Một ngày ở Hải Sơn

Là xã vùng cao biên giới với đa số là đồng bào các dân tộc Dao, Sán Chỉ (chiếm 86,8%) sinh sống, trong những năm gần đây, xã Hải Sơn (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) được biết đến là điểm du lịch cộng đồng cuốn hút khách du lịch.

Xã Hải Sơn có địa hình đồi núi cao, nhiều khe suối, có đường biên, lối mở, cặp chợ Pò Hèn - Thán Sản, Đài tưởng niệm Liệt sỹ Pò Hèn, xóm họ Đặng, Cột mốc 1347(2)... Đây là những điểm đến tiềm năng để khai thác thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, lịch sử và tâm linh.

Là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hải Sơn cách trung tâm thành phố Móng Cái 38 km về phía Tây Bắc. Diện tích tự nhiên 8.173,06 ha. Phía Đông giáp xã Bắc Sơn, phía Nam giáp xã Quảng Nghĩa, Hải Tiến, phía Tây giáp xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), phía Bắc giáp thôn Thán Sản, trấn Na Lương, khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với đường biên giới dài 12,006 km.  Địa hình chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt, có đồng bào 3 dân tộc: Kinh, Dao, Sán Chỉ sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%.

Dấu ấn quân hàm xanh miền biên cước”

Đến với Hải Sơn bây giờ, những con đường đất đã được thay bằng những con đường nhựa được đầu tư làm mới. Xã biên giới hoang sơ ngày nào nay đã dần thay đổi bằng những ngôi nhà kiên cố, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. Từ đó, người dân yên tâm ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc. Để có được những thay đổi trên mảnh đất này, không thể không nói đến công sức của những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn. Trong những năm gần đây, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Pò Hèn đã thường xuyên cử cán bộ bám nắm tình hình địa bàn, tư tưởng, dư luận của nhân dân về tình hình liên quan dịch bệnh; tuyên truyền vận động nhân dân tiêm vacxin đầy đủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch; ký cam kết không vi phạm các quy định về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ. Đồng thời, đơn vị tổ chức 62 lượt tổ/248 lượt cán bộ, chiến sĩ nắm tình hình địa bàn, tình hình nhân dân, tuyên truyền vận động người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch Covid-19. Nhằm nâng cao kiến thức cho người dân khu vực biên giới, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã Hải Sơn tuyên truyền cho hơn 500 lượt người, phát 500 tờ rơi về 03 văn kiện pháp lý về biên giới và 200 tờ rơi, tuyên truyền 14 buổi/28 giờ về Luật Biên phòng Việt Nam trên loa truyền thanh của xã.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn thực hiện nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ sự an toàn biên giới của Tổ quốc

Phối hợp với UBND xã Hải Sơn tổ chức trồng 150 cây hoa Huỳnh Anh xung quanh khu vực Mốc 1347(2) và dọc trục đường dân sinh xóm họ Đặng, trồng 1.500 cây sim tài Đài Liệt sĩ Pò Hèn. Thực hiện kế hoạch xây dựng thôn biên giới vững mạnh tiêu biểu, đơn vị phối hợp với địa phương tiếp tục hướng dẫn chăm sóc 5 vườn mẫu để phát triển kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả. Cán bộ, chiến sỹ của đồn tiếp tục đỡ đầu 2 cháu học sinh trên địa bàn trong Chương trình "Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” với mức hỗ trợ là 500.000 đ/cháu/tháng.

Là đơn vị được giao chăm sóc và quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Đài tưởng niệm Liệt sỹ Pò Hèn, cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức đón tiếp hàng nghìn đoàn với hàng chục nghìn lượt người đến dâng hương tại Đài tưởng niệm. Vào ngày 27-7, đồn đã phối hợp với Đoàn xã Hải Sơn tổ chức Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm; Phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức đại lễ cầu siêu anh linh các Anh hùng, Liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc tại Đài tưởng niệm và tổ chức tặng 150 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng trên địa bàn.

Song song với việc hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế địa phương, Đồn Biên phòng Pò Hèn thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc. Đồn đã tham mưu cho UBND xã Hải Sơn sơ kết thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg và tổng kết phong trào thi đua “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2021; tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động của 03 tổ/67 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên cột mốc theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ  tướng Chính phủ về "Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Đảng ủy Đồn đã phối hợp với Đảng ủy xã Hải Sơn đưa 03 đảng viên xuống tham gia sinh hoạt chi bộ các thôn theo hướng dẫn của Tỉnh ủy Quảng Ninh. Phối hợp chặt chẽ trong quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đồng thời với đó là gắn kết với địa phương và các đơn vị khác thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững bình yên nơi biên cương. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết giữa quân và dân, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống

Đoàn công tác của Tạp chí Thế giới Di sản bên cột Mốc 1347 (2)

Bức tranh sắc màu nơi biên cương

Nằm ở trung tâm xã Hải Sơn, xóm họ Đặng có chiều dài 600m, mặt đường bê tông 3m, diện tích khoảng 10ha. Xóm có 20 hộ, với 19 ngôi nhà đều vẽ tranh tường được gọi là làng Bích họa Xung quanh cổng chính vào xóm được bố trí trồng các cụm cây sim, đường vào xóm trồng hoa. Tại các hộ có các gian hàng trưng bày và bán sản phẩm nông sản địa phương (trà Hoa Vàng, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim, cá suối...). Thời gian gần đây, xóm họ Đặng được nhiều người ở các nơi biết đến chính bởi những bức tranh sống động trên tường của từng ngôi nhà trong xóm. Những ngôi nhà đơn sơ, bình dị đã trở nên rực rỡ, sống động nhờ những bức tranh đầy màu sắc mô tả sinh động cuộc sống của chính đồng bào. Với chủ trương của TP. Móng Cái là đưa xã Hải Sơn thành điểm du lịch cộng đồng, thành phố cùng với xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tạo cảnh quan, môi trường và làm vệ sinh toàn bộ thôn xóm. Đồng thời, để tạo điểm nhấn cho xóm, thành phố và xã đã vận động các hộ dân đồng ý vẽ tranh tường. Khởi nguồn những bức tranh tường thú vị ở xóm họ Đặng là ý tưởng của khối MTTQ, đoàn thanh niên thành phố và chính quyền xã, nguồn kinh phí được huy động từ cán bộ công chức, bà con nhân dân theo tinh thần xã hội hóa. Dưới bàn tay các họa sĩ được mời về, những bức tường rêu ẩm mốc đã trở thành những bức họa đẹp về con người và cuộc sống vùng đất này. Cách đây chỉ hơn 3 năm đường vào xóm lầy lội, xe máy tránh nhau còn khó khăn. Nhưng từ khi được đầu tư con đường và vận động các hộ dân đồng ý vẽ tranh tường thì diện mạo bản làng đã thay đổi; tư duy và ý thức của người dân cũng thay đổi theo hướng được nâng lên rõ rệt.

Đường vào xóm họ Đặng hôm nay

Đến xóm họ Đặng bây giờ, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt du khách là mỗi ngôi nhà trong thôn là một bức tranh sinh động khác nhau, mô tả cuộc sống sinh hoạt chính của bà con người Dao trong thôn. Hòa cùng với phong cảnh thiên nhiên, các bức bích họa tại Pò Hèn đã tạo nên bức tranh phong cảnh đặc sắc như muôn hoa nở rộ giữa núi rừng Đông Bắc.

Những bức bích họa trên tường góp phần làm cho xóm họ Đặng trở nên sinh động, hấp dẫn du khách

Dẫn chúng tôi tham quan “làng bích họa” trên những con đường bê tông sạch bong, ông Vũ Tuấn Anh, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn cho biết: Xã có gần 90% là người dân tộc thiểu số, việc thay đổi một thói quen lâu đời là rất khó. chính quyền xã đã phải mất gần nửa năm trời đi vận động từng nhà để bà con đồng ý cho vẽ tranh. Giờ khách du lịch đến đông lắm, mỗi tháng các hộ dân cũng có thêm thu nhập vài triệu đồng từ dịch vụ du lịch…. Ngoài mùa màng, lên nương rẫy, người dân gần như không có công việc gì khác, vì thế nguồn thu từ du lịch như luồng gió mát làm thay đổi cả bản làng. Điện đường vào thôn xóm buổi tối sáng bừng. Trước đây cứ 8 giờ tối là tắt đèn thì nay đồng bào thức muộn hơn nhờ có khách du lịch. Nhiều người dân còn nuôi con giũi (chuột rừng), lợn rừng, bán trà hoa vàng để phục vụ du khách kiếm thêm thu nhập...”

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Thế giới Di sản

Từ khi được vẽ tranh tường, xóm họ Đặng đã trở thành một điểm đến mới mà nhiều bạn trẻ không thể bỏ qua khi trải nghiệm các cung đường Đông Bắc. Với sự bình yên và tươi mới, nơi đây đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc trong lòng các du khách. Đặc biệt khi mùa xuân về, xóm họ Đặng lại tấp nập hơn bởi những lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc người dân tộc Dao, Sán Chỉ…

Đến với Hải Sơn, du khách còn được tham quan xóm 26 hộ Sán Chỉ với trên 100 nhân khẩu sinh sống. Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hấp dẫn, không khí trong lành (xung quanh được bao bọc bởi dãy núi Mã Thầu Sơn cao 660m so với mực nước biển, Thác, Suối Mã Thầu Sơn cách xóm 600m...); nhà của người dân ở trong xóm vẫn giữ nguyên nét văn hóa của người Sán Chỉ. Tại đây, du khách cũng được thưởng thức món cá suối, thịt ngan đen hoặc cà sáy (vịt lai ngan) hay mua về các sản vật địa phương như trà hoa vàng, khau nhục (thịt hầm với vị thuốc), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm...

Thăm vườn cây của các chiến sĩ Biên phòng đầu tư cho người dân xã Hải Sơn

Đến với xã Hải Sơn, địa chỉ "đỏ" mà du khách không thể bỏ qua là Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, nơi ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm, kiên cường bất khuất của cán bộ chiến sĩ Đồn Công an Nhân dân vũ trang 209 Pò Hèn (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn trong cuộc chiến tranh chống xâm lược ngày 17-2-1979). Ngoài ra, cũng cần phải kể đến những điểm đến khác như Cột mốc 1347: là địa điểm thường xuyên diễn ra hoạt động qua lại, trao đổi, giao thương giữa cư dân biên giới của của xã Hải Sơn - Móng Cái (Việt Nam) với Trấn Na Lương - Cảng Phòng Thành (Trung Quốc), là các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Thôn Pò Hèn - Hải Sơn với Thôn Thán Sản - Trấn Na Lương; cùng nhiều điểm tham quan khác như: Thác 72 gian - Hồ Tràng Vinh; đỉnh Mã Thàu Sán (Sơn); Đồi sim tự nhiên...

Đặc biệt, từ tháng 5-2022, Hải Sơn đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa Sim biên giới (lần thứ Nhất) gắn với Phiên chợ vùng cao. Lễ hội diễn ra trong vòng 2 ngày (14, 15-5) với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu... đặc sắc và hấp dẫn. 

Giờ đây khi mà thông tin trên mạng xã hội ngày càng phát triển thì hình ảnh của Hải Sơn với Khu di tích lịch sử Pò Hèn, xóm họ Đặng, Cột mốc 1347(2), Lễ hội Hoa Sim biên giới... ngày càng được biết đến rộng rãi, không chỉ ở Quảng Ninh. Ý thức được điều đó nên Lãnh đạo TP. Móng Cái, xã hải Sơn, đồn Biên phòng Pò Hèn và các ban ngành đoàn thể đã và đang làm tất cả để nơi đây trở thành một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn, thu hút du khách cả nước về với miền biên viễn này.

                                                         Bài: Tạ Đình Dũng

Ảnh: Nguyễn Trần Thế Hiệp, Lê Thanh Bình

 

 

Top