Người đàn bà và những bức tranh về chuối

Hình ảnh bờ tre bụi chuối, đống rơm từ lâu đã trở thành biểu tượng cho cảnh vật nông thôn Việt Nam. Chuối đã được diễn đạt bằng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật, từ nghệ thuật ngôn từ đến nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn. Nhưng hầu như chuối chỉ đóng vai trò phụ hoạ cho các hình tượng khác, chứ mấy khi chuối trở thành hình tượng nghệ thuật chính hay độc lập trong các sáng tác. Vậy mà, có một nữ họa sĩ, ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã dành sự ưu ái đặc biệt cho đề tài này.

Miệt mài trong hơn 4 năm, nữ họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tỉnh Vĩnh Long) đã cho ra series tranh lụa về hình ảnh cây chuối với số lượng vài chục bức. Với Tạ Thị Ánh Hồng, chuối cũng là sinh vật sống, cũng có tình cảm và khát vọng, miệt mài chắt chiu thức ăn từ đất, hấp thụ khí, ánh sáng từ trời để tự mình sống, nuôi con và cho đời nhiều trái chín ngọt.

Đời hoa 1

Bức lụa Đời hoa 1 có nét đẹp duyên dáng, nhẹ nhàng và dung dị. Mỗi đời chuối chỉ ra hoa kết trái một lần, đó là quãng đời đẹp nhất. Hoa chuối hình thành từ gốc, ngày ngày lặng lẽ vươn lên từ bên trong thân lên ngọn, rồi lại khiêm nhường hướng đầu hoa về đất, màu ấm dần khi đón nắng mặt trời. Các cánh hoa chuối già hé nở, khoe nải trái bé tí xinh, những chùm trái non quây quần chi chít. Màu sắc hoa chuối ấm áp tương phản với gam màu lạnh se se của lá khiến nó như những đôi môi hồng của người thôn nữ gọi mời cái nhìn của người xem, rất tình tứ, rất duyên. Với bút pháp vẽ lụa truyền thống - vẽ nhuộm nhiều lần trên nền lụa ẩm làm cho ranh giới giữa các mảng tan nhoà, nước hoà màu với nhiều cung bậc thấm vào từng sớ lụa nhuần nhuỵ rất tự nhiên như vốn đã vậy. Tranh có cách bố cục hướng tâm, các mảng hình lớn nhỏ che chồng giàu tính trang trí; lá chuối, hoa chuối, trái chuối non như đang tan nhoè hoà quyện vào từng sớ lụa thô, căng thẳng buông xuôi.

Đời hoa 2

Trong chuối thì hoa chuối dường như lại có sự hấp dẫn riêng với nữ hoạ sĩ. Chị vẽ rất nhiều về hoa chuối (23 tranh, từ Đời hoa 1- Đời hoa 23). Xem tranh về hoa chuối của chị không chỉ thấy những bông chuối mang nét đẹp tự nhiên kín đáo, tựa như dáng dấp của người phụ nữ nông thôn âm thầm cam chịu, suốt đời quẩn quanh với ruộng đồng, những bông hoa thấm đượm chất thôn quê giản dị ấy bỗng ẩn chứa sức sống mãnh liệt, lý tưởng sống cao cả, qua cách tạo hình ấn tượng, cá tính.

Nàng chuối 16

Hoa không chỉ mọc ra từ ngọn, mà còn được sinh ra từ thân cây dập đổ, trổ từ giữa thân hay xuất hiện từ những thân cây cắt ngang như trong tranh Đời hoa 2. Đây là bức tranh đẹp về nghệ thuật tạo hình, giàu chất trang trí, là trong số ít bức tranh sử dụng gam màu nóng về đề tài Chuối trên nền lụa mịn. Bức tranh như hút mắt người xem bởi gam màu ấm nóng, trong trẻo. Bao phủ toàn mặt tranh là màu vàng ấm của không gian và những mảng lá, độ ấm đẩy dần lên rồi cô đọng lại ở sắc đỏ tươi của những cánh hoa. Bông hoa chuối đang tự tin xoè rộng cánh để khoe chùm trái nhỏ xíu ra ánh sáng. Cách sắp các mảng màu lục nhạt của chiếc lá, mảng sáng của trái, hai thân chuối cắt ngang xen vào các mảng ấm nóng một cách khéo léo vừa làm cho màu đỏ của hoa tươi tắn hơn vừa dung hoà bớt sự chói chang, làm phong phú thêm độ đậm nhạt của màu sắc trong tác phẩm.

Cùng với hình tượng hoa chuối, hình ảnh người phụ nữ nông thôn cũng xuất hiện trong khá nhiều bức tranh. Chị đã vẽ nhiều tranh Nàng Chuối bằng chất liệu sơn dầu, acrylic nhưng chủ yếu vẫn là tranh lụa. Đó là hình ảnh những thiếu nữ bẽn lẽn dịu dàng, những thiếu phụ mặn mà tràn sức sống, những em bé bụ bẫm hồn nhiên,.. tất cả hiện diện một cách đầy đủ bên mô-típ hoa chuối rất duyên dáng. Trong tranh Nàng Chuối 16, những bông hoa chuối chuyển động nhịp nhàng từ trên xuống, các mảng cánh hoa xoè rộng đan xen những nải trái non. Hoa và quả non nguyên vẹn tương phản mạnh với những phiến lá được cách điệu bằng những mảng màu sắc rách vụn. Hình ảnh cô gái trong tranh được diễn đạt giản lược, cách tạo hình khoẻ khoắn có tính ẩn dụ, ví như thân chuối mẹ bên ngoài khắc khổ bởi mưa gió nhưng bên trong sạch sẽ trắng ngần- hiện thân của người phụ nữ nông thôn, tuy đời sống vật chất thiếu thốn, cuộc sống còn lam lũ vất vả nhưng tâm hồn vẫn thanh thản bao dung.

Phép ẩn dụ trên còn thấy được ở nhiều bức tranh lụa khác như: Nàng Chuối 3, 4, 9, 14, 15, Nàng Chuối buồn,...với cách tạo hình đa dạng, nhiều cung bậc của màu sắc thể hiện những cung bậc cảm xúc của người họa sĩ đối với cây chuối quê hương.

Mẫu tử

Cũng như con người, chuối sinh ra từ mẹ. Chuối con hình thành từ gốc chuối mẹ, hút chất dinh dưỡng từ mẹ, âm thầm lớn dần trong lòng đất, nhô ra ánh sáng. Chuối hình thành rễ non và dần dần tách chuối mẹ sống độc lập, rồi lại sinh con từ gốc. Cứ thế chuối sống theo bụi- chuối bà, chuối mẹ, chuối con quây quần đầm ấm che chắn cho nhau. Tranh lụa Chuối mẹ Chuối con lấy hình ảnh chính là hai cây chuối, mặt trời hừng đông và tàu chuối già khô rũ xuống từ góc tranh làm bối cảnh, gam màu nhẹ nhàng ấm áp. Nội dung tranh thể hiện sự trìu mến của chuối mẹ giành cho con như một “nụ hôn âu yếm”. Với cách bố cục giản lược khéo léo làm thị giác người xem tập trung ngay vào điểm tiếp xúc giữa hoa chuối mẹ và lá chuối con. Hoa chuối mẹ ấm hồng như đôi môi của mẹ hôn lên lá chuối con trong vòm tròn ánh sáng của mặt trời hừng đông. Sự giao tiếp của hoa chuối mẹ và lá chuối con trở điểm nhấn của trọng tâm miêu tả. Cách vẽ đơn giản như một bức kí họa màu nước trên nền lụa thô sớ ngang làm cho nội dung tranh thể hiện rõ tính hiện thực, tự nhiên nhưng lại ẩn chứa một thông điệp rất “người”, thiêng liêng nhất: tình mẫu tử.

Nàng chuối 9

Trong tranh Tạ Thị Ánh Hồng, hình ảnh con người với khát vọng sống luôn ẩn hiện trong những bức tranh về đề tài chuối. Hình ảnh đó có khi xuất hiện bằng một con người cụ thể như bà, mẹ, cô gái, thiếu nữ, em bé; cũng có khi là sự ẩn dụ của khát vọng sống, mối quan hệ tình cảm của người với người. Tác phẩm Mẫu tử thể hiện tình yêu của người mẹ và người con bé nhỏ. Hình ảnh người mẹ đang cho con bú, dáng nằm dọc theo thân lá kín đáo, hướng tay chân chuyển động nhịp nhàng trở thành điểm nhấn của tranh. Lá chuối là bối cảnh, phụ họa cụ thể cho không gian, trang trí cho không gian thêm đẹp, thêm duyên. Buồng chuối chín cùng hoa chuối vừa có tác dụng trang trí vừa để ngầm một sự so sánh ví von: Chuối chín ngọt như bầu sữa mẹ. Bức tranh còn đẹp ở sự tìm tòi màu sắc, những mảng không gian trang trí nhỏ nhưng không vụn, người hoạ sĩ vẽ lụa phải thật nhẫn nại, dày công mới thực hiện được như thế.

Cũng là tình cảm mẹ - con, tranh lụa Nàng Chuối 9 cũng có nội dung người mẹ đang cho con bú nhưng với cách tạo hình giản lược, sử dụng khoảng trống lớn khiến hình ảnh bà mẹ thêm ngưng đọng. Khoảng trống dẫn dắt thị giác người xem tới cậu bé, từ hướng mặt cậu tới khuôn mặt bà mẹ. Trong tranh, những nải chuối non đầy sức sống và những bông chuối màu lam ngọc lạ mắt làm mô - típ trang trí. Bức tranh cho thấy sự tìm tòi sáng tạo về bố cục tạo hình, người vẽ đã rất khéo léo kết hợp khoảng trống, vị trí nhân vật để thể hiện tốt nhất mối giao lưu tình cảm giữa mẹ và con.

ThS PHẠM THANH HÙNG

Top