Góp phần đưa Dân ca Ví, Giặm vào trường học Thủ đô

Chương trình "Sân khấu học đường" đã được triển khai từ lâu, bắt đầu từ Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội và một số nhà hát truyền thống khác.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản Dân ca xứ Nghệ bắt đầu thực hiện và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.

Với đội ngũ diễn viên trẻ được đào tạo ở các trường đại học về nghệ thuật, sư phạm và văn hóa là một lợi thể để gần gũi với khán giả nhỏ tuổi. Phương pháp của Đoàn là không đem hẳn một chương trình dài từ 1 đến 2 tiếng đến diễn, mà lồng ghép vào các hoạt động có sẵn của nhà trường, để các em đuợc thay đổi và tiếp cận thú vị hơn. Ví dụ như trong Chương trình “Tết ấm yêu thương”, các em được tham gia gói bánh chưng và kể chuyện sự tích bánh chưng bánh giày bằng bài giặm vè "Bánh giày tròn - Bánh chưng vuông" thơ của cô giáo Thu Thủy, chuyển soạn Thanh Phong. Vào đầu hè năm nay, được sự đồng thuận của Trung tâm Văn hóa Hà Nội, các diễn viên Dân ca Ví, Giặm lại mang phong cách trẻ trung hơn biểu diễn và dạy hát dân ca qua các trò chơi trong chuỗi sự kiện giới thiệu sách Hè 2016 tại các quận, huyện của Thủ đô. 

Một mùa hè lại đến, sân khấu học đường về Dân ca Ví, Giặm sẽ trở lại trong đầu năm học này, hy vọng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp, hưởng ứng, cộng tác và giúp đỡ của cộng đồng để Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng được giới trẻ yêu thích, góp phần vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại này.

                                                              Tin và ảnh: Lê Thanh Phong

 

Top