Hoạt động báo chí của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp (1917-1923) qua tài liệu mật thám Pháp
Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ báo chí là vũ khí tinh thần sắc bén để đấu tranh chống mọi kẻ thù, là một phương tiện rất cần thiết thậm chí tối quan trọng để đấu tranh cách mạng, báo chí “là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”. Với quan điểm đúng đắn đó, với quyết tâm vượt mọi khó khăn, trở ngại, ra sức học tập lý luận chính trị, học tập tiếng Pháp và nghiệp vụ làm báo, lại được sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng trở thành một nhà báo được đông đảo độc giả chú ý, trở thành một cộng tác viên tín nhiệm của nhiều tờ báo cách mạng và tiến bộ tại Pháp.
Những bài viết đầu tiên của Người với bút danh Nguyễn Ái Quốc là những bài báo phê phán chế độ thực dân Pháp như Tâm địa thực dân, Vấn đề dân bản xứ… viết năm 1919. Bút danh Nguyễn Ái Quốc lần đầu xuất hiện trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi lên Hội nghị Versailles họp tại Paris tháng 6-1919. Đây là mốc thời gian vô cùng quan trọng trên con đường tìm đường cứu nước và trong sự nghiệp báo chí cách mạng của Người. Người đã khẳng định mục tiêu, phương hướng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.
Năm 1922, khi cùng những người đồng chí thân thiết tại Hội Liên hiệp thuộc địa vượt qua nhiều khó khăn sáng lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) để từng bước biến tờ báo trở thành một công cụ hữu hiệu kêu gọi, tập hợp đông đảo nhân dân lao động chống lại thực dân xâm lược đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp báo chí của Nguyễn Ái Quốc.
Trong bản báo cáo của mật thám Pháp về báo Le Paria (Người cùng khổ) tháng 3-1924 có đoạn viết: “Báo Le Paria (Người cùng khổ) có trách nhiệm tố cáo những hành động lạm dụng chính trị, độc đoán về hành chính, những sự bóc lột về kinh tế mà những nạn nhân là dân chúng trong những vùng rộng rãi ở hải ngoại (tức là thuộc địa). Báo cũng kêu gọi họ tập họp lại để phấn đấu cho những tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính bản thân họ và mời họ vào tổ chức với mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi những thế lực thống trị để thực hiện tình thương yêu và hữu ái. Và mục đích cuối cùng của tờ báo là “Giải phóng loài người!”
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (12-1920). Ảnh: internet
Nguyễn Ái Quốc được cử làm Chủ bút tờ báo, phụ trách biên tập, viết bài và xuất bản báo. Nguyễn Ái Quốc là người viết nhiều bài nhất. Người đã đóng góp 38 bài viết thuộc nhiều thể loại: xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm chính trị, truyện ký và tranh vẽ châm biếm dưới 7 bút danh đã được khẳng định: Nguyễn Ái Quốc (bằng chữ Việt và chữ Hán), Nguyen A. Q, Ng.A.Q, Nguyen, N.A.Q, Một người An Nam, Le Paria (Người viết với danh nghĩa Ban Biên tập báo, trình bày những quan điểm và thái độ chính trị của tờ báo qua thể văn chính luận về những sự kiện lớn). Những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc đối với tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) được khẳng định một cách sinh động, đầy đủ và khách quan qua lời xác nhận của Luật sư Clanhvin Blôngcua - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa: “Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo. Anh viết khoẻ, có số viết tới 2, 3 bài… ở nhiều số không những anh viết bài mà còn vẽ tranh châm biếm nữa để đả kích chế độ thực dân… Xem, đọc bài và tranh đó người ta thấy rõ tác giả có một tinh thần tiến công rất chủ động và rất thông minh”.
Bên cạnh đó, các tiểu phẩm, truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria cũng chiếm một vị trí đáng kể. Ngay số báo đầu tiên tuy chưa có bài ký của Nguyễn Ái Quốc nhưng Ban Biên tập đã thông báo trước: “Đọc trong số tới một bài thú vị của Nguyễn Ái Quốc, thợ ảnh, về động vật học”. Kể từ bài này, trong thời kỳ đã nói trên, đến thời điểm hiện nay đã thống kê được 17 bài tiểu phẩm, truyện, ký của Người với các bút danh: Nguyễn Ái Quốc, N.A.Q., N., V.L….
Không những vậy, bằng tâm hồn nghệ sĩ và một tài năng nghệ thuật, Nguyễn Ái Quốc còn cống hiến cho độc giả báo Le Paria những bức tranh châm biếm hài hước, song chứa đựng nội dung vô cùng sâu sắc.
Các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria đã tác động một cách sâu sắc tới độc giả các dân tộc thuộc địa, nhận được nhiều lời đồng tình, khen ngợi. Theo báo cáo của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nhận được thư của rất nhiều độc giả ở khắp các quốc gia trên thế giới gửi tiền biếu báo và đặt mua báo dài hạn. Như bức thư của sinh viên Phan Văn Thiết gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 8-6-1923: “Mong ông ghi cho tôi mua 3 xuất báo “Người cùng khổ”, mỗi xuất là 1 năm. Tôi xin đề nghị, nếu có thể được, cho đăng ký mua từ số 1 và mong ông gửi cho tất cả các số báo đã phát hành từ trước đến nay, để tôi có thể gửi cho các bạn tôi tại Nam Kỳ”.
Trang nhất báo Le Paria (Người Cùng Khổ) số tháng 9-10/1925. Ảnh: internet
Có những độc giả ngay sau lần đầu tiên được tiếp xúc với tờ báo đã viết thư gửi Nguyễn Ái Quốc thể hiện cảm tình với tờ báo, đề nghị được giúp đỡ cho báo và tuyên truyền về báo Người cùng khổ cho những người đồng bào:
“Tình cờ tờ báo của Ông rơi vào tay tôi. Tôi không giấu ông là tôi vui mừng biết chừng nào khi thấy xuất bản tờ báo bảo vệ quyền lợi chống lại sự bất công và sự dã man của những kẻ tự xưng là “người văn minh” nhưng thực ra họ chỉ là bọn…
Từ khi tờ “Diễn đàn An Nam” mất đi, tờ báo cũng bảo vệ cho mục tiêu tốt đẹp như trên, tôi chỉ còn biết khóc cho sự thất bại này. Nhưng có một người - tôi xin nói đó là Ông - đã có ý định tốt là lập ra tờ báo để bảo vệ mục tiêu bức thiết này. Về phần tôi, không thể tôi không đến giúp ông, nếu như có thể là cộng tác (nhưng cũng không dễ dàng gì) nhất là về vật chất.
Do đó tôi xin gửi ông một món tiền nhỏ mọn và xin lỗi ông vào lúc này chưa giúp gì được vì gặp khó khăn, nhưng tôi xin hứa sẽ giúp được ông khi hoàn cảnh của tôi cho phép.
Hơn nữa, tôi xin phép ông gửi cho tôi những số báo cũ từ tháng giêng vì là chắc chắn nhất. Tôi xin hứa với ông sẽ chuyển báo cho tất cả đồng bào của chúng ta ở Môngpeliê đọc và tôi tin chắc rằng họ sẽ không thờ ơ với một mục tiêu cao cả và nhân đạo như thế”. Bức thư gửi kèm theo một bưu phiếu 10 phơrăng.
Thời kỳ hoạt động báo chí tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết trên 60 bài báo về nhiều chủ đề khác nhau, rất phong phú, đa dạng, sâu sắc với một văn phong trong sáng, dễ hiểu, rất gần gũi với mọi tầng lớp lao động. Đặc biệt, trong năm 1922, khi càng lúc càng thấy rõ vai trò tuyên truyền của báo chí trong hoạt động chính trị cũng như hướng đi của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc liên tiếp gửi bài đăng ở rất nhiều báo như: Phong tục thực dân (Moeurs coloniales) và Thư ngỏ gửi ông Sarraut, Bộ trưởng Bộ thuộc địa (Lettre ouverte à M.Albert Sarraut, Ministre des Colonies) được đăng trên báo Journal du Peuple (Báo Dân chúng) tháng 4-1922; Đời sống đắt đỏ ở thuộc địa (La vie chère coloniale) cũng trên báo Journal du Peuple số ra ngày 20-8-1922; Những con người văn minh (Les civilisateurs) đăng trong mục báo Nhân đạo với thuộc địa của tờ L’Humanité (Nhân đạo) số 22 tháng 6-1922; Chế độ nô lệ kiểu mới đăng trên tờ La vie Ouvrière (Đời sống thợ thuyền) số 26 tháng 10-1922;… Đây là những bài báo đả phá mạnh mẽ vào chính quyền thực dân, lật tẩy bộ mặt của chúng ở bản xứ, sự thật của việc đi “khai hóa văn minh”. Những bài báo này không chỉ đánh tiếng chuông thức tỉnh dư luận Pháp mà còn ở nhiều nước khác, đặc biệt là ở các dân tộc thuộc địa.
Ngoài ra, để có thêm tin tức và tư liệu viết bài, Nguyễn Ái Quốc còn đặt mua rất nhiều loại báo của các tổ chức xã hội khác nhau. Theo thống kê từ những báo cáo của mật thám Pháp hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc đã đọc khoảng trên 30 tờ báo và tạp chí khác nhau trong thời gian ở Pháp. Đó là các báo: L’Humanité (Nhân Đạo); Le Libertaire (Người tự do); La Vague (Làn sóng); Le Communiste du Nord Ouest (Người cộng sản vùng Tây Bắc); L’Avenir Social (Tương lai xã hội); Le Quatrième État (Nhà nước thứ tư); Le Communiste du Nord Ouest (Người cộng sản vùng Tây Bắc); Le Peuple Libre (Dân chúng tự do); Les Travailleurs de la Terre (Những người lao động trên trái đất); L’Ouest Africain Français (Tây Phi thuộc Pháp); Le Réveil de l’Esclave (Người nô lệ thức tỉnh); Le Journal du Peuple (Tờ báo của nhân dân); Journal de l’Ouest Africain (Vùng Tây Châu Phi); La Bataille (Chiến trận); La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ); La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản)…
Có thể nói, những hoạt động báo chí tích cực của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này đã góp phần giúp người dân lao động tại các nước thuộc địa nói chung và tại Việt Nam nói riêng nhận thức rõ về sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân nói chung và thực dân Pháp nói riêng; góp phần truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin vào phong trào công nhân các thuộc địa, thức tỉnh phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam về sau này.
Th.S Trần Thị Phương Lan