Cẩn trọng trong quảng bá, khai thác di sản
Có xâm hại di sản?
Sau khi khảo sát thực tế một số địa điểm tại tỉnh Quảng Bình, Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới 2017 đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và thống nhất phương án phần thi trang phục truyền thống các dân tộc sẽ được tổ chức tại động Thiên Đường từ ngày 15 đến 19-10. Đây là phần thi được truyền hình trực tiếp ra toàn thế giới. Cùng với Quảng Bình, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh là những địa điểm được lựa chọn để tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới năm nay tại Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 26-10. Tại buổi làm việc, ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nếu cuộc thi được truyền hình trực tiếp từ động Thiên Đường sẽ là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh Quảng Bình đến với bạn bè quốc tế. Cuộc thi diễn ra trong hang động sẽ gặp một số khó khăn, hạn chế nhưng tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban tổ chức để sự kiện diễn ra tốt đẹp.
Như vậy, còn hơn nửa năm nữa mới diễn ra, song ý tưởng tổ chức một cuộc thi quy mô quốc tế trong lòng hang động đã làm dấy lên không ít lo ngại về ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường hang động. Nhất là khi đây là động Thiên Đường - điểm đến du lịch nổi tiếng thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi đã được UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đánh giá đây là một trong những hang động kỳ vĩ nhất thế giới và là hang động đẹp nhất châu Á. Trước thông tin lòng hang sẽ trở thành sân khấu của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới, PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng: “Việc tổ chức sự kiện để quảng bá cho di sản thiên nhiên thế giới, từ đó thu hút khách du lịch là rất tốt. Nhưng tổ chức gì và tổ chức ở đâu, như thế nào cần tính toán kỹ, nếu không sẽ lợi bất cập hại. Đối với các hang động, nhiều khi chỉ bàn tay người, hơi người cũng đủ gây ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan... Vì thế, phải cân nhắc thật kỹ địa điểm tổ chức xem có nên làm trong hang động hay không. Cá nhân tôi cho rằng không nên. Bởi di sản hang động là quà tặng của tạo hóa, phải qua hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm hình thành mới có được, ứng xử và bảo tồn không đúng cách sẽ làm ảnh hưởng đến di sản. Hơn nữa, nếu tổ chức cuộc thi trong lòng hang liệu có quản lý được người tham gia, khi mà chỉ cần một vài người thiếu ý thức cũng dễ làm phương hại di sản. Đó là chưa kể tổ chức một sự kiện lớn như thế cần dựng sân khấu chắc chắn, bảo đảm âm thanh, ánh sáng... nên rất khó để nói các yếu tố này không ảnh hưởng trực tiếp tới hang động...”.
Trước những lo ngại của dư luận, trả lời báo chí, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho hay: Khác với những khu du lịch sinh thái ở Việt Nam, con đường dẫn vào động Thiên Đường được lát bằng gỗ táu với 189 bậc thang, chiều rộng hơn 2 m, hai bên có lan-can bảo vệ vững chắc cho nên không ảnh hưởng hệ thống thạch nhũ. Động Thiên Đường có thể đón 1.500 du khách vào tham quan cùng lúc. Cuộc thi thu hút 80 người đẹp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, cùng với đó là một số lượng người và thiết bị quay hạn chế, lại tạm dừng đón khách trong thời gian diễn ra nên việc tổ chức trong hang là có thể chấp nhận được. Chúng tôi xác định bảo vệ môi trường, cảnh quan di sản là yếu tố hàng đầu cho nên mọi quy trình đều được thực hiện theo quy chuẩn bảo vệ mẫu mực của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định: Một không gian để có thể tổ chức một cuộc thi hoa hậu hoàn hảo phải bảo đảm rất nhiều yếu tố về mặt bằng, ánh sáng, âm thanh với một khối lượng lớn các trang thiết bị để bảo đảm quay, phát. Vì thế, nếu tổ chức trong lòng hang động Thiên Đường, có thể nhìn thấy ngay những tác động tiêu cực tới môi trường hang động. Đó là chưa kể một số lượng lớn người cùng tập trung tại đây trong cùng một thời điểm sẽ khó kiểm soát. Thực tế ở nước ta và ngay ở Quảng Bình vẫn còn rất nhiều địa điểm có thể tổ chức tốt những sự kiện quy mô như thế này mà vẫn quảng bá được du lịch Việt Nam, tại sao phải lựa chọn lòng động Thiên Đường để rồi đương đầu nguy cơ sẽ làm ảnh hưởng di sản?
Khai thác phải gắn với bảo vệ di sản
Rõ ràng, những băn khoăn về việc ảnh hưởng tới di sản nếu tổ chức cuộc thi hoa hậu tại động Thiên Đường là hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi thời gian qua, hàng loạt di sản đã phải “kêu cứu” vì ứng xử của con người. Gần đây nhất, việc tổ chức những bữa tiệc trong lòng hang động thuộc kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long gây bức xúc dư luận chính là bài học cho sự quản lý dễ dãi làm phương hại di sản. Tại Quyết định 209/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-2-2015 Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đến năm 2030, đã xác định mục tiêu: Bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bao gồm cả các giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Trong định hướng phát triển không gian, Quy hoạch cũng xác định nguyên tắc là phải bảo tồn nguyên trạng và tính toàn vẹn của di sản thiên nhiên này. Do đó, dù là tổ chức một sự kiện văn hóa có ý nghĩa trong lòng hang động cũng cần thận trọng, tính toán kỹ lưỡng nhiều yếu tố. PGS. TS Đỗ Văn Trụ lưu ý: Động Thiên Đường thuộc về di sản thiên nhiên thế giới, cho nên ngoài địa phương, đơn vị được phân cấp trong việc quản lý, bảo vệ di sản cũng cần báo cáo và được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thậm chí là của Chính phủ. Chưa kể, phát huy giá trị di sản có nhiều cách, có thể trực tiếp, cũng có thể gián tiếp. Nếu muốn nhân Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới năm nay được tổ chức tại Việt Nam để quảng bá cho vẻ đẹp động Thiên Đường và du lịch Quảng Bình hoàn toàn có thể tổ chức cuộc thi ở một chỗ khác hội đủ mọi điều kiện về không gian. Và trước đó, xây dựng những đoạn phim sinh động hay chụp những bức ảnh đẹp về hoạt động của các thí sinh tại động Thiên Đường để sử dụng làm tư liệu, hình ảnh minh họa cho cuộc thi…
Việc vinh danh là cơ sở pháp lý cũng như cơ sở khoa học giúp di sản được nhận diện và bảo vệ tốt hơn, phát huy giá trị hiệu quả hơn. Không thể vì lợi ích kinh tế với những lý do như giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền điểm đến cho du lịch mà sử dụng di sản một cách phung phí, thiếu cẩn trọng. Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới tuy được đánh giá là một trong những đấu trường sắc đẹp quốc tế danh giá nhất, song không thể để mục tiêu “quảng bá du lịch” mà bất chấp những tác động tiêu cực tới động Thiên Đường. Việc dễ dãi trong ứng xử với di sản (dù chỉ một lần) cũng mang đến những tiền lệ xấu mà hậu quả của nó sẽ rất khó kiểm soát. Còn nhớ, cách đây không lâu, hành xử của đoàn làm phim Mỹ cũng tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã mang lại bài học đắt giá. Sau khi hang Sơn Đoòng được đoàn làm phim chọn làm bối cảnh nhưng nhận thấy việc quay phim với hàng tấn thiết bị, phương tiện và hàng trăm lượt người ra vào trong nhiều ngày tại khu vực phim trường có thể ảnh hưởng không tốt đến quần thể hang động, đoàn làm phim đã quyết định dời tới địa điểm khác là hang Tú Làn, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa cách đó khoảng 70 km để dựng cảnh quay. Cách ứng xử thận trọng, khéo léo của đoàn làm phim đối với di sản, dù không phải của nước họ đã khiến dư luận không khỏi thán phục. Dù rằng, di sản không phải thứ vinh danh rồi để đấy, mà luôn cần được phát huy và đặc biệt là phát huy giá trị với tư cách tài nguyên của ngành du lịch. Nhưng không thể là phát triển du lịch kiểu “ăn xổi”, vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi giá trị đã tích tụ hàng ngàn năm của di sản. Bởi phát triển du lịch cũng như phát huy giá trị di sản cần có sự tính toán kỹ lưỡng với tầm nhìn lâu dài để bảo đảm sự phát triển bền vững. Nhận về “quả đắng” hay “trái ngọt” trong khai thác di sản nhiều khi không đơn giản, nhưng điều chắc chắn là cần sự cẩn trọng, chung sức của cả cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương, các chuyên gia di sản và cộng đồng.
Theo nhandan.com.vn