Độc đáo "Chợ Viềng" Thanh Hóa

Đến xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào những ngày đầu xuân ta có dịp tham dự lễ hội hết sức độc đáo là Lễ hội chợ Chuộng - phiên chợ có thể gọi là “chợ Viềng Thanh Hóa”.

Nói là độc đáo và gọi là “chợ Viềng Thanh Hóa” bởi chợ Chuộng chỉ họp duy nhất một phiên (ngày) trong năm là vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm (tức ngày mồng Sáu Tết Âm lịch). Địa điểm diễn ra lễ hội là khu bãi bồi ven sông Hoàng - con sông phân chia ranh giới phía Tây và phía Bắc hai huyện Triệu Sơn và Đông Sơn của tỉnh Thanh Hóa. Phía Đông của sông Hoàng là xã Đông Hoàng, phía Tây và phía Bắc là địa phận hai xã Dân Lý và Dân Quyền của huyện Triệu Sơn.

Gọi là chợ bởi vì ở đây có sự trao đổi, mua bán giữa những người tham gia phiên chợ, song khi đến với chợ, người ta lại nhận thấy không khí chợ giống như một lễ hội truyền thống và có tính chất tâm linh mang đậm nét văn hóa dân gian, bởi một lẽ, người đến chợ luôn mang theo một tư tưởng “Bỏ đi cái rủi ro và mang về cái may mắn”. Vì vậy, trong giao tiếp gọi nhau vào chợ họ thường nói: “Đi mua may bán rủi”. Do vậy, trong số những người tham gia phiên chợ thì nam thanh nữ tú là đông nhất. Ngoài ra còn có đầy đủ các tầng lớp nhân dân trong làng từ cụ già cho đến trẻ nhỏ còn đang phải bế bồng. Đi chợ ở đây không nhất thiết là phải mua bán mà chỉ mang tính chất vui chơi, vãn cảnh đầu xuân là chính. Tuy nhiên, khi đến chợ hầu hết ai cũng mua một thứ gì đó, có thể chỉ là một cái bánh, mớ rau, con rối hay cũng có thể chỉ là một thứ quả nào đó…, bởi người ta cho rằng để lấy cái may mắn cho cả năm nên việc trao đổi, mua bán ở đây chủ yếu mang tính tượng trưng.

Chợ Chuộng chỉ họp duy nhất một phiên (ngày) trong năm là vào ngày mồng 6 tháng Giêng hàng năm. (Ảnh: internet)

Về Đông Hoàng, tìm hiểu qua các bậc cao niên nơi đây được biết, vào thế kỷ XV, trong một lần giao chiến với giặc Minh, do lực lượng còn mỏng, binh khí lại thô sơ nên nghĩa quân của Bình Định vương Lê Lợi bị giặc Minh đẩy lui và phải rút về căn cứ Lam Sơn. Trên đường rút, khi về đến khu vực bãi bồi ven sông Hoàng nay thuộc làng Hoàng Giang, xã Đông Hoàng, giặc Minh đuổi sắp đến nơi. Trong lúc nguy cấp, không có thuyền bè để vượt sông. Trước tình hình đó, các cụ bô lão trong làng cùng nhân dân và nghĩa quân Lam Sơn phải họp lại để bàn cách ứng phó quân địch. Sau khi bàn bạc và thống nhất, phương án được đưa ra để ứng phó với địch là các cụ bô lão huy động tất cả nhân dân trong làng đem lương thực, thực phẩm, rau quả trong vườn nhà, nồi niêu, xoong chảo, quang gánh cùng tất cả những thứ có thể đến bãi bồi ven sông Hoàng tổ chức họp chợ và diễn ra cảnh mua bán nhằm che mắt quân giặc. Hôm đó đúng vào ngày mồng 6 Tết Nguyên Đán. Do mới là mồng 6 Tết nên các loại bánh trái, thực phẩm trong các gia đình còn rất nhiều. Ngoài ra, còn có các con vật như: chó, mèo, lợn, gà, vịt… cũng được nhân dân mang ra chợ bán. Theo kế hoạch, Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân thay y phục mặc quần áo của nhân dân và trà trộn cùng với nhân dân, vũ khí thì được giấu vào các bó mía, bó củi. Vì là chợ giả để nghi binh giặc nên cảnh mua bán ở đây chỉ là hình thức che mắt giặc. Trong phiên chợ, người dân và nghĩa quân Lam Sơn cũng tạo cảnh mặc cả, cãi vã rồi đuổi đánh nhau như một phiên chợ thật làm huyên náo cả một bãi bồi ven sông. Khi giặc Minh đuổi đến bãi ven sông này chỉ thấy một phiên chợ với cảnh mua bán náo nhiệt nên không đề phòng. Lợi dụng giặc trong lúc mất cảnh giác, nghĩa quân Lam Sơn và người dân bất ngờ tấn công, vũ khí là tất cả những vật dụng đang có lúc này như đòn gánh, gậy gộc, bó củi…; nồi niêu, xoong chảo được dùng làm chiêng trống… Bị tấn công bất ngờ, giặc Minh thua to nên phải rút chạy, do vậy nghĩa quân Lam Sơn đang từ thế bị giặc Minh truy đuổi chuyển thành thế thắng. Sau khi giặc Minh rút, để cảm ơn nhân dân nơi đây, Lê Lợi đã ra lệnh cho nghĩa quân cùng nhân dân tổ chức khao quân và ăn mừng chiến thắng ngay tại bãi bồi ven sông này.

Chợ chủ yếu bán đồ ăn khô, ăn nhanh như: Bánh đa, bánh cuốn; đồ chơi như: bóng bay, con đánh vật, gà gật gù… (Ảnh: internet)

Tương truyền, xưa kia tại khu vực này còn có một ngôi miếu nhỏ được nhân dân lập nên để thờ Bình Định Vương Lê Lợi. Tuy nhiên, vào thời kỳ bài phong ngôi miếu này đã bị phá hủy, nay chỉ còn lại bãi đất trống để họp chợ hàng năm.

Từ câu chuyện trên, hằng năm cứ đến ngày mồng 6 tết, nhân dân nơi đây lại tụ họp để ôn lại cảnh giao chiến giữa nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh và cũng từ đó chợ Chuộng được hình thành.

Có thể nói, qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy được tính cố kết cộng đồng của nhân dân ta từ xưa cũng như truyền thống đánh giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Cũng bởi vậy mà chợ Chuộng từ bao đời nay đã đi vào tâm thức của nhân dân làng Hoàng Giang, xã Đông Hoàng nói riêng cũng như nhân dân nhiều nơi quanh vùng và cả nước nói chung. Đến nay, nơi đây vẫn còn truyền lại câu ca dao: “Bỏ con bỏ cháu không bỏ mồng 6 chợ Chuộng

Nghiên cứu sâu về cách thức mua bán ở chợ cho thấy, nét độc đáo của chợ Chuộng so với các chợ truyền thống thông thường khác là giữa người mua và người bán ở đây không có sự kèo nèo trong mua bán. Người mua cũng như người bán rất thoải mái, không quan trọng đắt hay rẻ và bán hay không bán. Một điểm rất đáng chú ý ở đây là chợ chủ yếu bán đồ ăn khô, ăn nhanh như: Bánh đa, bánh cuốn; đồ chơi như: bóng bay, con đánh vật, gà gật gù…

Cũng theo lời kể của các bậc cao niên nơi đây đa phần các loại bánh đều được pha, tẩm màu đỏ hoặc màu hồng để tượng trưng cho màu máu của giặc Minh khi giao chiến với quân ta. Hình con đánh vật được gọt đẽo thủ công bằng gỗ cây Gạo nhào lộn trên một sợi dây để mô tả cảnh chiến binh giao (quân ta và quân Minh) tranh với nhau.

Do nội dung chính trong lễ hội là tái diễn lại cảnh giao tranh giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh nên cà chua cũng trở thành "vũ khí" để "giao đấu" (Ảnh: internet)

Do nội dung chính trong lễ hội là tái diễn lại cảnh giao tranh giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh nên trước đây, phiên chợ nào cũng có đánh nhau hoặc gây gổ giữa người dân trong vùng. Người đến chợ phần lớn giả đánh trận nên hò reo, rượt đuổi làm cho phiên chợ càng thêm náo nhiệt. Người cầm cây mía, kẻ cầm cây gậy (củi)…, rượt đuổi nhau. Có nhóm mua cả một mớ trứng gà, vịt hay một rổ táo, rổ cà chua… để ném nhau. Ai cũng ném được và ai cũng được ném, không kẻ già hay trẻ, gái hay trai, cứ thích hay muốn là ném vậy thôi. Tục xưa và nay vẫn còn quan niệm, đánh nhau càng to thì càng được mùa. Tuy nhiên, do đây là một tục ảnh hưởng đến tính mạng con người nên những năm gần đây, chính quyền địa phương đã kiên quyết dẹp bỏ bằng cách huy động lực lượng công an xã, thôn… để trấn áp các cuộc gây gổ đánh nhau. Điều đặc biệt là mặc dù năm nào diễn ra lễ hội cũng xảy ra đánh nhau nhưng từ trước tới nay chưa ai tử vong mà chỉ bị thương nhưng cũng rất ít trường hợp bị thương nặng…

Có thể nói, Lễ hội chợ Chuộng là một trong số ít những lễ hội đặc sắc của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Đây là một trong những lễ hội truyền thống liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta. Vì vậy, việc bảo tồn, phục dựng, phát huy và nâng cấp lễ hội chợ Chuộng không chỉ là ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc hào hùng của dân tộc mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Ngoài ra, do là điểm di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nên đây còn là một địa chỉ liên kết lý tưởng trong hành trình kết nối các miền di sản Xứ Thanh, đặc biệt là với Khu Di tích Lam Kinh, nơi gắn liền với quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn theo chủ trương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đã đề ra.

Lê Văn Viện

Top