Khai mạc Triển lãm"Không gian Di sản văn hóa Việt Nam"

Được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Việt Nam”.

Cắt băng khai mạc Triển lãm.

Diễn ra từ 22/11 - 27/11/2021 thông qua hình thức trực tiếp tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và online trên website: http://trienlamvhnt.vn; http:/dsvh.gov.vn, Triển lãm là sự kiện văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hoá, thiên nhiên và danh thắng độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận;... giúp khách tham quan hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, góp phần quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong việc cùng chung tay bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc.

Đại biểu tham quan Triển lãm.

Triển lãm được tổ chức với nhiều nội dung phong phú: Không gian trưng bày “Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam”; Không gian trưng bày di sản văn hóa, các chương trình quảng bá, phát triển du lịch và các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, nghệ thuật ẩm thực… của các tỉnh, thành phố; Triển lãm ảnh cuộc thi “Di sản văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất”; Triển lãm “Di sản quanh ta”; Khu trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các làng nghề nổi tiếng tại Việt Nam. Xuyên suốt những ngày diễn ra triển lãm đều có các chương trình biểu diễn nghệ thuật có nội dung gắn với di sản văn hóa phi vật thể, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước…

Trong khuôn khổ của “Không gian di sản văn hóa Việt Nam”, Triển lãm “Di sản quanh ta” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa tổ chức, gồm các nội dung trưng bày và trình diễn thời trang áo dài truyền thống, trưng bày ảnh nghệ thuật chủ đề “Di sản ký ức”, trưng bày “Di sản nghề truyền thống” và quảng bá giới thiệu dự án du lịch di sản.

Đại biểu tham quan Triển lãm.

Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam - PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho biết: Kể từ năm 2005, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 23-11 là ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, mỗi năm, vào dịp này, Hội DSVH Việt Nam đều tham gia các sự kiện do Bộ VHTTDL, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam tổ chức tại đây, nhưng năm nay là năm Hội DSVH Việt Nam và các tổ chức, đơn vị thuộc Hội tham gia lớn nhất, quy mô nhất, phong phú và đa dạng nhất.

Đại biểu tham quan Triển lãm.

Trước đó, ngày 19-11, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sưu tập An Biên (Hải Phòng) đã phối hợp tổ chức khai mạc Trưng bày chuyên đề "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ Sưu tập An Biên" được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội và trực tuyến trên fanpage Bảo tàng đến hết tháng 12-2021.

Ông Trần Đình Thăng - Chủ nhân Bộ Sưu tập An Biên (Hải Phòng) giới thiệu với khách tham quan một số hiện vật tại Trưng bày

Một số hiện vật tại Trưng bày

Với mục đích thông qua sưu tập hiện vậy đặc sắc, bằng các hình thức nghệ thuật trưng bày, giới thiệu một cách cô động, khái quát nhất về lịch sử đồ gốm Việt Nam, trên diện tích khoảng 150m2, Trưng bày gồm 4 phần chính: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên; Gốm Việt Nam thế kỷ 11-14; Gốm Việt Nam thế kỷ 15-17; Gốm Bát Tràng thế kỷ 18-19. Nội dung trưng bày đảm bảo tính khoa học, các hiện vật, tài liệu được đưa ra trưng bày là hiện vật gốc, tiêu biểu, có giá trị về lịch sử, văn hóa, có tính thẩm mỹ cao; hình thức trưng bày đa dạng, phong phú, hấp dẫn, sử dụng phương tiện kỹ thuật tổng hợp, hiện đại và thủ pháp nghệ thuật, sắp xếp các hiện vật theo sưu tập loại hình, dòng gốm, Trưng bày đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, nhu cầu tuyên truyền, giáo dục di sản cho đông đảo công chúng.

Q.H

Có thể bạn quan tâm

Top