Chung một niềm tin, chung một khát vọng

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 và Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14-12-2021 đã chạm tới những vấn đề nóng trong lĩnh vực văn hóa, đó là: Nguồn lực đầu tư cho văn hóa; đội ngũ cán bộ làm văn hóa; bảo vệ và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và ngoại giao văn hóa... Tổng Bí thư đã tổng kết một cách khúc chiết, ngắn gọn nhưng đầy thuyết phục đường lối của Đảng ta về văn hóa từ ngày thành lập đến nay và đưa ra những nhận định, đúc rút rất cụ thể, thiết thực, trên tư tưởng xuyên suốt: Văn hóa là bản sắc, là hồn cốt dân tộc.

Văn hóa còn thì dân tộc còn...

Mượn lời tiền nhân “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình của mình với quan điểm “Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Cụ thể hóa quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 24-11-1946: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh văn hóa phải là những gì “tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ” và coi “những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”. Văn hoá là một phạm trù rất rộng, tuy nhiên,  theo Tổng Bí thư, hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đều nói đến những tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Trên cơ sở đó, ông khẳng định: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24-11-2021

Từ ngày thành lập đến nay, Đảng luôn luôn coi trọng vai trò của văn hoá và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hoá trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Nhận thức về văn hoá ngày càng hoàn thiện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hoá đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư khẳng định những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Theo đó, nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả, tích cực. Công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới. Xây dựng con người Việt Nam đang từng bước trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây tác hại đến văn hóa, lối sống được chú trọng. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được biểu dương, lan tỏa vào đời sống xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy tài sản vô giá của cha ông

Tổng Bí thư đã cụ thể hóa bản sắc văn hóa, hồn cốt của dân tộc bằng những câu ca dao tục ngữ như “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Thương người như thể thương thân”... Ông cho rằng những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!"; "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”; “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một! Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!” đã trở thành lẽ sống thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là hồn cốt thiêng liêng của văn hóa Việt Nam. Ông cũng nhắc đến các bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính, “Việt Bắc” của Tố Hữu..., coi đó là những biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc.

Các đại biểu tham quan Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có trên 40.000 di tích các loại được kiểm kê, trong đó có 10.109 di tích cấp tỉnh, 3.560 di tích quốc gia, 119 di tích quốc gia đặc biệt; 395 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. UNESCO đã ghi danh 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 Di sản tư liệu. Bên cạnh đó là 179 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có 238 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia, và đặc biệt không thể không kể đến sự đa dạng, phong phú của trên dưới 8.000 lễ hội trải dài trên khắp mảnh đất hình chữ S... Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng cho rằng, đó là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên.

Trong Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư phân tích thêm vai trò của văn hóa trong công tác đối ngoại: “Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt”. Ông khẳng định: Nền đối ngoại Việt Nam trong tiến trình lịch sử luôn mang đậm bản sắc riêng, rất độc đáo của văn hóa Việt Nam, đó là “Đầy hào khí, giàu tính nhân văn, hoà hiếu, trọng lẽ phải, công lý và chính nghĩa, đem đại nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo”. Rất sinh động và đầy cảm xúc, ông đưa ra hình ảnh Cây tre Việt Nam và coi đó là biểu tượng cho bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó khẳng định chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc Cây tre Việt Nam, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn… Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, tuỳ cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt!…

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Tổng Bí thư khẳng định, Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã xác định Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần phải được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư chỉ ra rằng, cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Ông nhấn mạnh: “Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị”.

Theo Tổng Bí thư, công tác lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị mà còn phải có trình độ chuyên môn, am hiểu đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, có tầm nhìn sâu rộng, có khả năng vận động và thuyết phục các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa. Và ông yêu cầu: “Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà”.

Toàn cảnh Hội nghị

Dù đã đề cập từ rất lâu, qua nhiều kỳ đại hội Đảng nhưng quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội” vẫn chưa được thực hiện một cách cụ thể, hiệu quả bởi vì chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ các chính sách, cơ chế và luật pháp liên quan. Về tổng thể, mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển. Hệ thống các thiết chế và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa nhìn chung còn kém và trong tình trạng xuống cấp, chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng còn thấp. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm. Hệ thống thiết chế văn hóa vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa thực sự phù hợp với đặc điểm vùng, miền, với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa thiết thực. Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho văn hóa, tức là chủ trương xã hội hóa văn hóa, xây dựng công nghiệp văn hóa vẫn chưa có đầy đủ cơ chế, luật pháp phù hợp đi kèm...

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư chỉ rõ: trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả một số giải pháp:

Giải pháp đầu tiên “Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Giải pháp thứ hai, Tổng Bí thư nói đến là “xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương”.

Giải pháp thứ ba là quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Giải pháp thứ tư là chú trọng xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.

Cùng với những giải pháp nêu trên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra 6 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu trên.

Kết thúc phát biểu của mình, Tổng Bí thư khẳng định: “Tôi tin rằng với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.

Chúng ta chung một niềm tin, một khát vọng với Tổng Bí thư về "xây một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Chung một niềm tin "Văn hoá  soi đường cho quốc dân đi".

NGUYỄN THẾ KHOA

Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc

Hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Kiện toàn, phát triển hệ thống bảo tàng, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Đầu tư xây dựng một số bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng chuyên ngành cấp trung ương và địa phương; phát triển bảo tàng ảo. Xây dựng khung pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của bảo tàng tư nhân.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản.

Đổi mới và nâng cao hoạt động đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng ở trong nước và nước ngoài.

Thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu. Nâng cấp và khai thác có hiệu quả ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.           

  (Nguồn: Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021)                

 

 

Top