Cổng làng Hồ Khẩu, nét đẹp cổ xưa

“Làng trong phố” là cụm từ mà bất cứ ai nhắc đến làng Hồ Khẩu – đường Thụy Khuê (thuộc cụm dân cư số 1 và số 2 phường Bưởi, quận Tây Hồ), Hà Nội thường nói tới. Chiếc cổng làng cổ “đẹp nhất kinh kỳ” nơi đây là một trong những báu vật còn lại của Thăng Long xưa. Những công trình kiến trúc này đã tạo cho con phố cổ một không gian làng xã ấm cúng, một nét đẹp rất riêng và để lại dấu ấn đẹp về văn hóa chốn Kinh Kỳ.

1. Những chiếc cổng làng cổ xưa ở làng Hồ Khẩu

Những chiếc cổng làng Hồ Khẩu (thường được gọi là làng Hồ) từ lâu đã nhận được sự quan tâm chú ý của các học giả cũng như nhiều người yêu mến giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội. Mặc dù vậy, câu hỏi về lịch sử của những chiếc cổng làng cổ này vẫn chưa ai có thể trả lời một cách chính xác. Theo nhiều người dân hiện đang sinh sống ở đây, những chiếc cổng này có thể được khởi dựng từ thời Nguyễn, chào mừng sự kiện 3 anh em ông Lý Văn Phức (làm quan Thượng thư Bộ lễ Triều Nguyễn) đỗ cử nhân. Tuy nhiên, nội dung câu đối ở cổng chính (ngõ 372) cho biết, lịch sử của làng gắn liền với thời Hùng Vương. Chuyện xưa kể rằng, sau khi hai đức Thánh của làng Hồ Khẩu giúp Vua Hùng đánh giặc giữ nước thắng lợi, dân làng đã mở hội khải hoàn ở cổng làng và ghi hai câu đối ở cổng giữa với nội dung đại ý rằng: Nơi đây cởi bỏ áo giáp, còn nghe rõ tiếng sóng kình vọng tới, còn nghe cả tiếng ngựa hí/ Ðến nay trẻ già còn truyền lại sự việc đó. Tích ấy còn lưu lại ở gò Long Tản và miếu Quy Ðôi, gió mưa đã được che chở từ xưa… Dựa vào các câu chữ này, đã có những bàn luận đa chiều về lịch sử chiếc cổng làng Hồ.

Gạt đi màu sương huyền thoại từ những câu chuyện dân gian, khảo sát thực tế và nghiên cứu ở góc độ kiến trúc truyền thống, các học giả cho rằng, cổng làng Hồ Khẩu bây giờ là chứng tích của cổng đình làng. Sau năm 1946, đình làng phá đi và quay sang hướng khác, để lại cái cổng làm cổng làng. Từ đường Thuỵ Khuê phải bước lên 3 bậc đá và băng qua một hành lang rộng mới lên đến cổng làng Hồ. Trong quá khứ, có nhiều đám rước trang trọng đã từ đây đi về đền Linh Lang (Thuỵ Khuê) hoặc rẽ lên đền Chiêu Ứng (đầu chợ Bưởi).

Bốn phía quanh 36 phố phường Hà Nội xưa, dấu ấn làng xã đậm nét cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu về kiến trúc Thăng Long xưa đều công nhận, những chiếc cổng làng Hồ đẹp nhất Kinh kỳ. Có lẽ, do cổng làng của Hồ Khẩu có vị thế rất đẹp: trước mặt là dòng sông Tô uốn lượn, sau lưng là một góc của Phượng Thành (một tên gọi cũ của Thăng Long). Hơn nữa, chiếc cầu nối giữa các cổng làng (người dân thường gọi là “Gian cầu”) giống như sợi dây liên kết các làng với nhau. Cứ cách một cổng làng là có chiếc cầu nhỏ cong cong, khiến cho khung cảnh càng trở nên thơ mộng. Trên chiếc cầu này, đã bao đôi lứa hẹn hò trong những đêm trăng sáng và kết duyên chồng vợ.

Bước qua cổng làng, khách phải “nhập gia tùy tục” bởi, đến như vua quan cũng phải chịu “thua lệ làng”. Xưa kia, làng Hồ Khẩu đã có nhiều cổng với những quy định rất nghiêm ngặt. Ra vào làng, không phải ai cũng có thể tùy tiện đi qua bất cứ cái cổng nào, bởi mỗi chiếc cổng làng đều được dành cho các đối tượng riêng biệt. Cổng dành cho quan, cho dân, cho đám ma và đám cưới là hoàn toàn khác nhau. Người dân sở tại cho biết, mặc dù cổng làng sau này có được sửa sang làm lại, nhưng vẫn không thay đổi gì so với trước; những quy định trước đây, giờ không còn áp dụng nữa (trừ đám cưới, đám rước vẫn được người dân kiêng không vào lối cổng chính mà đi sang cổng dân). Cổng làng mở quanh năm cho tất cả mọi người. Mỗi sáng nơi cổng chính, khung cảnh nhộn nhịp của người dân họp chợ lại khiến nhiều người liên tưởng đến đời sống sinh hoạt của nông thôn xưa.

Trên con phố đông đúc người qua lại, những chiếc cổng làng Hồ Khẩu vẫn còn đó với rêu phong trầm mặc cùng đôi câu đối cổ. Về mặt di tích kiến trúc dọc đường Bưởi, phía trước làng Hồ có 4 cổng làng cổ còn khá nguyên vẹn: cổng Giáp Bắc, cổng Giáp Ðông, cổng Hồ Ấp và cổng Cầu Dừa.

Cổng chính của Làng Hồ Khẩu. Ảnh: internet

Cổng Hồ Ấp (cổng Chợ)

Tuy không phải cổng chính, nhưng Hồ Ấp là cổng làng bề thế nhất trên đường Bưởi. Trước đây, nó chỉ đơn thuần là cổng đình làng, nhưng từ khi chợ làng họp tại đây, Hồ Ấp còn được gọi là cổng Chợ. Hiện nay, người làng Hồ vẫn duy trì họp chợ vào mỗi sáng. Cổng Hồ Ấp còn giữ lại khá nguyên vẹn những nét kiến trúc với hệ thống tam quan - 3 cổng: 1 cổng chính và 2 cổng phụ; phía trên cổng có bốn chữ “Hồ Ấp đình môn” (Cổng đình Hồ Ấp). Trụ cột ở hai bên cổng làng là đôi câu đối:

Thị xứ giải nhung y, kình đào hưởng mã tư thanh, táp sảng như uy, đồng cỏ kinh kim truyền vận sự.

Hiển linh lưu thánh tích, qui đổi từ long tảng miếu, hội đồng sở tại, phong vận tự cổ hộ trừ tư.

(Nghĩa là: Nơi đây cởi áo trận nổi lên tiếng ngựa hí, tiếng sóng kình giông tố nổi uy, việc tốt xưa nay trẻ già còn đàm luận / Hiển linh thánh tích còn lưu lại đền, lưng rùa miếu trán rồng hội tụ, tại đây gió mưa từ xưa vẫn chở che).

Theo kiến trúc cổng làng Việt truyền thống, tam quan Hồ Ấp đình môn được xây dựng theo kiến trúc 4 trụ có mái cong bên trên và mái hậu lợp ngói vẩy cá. Hai cột giữa rộng 45cm, cao 7m. Bên trên 4 trụ đều có đắp hình trái rành rành cách điệu có phương chầu về 4 phía. Bốn mặt trụ đều có câu đối. Hiện nay, cổng này vẫn giữ nguyên bậc tam cấp bằng đá xanh, chỉ người đi bộ mới có thể qua được và có chiếu nghỉ rộng, hai bên có nghê chầu. Cổng có kiến trúc cổ theo lối chồng diêm cao thấp với hình tám mái.

Cổng Giáp Bắc

Cổng chính của làng Hồ Khẩu là Giáp Bắc (Giáp như là một xóm), còn được gọi là cổng Giếng. Cổng nằm phía bên trái tam quan đình. Qua cổng này là con đường chính vào làng, đi qua các danh lam và khu trung tâm của làng. Cổng làng truyền thống thường ghi đôi câu đối mô tả vẻ đẹp hoặc tính cách của người làng. Ðôi câu đối trên cổng Giáp Bắc có nội dung:

Cổ vãng kim lai hành chính đạo

Nam du Bắc ngoạn ngưỡng Tây Hồ

(Nghĩa là: Từ xưa đến nay, đây là con đường chính để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Hồ Tây).

Cổng Giáp Đông

Năm 1994, cổng Giáp Ðông được dân làng Hồ Khẩu phục dựng lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô. Trên cổng có khắc chữ “Ðông Giáp môn” và đôi câu đối:

Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu Tây Hồ minh kính

Thiện ngôn hảo sự trường lưu mạt lợi danh hương

(Nghĩa là: Mỹ thục thuần phong soi sáng mãi gương Tây Hồ trong sáng/ Nói hay làm tốt hoa nhài còn mãi danh thơm).

Bước vào cổng Giáp Ðông một đoạn là đến Cầu Ðông. Qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, Cầu Ðông đã bớt đi vẻ cổ kính xưa kia. Vòng qua bên phải cầu là đến Giếng Giáp Ðông (là một mắt rồng của làng), rồi băng qua dãy tàu xeo giấy là ra Hồ Tây. Ðến nay, Giếng Giáp Ðông và tàu xeo giấy không còn nữa.

Ngoài những cổng trên, làng Hồ Khẩu còn nhiều cổng phụ khác, như cổng Cầu Dừa, cổng Chùa. Cổng Cầu Dừa là chứng tích của 5 cầu (quán). Trong cổng chia làm 3 gian, gian giữa là lối đi, hai bên là chỗ nghỉ. Có một khoảng giữa để bàn thờ, dân làng thường cúng chúng sinh ở đây.  

Cổng làng Hồ Khẩu cổ vẫn còn được người dân bảo vệ giữ gìn. Ảnh: internet

2. Cổng làng Hồ Khẩu – Hồn Việt xưa vương vấn

Trong cấu trúc truyền thống của một ngôi làng Bắc Bộ, cổng làng là một phần không thể thiếu. Chiếc cổng làng nhuốm màu thời gian là một trong những điểm nhấn của bức tranh về văn hoá làng xã Việt. Yên ả, thanh bình là những gì còn lại khi ta bước qua cánh cổng làng và để lại phía sau mọi ồn ã của thế giới ngoài kia sau một ngày làm việc vất vả. Nói về cảm giác mỗi lần đi qua vòm cổng làng nơi mình sinh sống, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã từng chia sẻ: “Mỗi lần đi qua vòm cổng cổ ấy, thấy ấm áp, bình yên lạ. Bởi bước qua đó là biết rằng mình sắp được thảnh thơi trong nhà mình, được sống trong không khí mát mẻ, dân dã, tình cảm của cư dân nơi đây. Ở đây người ta vẫn giữ được nhiều nếp quê. Có lẽ bởi tôi là người nhà quê thích sống ở nơi có vẻ... nông thôn như thế này”.

Với người dân Hồ Khẩu, cổng làng là nơi in dấu biết bao kỉ niệm của họ. Chiếc cổng làng chính là điểm xuất phát và cũng là nơi tìm về của tâm hồn mỗi người con làng Hồ khi làm ăn nơi xa. Cổng làng - đó là nơi mà họ bước ra với đời, nơi mỗi người được truyền niềm tin bởi dáng đứng vững chắc của cha, có vòng tay của mẹ âu yếm vỗ về mỗi khi vấp ngã. Những cô gái lấy chồng ở làng bên, đã thổn thức khi bước qua cánh cổng làng trong chuyến về thăm nhà. Bên cánh cổng làng, người mẹ làng Hồ gày gò trong dáng chiều liêu xiêu đổ bóng đã nghẹn ngào lau vội dòng nước mắt khi phải tiễn biệt chồng con của mình trong các cuộc chia ly; và đây cũng chính là nơi đầu tiên họ chào đón những người thân của mình trở về trong dòng nước mắt của hạnh phúc đoàn viên... Ðứng trước cổng làng, tâm hồn thi sĩ trong mỗi con dân của làng lại trào dâng những xúc cảm khó tả. Trong bài Cổng làng của Bàng Bá Lân có đoạn:

“Chiều hôm đón mát cổng làng

Gió hiu hiu đẩy mây vàng ôm trôi

Ðồng quê vờn lượn chân trời

Ðường quê quanh quất bao người về thôn…”.

Thời gian trôi qua, mọi vật đã đổi thay và nhiều giá trị truyền thống không còn hiện hữu, nhưng chiếc cổng làng Hồ Khẩu vẫn còn đó. Làng xưa nay đã lên phố phường, nhưng người dân nơi đây vẫn tự hào về truyền thống của làng, tự hào về những chiếc cổng làng, về mái đình cổ xưa. Cụ Lý Thị Sỉnh (ngõ 378/28 phố Thuỵ Khuê) tâm sự với một nhà báo: “Sống đến ngần này tuổi rồi, nhưng không chỉ có tôi, mà mọi người dân ở đây đều thấy tự hào khi được sống ở làng và tự hào về những chiếc cổng làng đã có hàng nghìn năm tuổi”. Những chiếc cổng xưa của làng Hồ Khẩu không chỉ đẹp mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa. Những câu đối khắc ghi trên cổng cho biết về một số sự kiện của làng, mô tả cảnh đẹp vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Các di tích này như là chứng nhân lịch sử, kể cho hậu thế về những câu chuyện của cha ông họ.

Dù những chiếc cổng làng không còn được nguyên vẹn như trước, người dân làng Hồ vẫn chung tay giữ gìn các công trình kiến trúc truyền thống. Giữa phố thị hiện đại với nhịp sống sôi động, những chiếc cổng làng trầm mặc vẫn vững vàng trên con phố Thụy Khuê. Bỏ lại phía sau nhịp sống hối hả của cuộc sống đương đại, khi bước vào cổng làng, một thế giới thanh bình, yên tĩnh mở ra. Lòng người như dịu lại. Nơi đó, tụi trẻ vây quanh các cụ già nghe kể những câu chuyện ở làng Hồ xưa với lòng kiêu hãnh; đó cũng là nơi cất lên khúc hát “ầu ơ…” của các bà, các mẹ ru bé con ngủ. Nơi đây, những bức tường gạch rêu phong mà yên bình đến lạ lùng, đổ bóng loang lổ trên chiếc bàn cờ đã bày sẵn ở đầu làng của các bậc cao niên… Ðối với nhiều người làng Hồ Khẩu, được tận hưởng những nét bình dị của làng quê tưởng chừng đã biến mất giữa phố thị sầm uất, đó là cả một niềm hạnh phúc. Trong năm, làng Hồ tổ chức hai kỳ hội làng, duy trì các ngày kỵ Thánh, kỵ Tổ nghề và ngày giỗ của 5 dòng họ. Ðời sống văn hóa cộng đồng và tâm linh đã sưởi ấm và nuôi dưỡng tâm hồn người dân nơi đây. Có thể thấy, phía sau cánh cổng làng, Hồ Khẩu vẫn duy trì được nếp sống văn hóa cơ bản của một làng xưa.

Theo quan niệm dân gian truyền thống của người Việt, chiếc cổng làng dung dị mà mộc mạc chính là nơi chứa đựng “hồn làng”. Chiếc cổng làng là một trong những nét văn hóa truyền thống, ngự trị trong tâm thức từ ngàn năm của người dân nước Việt. Những chiếc cổng làng rêu phong ở làng Hồ Khẩu vẫn còn hiện hữu theo thời gian, như tô điểm thêm nét cổ kính của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bùi Thị Ánh Vân

Top