch hát truyền thống dân tộc (Tuồng, Chèo). Ưu tiên thể nghiệm các làn điệu gốc vào các tình huống, vai diễn của sân khấu. Khuyến khích sáng tác cải biên những làn điệu mới (bài hát mới) có tính đa dùng để đáp ứng yêu cầu phát triển của sân khấu. Nhạc nền và những bài hát chuyên dùng (chỉ dùng trong phạm vi một vở diễn) là để đáp ứng yêu cầu của sân khấu phát triển, tính kịch sâu sắc mà các làn điệu gốc và cải biên (đã dùng) không đáp ứng được.

Nhiều thập kỷ qua, nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ đã tham gia thể nghiệm âm nhạc như: Hồ Hữu Thới, Thanh Lưu, Mai Hồng, Văn Thế, Vi Phong, Đình Bảo, Hồng Lựu, Đình Đắc, Phan Thành…, đã sáng tác được gần 200 làn điệu mới, bài hát cải biên, phát triển dân ca. Trong đó, có khoảng 1/3 số bài có tính đa dùng (dùng trong nhiều vở). Gần 60 vở diễn với các đề tài khác nhau đã được thể nghiệm với tỷ lệ 50- 60% làn điệu gốc, 40- 50% làn điệu cải biên (có tình đa dùng) và bài hát mới (có tính chuyên dùng). Đặc biệt, đã có vở thể nghiệm đến 70% làn điệu gốc và làn điệu cải biên gần gốc, chỉ có 30% là nhạc nền và bài hát phát triển dân ca (chuyên dùng) như: vở “Chuyện tình ông vua trẻ” của tác giả Phùng Dũng. Ngược lại, có vở đã thể nghiệm từ 60-70% bài hát chuyên dùng, 30-40% còn lại là làn điệu gốc và làn điệu cải biên như vở “Danh nhân lớn lên từ điệu hò, câu ví” của tác giả Vũ Hải.

Có thể nói, quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh, kho tàng âm nhạc dân gian xứ Nghệ không những được khai thác và phát huy triệt để mà còn được bổ sung thêm nhiều làn điệu mới làm cho khả năng biểu cảm của dân ca Nghệ Tĩnh được nâng lên, phong phú hơn. Chúng ta có thể khẳng định một điều, nếu không có quá trình sân khấu hóa thì kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh sẽ không được kế thừa và phát triển đến như vậy, bởi trước đó các làn điệu nguyên gốc đang có nguy cơ bị mai một vì các nghệ nhân tuổi cao, sức yếu đã lần lượt ra đi.

- Về thể nghiệm dàn dựng: Đạo diễn là tác giả của vở diễn, nhiều thập kỷ qua cộng tác với đoàn kịch hát dân ca, nhà hát dân ca và sau này là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ là những đạo diễn tài năng, tâm huyết, tên tuổi ở Trung ương như Lê Hùng, Xuân Huyền... Trong quá trình giàn dựng, mỗi đạo diễn có một thế mạnh riêng, có gu sáng tạo riêng. Có đạo diễn khai thác, vận dụng sáng tạo tinh hoa của sân khấu ca kịch truyền thống sang kịch hát dân ca, có đạo diễn lại dùng thế mạnh của sân khấu hiện đại để làm cho sân khấu dân ca vừa có tính truyền thống, vừa có tính hiện đại. Tất cả đã giúp cho sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh những điều kiện thể nghiệm phong phú, đa dạng trên bước đường tìm đến một phong cách riêng cho kịch hát dân ca xứ Nghệ.

Tóm lại, quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ đã khẳng định:  Loại hình kịch hát dân ca xứ Nghệ đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong đời sống nghệ thuật. Tuy mức độ thành công của mỗi vở diễn khác nhau nhưng nhìn chung đây là một bộ môn nghệ thuật độc đáo, riêng có của vùng quê xứ Nghệ. Phong cách chủ đạo của bộ môn nghệ thuật này là: dung dị, mộc mạc, trữ tình, đằm thắm, sâu lắng mà không kém phần bi hùng, quyết liệt, sâu sắc như dân ca, con người và quê hương xứ Nghệ.

Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới

Top