Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 tổ chức dưới hình thức trực tuyến

(TGDS). Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm 24 thành viên do Đại hội đồng Công ước UNESCO 2003 bầu chọn, họp định kỳ hàng năm trao đổi về việc triển khai thực hiện Công ước, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên phạm vi toàn cầu.

Các quốc gia thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 hiện nay bao gồm: Azerbaijan, Bostwana, Braxin, Camơrun, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, CH Séc, Djibouti, Jamaica, Nhật Bản, Kazakhstan, Cô oét, Ma rốc, Hà Lan, Panama, Peru, Ba Lan, Hàn Quốc, Rwanda, Ả rập Xê út, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sỹ và Togo.

Khai mạc Hội nghị 14 Uỷ ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Ảnh: Internet

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và tình hình hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia trên thế giới để kiềm chế dịch bệnh, Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 lần đầu tiên được tổ chức hoàn toàn dưới hình thức trực tuyến từ ngày 14 đến 19-12-2020 dưới sự chủ trì của bà Olivia Grange - Bộ trưởng Văn hóa, Giới, Giải trí và Thể thao Jamaica. Tham dự Kỳ họp có hơn 800 đại biểu từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các quốc gia thành viên Công ước UNESCO 2003, Ban Thư ký, Ban Tư vấn, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, các hãng thông tấn, báo chí khu vực và quốc tế... Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại UNESCO.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Kỳ họp vào ngày 14-12-2020, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azouley nhấn mạnh, di sản văn hóa phi vật thể có sức mạnh gắn kết con người, giúp vượt qua những khác biệt; tôn trọng di sản văn hóa không chỉ dừng ở mức độ bảo vệ mà tiếp tục trao truyền giá trị của di sản đến các thế hệ tiếp theo, giúp thế hệ trẻ đánh giá đúng vai trò của di sản và tự hào về di sản. Cũng tại Lễ khai mạc, Tổng Giám đốc UNESCO đã phát động Dự án “Kết nối di sản sống và phát triển bền vững”, trong đó khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận trong khuôn khổ Công ước UNESCO 2003 và 17 mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự 2030.

Kỳ họp trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng như: Báo cáo của Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; Xem xét, đánh giá báo cáo thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị đối với các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; Báo cáo về hoạt động của Ban tư vấn Ủy ban liên Chính phủ trong năm 2020. Đặc biệt, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 xem xét, đánh giá 04 hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp, 42 hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 04 đề xuất đăng ký vào danh mục thực hành bảo vệ tốt di sản và 02 đề xuất nhận tài trợ quốc tế đối với di sản văn hóa phi vật thể.

Đây là các nội dung chuyên môn thường xuyên và quan trọng nhất Ủy ban liên Chính phủ thực hiện tại các kỳ họp, qua đó giúp các quốc gia thành viên ý thức tầm quan trọng của hoạt động bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản thế giới trước các nguy cơ hiện nay. Đây cũng là nội dung các quốc gia thành viên hết sức quan tâm và là diễn đàn để các tổ chức tư vấn, các cơ quan, đơn vị trực thuộc UNESCO, các tổ chức quốc tế và các quốc gia thành viên trao đổi kinh nghiệm thực tế về bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị các di sản thế giới.

Cũng trong khuôn khổ Kỳ họp, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 trao đổi, cho ý kiến về quy trình, số lượng hồ sơ di sản nộp và xử lý trong chu kỳ 2020-2021 và 2022-2023. Ủy ban cũng thảo luận về việc thành lập Ban tư vấn Ủy ban năm 2021, một số vấn đề về công tác chuẩn bị và tổ chức Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003.

                                                                    Quốc Anh

 Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTTDL

 

Top