Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình báo chí cách mạng
Người thông qua báo chí để tố cáo những tội ác và chính sách đô hộ của chủ nghĩa đế quốc Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung, nhằm thức tỉnh, cổ vũ đồng bào Việt Nam và các dân tộc bị áp bức, định hướng hành động cách mạng cho họ trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Người rời Tổ quốc thân yêu ra đi tìm đường cứu nước.
Theo hành trình của con tàu Latútsơ Tơrevin, Người đã dừng chân ở cảng Mácxây, cảng Lơ Havơrơ của Pháp. Những ngày đầu tiên trên đất Pháp, được chứng kiến ở Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam, Người nhận thấy những người Pháp trên đất Pháp tốt và lịch sự hơn những tên thực dân Pháp ở Đông Dương.
Không dừng ở lại Pháp, năm 1912, Người làm thuê cho một chiếc tàu của hãng Sác giơ Rêuyni vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angêri, Tuynidi, Công Gô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông... Đến đâu Người cũng thấy cảnh cực khổ của người lao động dưới ánh bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị.
Giữa lúc cuộc chiến tranh thế giới diễn ra ác liệt, tình hình Đông Dương đang có những biến động, vào khoảng cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp.
Từ thực tiễn đấu tranh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thấy cần phải học viết báo để tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Phong trào công nhân và chủ nghĩa xã hội ở Pháp đã đưa Người đến hoạt động báo chí. Trong hai năm 1919 - 1920, Người đã viết 5 bài báo. Bài đầu tiên là “Vấn đề bản xứ” đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanitê) ngày 2 tháng 8 năm 1919, bài “Đông Dương và Triều Tiên” đăng trên báo Dân chúng (Le Populai re).
Năm 1922, tại Pari, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Ảnh: internet
Năm 1922, tại Pari, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Đây là cơ quan tuyên truyền của Hội Liên hiệp thuộc địa được tổ chức tại Pháp do Người làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Báo xuất bản bằng tiếng Pháp. Số 1 ra ngày 01-4-1922. Tháng 6 năm 1926 thì đình bản. Báo ra được 38 số. Theo kết quả nghiên cứu, Nguyễn Ái Quốc dùng 7 bút danh khác nhau viết 38 bài, vẽ 5 bức tranh đăng trên báo Le Paria. Nguyễn Ái Quốc đã phụ trách tờ báo từ số 1 đến số 15 (6-1923). Trước khi rời Pháp đi Liên Xô, Người viết bài để lại cho các số sau. Trong thời gian này, Người đã viết 30 bài báo, một số bức tranh kí họa đăng trên báo ký tên Nguyễn Ái Quốc và một số bút danh khác. Nội dung các bài viết tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác. Từ đó giúp Người đọc nhận thức rõ hơn về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng, về mâu thuẩn không thể điều hòa giữa chủ nghĩa thực dân với nhân dân lao động tại các thuộc địa; về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và chính quốc. Cũng từ những bài báo đó, Nguyễn Ái Quốc đã góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân ở các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ngày 13-6-1923, từ ga Đuy No, Nguyễn Ái Quốc rời Pari bằng tàu hỏa đến Berlin (Đức). Từ Hăm Buốc (Đức), Người đi tàu thủy đến Pêtơrôgrát (Liên Xô), quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Ít lâu sau, Người đi xe lửa đến Matxcơva, bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước của Lênin vĩ đại.
Thời gian tại Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài cho Tạp chí “Quốc tế nông dân” đề cập đến vấn đề của nông dân Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Phi, tố cáo chế độ áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, đế quốc, chỉ rõ phương hướng đấu tranh cho những người nông dân thuộc địa và nửa thuộc địa với khẩu hiệu: “Tất cả ruộng đất về tay nông dân”. Cũng trong thời gian này, Người tranh thủ viết bài cho các báo Nhân đạo (L’ Humanitê), Đời sống công nhân (La Vie Ouviere), Thư tín quốc tế (Enprekor), Sự thật (Parivda).... Các bài báo tập trung nói về các vấn đề liên quan đến giai cấp công nhân, đến cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở các thuộc địa, đồng thời chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa.
Từ những bài báo viết trong những năm 1921-1924, Người bổ sung sửa chữa thành cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Cuối năm 1924, bản thảo được gửi từ Matxcơva đến Pari cho Hội Liên hiệp thuộc địa và Ban Biên tập báo Le Paria trước khi Người rời Liên Xô đi Quảng Châu, Trung Quốc. Người đến Quảng Châu ngày 11-11-1924 để xúc tiến chuẩn bị thành lập chính Đảng vô sản kiểu mới trong giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Tại đây, Người đã tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và sáng lập tờ báo Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội. Người trực tiếp chỉ đạo tờ báo và là cây bút chủ chốt. Số đầu tiên của báo Thanh niên ra vào ngày 21-6-1925. Từ đó, ngày này đã trở thành ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Báo ra hàng tuần bằng tiếng Việt. Từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927, báo ra được 88 số góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về chính trị tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập chính Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tiếp theo báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc cùng các bạn chiến đấu của mình còn xuất bản ba tờ báo định kỳ khác là: báo Công nông (từ tháng 12-1926 đến đầu năm 1928), bán nguyệt san Lính cách mệnh (từ đầu năm 1927 đến đầu năm 1928), và Việt Nam tiên phong cho những đối tượng hẹp hơn. Trong những năm 1926, 1927, Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài: “Các sự biến ở Trung Quốc” đăng trên báo L’Annam, “Phong trào cách mạng ở Đông Dương”, “Sự thống trị của đế quốc ở Đông Dương” đăng trong Tập san Thư tín quốc tế ….
Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc trở lại Matxcơva. Người bắt tay viết cuốn sách nhỏ “Công tác quân sự của Đảng trong nông dân” và các bài báo “Phong trào công nhân ở Ấn Độ” bằng tiếng Pháp, “Sự thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương”...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã sáng lập nên nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: internet
Đầu tháng 6-1928, Nguyễn Ái Quốc rời Béclin, bắt đầu cuộc hành trình để về gần Tổ quốc. Người đã từ Đức qua Thụy Sĩ đến Italia, Rôma, Napôli đáp tàu thủy Nhật Bản đi Xiêm. Tại đây, Người đã hoạt động trong Việt kiều, thâm nhập vào đời sống quần chúng, phát hành báo chí, đổi tên tờ báo Đồng thanh thành Thân ái, chuẩn bị cho quá trình thành lập Đảng. Ngày 03-02-1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đặc phái viên của Quốc tế Cộng sản đã thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chính Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để dẫn dắt cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam bước sang trang sử mới.
Những năm 1930-1940 Người hoạt động ở Trung Quốc và Liên Xô. Người vẫn giành thời gian viết các bài: “Nghệ Tĩnh đỏ”, “Khủng bố trắng ở Đông Dương” (1931)....
Từ 1936 -1939, Người đã viết nhiều bài cho báo Notre (Tiếng nói của chúng ta) là tuần báo công khai bằng tiếng Pháp của Đảng xuất bản tại Hà Nội trong thời kỳ Mặt trận dân chủ; bài cho báo Dân chúng, cơ quan Trung ương của Đảng xuất bản công khai ở Sài Gòn năm 1938; cho Cứu vong nhật báo do Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật.
Sau 30 năm tìm đường cứu nước, ngày 28-01-1941, Người trở về Tổ quốc thân yêu để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với Trung ương xây dựng lực lượng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong muôn vàn công việc của đất nước Người vẫn giành thời gian cho hoạt động báo chí. Chỉ tính từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1947, Người đã viết 354 bài báo, trong đó có 26 bài đăng trên báo Sự thật, Cơ quan tuyên truyền cổ động của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác ở Đông Dương.
Những năm 1948 cho đến trước lúc đi xa, Người viết đều đặn đăng trên các báo và tạp chí để tuyên truyền, giáo dục, hiệu triệu cả dân tộc đứng lên tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Người thường xuuyeen quan tâm xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam làm nòng cốt cho sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng.
Sự nghiệp báo chí của Người là một trong những di sản to lớn mà Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta.
Theo gương Người, chúng ta nguyện xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển toàn diện, thực sự là vũ khí sắc bén góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong quá trình hội nhập và phát triển.
Nguyễn Minh Châu