Kỳ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2016): Tìm hiểu về lối làm việc Hồ Chí Minh

Từ lâu Đảng ta đã nêu rõ: Học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không tách rời với việc học tập phong cách, lề lối làm việc của Người. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II năm 1951 Đảng ta đã chỉ rõ: Cùng với việc học tập đường lối chính trị và đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh phải học tập phong cách của Người, nhấn mạnh: “Sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn”. Mừng Đảng, mừng xuân năm nay và chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng ta ôn lại bài học Bác Hồ để lại về xây dựng lối làm việc của một đảng cầm quyền, của người đảng viên của Đảng cầm quyền.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã nhận ra vấn đề tổ chức lối làm việc có hiệu quả là vấn đề có tính quyết định kết quả hoạt động chính trị thực tiễn, quyết định chính đường lối của Đảng. Chính vì vậy, sau hai năm Đảng cầm quyền, năm 1947, trong gian nan, thử thách của cuộc kháng chiến, với tâm sức và trí tuệ tuyệt vời Bác đã thể hiện quyết tâm xây dựng Đảng tiên phong để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Nói đến việc xây dựng tác phong và lề lối làm việc của Đảng cầm quyền, chúng ta không thể không nhắc đến hai tài liệu quan trọng của Bác Hồ. Đó là bức thư Người gửi các đồng chí Bắc Bộ và các đồng chí Trung Bộ tháng 3-1947 và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Người viết tháng 10-1947. Trong hoàn cảnh khó khăn Người viết: Trong lúc dân tộc ta đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và cả đoàn thể phải đưa tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho nước nhà thống nhất và độc lập. Mỗi đồng chí và cả đoàn thể phải sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết siêng năng, nhất trí… Lúc này tư tưởng và hành động của mỗi đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người có sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to “sai một ly đi một dặm”. Bác nhắc các đảng viên cần phải sửa chữa ngay những khuyết điểm như là những biểu hiện địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt, quan liêu, hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác phân tích rất kỹ những bài học kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, vấn đề rèn luyện đạo đức của người đảng viên của một đảng cầm quyền. Theo Bác, lối làm việc không chỉ thể hiện tính đảng, tính giai cấp mà cũng là đường hướng, là cách thức tổ chức công việc với những nội dung cụ thể để đường lối của Đảng được thực hiện trong cuộc sống.

   -Trước hết, để xây dựng lề lối, tác phong làm việc Bác Hồ đặc biệt coi trọng tư cách và đạo đức cách mạng.

Vấn đề tư cách và đạo đức cách mạng đã được nêu lên từ năm 1927, khi Bác tổ chức các lớp đào tạo những cán bộ đầu tiên cho Đảng. Sau này, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947 Người đã nêu lên rất cụ thể tư cách của một đảng cách mạng, của người đảng viên của một đảng cách mạng chân chính. Đây là sự đúc rút một cách rất nghiêm túc kinh nghiệm của hai năm đảng ta trở thành đảng cầm quyền. Những vấn đề đạo đức cách mạng một lần nữa được Bác phân tích và giảng giải. Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm là những nội dung cơ bản của tư cách đạo đức cách mạng. Tư cách đạo đức ấy, theo Người không chỉ là cơ sở cho lối làm việc cách mạng mà còn là vấn đề cốt lõi, là nguồn gốc của lối làm việc cách mạng và khoa học. Bác viết: Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, những tính tốt như nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm sẽ ngày càng nhiều. Người nói: Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “Chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm. Vì thế theo Bác tư cách đạo đức cách mạng là quan trọng nhất và đó chính là nền tảng tư tưởng để xây dựng lề lối, tác phong làm việc của Đảng ta.

(Ảnh: TL)

- Bài học về xây dựng phong cách và phương pháp lãnh đạo

Sau tư cách và đạo đức cách mạng, Bác Hồ đặc biệt nhấn mạnh đến cách lãnh đạo. Đây là vấn đề tập hợp, tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tế. Về vấn đề này, Bác Hồ đã để lại những bài học vô cùng quý giá để tránh tình trạng chủ trương, chính sách ban ra thì nhiều nhưng không thực hiện được, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn. Bác nêu vấn đề phải lãnh đạo đúng và chỉ ra rằng lãnh đạo đúng gồm ba nội dung:

Một là: Phải lãnh đạo đúng, nghĩa là phải quyết định mọi vấn đề cho đúng;

Hai là: Phải tổ chức sự thi hành cho đúng;

Ba là: Phải tổ chức kiểm soát.

Theo Bác ba nội dung trên tạo thành một sự lãnh đạo đúng và có quan hệ mật thiết với nhau, đều gắn bó, dựa vào nhân dân, thực hiện kết hợp đánh giá từ trên xuống với từ dưới lên để sự đánh giá được đúng đắn, hoàn thiện hơn. Để xây dựng được cách lãnh đạo như thế Bác nêu lên vấn đề chọn và thay người lãnh đạo. Người viết: Chọn người và thay người lãnh đạo là vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo; Phải thải đi những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc; Đối với những người cậy mình là “công thần cách mạng” rồi đâm ra ngang tàng, không giữ kỷ luật thì cần phải mời họ xuống công tác hạ tầng, khép họ vào kỷ luật để chữa tính kiêu ngạo, chữa thói quan liêu cho họ và để giữ vững kỷ luật của Đảng và Chính phủ. Một hạng người thứ ba cũng không thể ở vị trí lãnh đạo đó là hạng người nói suông. Đó là những người “chỉ biết nói và nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. Nếu những người như thế ở vị trí lãnh đạo của Đảng sẽ chỉ làm hại uy tín của Đảng, không thể tập hợp, lãnh đạo được quần chúng nhân dân.

Học tập tư tưởng, phong cách lề lối làm việc Hồ Chí Minh trước hết phải phát hiện ra những hạng người như thế và điều quan trọng là phải kiên quyết loại những người đó ra khỏi vị trí lãnh đạo bởi vì họ quá xa lạ với lối làm việc Hồ Chí Minh, xa lạ với lối làm việc của một Đảng cộng sản cầm quyền.

(Ảnh: TL)

Lối làm việc Hồ Chí Minh phải là thiết thực, hiệu quả. Người đòi hỏi mỗi cán bộ phụ trách phải khắc phục bệnh quan liêu “hữu danh vô thực”, “làm cho có chuyện, làm lấy được”, “chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chứ không ham công tác thực tế”, “kế hoạch không ăn khớp với hoàn cảnh thiết thực”…Để có tác phong lãnh đạo thiết thực Bác khuyên thực hiện hai cách: Một là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng. Hai là liên hợp người lãnh đạo với quần chúng. Nghĩa là phải có chính sách chung, kêu gọi chung để tập hợp, động viên quần chúng nhưng đồng thời phải tập trung chỉ đạo ở một nơi nhất định để thực hiện cho kỳ được, lấy kinh nghiệm ở nơi đó để chỉ đạo chung. Cách lãnh đạo đó Bác cho rằng là cách vừa lãnh đạo vừa học tập và khẳng định: “Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.”

Đảng ta đã trải qua lịch sử hơn 80 năm, trong đó có trọn 70 năm cầm quyền, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú qua nhiều tình huống của cách mạng. Trong điều kiện kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, điều kiện làm việc của người cán bộ đảng viên của Đảng đang chịu ảnh hưởng rất lớn của thế lực đồng tiền và lối sống tư bản. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ đã làm thay đổi to lớn không chỉ trong quản lý kinh tế mà cả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Ngay cả trong bản thân việc quản lý ngày nay cũng được cung cấp những phương tiện kỹ thuật mới, công nghệ quản lý mới tiên tiến và hiệu quả hơn. Trong điều kiện ấy chúng ta cũng phải xây dựng lối làm việc mới, đồng thời phải hiện đại hóa lối làm việc của chúng ta. Đây cũng chính là tính khoa học và cách mạng  trong xây dựng lề lối và tác phong làm việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn.

Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi, nguồn gốc của lối làm việc đúng đắn mà Bác Hồ đã chỉ ra vẫn mãi là đường hướng cơ bản về công tác tổ chức nói chung, đặc biệt là công tác tổ chức thực hiện đường lối chính sách nói riêng của Đảng và Nhà nước ta. Vì thế lối làm việc của Bác không chỉ là một di sản quý mà còn là cẩm nang giúp chúng ta vận dụng xây dựng lối làm việc trong điều kiện lịch sử hôm nay.

TS Nguyễn Thị Tình

Top