Lược sử Áo dài Việt Nam

Không ít người cho rằng, “Áo dài Việt Nam” có từ thời dựng nước của dân tộc ta. Không khó để tìm thấy những bài viết với tinh thần đó trên các trang web và cả những công trình nghiên cứu có liên quan1. Tôi lấy làm xúc động trước tinh thần tự tôn dân tộc đáng quý của các nhà nghiên cứu, song không khỏi băn khoăn khi xem xét vấn đề này ở góc độ sử học. Bởi, những bài viết như trên đã và sẽ tạo nên những ngộ nhận đáng tiếc về lịch sử của chiếc áo dài Việt Nam, một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta.

1. Bàn về nguồn gốc Áo dài Việt Nam

Thiển nghĩ, chúng ta không nên quá lo lắng về chuyện ai đó cho rằng, áo dài Việt Nam là sự sao chép, hay đại khái có nguồn gốc từ Trung Hoa, bởi:

- Các sách Sử ký, Tiền Hán thư, Hậu Hán thư, Giao châu ngoại vực ký, Thủy kinh chú,… của Trung Hoa đều thừa nhận sự khác biệt giữa văn minh Hán và phong hóa Giao Chỉ. Thư của Hoài Nam Vương Lưu An gửi Hán Vũ Đế khẳng định rằng, “Dân Việt là dân cạo tóc, vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai (Trung Hoa) mà trị được. Từ thời Tam Đại (Hạ Thương Chu) thịnh trị, đất Hồ, đất Việt không theo chính sóc (lịch của Trung Quốc)”2. Điều ấy cho thấy, tinh thần độc lập, tự chủ của người Việt đã được hun đúc, đã được khẳng định từ lâu rồi. 

- Trong các sách Giao châu ngoại vực ký, Thủy kinh chú, Hậu Hán thư đều có ghi chép về thuật canh tác, lối ăn mặc của người Việt ở thời Đông Sơn. Đối chiếu các sách này và dựa vào trang trí trên cán dao găm hình người, hoa văn trên trống đồng và các thư tịch cổ Trung Hoa, GS Trần Quốc Vượng và các đồng sự cho rằng, “Người Đông Sơn không phải chỉ biết có ở trần, mặc vỏ sui như nhiều người thường nghĩ. (…) Các tài liệu đều phản ánh lối ăn mặc quần áo theo phương châm giản dị, gọn gàng tới mức tối đa: Ở trần, đóng khố, đi chân đất. Riêng với nữ phổ biến mặc váy thay khố. Tuy vậy cũng có một số loại áo, áo cánh dài tay, áo xẻ ngực bên trong có yếm. Ngoài ra còn có một số trang phục lễ hội như váy lông chim hay lá kết, khố dài thêu,…”3.

- GS Đào Duy Anh cũng nói rõ, “Theo sách Sử - ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về bên tả (tả nhiệm). Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu - chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách chép đó thì ta có thể đoán rằng trước hồi Bắc thuộc thì dân ta gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung-quốc mới mặc áo gài về tay phải”4. Có hai vấn đề cần làm rõ: 1. Rõ ràng, người Văn Lang có y phục riêng, mặc áo gài bên trái (không phải chỉ ở trần hoặc mặc yếm). Nhiều bài viết do trích dẫn không cẩn thận nên cụm từ “mặc áo gài bên trái” thành “mặc áo dài bên trái” làm cho câu văn (dịch từ Sử ký) không rõ nghĩa, dẫn đến sự ngộ nhận rằng, người Văn Lang xưa đã mặc áo dài (!), nhiều người khác sao chép một cách cẩu thả khiến nhận định áo dài đã xuất hiện từ thời Hùng Vương trở nên phổ biến, để rồi đi đến mặc nhiên thừa nhận. 2. Sự giao thoa văn hóa từ lâu đã diễn ra giữa các nước trong khu vực rộng lớn bao gồm cả Trung Hoa và các nước trong cộng đồng Bách Việt, trong đó có cả việc người Trung Hoa mặc áo gài bên trái giống như người Việt mà Khổng Tử đã đề cập trong sách Luận ngữ rằng, “Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải cài vạt áo bên tả và búi tóc như người Man di”. Quản Trọng (tức Quản Di Ngô) sống vào cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ VII TCN, tức cũng tương ứng (hoặc sớm hơn một ít) với thời kỳ dựng nước Văn Lang của các vua Hùng, như vậy có nghĩa, thời kỳ này, người Văn Lang đã mặc áo “gài bên trái”, mãi cho đến thế kỷ I Công nguyên, tức khi Âu Lạc đã bị nhà Hán đô hộ thì người Việt mới mặc áo “gài bên phải” như người Trung Hoa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nói như GS Trần Quốc Vượng, “Nền văn hóa Việt Nam không co lại để tự vệ một cách bảo thủ và cô lập. Nó không từ chối từ những đóng góp của những yếu tố bên ngoài, mà còn tỏ ra có khả năng thu nạp và dung hóa mạnh những cái hay, cái đẹp của các nền văn hóa ngoại lai, kể cả các nước đang xâm lược và đô hộ mình”5. Thế cho nên, việc tiếp thu loại áo gài bên phải là rất có thể, ngoài ra còn có thể tiếp biến nhiều nét văn hóa khác của Trung Hoa.

Điều đáng nói là, cho dù “gài bên trái” hay “gài bên phải” cũng không hẳn đã là áo dài. Vì không một sử liệu nào cho thấy, thời Văn Lang - Âu Lạc, người Việt đã mặc áo dài, kể cả hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ hay hình người trên cán dao thời Đông Sơn.

Áo dài vương triều

Thế kỷ I Công nguyên, Nhâm Diên “dạy cho dân quận Cửu-chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu”. Hiện tượng này diễn ra trước khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ, vì thế đã có người cho rằng, Hai Bà Trưng ra trận mặc áo dài màu vàng rực rỡ. Tôi cố tìm kiếm một hình ảnh nào đó (hoặc tượng, tranh tượng, phù điêu,…) để có thể tin rằng Hai Bà đã mặc áo dài ra trận, song, tất cả chỉ là những tranh vẽ, phù điêu do người đời sau “sáng tác” dựa vào cái gọi là “tương truyền”. Hai Bà Trưng ra trận ăn mặc đẹp là rất có thể. Còn việc Hai Bà mặc áo dài hay không chưa có cơ sở nào để khẳng định. Vậy, áo dài Việt Nam ra đời từ bao giờ? Bản thân tôi vẫn chưa thể có câu trả lời cụ thể, song một thực tế cần được ghi nhận là không đợi đến khi chiếc “Áo dài Võ Vương”6 ra đời thì lịch sử “Áo dài Việt Nam” mới bắt đầu như một số người quan niệm. Qua khảo cứu tượng bà Tiên Thiên Thánh Mẫu ở chùa Phúc Long (làng Yên Vệ, Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình) ta thấy tượng Bà còn giữ nguyên nét cổ xưa với bộ trang phục thời nhà Lý (thế kỷ XI), bên trong mặc nội y, ngoài khoác đối khâm. Có lẽ đến nay, đây là hình ảnh khá sớm về trang phục được xem là áo dài ở Việt Nam.

Với tôi, “Áo dài Việt Nam” đã ra đời trước thế kỷ XI, và có thể đã có từ thời Bắc thuộc. Vì mấy lẽ:

- Bấy giờ, người Trung Hoa đã mặc áo dài. Chính sách đồng hóa của chính quyền phương Bắc, chắc hẳn có ảnh hưởng nhiều đến trang phục của người Việt.

- Trước khi người Trung Hoa thống trị nước ta, người Việt tuy chưa mặc áo dài, nhưng những yếu tố về trang phục trước đó như áo cài khuy (bên trái rồi bên phải), váy dài, váy xẻ, váy xòe,… là tiền đề cơ bản cho sự hình thành chiếc áo dài về sau (yếu tố bản địa kết hợp tiếp biến ngoại lai).

- Việc trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở nước ta phát triển mạnh hơn hẳn cả Trung Hoa như thư tịch cổ đã nêu. Đó là cơ sở cho sự hình thành chiếc áo dài về mặt nguyên liệu, gắn liền với kỹ thuật chế tác, thiết kế.

Tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt được hun đúc và trưởng thành trong suốt thời kỳ đấu tranh chống đồng hóa của phong kiến phương Bắc chắc hẳn đã thể hiện trong cách ăn mặc; trong phong tục tập quán và tiếng nói của người Việt, để đến thế kỷ X, khi nền độc lập tự chủ của dân tộc được khôi phục, nhiều nét văn hóa dân tộc được định hình, để rồi đến thời Lý Trần, Triều đình đã ban bố những quy chế về trang phục một cách cụ thể và rõ ràng, chặt chẽ. 

Sử sách cho biết, dưới Triều Lý (1009-1225) những quy định về trang phục đã được đặt ra một cách cụ thể. Năm 1030, “Định kiểu mũ áo của các công hầu văn võ”7. Năm 1040, Nhà vua “xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, từ ngũ phẩm trở lên thì áo bào bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”8,... Ở thời Trần, như sách Sứ Giao châu thi tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên cho biết, “Người trong nước đều mặc lụa thâm, áo hoa, quần mỏng, áo cổ tròn khâu bằng là, đàn bà cũng mặc áo thâm, nhưng màu trắng ở trong rộng hơn để viền vào cổ áo, rộng bốn tấc, họ cho thế là khác với áo đàn ông, các sắc xanh, hồng vàng tía, tuyệt nhiên không có”9. Năm 1300, Triều đình “quy đinh kiểu mũ áo mới cho quan văn võ”, theo đó, “Ống tay áo của các quan văn võ rộng 9 tấc đến 1 thước 2 tấc, không cho dùng từ 8 tấc trở xuống. Các quan văn võ không được mặc xiêm, tụng quan không được mặc thường”,…10.

Điều đáng lưu ý là áo dài Việt Nam không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả đàn ông đều mặc, và cũng không chỉ là triều phục, lễ phục mà cả dân gian đều dùng. Nếu như áo dài phụ nữ được xem là nét tiêu biểu của văn hóa Việt Nam, thì áo dài đàn ông lại được xem xét để lựa chọn là “quốc phục” của nước nhà.

2. Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ

Xét diễn trình biến đổi của áo dài Việt Nam, trên cơ sở tham cứu các nguồn tài liệu Việt Nam và Trung Hoa, có thể nhận ra rằng, trước khi có “Áo dài Võ Vương”, các loại áo dài giao lĩnh, viên lĩnh hay thụ lĩnh đều đã được người dân Việt sử dụng khá phổ biến11. Tùy theo hoàn cảnh mà lựa chọn áo kiểu nào. Từ thời Lý Trần, Triều đình đã có những quy định về triều phục hoặc trang phục của nhân dân để có sự phân biệt rõ cao thấp, sang hèn hoặc lễ phục. Thời này, áo viên lĩnh thường có bốn vạt ở trước như Chu Khứ Phi thời Tống đã mô tả: “Những người còn lại, ngày thường trên thì vận áo Sam đen cổ tròn bó sát, bốn vạt như áo Bối Tử, gọi là áo Tứ Điên; dưới thì vận thường đen”12. Loại viên lĩnh này ta thấy còn được dùng ở thời Lê.

Ở thời Lê, Vua Lê Thái Tổ đã từng sai Nguyễn Trãi định chế áo mũ cho các quan lại nhưng chưa được thực hiện, đến năm 1437, Vua theo đề nghị của Lương Đăng quy định lại lễ phục đại triều và thường triều. Năm đó, Vua còn “Ra lệnh cho người Minh phải mặc quần áo người Kinh”13. Thời Lê những quy định về màu sắc trang phục rất nghiêm ngặt, năm 1464, Triều đình quy định: “Từ nhất phẩm đếm tam phẩm mặc áo màu hồng; tứ, ngũ phẩm mặc áo màu lục, còn thì đều mặc áo màu xanh”14. Những quy định về lễ phục chủ yếu là phẩm phục của Triều đình, còn trong dân chúng không thấy đề cập cụ thể về cách ăn mặc, ngoài những lệnh cấm những kiểu dáng, màu sắc chỉ dành riêng cho vua quan. Nhiều hình ảnh cho thấy, người dân vẫn mặc áo tứ thân, ngũ thân, kiểu giao lĩnh hoặc viên lĩnh kết hợp với váy, thường là phổ biến.

Gần đây, Trần Quang Đức với đề tài “Ngàn năm áo mũ” đã cung cấp nhiều tư liệu quý giúp chúng ta có cơ sở để nhìn lại cách ăn mặc của ông cha ta ngày xưa, từ đó có thể hình dung thêm về sắc diện của chiếc áo dài Việt Nam.

Dưới thời Lê Trung hưng, cách ăn mặc của dân ta không có sự thay đổi đáng kể. Giáo sĩ Borri đã có sự nhầm lẫn khi mô tả cách ăn mặc của người Việt thời này trong sách “Relation de la Nouvelle Mission des Péres de la Compagnie de Jesus au Royaume de la Cochinchine”, xuất bản tại Lille năm 1631 khi cho rằng, “Người ta mặc năm sáu cái áo dài, áo nọ phủ lên áo kia, mỗi cái một màu… Phần dưới thắt lưng của mấy lớp áo ngoài được cắt thành những dải dài. Khi đi lại, các dải này quyện vào nhau trông đẹp mắt…. Thật ra, các dải dài bên dưới thắt lưng mà Giáo sĩ Borri nhắc đến chỉ là cái xiêm cánh sen mà người xưa mặc trước ngực hay dưới thắt lưng bên ngoài áo dài. Xiêm này có ba hoặc bốn lớp dải lụa may chồng lên nhau. Lớp dải trong cùng dài nhất, rồi các lớp bên ngoài ngắn dần. Có thể nhận ra điều này ở bức tượng Ngọc Nữ tạc từ thế kỷ XVII ở chùa Dâu, Bắc Ninh mà có lẽ Borri đã có dịp mục diện. 

 Hình ảnh chiếc áo dài của phụ nữ Việt mà Borri nói đến cũng được nhiều người mô tả cách ăn mặc của phụ nữ Đàng Trong. Tuy nhiên, lối ăn mặc “mớ ba mớ bảy” lại là một thực tế ở vùng đất phía Nam nước ta vào giai đoạn sau khi “Áo dài Võ Vương” đã ra đời.

Áo dài tứ thân

Năm 1744, khi Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, tiến hành cải cách các mặt. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cũng như Đại Nam thực lục của Quốc sử quán Triều Nguyễn đều cho biết, năm ấy, trong dân gian truyền câu sấm “Bát thế hoàn Trung đô”, bèn đổi áo mũ, thay phong tục, để cho cả nước mở đầu buổi mới15, tức cải cách đất nước.

Người xưa quan niệm, sấm là “mệnh trời” làm Võ Vương lo lắng. Để “cải mệnh trời”, Võ Vương tiến hành cải cách, trong sửa đổi lễ nhạc, ngoài thay đổi xiêm y. Tức phải ăn mặc thế nào cho khác với Đàng Ngoài. Bấy giờ, dân ta ở cả hai Đàng, nam cũng như nữ đều mặc áo dài, người Champa cũng mặc áo dài, tham khảo thêm các kiểu áo dài của người Trung Hoa từ sách Tam tài đồ hội của nhà Minh, để “thiết kế” nên chiếc áo dài Đàng Trong, mà chúng tôi tạm gọi là “Áo dài Võ Vương”. Tự bản thân chiếc áo dài ra đời ở Đàng Trong vào thế kỷ XVIII mang trong mình nó các yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh, dung hợp cả Nam - Bắc, mà trước hết xuất phát từ ý thức tự chủ của Chúa Nguyễn với tư cách là người cai quản xứ Đàng Trong.

Áo dài năm thân

Nếu như chiếc áo tứ thân đi cùng với chiếc váy thì “Áo dài Võ Vương” mặc cùng chiếc quần hai ống. Có thể xem đây là bộ “quần chân áo chít” đầu tiên ở nước ta. Lúc đầu được dùng ở Đàng Trong rồi trở thành trang phục mang tính “bắt buộc” đối với phụ nữ cả nước dưới thời Minh Mạng. Ca dao thời ấy có câu:

Tháng Tám có chiếu vua ra,

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang!

Chả là phụ nữ Đàng Ngoài (và cả Đàng Trong trước đó), chỉ quen mặc váy, giờ phải mặc quần hai ống lấy làm không tiện. Nhưng rồi cũng quen dần.

Nhiều người cho rằng, “Áo dài Võ Vương” chịu ảnh hưởng bởi áo dài Trung Hoa. Cần lưu ý, áo dài có lễ phục và thường phục. Sự tham cứu Tam tài đồ hội của Minh triều được thể hiện khá rõ trong bộ lễ phục, còn áo dài thường phục là loại áo ôm sát thân mình (bì bào), là loại áo mà người Trung Hoa mãi đến đầu thế kỷ XX mới thấy xuất hiện với tên gọi là xường xám (sườn xám, gọi theo tiếng Quảng Châu, tức áo dài) ở Trùng Khánh và Thượng Hải. Sách Trung Quốc phục trang sử viết và minh họa về trang phục của người Trung Hoa từ thời Xuân Thu đến thập niên 1920, không thấy đề cập đến loại áo dài này.

Thoạt đầu, “Áo dài Võ Vương” dù gọn gàng hơn so với áo tứ thân, ngũ thân truyền thống, nhưng vẫn còn rộng rãi, lùng thùng, vì vậy, nó không ngừng được cách tân để ngày càng đẹp đẽ, hấp dẫn hơn.

Đầu thập niên 1930, họa sĩ Nguyễn Cát Tường tạo nên sự đột phá khi tung ra một kiểu áo dài trên cơ sở tham khảo chiếc áo của người châu Âu. Ông đã biến chiếc áo tứ thân chỉ còn hai vạt trước và sau, may nối vai, tay phồng, cổ lá sen,... màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là ôm sát cơ thể, làm nổi rõ những đường cong gợi cảm của người phụ nữ mà các loại áo dài trước đó không có được. Áo được đặt tên là Áo dài Le Mur. Sự Âu hóa đã góp phần làm cho chiếc áo dài Việt Nam thêm phần độc đáo. Tuy vậy, bấy giờ Áo dài Le Mur bị dư luận cho là “lai căng”, nên nó chỉ tồn tại đến khoảng năm 1943.  

Từ năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã “khắc phục” những “hạn chế” của áo dài Le Mur. Những điểm nhấn từ Le Mur và áo tứ thân, ngũ thân được kết hợp một cách hài hòa để tạo thành một kiểu áo vạt dài vừa cổ kính vừa tân thời nên được người đương thời, nhất là giới nữ thời đó nhiệt liệt hoan nghênh. Có thể nói, Lê Phổ đã tạo được một điểm dừng cần thiết để từ đó, cái cốt cách Việt Nam luôn là nét chủ đạo để chiếc áo dài bước chân ra thế giới bên ngoài đầy sôi động.

Chiếc áo dài Lê Phổ tuy đã xác định được chỗ đứng trong xã hội, nhưng nó luôn được cách tân, biến đổi. Có thể lúc đầu gây “sốc”, nhưng rồi dần dần trở nên thích ứng với xu thế thời đại. Chẳng hạn Áo dài Trần Lệ Xuân ra đời vào cuối năm 1958, gây nên “tai tiếng” vì cái cổ áo khoét hở như chiếc thuyền và cách trang trí mới lạ, “ngược đời”. Có thể xem đây là một sự đột phá lần thứ hai. Tuy nhiên, Áo dài Trần Lệ Xuân bị xem là trái với thuần phong mỹ tục nước nhà và bị lên án gay gắt. Sang thập niên 1960, áo dài tay raglan ra đời gắn liền với tên tuổi của hiệu may Dung ở Dakao Sài Gòn. Loại áo dài Raglan đã khắc phục được nếp nhăn thường có hai bên nách của các kiểu áo dài trước đó. Cùng với nó là chiếc áo miniraglan, một phiên bản mới với áo ngắn tay. Cứ thế, áo dài không ngừng thay đổi: tay dài, tay ngắn, vạt dài, vạt ngắn, cổ cao, cổ thấp,… và cùng với nó là quần ống tóp, ống loe,…

Trước năm 1975, áo dài xuất hiện ở khắp mọi nơi: trong công sở, ở sân trường, ngoài phố chợ, ở đền miếu, chùa chiền,… ngoài việc đàn ông mặc áo dài trong các lễ nghi, đám tiệc,… phụ nữ hầu như mặc áo dài mỗi khi ra khỏi nhà, cả việc chợ búa (trừ việc đồng áng).

Một thời gian khá dài, do đời sống khó khăn, chiếc áo dài vắng bóng trong đời sống xã hội, để rồi lại bùng lên vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Với một sức mạnh tinh thần được hun đúc tự bao đời trong tiến trình lịch sử dân tộc, áo dài nhanh chóng lan tỏa trong đời sống xã hội với giá trị văn hóa ngày càng được nâng cao. Nó không dừng lại trong nước mà vượt biên giới quốc gia có mặt khắp nơi trên trường quốc tế.

Lời kết

Trước khi định hình thành nét đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam, chiếc áo dài phải trải qua bao thử thách. Như một sự sàng lọc tự nhiên, các yếu tố cả nội sinh lẫn ngoại sinh sẽ được giữ lại và kết tinh trong từng thớ vải, đường kim, trong từng nét phô, nét kín.

Giá trị không đổi của chiếc áo dài ngoài tính triết lý và nghệ thuật, còn ở chỗ nó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tâm hồn Việt, khiến cho những ai mặc nó đều cảm thấy không thể làm điều phi nhân cách.

Hiện đại và truyền thống, cả hai, không thể nào thiếu một để chiếc áo dài luôn là biểu tượng đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

 

 

Top