Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu

Ngày 12-4-2018, tại Kỳ họp lần thứ 204 được tổ chức tại Paris (Pháp), Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.

Danh hiệu này được trao cho khu vực tự nhiên chứa đựng tập hợp di sản địa chất tầm cỡ quốc tế, có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, đa dạng sinh học, khảo cổ... Tất cả yếu tố đó được bảo tồn và phát huy giá trị một cách tổng thể. Ngoài ra, công viên địa chất toàn cầu cần có diện tích đủ lớn để tác động đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Non nước ​Cao Bằng rộng hơn 3.275 km2, nằm trên 9 huyện địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc thiểu số. Nơi đây có nhiều dạng địa hình, cảnh quan đá vôi như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông..., phản ánh chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Ngoài ra, còn có nhiều loại di sản địa chất khác như hóa thạch cổ sinh; ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy; những loại hình khoáng sản... Tất cả minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.

Thác Bản Giốc - thắng cảnh đẹp nằm trong Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Ảnh: Báo Du lịch

Ở non nước Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Khu Du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, Quần thể hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao… Đặc biệt, thác Bản Giốc là một trong bốn thác vùng biên giới lớn, đẹp nhất thế giới. Tại non nước Cao Bằng, hơn 215 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh Cao Bằng là cố đô của một số triều đại phong kiến, cái nôi của cách mạng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp... 

Với những giá trị đặc biệt kể trên, hồ sơ của Non nước Cao Bằng đã nhiều lần được bảo vệ thành công trước Nhóm thẩm định Công viên địa chất toàn cầu (tháng 7-2017), Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (tháng 9-2017) và được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO.

Trước đó, Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10-2010. Sự kiện này nâng số lượng công viên địa chất toàn cầu ở Đông Nam Á lên 5: Langkawi - Malaysia (2007), Đồng Văn - Việt Nam (2010), Batur - Indonesia (2012), Gunung Sewa - Indonesia (2015) và mới nhất là Cao Bằng - Việt Nam.

P.V

Top