Chuyến sưu tầm hiện vật về nơi ghi dấu 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân
Chùa Tứ Giáp (hay còn có tên là Đại Phúc tự) là Di tích lịch sử - nghệ thuật được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1992. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với phong trào cách mạng kháng chiến của quân và dân tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, chùa Tứ Giáp cùng với thôn Chùa Nguộn là địa điểm đóng quân của Công an Khu XII thời điểm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1948. Chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân trong vùng mà còn là một địa điểm mang dấu lịch sử cách mạng, đặc biệt, đây là địa chỉ đón nhận Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Trong suốt 70 năm qua, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đã trở thành kim chỉ nam trong hành động và lan tỏa trở thành phong trào thi đua rộng lớn, luôn là trọng tâm xuyên suốt trong công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Cổng chùa Tứ Giáp tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang
Quá trình sưu tầm và thu thập tư liệu hiện vật phục vụ trưng bày Nhà trưng bày lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân tại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng Công an nhân dân gặp không ít khó khăn do thời gian đã lùi rất xa, nhiều nhân chứng lịch sử không còn hoặc không nhớ nhiều về sự kiện. Trong những ngày cuối gấp rút hoàn phần trưng bày tại Khu lưu niệm, chúng tôi bất ngờ nhận được thông tin từ cụ Thủ từ chùa Tứ Giáp về việc muốn hiến tặng kỷ vật mà cụ cùng gia đình đã trân trọng lưu giữ gần 70 năm qua và những thông tin liên quan đến sự kiện của Công an Khu XII thời kỳ đó. Không thể nói hết niềm vui của chúng tôi, những người làm công tác bảo tồn bảo tàng khi nhận được thông tin quý giá như vậy và đoàn công tác của Bảo tàng Công an nhân dân lập tức lên đường.
Chum đựng nước của đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu XII thời kỳ hoạt động tại chùa Tứ Giáp
Đã nhiều lần trở về nơi này trong những chuyến công tác khảo sát cũng như cùng các đơn vị chức năng ngày đêm gấp rút thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ các hạng mục công trình Khu lưu niệm nhưng lần này trở về nơi ghi dấu Sáu điều Bác Hồ dạy với tâm trạng khác hơn bởi chúng tôi cảm nhận được những công việc mà Bảo tàng Công an nhân dân đang thực hiện đã góp phần vào việc khẳng định chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an không chỉ nhận được sự ủng hộ, đóng góp của cán bộ chiến sĩ toàn lực lượng mà còn lan tỏa đến từng người dân, nhất là nhân dân nơi có di tích đang được xây dựng, trong đó có gia đình cụ Nguyễn Đức Cử.
Ngôi chùa Tứ Giáp nằm lọt giữa bốn về yên ắng của cây lá xum xuê trong một không gian tĩnh lặng đến lạ kỳ. Như đã đợi sẵn, cụ Thủ từ Nguyễn Đức Cử ra mở cổng, sau cánh cổng gỗ nhà chùa, chúng tôi bước vào lối nhỏ với không gian rêu phong, cảnh vật thanh bình, tĩnh lặng, hai bên cổng vào là hai cây nhãn và cây gạo cao vút mà theo cụ, cây đều đã có niên đại hơn 300 năm.
Qua lời kể chúng tôi được biết, chùa Tứ Giáp, còn gọi là Đại Phúc tự, được xây dựng từ thời Lê (năm 1771 đến năm 1773) với kiến trúc trước là đình sau là chùa. Gọi là Tứ Giáp để ghi danh nhân dân bốn giáp: Chuông, Thượng, Nguột, Hạ đã cùng góp công xây dựng lại chùa to đẹp hơn. Chùa có bảy gian tiền đường, bảy gian ngoài và ba gian hậu cung. Đao chùa cong, trong chùa có được bố trí đầy đủ tượng Phật, tượng Phật bà, tượng Thích Ca, và các tượng La Hán, tòa bụt ốc... ngoài cổng có gác chuông.
Cụ Cử còn chỉ cho chúng tôi thấy những vết sâu hoắm trên thân cột lim ở gian Tiền tế, bảo đó là vết đạn mà giặc Pháp bắn vào còn lưu lại và chỉ cho chúng tôi thấy một ngách nhỏ bên cạnh gian Tiền tế, đây chính là lối thoát ra phía sau Chùa của cán bộ ta thời kỳ kháng chiến.
Cụ Nguyễn Đức Cử trao kỷ vật của gia đình tặng Bảo tàng Công an nhân dân
Tiếp chuyện chúng tôi một lúc rồi ông cụ vào nhà trong đem kỷ vật ra trao tặng. Đó là chiếc chum sành sứ được chế tác theo lối thủ công truyền thống, cụ bảo đây là vật dụng mà đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu XII và các cán bộ hoạt động trong thời gian đóng quân tại Chùa đã sử dụng để đựng nước. Sau khi Công an Khu XII chuyển đi, đồng chí đã tặng lại cho cha ông là cụ Nguyễn Văn Ứng (ngày đó đồng chí Hoàng Mai ban ngày làm việc trong chùa còn ban đêm về ở nhà cụ Ứng), gia đình sau này sử dụng đựng gạo, mỗi ngày góp một nắm gạo ủng hộ kháng chiến theo phong trào “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo kháng chiến” mà Đảng và Bác Hồ đã phát động trong những năm 1951-1952. Khi cụ Ứng mất đã căn dặn ông và con cháu phải gìn giữ kỷ vật như là báu vật của gia đình.
Tháng 3-1945, một bộ phận Báo Cứu quốc đến đóng và làm việc tại Chùa để in ấn tài liệu, truyền đơn. Đầu năm 1946 chùa Tứ Giáp đón đơn vị Bưu điện tỉnh và Ty Công an Hà Bắc (nay là Công an tỉnh Bắc Giang) và Công an Khu XII về làm việc. Lúc đó, chỉ làm việc và ở tại chùa còn các cán bộ đều ăn ở trong các nhà dân quanh thôn.
Thời đó, Công an Khu XII đã xuất bản tờ nội san mang tên “Bạn Dân”. Theo tư liệu ghi lại, vào dịp Tết Mậu Tý năm 1948, tờ Nội san Bạn Dân đã được in ti-pô khá đẹp, in xong, đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an Khu XII đã chọn tờ đẹp nhất gửi lên khu cứ địa Việt Bắc biếu Bác, mong Bác chỉ bảo cho về tính chất, đạo đức, tác phong của mỗi người chiến sỹ công an và chỉ dẫn kinh nghiệm và những công việc phải làm của báo chí công an…
Một thời gian sau, đồng chí Hoàng Mai nhận được Thư của Bác.Trong thư Bác có đoạn: “…Trên báo cần làm cho anh chị em công an nhận rõ, công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì làm việc gì cũng xong” và Bác còn căn dặn trên báo cần thường xuyên nhắc nhở lực lượng Công an rèn luyện tư cách đạo đức, “Tư cách người Công an cách mệnh”.
Công tác sưu tầm và thu thập tài liệu hiện vật là công việc thường xuyên liên tục của Bảo tàng Công an nhân dân trong suốt hơn 50 năm qua nhằm bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Công an nhân dân. Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi đã được đón nhận không ít tình cảm của các thế hệ nhân dân trong việc cung cấp hình ảnh, tư liệu quý, và lần nào cũng thế, sau chuyến đi nào cũng thế, điều chúng tôi có được là tình cảm, là sự trân trọng của những người vì tin yêu và trân trọng những việc làm nhân văn đầy ý nghĩa của thế hệ trẻ ngày nay đối với công lao đóng góp của các bậc tiền bối mà sẵn sàng hiến tặng những kỷ vật mà với họ là thiêng liêng và vô giá.
Chuyến đi này cũng vậy, giá trị nhân văn sâu sắc và quý giá hơn cả đó là chúng ta ngày càng nhận được sự tin yêu của nhân dân địa phương nơi ghi dấu Sáu điều Bác Hồ dạy, nơi mà Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định đầu tư xây dựng công trình Khu Lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân nhằm tri ân cống hiến, hy sinh của các bậc cha anh đi trước; nơi học tập, ôn lại truyền thống cách mạng của thế trẻ hôm nay. Bảo tàng Công an nhân dân vinh dự vì được góp một phần nhỏ vào việc tạo nên những giá trị nhân văn cao quý đó.
Trung tá, ThS Trần Quý