Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững

Sáng 01-3-2017, tại Trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 51 Ngô Quyền, Hà Nội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa với chiến lược phát triển bền vững”.

Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học, Viện nghiên cứu, đại diện các Ban Quản lý khu di sản thế giới ở Việt Nam, Sở VHTTDL Hà Nội, một số trường Đại học ở Hà Nội, các bảo tàng và Ban Quản lý Di tích của Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đoàn Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: Internet

Hàng chục năm qua, cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã tiến sâu vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là hướng tới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh những mặt tích cực, những thành tựu đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, chúng ta còn phải đối mặt với “những khoảng tối” do toàn cầu hóa gây ra như: bản sắc văn hóa bị xói mòn, đạo đức xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống bị suy thoái... Từ đó, đặt ra yêu cầu phải bảo tồn di sản văn hóa dân tộc để hòa nhập mà không hòa tan, mỗi quốc gia dân tộc phải vận dụng sáng tạo nội dung các Công ước quốc tế để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và từng bước xây dựng hệ thống lý thuyết về bảo tồn di sản văn hóa.

Từ ý nghĩa đó, trên 30 tham luận tại Hội thảo được viết công phu, nội dung xoay quanh vấn đề nhận thức và cách tiếp cận phát triển bền vững về di sản văn hóa; di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển bền vững; sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa – những kinh nghiệm từ thực tiễn; kỹ thuật truyền thống và ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại trong bảo tồn di sản văn hóa…

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Internet

Một số tham luận còn nhấn mạnh: không nên coi sự phát triển và bảo vệ về kinh tế - xã hội của đất nước chỉ bao gồm 3 trụ cột cơ bản là bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội và bền vững về môi trường, mà còn cần phải coi sự bền vững về văn hóa là trụ cột thứ tư, trong đó có di sản văn hóa. Kế thừa và bảo tồn những di sản, những giá trị của quá khứ vừa là tiền đề và cơ sở không thể thiếu để thế hệ hiện tại và nhất là các thế hệ tương lại dùng làm vốn để phát triển vượt lên.

Ngoài thay đổi nhận thức, Hội thảo cũng đặt ra vấn đề triển khai, xây dựng các chính sách góp phần đưa di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững. Trong đó, có các giải pháp như phát triển tư duy du lịch văn hóa, khai thác bền vững các giá trị di sản bằng cách dựa vào cộng đồng…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái hoan nghênh Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã phối hợp với Bộ VHTTDL đặt ra vấn đề quan trọng này và khẳng định, đây là hội thảo đặc biệt, đề cập đến một đề tài nóng không chỉ của Việt Nam mà trên cả thế giới. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học tại Hội thảo là tư liệu quý góp phần tham mưu chính sách đường lối cho Đảng và Nhà nước, cụ thể là Bộ VHTTDL trong lĩnh vực Bộ quản lý.

P.V

Top