Chân dung Nguyễn Ái Quốc qua tài liệu mật thám Pháp

Năm 1919, sau sự kiện Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi tới Hội nghị Versailles Bản yêu sách 8 điểm, nhà cầm quyền Pháp truy tìm tung tích, lai lịch và hành động của “Nguyễn yêu nước”.Vậy Nguyễn Ái Quốc đích thực là ai?

Ngay sau đó, Bộ Thuộc địa lập tức đã phải ra Quyết định ngày 17-10-1919 lập  một cơ quan tình báo có tên gọi là Sở Điều tra chính trị về người An Nam do Paul Arnoux đứng đầu, quyết định ghi rõ: “Theo đề nghị của quan Toàn quyền Sarraut, tôi vừa duyệt cho thành lập một Sở chính trị có nhiệm vụ theo dõi tình hình và động tác của người An Nam tại Pháp và các mối liên hệ của họ với trong nước. Sở này được ghép vào cơ quan Tổng Kiểm soát người Đông Dương và sẽ được giao cho ông Arnoux, Giám đốc Sở Điều tra của Phủ Toàn quyền Đông Dương, hiện đang nghỉ phép. Rõ ràng là nếu hoạt động đơn độc thì các cố gắng của ông này sẽ không có kết quả. Vì vậy, tôi đã tính đến yêu cầu ngài ghép ông ta vào cơ quan cảnh sát và mật thám Trung ương.        

Thông thuộc về người An Nam, chuyên trách về vấn đề dân bản xứ, ông Arnoux sẽ là người liên hệ giữa các cơ quan trên với Sở tổng kiểm soát người Đông Dương, sẽ đề xuất và hướng dẫn các cuộc điều tra cần thiết để tìm được các thông tin hiện nay ta còn chưa có. Về lâu dài có thể mở rộng cho tất cả các người châu Á mà con số ở Pháp ngày một đông thêm và với tâm tính riêng biệt của họ, chúng ta hoàn toàn không nắm được”.

Nhận nhiệm vụ, Paul Arnoux lập tức cho người theo dõi sát sao Nguyễn Ái Quốc cùng hoạt động của nhóm Người An Nam yêu nước. Mùa thu năm 1919, các thông tin tình báo Pháp đã phác thảo được bức tranh sơ bộ về người Việt Nam đầy bí ẩn này: “Nguyễn Ái Quốc, 27 tuổi, có thể đã từ Luân Đôn sang Pari ngày 13 tháng 7. Nguyễn Ái Quốc khai là quê ở Nam Đàn, Nghệ An, sống cùng Phan Văn Trường, đã theo học rất giỏi ở Anh, y sống tại đó 10 năm và tổ chức một hội những người An Nam yêu nước trong một thời gian dài bất hợp pháp, đã thay thế Phan Văn Trường và Phan Chu Trinh vào vị trí này. Đề nghị trao đổi thông tin mà các ngài có hoặc thu thập được về người này”. 

Thư của Tổng thống Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, ngày 23-6-1919

Mặc dù đã theo dõi những thông tin về Nguyễn Ái Quốc song chúng vẫn chưa nắm được bao nhiêu về lai lịch của anh. Trong bức điện mật mã ngày 20-10-1919 của Toàn quyền Monguillot điều tra về người có bí danh Nguyễn Ái Quốc cho thấy, mặc dù mạng lưới mật thám được giăng rộng tới nhiều nước, song cuối năm 1919, thực dân Pháp vẫn chưa xác định được ai là Nguyễn Ái Quốc. Trong khi mật thám Jean đã phần nào khai thác được về Nguyễn Ái Quốc những chi tiết gần sự thật thì những tên mật thám khác vẫn mò mẫm. Trong bức mật báo của mật thám Jean đề ngày 8-1-1920, có viết như sau: “Những cuộc điều tra của tôi đã tiến hành từ ngày 1-12-1919 dưới quyền điều khiển của Đốc phủ Bảy, đã cho phép tôi đưa ra những kết luận sau đây:

1. Nguyễn Ái Quốc ở tại số 6 Villa des Gobelins, đó là địa chỉ chính thức ghi trên Thẻ vào thư viện.

2. Quốc có thể là người miền Trung, Vinh hoặc Huế theo giọng nói của ông ta.

3. Ông ta nói qua cho tôi biết là đã từng ở Mỹ và Anh trước khi đến Pháp từ bốn năm nay.

4. Ông ta đọc và viết tiếng Anh và tiếng Pháp thành thạo, đọc và nói được chút ít hai thứ tiếng Ý và Tây Ban Nha.

5. Ông ta nói là chỉ về nước khi nào chính sách thuộc địa thay đổi. Hiện giờ ông có ý định ở Pháp hoặc nơi nào khác để có thể bênh vực quyền lợi ở Đông Dương.

6. Ông ta chẳng có gì cả. Hiện giờ ông sống nhờ sự giúp đỡ của Khánh Ký và Phan Châu Trinh. Ông Phan làm nghề chữa ảnh, mỗi ngày kiếm được độ 30 quan, nhờ đó cả hai người có thể giúp đỡ cả Phan Văn Trường. Vì ông Trường làm Trạng sư nhưng không có văn phòng.

7. Ông Quốc không được một Hội kín nào giúp đỡ tiền bạc. Ông thường xuyên liên lạc thư từ với gia đình, bạn bè trong nước.

8. Ông Quốc từng viết thẳng trên báo Pháp đòi hỏi một cách ôn hòa về vấn đề sửa đổi chính sách ở Đông Dương.

Ký tên: Jean”

Tuy nhiên, phần lớn những bản báo cáo của cảnh sát Pháp lại nhìn nhận Nguyễn Ái Quốc bí ẩn như là một người có tri thức và kinh nghiệm xã hội bên cạnh hai vị họ Phan. Vào cuối năm 1919, Chỉ huy quân đội Đông Dương tại Pháp Pierre Guesde lại tin rằng, Nguyễn Ái Quốc thực sự là một nhà hoạt động chính trị. Những bản báo cáo mà Tướng Guesde có được từ những mật thám của ông ta cho thấy anh là một người tích cực đấu tranh cho quyền con người ở Việt Nam, một nhà hoạt động chính trị tâm huyết. Các bản báo cáo cũng cho thấy, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên liên hệ với các đại biểu theo chủ nghĩa dân tộc đến dự Hội nghị Hoà bình từ Ireland, Trung Quốc và Triều Tiên. Các bản ghi báo cáo về những cuộc nói chuyện của anh với bạn bè trong hội người Việt cho thấy anh nhận thức được rất rõ những vấn đề mà dân tộc anh đang phải hứng chịu.

Chúng phát hiện anh đã chủ động liên hệ với nhiều người yêu nước trong lực lượng binh lính Việt Nam ở lại Pháp sau chiến tranh. Nhà số 6 Villa des Gobelins trở thành địa chỉ chính thức của anh, có nhiều người đến, có cả những sĩ quan có chức vị, có hôm họp rất đông, thảo luận đến một hai giờ sáng. Gần gũi nhất có Lê Văn Xao, Marcel Võ Văn Toàn, Tạ Đình Cao, Lê Văn Thuyết, Trần Xuân Hộ, Phó Quản Lâm (là Bùi Lâm tức Bùi Dị sau sang Nga theo con đường Nguyễn Ái Quốc rồi về nước tham gia chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám 1945), Cai Khương v.v..

Mạng lưới mật thám theo dõi Nguyễn Ái Quốc tại Pari tăng lên từ khi Bộ Thuộc địa lập một tổ chức mới chuyên theo dõi những người Đông Dương ở Pháp. Bọn chúng đến khám xét cả những người nước ngoài sống ở Pari hay liên lạc bằng thư từ hoặc đi lại với anh Nguyễn. Trong số những người đó có các sinh viên Nga Mikhailớpxki, Pêtôrốp ở nhà số 6, phố Gay Lussac, có nhà yêu nước Ấn Độ Alitaba Gôdơ, một số người yêu nước Ireland ở gác ba số nhà 12, phố Capuyxin, nhà văn Nhật Bản Kiôsi Cômátxư ở trọ nhà họa sĩ Xacamôtô… Cùng với vị trí lãnh đạo trong phong trào người Việt yêu nước ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc còn có mối quan hệ mật thiết với những người bạn Pháp đã quý mến và giúp đỡ cụ Phan Châu Trinh như Jules Roux, Ernest Babut và các nhân vật trong Liên minh Nhân quyền như Moutet, Chalaye v.v…

Nguyễn Ái Quốc còn tiến xa trong các mối quan hệ với đại diện các phong trào yêu nước ở các thuộc địa khác, không chỉ các thuộc địa của Pháp như Bắc Phi, Madagascar v.v… mà còn cả các dân tộc bị áp bức khác như Ái Nhĩ Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… Đặc biệt, do mối quen biết có từ khi qua Mỹ, anh còn được sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng Triều Tiên đóng tại Paris, được họ cung cấp các kinh nghiệm hoạt động chống quân phiệt Nhật. Nhưng một bước ngoặt rất quan trọng đối với Nguyễn Ái Quốc là sớm gắn bó với giai cấp vô sản Pháp. Chia sẻ những vất vả thiếu thốn trong đời sống của giới lao động Pháp, có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với họ bằng tiếng Pháp, anh đã tìm thấy ở họ tình cảm và sự hỗ trợ cho hoạt động yêu nước. Anh sớm gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động sôi nổi trong các tổ chức của Đảng. Do trực giác từ ý thức tìm đường giải phóng dân tộc anh đã đến với Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế Cộng sản và Liên Xô.

Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Mátxcơva, quê hương của Cách mạng Tháng Mười Nga, trung tâm của cách mạng thế giới. Nhưng phải đến mùa thu năm đó, Bộ Thuộc địa mới gửi Công điện cho Toàn quyền Đông Dương về việc đã tìm thấy dấu vết của Nguyễn Ái Quốc, “có thể đang ở Mátxcơva”. Ngày 13-10-1923, viên mật thám Désiré hàng ngày vẫn theo dõi nơi ở của Nguyễn Ái Quốc mới có báo cáo rằng “Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Pháp hoặc qua Thụy Sĩ hoặc qua Bỉ. Khi đến Đức, được cấp hộ chiếu đi Nga, tuy nhiên chưa thấy tên ông ta xuất hiện trong các thông báo chính thức của cộng sản. Có thể đoán rằng, Nguyễn Ái Quốc được giao nhiệm vụ liên quan đến công tác tuyên truyền tại vùng Viễn Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Dương)”.

Có thể nói rằng, cái tên Nguyễn Ái Quốc và những hành tung bí ẩn của anh đã khiến chính quyền Pháp phải đau đầu, lo lắng và tìm mọi cách đối phó. Bởi mỗi hành động của anh đều đe dọa đến sự an nguy của chế độ thuộc địa mà Pháp đang tiến hành tại Việt Nam và các nước khác. Nhưng đối với mỗi người dân Việt Nam, cái tên đó dường như lại là niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, là luồng gió mới đối với phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Ths Nguyễn Thúy Đức

Top