Di tích kiến trúc - nghệ thuật Khu Nhà Vương
Vương Chính Đức, người Mông lúc bấy giờ có uy tín lớn với đồng bào dân tộc trong vùng. Ông đã từng được phong chức Bang tá, rồi giữ chức Tri phủ Đồng Văn. Sau khi mất, con trai ông là Vương Chí Sình được trao quyền kế vị, thay cha cai quản, cát cứ khu vực Đồng Văn, củng cố lực lượng quân đội riêng, trang bị vũ khí, có thời điểm quân đội của ông lên tới 5 ngàn người...
Khi cách mạng nổ ra, Khu ủy Bộ Tư lệnh quân khu Việt Bắc đã đến Sà Phìn vận động Vương Chí Sình cùng đồng bào người Mông đi theo cách mạng. Đến cuối năm 1945, sau khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người nhận làm em kết nghĩa, Vương Chí Sình đã toàn tâm vận động đồng bào Mông đi theo cách mạng và được giao nhiệm vụ phụ trách khu vực Đồng Văn. Sau cuộc Tổng Tuyển cử tháng 1 năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó, lại tiếp tục được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II (năm 1960). Trong quá trình đó, ông từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân hành chính huyện Đồng Văn kiêm Thẩm phán Tòa án sơ cấp huyện Đồng Văn. Ông có công lớn trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, được Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhiều huân chương, huy chương, bằng khen và giấy khen. Sau khi mất (1968), ông được Chính phủ tổ chức tang lễ long trọng theo nghi thức của Chính phủ - Quốc hội.
Khu Nhà Vương tọa lạc giữa thung lũng Sà Phìn, trên quả đồi hình con rùa, xa xa phía sau là dãy núi đá làm hậu chẩm, bên phải và bên trái đều có núi tạo thế tay ngai. Chuyện kể lại rằng thế đất này do thầy phong thủy nổi tiếng lựa chọn, vì là mảnh đất ở của bậc anh kiệt. Tổng thể công trình có mặt bằng xây dựng hình chữ Mục, gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc, mỗi tòa đều 2 tầng, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương. Diện tích sử dụng cả hai tầng của dinh thự này khoảng 1.940m2, với 64 gian, được chia làm 3 khu chính: Tiền dinh, trung dinh và hậu dinh.
Cổng trước Khu Dinh thự. Ảnh: Internet
Các ngôi nhà chủ yếu được thưng ván, sàn tầng 2 lát ván xẻ. Theo địa thế tự nhiên, bố cục khu nhà được bố trí cao dần từ khu tiền dinh đến khu hậu dinh. Ở hai góc hậu dinh (nhà trong cùng) có hai lô cốt, xây hoàn toàn bằng đá xanh, với tường dày trung bình khoảng 0,7m.
Ngoài khu nhà chính, trong kiến trúc này còn có chuồng nhốt ngựa, kết cấu gỗ, lợp ngói máng; bể nước (có mái che, dung tích là 205m3); nhà bếp và một số hạng mục phụ trợ.
Xung quanh khu nhà còn có hệ thống tường thành xây bằng đá và tường đất (trình tường) thành một dinh lũy khép kín để phòng thủ và bảo vệ, với độ dày trung bình khoảng 0,6m (có chỗ phần giáp mặt đất dày tới 0,9 mét), cao khoảng 2,5 - 3m, trên bố trí nhiều lỗ châu mai.
Phía ngoài cổng là khu mộ của dòng họ Vương, đặc biệt, có mộ của bà mẹ đẻ Vương Chí Sình, được xây cất rất chắc chắn, chạm trổ công phu.
Lối vào Khu Dinh thự. Ảnh: Internet
Xung quanh dinh thự và dọc theo lối lên được trồng cả trăm cây sa mộc có hàng trăm năm tuổi.
1. Khu tiền dinh
Từ phía ngoài đi vào, lên 15 bậc đá, mỗi bậc có chiều dài là 2,4m; mặt bậc rộng 0,45cm, cao 0,15cm), hai bên là hai hàng sa mộc cổ thụ, qua cổng đá là đến sân trước tiền dinh. Sân này ở chính giữa của tiền dinh, rộng khoảng 5m, dài 40m, mặt sân lát đá, vỉa cũng được bó bằng đá xanh, có công thoát nước mưa ngầm. Khu tiền dinh gồm một nhà ngang nằm ở giữa và hai nhà dọc. Nhà ngang được coi như “bức tường” chắn mặt trước của dinh lũy, với phần dưới xây bằng những tảng đá, được gọt đẽo kỹ càng. Trên khối xây đá là phần tường trình, dày khoảng 0,5m. Kiến trúc này gồm hai tầng, sàn lát gỗ, cao 5,8m; dài 21,7m; rộng 5m, mỗi tầng đều được chia làm 3 gian. Cửa vào gian chính giữa rộng khoảng 1,4m, chạm trổ cầu kỳ, như mang dáng dấp của một con đại bàng vỗ cánh, biểu thị cho uy quyền nhà Vương. Hai bên cánh gà của cửa trang trí biểu tượng “phượng hoàng đáo gia” và “ngư long tụ hội”.
Cửa tiền dinh. Ảnh: Internet
Mặt trước hai cột xây chính có đôi câu đối bằng chữ Hán, với nội dung:
Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu quý khách vãng lai
Nghĩa là: Nhà tính thiện người hiền lui tới/Cửa phong lưu quý khách ra vào.
Tiếp 2 bên cánh cửa cũng có đôi câu đối, với nội dung:
Tùng mai tươi tốt tiết trời xuân/Trúc cúc sương thu đẹp bội phần.
Phía trên bộ cửa được chạm khắc, trang trí là những đồ án: Dơi, sư tử, cành lá cách điệu…, với đường nét rất tinh xảo.
Hai nhà dọc khu tiền dinh quay mặt vào nhau (hướng ra sân tiền dinh), mỗi tòa dài 7,65m; rộng 5,5m; hiên rộng 1,6m; tầng 1 cao 2,8m; tầng 2 cao 3,4m. Nhà bên phải có hiên trước rộng 1,3m; hiên sau rộng 1,3m; cửa ra vào bằng gỗ cao 2m; rộng 0,9m. Nhà này được chia làm 2 gian. Nhà bên trái có thêm phần hiên (phía sau, lối đi ra bể nước) rộng khoảng 1,3m, với 2 lớp tường trình - lớp trong dày 0,3m; tường ngoài dày 0,5m.
Sân tiền đinh lát đá, có diện tích (6,3 x 6,3)m. Từ mặt sân tiền dinh lên nền nhà ngang (cao 0,8m) bố trí hệ thống bậc đá tại vị trí hai đầu sân và ở chính cửa giữa. Trên cửa ra vào của nhà này có một bức hoành phi son thếp vàng, với nội dung Biên chính khả phong, nghĩa là: Giữ vững chính trị vùng biên cương - xứng được phong tặng. Hai góc của hoành phi có dòng lạc khoản: Khải Định bát niên mạnh đông thập nhất nguyệt cốc đán công lập (Hoành phi làm vào ngày tốt tháng mạnh đông - tháng 11 năm Khải Định thứ 8) và Cung tặng Bang tá chúa công Chính Đức Phúc (kính tặng Bang tá Chính Đức). Nhà có kích thước: rộng khoảng 8,7m; dài 15,8m; cao 6,2m, tầng trên chia làm 3 gian; cửa ra vào rộng 1,62m; cao 2,6m. Phía trên cửa hình vòng cung 2 bên cửa có câu đối khắc trên cột đá, được đánh bóng nhẵn, với nội dung: Môn củng tử thần gia tặng phúc thọ/ Hộ khai hoàng đạo đường hiện lợi tường nghĩa là: Cửa sao tốt chiếu, phúc lộc dồi dào/Nhà cung hoàng đạo, nhiều điềm may mắn. Tuy nhiên, câu đối này cũng có người đọc và dịch với nhiều nghĩa khác.
Theo lời kể của một số nhân chứng, trước đây, gian giữa của tòa này thường được Vương dùng làm nơi tiếp khách, nếu có việc đại sự thì được đưa vào nơi khác để bàn bạc, giải quyết. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp đãi và nghỉ ngơi của khách sau bữa cơm. Gian bên trái và gian bên phải là nơi ở của người nhà. Tầng 2 là nơi bàn bạc, giải quyết những công việc quan trọng.
2. Khu trung dinh
Qua nhà ngang giữa khu tiền dinh là đến khu trung dinh, gồm một nhà ngang và hai nhà dọc (một phía tiếp giáp nhà ngang giữa).
Hai nhà dọc quay ra sân trung dinh, có kiến trúc đối xứng nhau, đều dài 9,1m; rộng 5,8m; tầng dưới cao 2,4m; tầng trên cao 3,4m, giáp với nhà ngang là hai buồng nhỏ, có cửa ra vào rộng 0,62m; cao 1,1m. Mỗi nhà đều có cửa chính ra vào (rộng 0,8m, cao 2,1m). Nhà dọc bên trái (quay ra cổng chính) có một ô cửa sổ hoa văn làm theo kiểu mắt lưới, được đục chạm khá kỳ công, với kích thước (1,0 x 1,0)m. Nhà dọc đối diện, tầng 1 là nơi ở con cháu Vương, tầng trên là nơi ở và làm việc của người quản (thông ngôn).
Từ sân trung dinh qua bốn bậc đá (rộng 2,0m; cao 0,20m; mặt bậc rộng 0,25m) đến tòa nhà giữa. Nền nhà cao hơn mặt sân khoảng 1,15m. Hiên trước lát hai bậc đá, chạm trổ trang trí nhiều hoa văn đẹp. Đây là ngôi nhà được làm đầu tiên trong toàn bộ dinh thự. Cửa vào nhà này cũng là cửa ra trung dinh, rộng 1,15m; cao 2,3m, kết cấu vòm. Kiến trúc tòa này gồm 3 gian. Gian giữa rộng hơn, là nơi đặt bàn thờ gia tiên kiêm lối ra vào (rộng 4,4m). Ban thờ là một chiếc sập gỗ quý, dài gần 2m, rộng 0,50m, mặt trước và hai bên có hoa văn chữ Thọ. Hai gian bên, mỗi gian rộng 4,25m và đều được chia làm hai buồng nhỏ. Đây là nơi ở của Vương Chính Đức.
3. Khu hậu dinh
Hậu dinh gồm hai nhà dọc nối tiếp với một nhà ngang. Tương tự tiền dinh và trung dinh, hậu dinh cũng có sân lát đá ở giữa rộng khoảng (7,0 x 7,0)m. Nhà dọc bên phải và nhà bên trái có chiều dài 8,0m; rộng 6,55m, hiên rộng 1,05m.
Chân cột bằng đá được tạo hình quả thuốc phiện. Ảnh: Internet
Từ sân hậu dinh lên, có 9 bậc đá, với hệ thống lan can tay vịn (dài 1,5m, rộng 0,3m; cao 0,2m). Nhà ngang trong cùng được xây dựng kiên cố, dài 8,4m; rộng 3,4m; hiên rộng 0,8m. Tòa này gồm 3 gian, tường phía sau được xây bằng đá xanh, dày 0,8m; hai gian bên, mỗi gian có hai lỗ châu mai (kích thước 0,35 x 02m). Hai bên đầu hồi là hai lô cốt - Phía trước nhà lịa ván có một một cửa chính ra vào (rộng 1,1m, cao 2,1m). Hai bên hiên trước có lan can bằng sắt làm tay vịn có trang trí. Đặc biệt, nhà này chỉ có một tầng chính và một tầng ngầm, cuối góc nhà bên trái (nhìn ra cửa dinh) có lối xuống lát ván - bình thường không thể phát hiện ra. Tầng ngầm này được thông ra bốt gác và nhà dọc bên phải bằng một cửa hình vòm (rộng 0,6m; cao 1,65m). Trong nhà đặt sập, tủ và bàn ghế tiếp khách.
4. Một số hạng mục khác
Bốt gác, được xây ở hai góc của dinh thự, cao 6,9m, có thể quan sát được bốn phía. Đây cũng là nơi để vũ khí của họ Vương. Bốt được xây bằng những phiến đá xanh, tường phía ngoài dày tới 1m; phía trong dày 0,8m. Bốt gồm ba tầng, tầng 1 thông với tầng ngầm của nhà ngang trong. Bốt bên phải tầng một của dinh cao 2,5m; hai mặt tường phía Tây và Bắc có 4 lỗ châu mai, kích thước (0,35 x 0,2)m. Từ tầng 1 lên tầng 2 có một cầu thang nhỏ, gồm 11 bậc và 1 chiếu nghỉ. Tầng 2 cao 2m, có một cửa nhỏ hình vòm, kích thước (0,82 x 0,55)cm. Các mặt tường phía Tây và Bắc đều có 3 lỗ châu mai, cách sàn gỗ 0,8m. Tiếp đến là cầu thang lên tầng 3 (7 bậc). Mặt sàn của tầng ba cao bằng nóc nhà ngang và nhà dọc. Tầng 3 cao khoảng 2,4m, mái che thiết kế theo kiểu bốn mái, các vì kèo, cầu phong ly tô làm bằng gỗ, lợp ngói máng. Từ vị trí này có thể quan sát bên ngoài.
Tường đá bao quanh Khu Dinh thự. Ảnh: Internet
Tường thành, được xây vào giai đoạn hoàn chỉnh toàn bộ dinh lũy (giai đoạn 2). Tường này bao xung quanh dinh thự, tạo thành một lũy bảo vệ, với chiều dài gần 240m, kết cấu đá, cao trung bình từ 2,5m - 3m. Phía dưới chân tường, phần giáp mặt đất dày tới 0,9m, có nhiều đoạn xây bệ đứng để quan sát hoặc để chiến đấu khi cần thiết. Trên thân tường bố trí nhiều lỗ châu mai, cách mặt đất từ 1m trở lên.
Khu mộ của dòng họ Vương được đặt ở phía trái dinh thự, bên ngoài tường thành. Các mộ được sắp đặt ngôi thứ theo phong tục của dân tộc Mông. Riêng mộ của bà mẹ Vương Chí Sình xây cất chắc chắn và đẹp nhất, với mặt chính lát đá, chạm đồ án rồng cuốn thủy, người phi ngựa, sư tử…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của di tích, ngày 23 tháng 7 năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định xếp hạng Khu Nhà Vương là Di tích kiến trúc - nghệ thuật. Ngày nay, Khu Nhà Vương đã thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch văn hóa- sinh thái khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn.
Quốc Đạt
(Bài viết có tham khảo Hồ sơ xếp hạng
Di tích quốc gia Khu Di tích Nhà Vương và các bài viết liên quan)
TÓM TẮT DIỄN BIẾN VỤ VIỆC "CẤP SỔ ĐỎ" LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH QUỐC GIA KHU NHÀ VƯƠNG, TỈNH HÀ GIANG * Ngày 21-7-2018, ông Vương Duy Bảo, cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình (Vương Chí Thành) đã gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tỉnh Hà Giang cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn sử dụng mảnh đất gắn liền với Di tích quốc gia Khu Nhà Vương (cấp từ ngày 11-9-2012). - Trước khi gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Duy Bảo cũng đã gửi đơn cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị làm rõ việc này. * Ngày 16-8-2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL có báo cáo về quá trình xử lý kiến nghị của ông Vương Duy Bảo, trong đó có việc cấp quyền sử dụng đất. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 31-8-2018. * Ngày 30-7-2018 Bộ VHTTDL nhận được đơn thư của ông Vương Duy Bảo. Ngày 10-8-2018 các cơ quan chức năng của Bộ đã có buổi làm việc với cá nhân ông Vương Duy Bảo. Hai bên đã thống nhất việc giải quyết, trả lại quyền sử dụng đất gắn với Khu Di tích quốc gia Khu Nhà Vương thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hà Giang. Bộ VHTTDL đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Giang giải quyết vấn đề này. * Bộ VHTTDL cũng đã cử đoàn công tác tiến hành khảo sát tại di tích, đồng thời làm việc với UBND tỉnh Hà Giang và các cơ quan chức năng của tỉnh. * Ngày 24-8-2018, UBND tỉnh Hà Giang, đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn như đã nêu, báo cáo cho biết: Việc cấp này là không đúng về đối tượng sử dụng đất, không phù hợp với quy định của pháp luật. - Ngày 22-8-2018 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Dinh thự họ Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn. - Ngày 23-8-2018, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương đã cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn. * Ngày 29-8-2018 Bộ VHTTDL tiếp tục có buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Giang, theo đó, Bộ đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện một số công việc có liên quan đến Di tích quốc gia Khu nhà họ Vương, như: - Nhanh chóng giải quyết những kiến nghị của ông Vương Duy Bảo trong việc quản lý, chống xuống cấp di tích. Đồng thời, có kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên các hạng mục công trình thuộc Khu Di tích. - Về lâu dài, chính quyền địa phương cần có kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu Di tích Nhà Vương và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ II của di tích. - Quy chế quản lý Di tích Nhà Vương đã được ban hành từ năm 2007, đến nay cần được rà soát, nghiên cứu bổ sung theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý di tích trong giai đoạn mới. Về kiến nghị, Bộ nêu rõ: - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục xử lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Di tích Khu Nhà Vương theo quy định của pháp luật sau khi tỉnh Hà Giang đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn. * Nội dung làm việc với UBND tỉnh Hà Giang cũng như kiến nghị nêu trên đã được Bộ VHTTDL báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 31-8-2018. |
Trao đổi với Tạp chí Thế giới Di sản, ông Vương Duy Bảo cho biết: "Chúng tôi đã biết nội dung báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang và Bộ VHTTDL gửi Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Thủ tướng. Ông Vương Duy Bảo (bên phải) tại Tòa soạn Tạp chí Thế giới Di sản Chúng tôi cũng tin tưởng Thủ tướng Chính phủ sẽ giải quyết một cách thấu tình đạt lý những nguyện vọng mà chúng tôi đã gửi Thủ tướng, bởi vì chỉ ít ngày sau khi nhận được thư kiến nghị của tôi thì Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ VHTTDL và tỉnh Hà Giang kiểm tra và báo cáo về vấn đề này và đúng chỉ 01 tuần sau tỉnh Hà Giang đã phải ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương mà tỉnh đã cấp không đúng về đối tượng sử dụng đất, không phù hợp với quy định của pháp luật cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Văn từ 6 năm trước (tháng 9-2012). Trong báo cáo của Bộ VHTTDL thì Bộ cũng đã chính thức kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Hà Giang tiếp tục xử lý việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Di tích Khu Nhà Vương theo quy định của pháp luật cho Khu Di tích này rồi". P.V
|