Để Đờn ca tài tử tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại

Đờn ca tài tử Nam bộ đã có một quá trình phát triển trên một trăm năm. Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, loại hình nghệ thuật này tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại.

Nhắc đến Đờn ca tài tử người ta nghĩ ngay đến xứ miệt vườn, đến vùng đất phương Nam. Đây là thể loại “thính phòng” đặc thù của miền Nam, cũng như Ca trù của miền Bắc và Ca Huế của miền Trung. Với người dân Nam bộ, Đờn ca tài tử đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá truyền thống lâu đời. 

Lần theo tư liệu của các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ Nam bộ và những người yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử, người ta có thể biết rằng, kể từ nửa cuối thế kỉ XIX tới nay, Đờn ca tài tử Nam bộ đã có một quá trình phát triển trên một trăm năm. Con số đó thật nhỏ nhoi so với lịch sử âm nhạc của một quốc gia đã có tuổi đời hàng ngàn năm. Mặc dù vậy, thể loại âm nhạc này đã có một sức phát triển thật đáng khâm phục, không chỉ bởi tốc độ phát triển nhanh chóng của nó, mà cả bởi sức chống chọi với bối cảnh khắc nghiệt mà nó phải đương đầu. 

Đờn ca tài tử tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại. (Ảnh: Internet) 

Đờn ca tài tử đã ăn sâu vào máu thịt của người dân Nam bộ. Tiếng đờn, tiếng ca được cất lên từ các sân khấu rực rỡ, trong các lễ hội linh đình, trang trọng đến những không gian bình dân, thân thuộc, dưới những gốc dừa lấm lem bùn đất hay những dòng sông êm đềm thấp thoáng dáng con đò… một cách rất ngẫu hứng. Tiếng đàn thể hiện tính cách, tâm tư của con người và thấm sâu vào cốt cách người nông dân Nam bộ như một điều tất yếu. 

Thật là khó có thể nói hết, diễn tả hết cảm xúc mà loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử đem đến. Trong Đờn ca tài tử ta thấy tình yêu quê hương, đất nước; tình yêu đôi lứa; tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng; tình bạn tri kỷ gắn bó; tình anh, em máu mủ ruột rà… Giữa ca từ và chữ nhạc, giữa người ca và người đờn như hòa quyện vào nhau để rồi họ cùng bồng bềnh, trôi nổi giữa không gian đầy chất thơ, chất nhạc và chất đời.

Đờn ca tài tử đã ăn sâu vào máu thịt của người dân Nam bộ. (Ảnh: Internet) 

Đờn ca tài tử có sức sống trên một diện rộng chưa từng có. Theo kết quả kiểm kê năm 2011, nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam là: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát đờn ca tài tử nhất. 

Trong 21 tỉnh, thành thì hầu như tỉnh, thành nào, quận, huyện, thôn ấp nào cũng có Câu lạc bộ hoặc nhóm Đờn ca tài tử. Cả nước hiện có hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình với hơn 29.000 người tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử (người trẻ nhất 6 tuổi, già nhất 99 tuổi). 

Ở nông thôn người dân chơi Đờn ca tài tử, ở thành phố người dân chơi Đờn ca tài tử, trên sóng phát thanh, truyền hình cũng có Đờn ca tài tử và Đờn ca tài tử cũng có mặt ở rất nhiều cửa hàng băng đĩa nhạc ở hầu khắp các tỉnh thuộc Nam bộ. 

Sau khi được UNESCO công nhận và với kho tài liệu về Đờn ca tài tử đồ sộ như hiện nay chúng ta không sợ mất nữa và nên bước qua một giai đoạn mới, giai đoạn phát triển cho Đờn ca tài tử tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại. 

Đờn ca tài tử có sức sống trên một diện rộng chưa từng có. (Ảnh: Internet) ​​​​​​​

Đề án đưa Đờn ca tài tử vào trường học đã được đưa ra và thí điểm tại một số trường tiểu học và trung học. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Phó hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP Hồ Chí Minh - trường đi tiên phong trong việc đưa Đờn ca tài tử vào trường học, cho rằng: Cảm nhận được nét đẹp sâu sắc của loại hình ca cổ, được chứng kiến lễ vinh danh của loại hình nghệ thuật này, tôi đã mạnh dạn đưa Đờn ca tài tử vào trường mình, nhưng ngoài sức mong đợi, các học trò của tôi khá thích thú với loại hình này. 

Theo TS Mai Mỹ Duyên, đa số các tài tử trẻ ở các ban, nhóm, câu lạc bộ tại các tỉnh Nam bộ đều được tiếp xúc nhạc tài tử cải lương ngay từ rất nhỏ. Cụm từ “con nhà nòi” cũng cho thấy một môi trường hoạt động trải dài từ ấu thơ cho đến trưởng thành của những người làm nghệ thuật. Do đó, độ tuổi thích hợp giáo dục, đào tạo là lúc các em bắt đầu vào lớp 1 cho đến hết bậc tiểu học (từ 6 tuổi đến 10 tuổi). “Lứa tuổi này còn hồn nhiên, tâm hồn như tờ giấy trắng, việc dạy nhạc dân tộc vào độ tuổi này sẽ ghi dấu ấn rất sâu và lâu trong ký ức của các em. Hãy cho các em tiếp xúc với dân ca và nhạc tài tử, tạo cho các em cái nền âm nhạc dân tộc bền chắc trước khi các em tiếp thu âm nhạc phương Tây ở bậc trung học”. 

Không gian của Đờn ca tài tử chính là trường học cho các thế hệ. Một sức sống trường tồn tự nhiên. Đờn ca tài tử hấp dẫn và lan tỏa nhờ sự mộc mạc, gần gũi, dân dã mà không kém phần tinh tế với không gian gắn bó mật thiết với thiên nhiên, sinh hoạt đời thường. Nó không đòi hỏi phải sân khấu hoành tráng, phải nhà hát lộng lẫy. Bất cứ nơi nào, hoàn cảnh nào cũng có thể có sự xuất hiện của âm nhạc tài tử. Bởi vậy, để Đờn ca tài tử tiếp tục lan tỏa trong đời sống đương đại cần phải sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. 

Theo cinet.vn

Top