Hoạt động trải nghiệm “Giữ màu di sản” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Không chỉ thu hút công chúng bằng những trưng bày chuyên đề sâu sắc, sinh động về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn là một trong những đơn vị tiên phong kể những câu chuyện gắn liền tài liệu, hiện vật thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Hôm nay, nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức hoạt động trải nghiệm “Giữ màu di sản”.

Khách tham quan Hàn Quốc trải nghiệm vẽ hoa văn sáp ong và nhuộm vải dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân người Mông

Tham gia trải nghiệm, khách tham quan có cơ hội tìm hiểu một số kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của đồng bào phụ nữ dân tộc Mông ở Mù Cang Chải, Yên Bái; vẽ hoa văn sáp ong và nhuộm vải dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân người Mông; tham quan triển lãm chuyên đề Sáp ong- Sắc chàm; tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; giao lưu với nghệ nhân và nhận các phần quà độc đáo từ BTC chương trình.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2025 là “Tương lai của Bảo tàng trong các cộng đồng thay đổi nhanh chóng” cho thấy các bảo tàng trên toàn cầu tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc thích ứng, kết nối và định hình tương lai cộng đồng giữa bối cảnh xã hội, công nghệ và môi trường biến đổi không ngừng, mang tới những cơ hội phát triển cho tương lai.

Từ hoạt động trải nghiệm “Giữ màu di sản” cho thấy vai trò của Bảo tàng không chỉ giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống mà còn khẳng định vai trò là không gian văn hóa sống, nơi lấy cộng đồng là trung tâm và di sản được tái hiện qua các trải nghiệm tương tác, gần gũi.

Người tham gia trải nghiệm còn được lắng nghe câu chuyện văn hóa, lịch sử và bản sắc của người phụ nữ dân tộc Mông ở Yên Bái

Thông qua hoạt động vẽ sáp ong trên vải và nhuộm chàm, người tham gia không chỉ học cách tạo nên những hoa văn độc đáo mà còn được lắng nghe câu chuyện văn hóa, lịch sử và bản sắc của người phụ nữ dân tộc Mông ở Yên Bái, những người đang hằng ngày nỗ lực gìn giữ các giá trị truyền thống trong thời đại hiện đại hóa.

Chị Lê Thị Giang cho biết hoạt động trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải và nhuộm chàm rất thú vị

Tham quan trải nghiệm, chị Lê Thị Giang (Luật sư, Hà Nội), cho biết: “Từ trước tới nay, tôi chưa từng được nhìn tận mắt kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của đồng bào Mông. Nghe tin Bảo tàng có hoạt động này, tôi thu xếp đến xem luôn. Trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải và nhuộm chàm rất thú vị, đến đây ngoài việc được biết kỹ thuật tạo hoa văn trên vải, tôi còn được biết thêm thông tin về vai trò người phụ nữ Mông cũng như cơ hội phát triển sinh kế từ nghề truyền thống này…”

“Giữ màu di sản” là hoạt động trải nghiệm góp phần lan tỏa tình yêu với các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời nổi bật vai trò của người phụ nữ trong việc gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, cơ hội phát triển sinh kế từ việc giữ nghề, từ đó giúp thay đổi nhận thức, lan tỏa những thông điệp tích cực, góp phần nuôi dưỡng sự thấu hiểu, tôn trọng và phát triển bền vững trong cộng đồng đa dạng của Việt Nam.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong kể câu chuyện gắn liền tài liệu, hiện vật thông qua ngôn ngữ nghệ thuật

Trước đó, hàng loạt trải nghiệm hấp dẫn đã được bảo tàng phối hợp các đơn vị đối tác, chuyên gia văn hóa thực hiện như: Workshop vẽ hoa văn sáp ong trên vải, cắm hoa, làm bánh, làm đèn trung thu, vẽ tranh..., góp phần mang lại nhiều dấu ấn cảm xúc cũng như hiểu biết sâu sắc hơn cho du khách tham quan.

Hoạt động “Giữ màu di sản” được tổ chức trong ngày 18/5/2025 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Quỳnh Hương

 

Top