Mười hai con giáp trên cổ vật

Mười hai con giáp, những con vật tượng trưng cho 12 năm – một hoa giáp, là quan niệm của người Phương Đông, đặc biệt là Trung Hoa và Việt Nam. Không hiểu quan niệm ấy xuất hiện từ bao giờ, nhưng được biểu hiện cụ thể, rõ ràng nhất là bộ di vật 12 con giáp tìm thấy trong một ngôi mộ đầu Công nguyên ở Trung Hoa với tượng 12 con vật bằng đá quý nhỏ xinh, chôn theo chủ nhân quá cố. Có thể coi đấy là hình ảnh xác thực nhất về quan niệm 12 con giáp của người cổ xưa.

Thế nhưng, “mão” là con mèo, theo người Việt, thì ở đây, người Trung Hoa biểu thị bằng con thỏ. Có lẽ, mèo là con vật không đem lại sự may mắn, tốt lành, nên ngay cả trên cổ vật Việt Nam, mèo dường như không bao giờ xuất hiện, dưới mọi dạng thái, tượng tròn hay hình họa, trừ “đám cưới chuột”, tranh dân gian Đông Hồ, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác mà tôi xin được nói tới ở phần sau bài viết này. Chính vì sự thiếu hụt ấy, nên khi trưng bày 12 con giáp trên cổ vật, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện gần 20 năm trước, con thỏ được vẽ trên một chiếc đĩa sứ tìm thấy trên con tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) được thay thế một cách khiên cưỡng.

Ở Việt Nam, hình ảnh 12 con giáp đích thực cũng tìm thấy trong một ngôi mộ gạch ở Hoài Đức Hà Tây xưa, từ những năm 1962 của thế kỉ trước. Chúng cũng được tạo bằng đá, thành những khối tượng tròn nhỏ nhắn, cùng với bộ di vật chỉ định niên đại ngôi mộ ấy khoảng thế kỷ thứ 2 – 3 sau Công nguyên.

Những con ngựa bằng gạch nung trên tường Quán Giá, xã Yên Sở, Hoài Đức, HN

Như vậy, tư liệu tin cậy về 12 con giáp, ở hai quốc gia có quan niệm tương đồng, không có sự chênh lệch bao nhiều về niên điểm xuất hiện qua vật chứng cụ thể, đồng bộ đã trình bày trên đây.

Thế nhưng, “12 con giáp trên cổ vật” ở đầu đề bài viết này, tôi cho vào dấu ngoặc kép là có ý mong muốn bàn thảo thêm với những người viết, người làm trưng bầy, người làm nghiên cứu, rằng, chúng có thực sự tượng trưng cho 12 con giáp, như bấy lâu nay thường gán đặt.

Lịch sử là một quá trình biến đổi và tâm thức, quan niệm của con người cũng luôn có sự biến đổi trong bối cảnh không gian và thời gian khác nhau. Đó là chưa kể, quan niệm, ngay từ điểm xuất phát cũng có sự khác nhau giữa các tộc người, dẫu rằng, đôi khi có mẫu số chung, đặc biệt là các khu vực đồng văn. Với suy nghĩ ấy, rất nhiều hình tượng con vật thuộc 12 con giáp, đâu phải là con giáp, mà nó thuộc về tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh. Con rồng là một ví dụ. Thoạt kỳ thủy, đó là con vật không có thật, rồi trải qua thời gian, trở thành quyền lực của nhà vua, biểu tượng của tôn giáo. Tuất là con chó, nhưng khi con chó ấy đặt ở cổng làng thời cuối Nguyễn, ở trước các lăng đá quận công thời Lê Trung Hưng, là con vật canh giữ, nhưng khi nó vào đền, lại liên quan tới tôn giáo, mà đền Cẩu Nhi ở quận Ba Đình là một ví dụ điển hình. Cũng như thế, con lợn, con gà, con mèo, con chuột trên tranh dân gian Đông Hồ, qua những ván in cổ, có từ Thời Lê - Nguyễn, nhưng nội dung phản ánh của những bức tranh ấy hoàn toàn liên quan tới đời sống, tới những câu chuyện dân gian, đậm hồn dân tộc “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Một góc kiến ​​trúc mái Đền Đô, Bắc Ninh với hình tượng Rồng nổi bật

Còn rất nhiều, rất nhiều những ví dụ để ta thấy có một sự trùng khớp nào đó giữa 12 con giáp với những con vật linh (Linh thú) mà sự phân định rạch ròi cần có sự đầu tư kĩ lưỡng, trên những bối cảnh cụ thể mà những con vật ấy được biểu hiện, qua bàn tay của các nghệ sĩ, nghệ nhân, qua những đơn đặt hàng của khách và sự tích có liên quan. Ba con ngựa cùng với 3 người đàn ông đứng trước cổng ngôi nhà cỏ với lối ăn vận Trung Hoa cổ, thì đâu phải ngựa ấy là Ngọ trong 12 con giáp, mà liên quan tới tích Tam Quốc, khi ba anh em Lưu - Quan - Trương đến mời Khổng Minh phò giúp nước Thục. Tích ấy được gọi là “Tam Cố thảo lư”. Thế nhưng, con rắn được vẽ trong lòng một chiếc đĩa gốm Việt Nam, thế kỷ 15, lại dễ cho ta liên tưởng tới năm Tị, khi nó chỉ đơn độc trườn lướt trong bối cảnh tự nhiên, hao hao như những họa sĩ tôi quen biết, mỗi năm vẽ một con giáp làm kỉ niệm, khi thì tả thực, lúc thì cách điệu, nhưng vẫn nhận ra đó là Tí, Sửu, Dần, Mão…

Năm nay là Bính Thân - năm con khỉ. Trên cổ vật Việt Nam, không thể hiện nhiều đề tài này, nhưng không phải là không có, mà những tượng khỉ ngồi trên bệ với hai tay buông xuôi, trán nhăn, mặt lồi, mồm vẩu được tạc bằng đá cát, phát hiện tại khu tháp Chương Sơn - Nam Định, có niên đại Thời Lý, hiện đang trưng bày trong phòng chuyên đề về Linh thú ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một ví dụ. Rồi trên tấm phù điêu đá ở chùa Bút Tháp - Bắc Ninh có một cảnh hai chú khỉ đang lạc trong vườn đào hái quả, được diễn tả khá sinh động như vườn đào Tiên, được định niên đại thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17. Trong điêu khắc đá Chăm Pa đề tài này cũng có… Thế nhưng, những chú khỉ ấy không liên quan gì tới con giáp, mà lại liên quan tới tôn giáo, dẫu có đơn độc như tượng khỉ ở khu tháp Chương Sơn. Vậy nên, để mà nói tới 12 con giáp trên cổ vật quả là câu chuyện vô cùng phức tạp và khó khăn, cho dù, những hình tượng về rồng, về hổ, về ngựa, về trâu, về gà, về chó, về dê…được thể hiện nhan nhản trên các cổ vật Việt Nam và Trung Hoa.

Hình điêu khắc thể hiện ba chú khỉ ở ba sắc thái biểu cảm khác nhau ở Khu tháp Chăm Mỹ Sơn, Quảng Nam

Viết những dòng trên đây, tôi không hề phủ nhận sự hiện diện của những con giáp trên cổ vật và đôi khi những hình tượng con vật thiêng ấy được người nghệ sĩ thể hiện với nhiều quan niệm đồng thời, cần được chúng ta giải mã, bóc tách một cách thấu đáo. Đó là thông điệp của bài viết ngắn này muốn gửi tới các nhà nghiên cứu, để mong sao, những câu chuyện về hiện vật bảo tàng - những giá trị văn hóa phi vật thể của cổ vật được kể lại một cách sát thực hơn với quá khứ, với quan niệm và tư duy của người xưa.

Hồng Hạnh

Top