Có nên xây dựng biểu tượng Rùa vàng tại Hồ Gươm?

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh “Dự án đúc biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm-Thần Kim Quy” đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Phóng viên Tạp chí Thế giới Di sản đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam về vấn đề này.

PV: Xin ông có thể cho bạn đọc được biết một số nội dung chính của Dự án đúc biểu tượng Rùa vàng Hồ Gươm-Thần Kim Quy” đặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Theo tôi được biết, Dự án này được ấp ủ từ lâu, vào năm 2011, mới đây đã được gửi tới UBND thành phố Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và một số cơ quan liên quan khác. Đề xuất của Dự án là làm một bức tượng bằng đồng nguyên chất, mạ vàng, chiều dài khoảng 2,5 - 3,5 m, chiều cao gồm cả bệ khoảng 2,5m, nặng khoảng 6-10 tấn, đặt tại một trong 2 vị trí là: địa điểm đặt đồng hồ Thụy Sĩ, góc Hồ Gươm hiện nay hoặc không gian vườn hoa trước cửa siêu thị Intimex, nhìn sang Tượng đài Lý Công Uẩn và Tòa nhà UBND thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện Dự án là 2 năm. Kinh phí thực hiện Dự án bằng nguồn xã hội hóa.

Một trong những phác thảo Rùa vàng Hồ Gươm. Ảnh: tuoitre.vn

Nhóm ý tưởng của Dự án là Dương Trung Quốc và Tạ Hồng Quân. Ban Cố vấn nêu trong Dự án gồm một số giáo sư, các nhà khoa học, văn hóa (có ghi rõ họ tên, chức vụ cụ thể). Cơ quan phối hợp thực hiện nêu trong văn bản gồm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Công ty Hữu nghị Á Châu.

Ý tưởng của Dự án được nêu ra là: Bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử (Truyền thuyết Thần Kim Quy và Nỏ Thần, Thần Kim Quy mỗi lần xuất hiện, Vua Lê Lợi và hoàn trả Gươm Thần cho Kim Quy); Rùa Hồ Gươm Tâm linh hiện hữu (Thần Kim Quy); Sức mạnh biểu tượng quốc gia trên thế giới. Từ đó cho rằng: Đây là “Biểu tượng độc đáo và ý nghĩa sâu sắc của Hà Nội, của Việt Nam về hình tượng Rùa Vàng Hồ Gươm “Thần Kim Quy”.

Trong Dự án đưa cả ý kiến của 4 nhà khoa học, trong đó có 3 ý kiến vừa đánh máy, vừa viết tay, có ngày tháng, chữ ký và ảnh kèm theo vào tháng 11-2011, ủng hộ ý tưởng này (riêng ý kiến của GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì chỉ có bản đánh máy; ngày tháng, năm; không có bản viết tay và chữ ký). Trong Dự án cũng viết: “Khi Dự án chính thức thực hiện sẽ tổ chức thi biểu tượng Rùa Vàng Hồ Gươm Thần Kim Quy”, nhưng cũng giới thiệu 4 ảnh về 4 phương án biểu tượng…

PV: Trong Dự án có nêu tên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là một trong các cơ quan phối hợp thực hiện và Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là thành viên Ban Cố vấn của Dự án. Vậy thì vai trò của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong Dự án này như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Tôi cần phải khẳng định ngay rằng, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam hoàn toàn không được biết và không được hỏi ý kiến về việc có đồng ý tham gia Dự án này không? Trong Dự án có nêu tên Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là thành viên Ban Cố vấn, nhưng khi trực tiếp trao đổi với Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thì Chủ tịch Hội khẳng định rằng hoàn toàn không được biết về Dự án này, không có ai gặp gỡ, trao đổi, hỏi ý kiến. Việc tự ý đưa Hội và Chủ tịch Hội vào Dự án là việc làm không đúng, cần phải cải chính, để tránh sự hiểu lầm, ảnh hưởng tới uy tín của Hội.

PV: Với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TổngThư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Trước hết cần phải nói ngay rằng, những ý kiến của tôi xung quanh vấn đề này là ý kiến cá nhân của một người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa, không phải với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Hà Nội là trái tim của cả nước, là Thủ đô ngàn năm văn hiến. Người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, đều yêu mến, muốn được làm điều gì đó, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô. Những người đề xuất ý tưởng này cũng không ngoài mục đích đó.

Xung quanh nội dung của Dự án này liên quan đến nhiều vấn đề, chắc chắn là sẽ tiếp tục có các ý kiến của các nhà chuyên môn, các cơ quan liên quan khác nhau, tôi không có tham vọng bàn rộng, mà chỉ xin nêu một số ý kiến liên quan đến di sản văn hóa.

Tôi cho rằng, việc xây dựng các công trình ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm phải được xuất phát từ quan điểm di sản văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa, lấy di sản văn hóa làm cốt lõi và điểm xuất phát, không chỉ thiên về cảm tính, nhiệt tình và tình cảm, mà cần phải xem xét toàn diện, cụ thể và hết sức thận trọng.

Bản thân tôi, khi nghiên cứu Dự án, nói thật cảm thấy rất băn khăn, quan điểm của cá nhân tôi là không nên thực hiện Dự án này, vì các lý do sau:

Một là, Hồ Gươm là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bản thân vùng đất này đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử và văn hóa thiêng liêng với tên Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa… Bất cứ việc làm nào ở đây, nếu không tính toán kỹ cũng dễ dẫn đến việc làm tổn thương Di tích cả về không gian, cảnh quan, môi trường , di sản văn hóa, không gì có thể bù đắp được.

Hồ Gươm. Ảnh: internet

Hai là, bản thân khu đất thiêng này đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử-văn hóa sâu sa, gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng, mà người Việt Nam và bạn bè quốc tế đều biết, ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt Nam. Đó chính là biểu tượng rồi, vì vậy không cần thiết phải xây dựng biểu tượng Rùa Vàng ở đây. Chúng ta hãy làm tốt việc bảo vệ, bảo quản, giữ gìn cảnh quan, môi trường, di tích ở nơi này, giữ cho được hồn cốt của nó.

Ba là, các địa điểm dự kiến đặt biểu tượng, theo tôi được biết, đều nằm trong khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt khu vực Hồ Hoàn Kiếm, đó là các vị trí hết sức nhạy cảm, nếu Dự án được thực hiện, chắc chắn sẽ gây tác động không tốt tới cảnh quan, không gian lịch sử, văn hóa, tâm linh của Di tích.

Bốn là, khu vực Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là Di tích quốc gia, mà còn là Di tích quốc gia đặc biệt; có hồ sơ Di tích, bản đồ khoanh vùng, xác định các khu vực bảo vệ; do vậy, việc xây dựng thêm các công trình mới ở đây phải hết sức cẩn trọng, phải căn cứ vào Hồ sơ Di tích,  phải căn cứ vào các quy định của Luật Di sản văn hóa. Điều 32 Luật Di sản văn hóa nêu rõ: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Năm là, Hà Nội đã có biểu tượng là Khuê Văn Các rồi, theo tôi không nhất thiết phải có thêm biểu tượng này ở đây.

Sáu là, vấn đề cuối cùng tôi muốn trao đổi ở đây là chúng ta không nên động chạm tới không gian lịch sử, văn hóa, tâm linh này. Thời gian qua, có quá nhiều đề xuất xây dựng các công trình mới ở đây là điều rất không nên.

PV: Xin cám ơn PGS.TS Đỗ Văn Trụ.

                                                                                                     QH (thực hiện)

Top