Điểm dừng chân thú vị ở Hội An

Nhà cổ Tấn Ký là địa chỉ hầu như không du khách nào bỏ qua khi ghé thăm Hội An.

Ngôi nhà được chủ hiệu buôn Tấn Ký người gốc Hoa xây dựng cuối thế kỷ XVIII và trở thành một trong hững công trình kiến trúc đẹp nhất Hội An.

Trải qua hơn 200 năm, Nhà cổ Tấn Ký nằm trên phố Nguyễn Thái Học vẫn giữ được nguyên vẹn kết cấu và kiến trúc như ngày đầu mới xây dựng. Đây là điểm dừng chân thú vị trên hành trình khám phá nét cổ kính của Hội An xưa.

Nhà cổ Tấn Ký ở Hội An. Ảnh: Trần Việt Anh/Vnexpress.

Vốn là nơi gia đình họ Lê sinh sống 7 đời, chủ hiệu buôn Tấn Ký xây dựng ngôi nhà từ cuối thế kỷ XVIII. Mặt trước ngôi nhà thông ra phố Nguyễn Thái Học để mở hiệu buôn, mặt sau thông ra phía bờ sông, trên phố Bạch Đằng để thuận tiện cho việc nhập hàng hóa.

Ngôi nhà là sự kết hợp giữa các phong cách kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Ở đây có thể nhìn thấy những chi tiết của kiến trúc Nhật, thể hiện ở chi tiết trồng rường giả thủ. Kiến trúc Trung Hoa được đan xen với hình ảnh thanh kiếm vắt chéo cùng dải lụa. Kiến trúc Việt Nam cũng không thể thiếu trong căn phòng này thể hiện qua những đường nét kiến trúc trên tầng hai với mái âm dương.

Nhà xây theo kiểu kiến trúc “chồng rường giã thủ” gồm có thanh ngang chồng lên nhau, tượng trưng cho thiên – nhân, 5 thanh dọc giống như 5 ngón tay, tượng trưng cho ngũ hành. Kiến trúc hài hòa của ngôi nhà nói lên mơ ước về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.

Vật liệu trang trí nội thất trong Nhà cổ Tấn Ký chủ yếu bằng gỗ quý, được chạm trổ tinh xảo với các hình ảnh ý nghĩa như: Con dơi là hạnh phúc, hòm thư là học hành đỗ đạt, quả lựu là có nhiều con cái... Bên cạnh gỗ còn có đá và gạch lát. Xuất xứ của những tảng đá tròn nằm bên dưới những cây cột được chở về từ Thanh Hóa, chỉ có loại đá chắc khỏe này mới giúp cho những thanh cột tránh được mục ruỗng, điều đó cũng lý giải vì sao đã mấy trăm năm nay, ngôi nhà cổ này vẫn còn như nguyên trạng. Gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng, mùa hè mát, mùa đông ấm.

Gỗ là nguyên liệu chính được chủ nhà sử dụng để xây ngôi nhà, bên cạnh gỗ còn có loại đá và gạch lát. Ảnh: Trần Việt Anh/Vnexpress.

Nhà cổ Tấn Ký gồm nhiều nếp nối với nhau, nếp thứ nhất có 6 hàng cột tạo thành 3 gian nhà, 2 gian hai bên và gian giữa.

Trong nhà có nhiều gian và đều không có cửa sổ, Nhà cổ Tấn Ký mang chút u tịch nhưng không hề ngột ngạt. Nhờ có mặt tiền, mặt hậu khá thoáng và giếng trời đã góp phần không nhỏ trong việc mang lại sự nhẹ nhàng cho Nhà cổ Tấn Ký. Bên cạnh đó, sàn gỗ ở giữa nếp nhà chính được thiết kế theo kiểu sàn gỗ truyền thống của Hội An làm cho ngôi nhà thêm nét cổ kính.

Các cột hiên hình vuông lắp ghép với các thanh gỗ tạo thành mảng tường mặt tiền vừa giữ chức năng che chắn mưa gió  vừa làm cho ngôi nhà kín đáo hơn. Mí cửa gắn 2 con mắt là “hình xoáy âm dương lá đề”, nó là thần thái của ngôi nhà cổ, là niềm mong ước thương mãi phát đạt và đầm ấm đời sống gia đình.

Vì nóc ngôi nhà chia làm hai phần. Vì nóc sát hiên được kiến trúc theo kiểu “cột trốn kẻ chuyền” (các cột được “trốn” bằng cách “mọc” lên từ các thanh xà ngang) gồm 3 hàng cột cộng với hàng cột hiên. Rồi kế tiếp hàng cột thứ 4 và thứ 5, kiến trúc theo kiểu “chồng rường giả thủ” được chạm trổ tinh vi. Hàng cột thứ 5 và thứ 6 có kết cấu vì vỏ cua cong vồng lên in hệt vỏ cua vậy.

Du khách có thể nhận biết rằng, nếp thứ hai chạy dọc theo sân trời (vì rằng những ngôi nhà hình ống ở Hội An chung tường với nhau và ít có cửa sổ, để thông thoáng cũng như tuân theo triết lí Tam Tài của người phương Đông, chủ nhân những ngôi nhà này để một gian chính giữa đón lấy bầu trời gọi là sân trời) gồm hai tầng kết cấu và cũng theo lối “chồng rường giả thủ” quen thuộc nhưng nhỏ hơn, 2 cột vuông đứng trên tảng đá vuông với các tai cột chạm khắc hình con sóc, hòm thư, quả lựu, quả phật thủ, con dơi.

Ngôi nhà là sự kết hợp giữ các phong cách kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Ảnh: Trần Việt Anh/Vnexpress.

Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo và cổ xưa, nhà cổ Tấn Ký còn thu hút du khách bởi những cổ vật lâu đời được trưng bày trong không gian ngôi nhà đặc biệt là chiếc chén Khổng Tử - độc đáo và duy nhất tại Việt Nam hiện nay. Được gia đình sưu tầm từ 200 trăm năm trước, chiếc chén có kết cấu lạ, nhìn tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang một triết lý sâu sắc. Theo lời giới thiệu của gia đình họ Lê với du khách xa gần, chiếc chén quý của gia đình có nguồn gốc từ Trung Hoa, do cụ tổ mua được từ những thương nhân bên đó sang buôn bán.

Hiện Nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ được nhiều hoành phi, liễn đối, trong đó có nhiều bức tuyệt đẹp như: “Tích đức lưu tôn”, “Tâm thường thái”, ngoài ra nơi đây còn lưu giữ một bộ liễn đối “Bách Điếu” được coi là độc nhất vô nhị. Liễn đối Bách Điểu được viết bằng 100 nét, mỗi nét là một con chim đang bay.

Nhà cổ Tấn Ký, cũng như các ngôi nhà khác ở phố cổ Hội An từng hứng chịu những trận lụt lịch sử, trong đấy đỉnh điểm là năm 1964, nước ngập cao tới trần tầng một. Thế nhưng những ngôi nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn, như thách thức với thời gian.

Cũng trong không gian phía sau của ngôi nhà, đối diện với những bức ảnh và cột mốc ghi lại sự kiện lụt tại ngôi nhà là nơi bày bán các sản phẩm lưu niệm cho du khách đến thăm. Đây là gian hàng của ban quản lý. Hiện nay, chủ nhân của ngôi nhà không còn sống tại đây, chỉ tới làm việc trên gác hai vào buổi sáng, buổi chiều tối lại trở về nhà riêng ở một nơi khác.

Ngoài không gian trưng bày những cổ vật vô giá ở phòng khách, trong ngôi nhà có hai góc nhỏ dễ thương dành để chủ nhà trưng bày huy hiệu và những món quà nhỏ của du khách tới thăm tặng gia đình làm kỷ niệm.

Một điều đặc biệt nữa làm nên tên tuổi của Nhà cổ Tấn Ký, đây là ngôi nhà cổ đầu tiên vinh dự trở thành Di tích quốc gia và cũng là ngôi nhà cổ duy nhất ở Hội An hân hạnh đón tiếp  các nguyên thủ quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. 

Nhà cổ Tấn Ký có đến 7 thế hệ sinh sống và qua thời gian cấu trúc kiến trúc, trang trí nội thất vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Nhà cổ Tấn Ký cũng như nhiều công trình kiến trúc khác đã góp phần làm cho kiến trúc cùa toàn Phố cổ Hội An thêm phong phú. Đến thăm Nhà cổ Tấn Ký Hội An, du khách có dịp biết nhiều hơn về nét kiến trúc đặc trưng trong xây dựng của thương cảng Hội An từng một thời phát triển rực rỡ. Nếu có cơ hội đặt chân đến đây, du khách đừng tiếc chút thời gian để đến tham quan ngôi Nhà cổ Tấn Ký bé nhỏ này.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Top