Các văn bản chỉ đạo của Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017

Ngày 13 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2239/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017, gửi cho các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Cơ quan trung ương các đoàn thể; Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.

Công điện nêu rõ:

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo:             

a) Các cơ quan, đơn vị chức năng lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; đẩy mạnh triển khai hình thức bán vé qua mạng internet, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm tra việc niêm yết giá vé; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải như chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định; không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển.

b) Tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, có lưu lượng phương tiện lớn; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, các điểm đen giao thông, các cung đoạn đường có đèo dốc nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và đường sắt, quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định; kiểm tra, xử lý việc vi phạm hành lang an toàn giao thông; khẩn trương rà soát, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, bến xe khách...).

Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn tại các sân bay, nhà ga, bến tầu, bến xe các điểm du lịch, lễ hội; kiểm tra các điểm vui chơi giải trí gần sân bay, không để tình trạng chiếu tia lazer uy hiếp an toàn bay; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; phối hợp với các cơ quan truyền thông, tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông, hướng dẫn quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông trên đường cao tốc.

c) Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về vận tải hành khách và tình hình trật tự, an toàn giao thông; kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn giao thông.

Lễ hội chùa Hương

2. Bộ Công an chỉ đạo:

a) Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017; chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm của chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, tập trung xử phạt các vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng làn đường, phần đường, chở quá số người quy định, sử dụng phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm; phòng, chống đua xe trái phép; kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép chất cháy, nổ, pháo trái phép, chở xe mô tô trong hầm hàng; kiểm tra, xử lý xe quá hạn đăng kiểm, xe hết niên hạn tham gia giao thông; tăng cường kiểm tra an toàn giao thông đường thủy tại các tuyến vận tải trọng điểm từ bờ ra đảo, bến khách ngang sông, điểm du lịch, lễ hội. Tăng cường lực lượng để bảo đảm tuyệt đối an ninh, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017.

b) Lực lượng Cảnh sát giao thông:

- Tăng cường phối hợp với các lực lượng khác của ngành Công an và Thanh tra giao thông vận tải, bố trí ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp, có nguy cơ ùn tắc cao; có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải toả, cứu nạn kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết trên các trục đường chính ra vào thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các tuyến đường trọng điểm; phối hợp với đơn vị quản lý các tuyến đường cao tốc và các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm đối với các phương tiện giao thông lưu thông trên tuyến đường cao tốc, đặc biệt tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây nguy hiểm trên đường cao tốc như xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc và xe ô tô khách dừng, đón trả khách trên đường cao tốc; ứng dụng công nghệ thông tin để xử phạt các hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường cao tốc nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

- Tăng cường kiểm tra an toàn giao thông đường thủy, tập trung vào các đối tượng và địa bàn có hoạt động giao thông ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, tuyến từ bờ ra đảo, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các phương tiện thủy chở chất cháy, nổ, pháo trái phép; các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép…

c) Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình hình vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017; tập trung tuyên truyền biện pháp hạn chế tai nạn xe mô tô, xe gắn máy ở khu vực nông thôn, biện pháp ngăn chặn tai nạn xe khách, tai nạn đường đèo dốc, tai nạn đắm đò; thực hiện nghiêm “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam có kế hoạch tuyên truyền về an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017 với nội dung phong phú, hấp dẫn, cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông các ngày tết trong các bản tin thời sự; bố trí lịch phát sóng phù hợp với thời gian sinh hoạt, lao động của nhân dân.

5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên; các trường đại học, cao đẳng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp vận tải tổ chức bán vé tàu, xe tại trường cho học sinh, sinh viên về nghỉ Tết.

6. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan trực thuộc Bộ, các sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan của ngành giao thông vận tải và công an xây dựng phương án tổ chức giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong chương trình tổ chức các lễ hội.

7. Các bộ, ngành trung ương, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tới mọi tầng lớp nhân dân, tới cán bộ, hội viên, đoàn viên để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, thực hiện các biện pháp phòng, tránh tai nạn mô tô, xe gắn máy, đò ngang, đường ngang đường sắt; thực hiện nghiêm đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, thực hiện "Đã uống rượu, bia-không lái xe", không phóng nhanh, vượt ẩu, không chở quá số người quy định, quan sát an toàn khi qua đường sắt, chấp hành quy định an toàn khi đi đò.

8. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh về tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017; đồng thời chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết, khắc phục kịp thời. Thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các địa phương, địa bàn trọng điểm; đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giai đoạn 2016 - 2020.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, chú trọng khu vực nông thôn, miền núi và các địa điểm diễn ra lễ hội trên địa bàn. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện, ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các trục chính ra vào thành phố; thực hiện phân luồng tại các khu vực giao thông phức tạp, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, không để ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu, ngày cuối đợt nghỉ Tết; công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về vận tải hành khách và trật tự, an toàn giao thông tại địa phương; đôn đốc, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lễ hội Gò Đống Đa, Hà Nội

* Ngày 20 tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4237/BVHTTDL-VHCS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017.

Nội dung Công văn như sau:

Năm 2016, công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương trong cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây giảm dần; hoạt động lễ hội đã đi vào nền nếp, trang trọng; công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội được đảm bảo. Những kết quả đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội còn bộc lộ những yếu kém, hạn chế cần phải khắc phục như: Công tác triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quản lý lễ hội ở một số địa phương chưa quyết liệt, còn buông lỏng. Một số lễ hội còn duy trì những tập tục mang yếu tố phản cảm, bạo lực như chọi trâu, chém lợn, tranh cướp, xô đẩy đeo bám khách, ăn xin, gây mất an ninh, trật tự vẫn diễn ra. Việc thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa trong lễ hội chưa cao, vẫn còn đốt nhiều vàng mã gây tốn kém, lãng phí, gây nguy cơ cháy nổ. Công tác vệ sinh môi trường một số nơi chưa làm tốt, việc thu gom rác thải chưa kịp thời, tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra trong lễ hội.

Để hoạt động lễ hội năm 2017 được tổ chức tốt, đặc biệt trong thời gian dịp đầu Xuân năm mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan ban, ngành địa phương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục quán triệt và tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa từ gia đình, nhà trường, xã hội thông qua các hoạt động văn hóa, lễ hội; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 15/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo khác liên quan.

2. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, cụ thể:

- Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội. Không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

- Kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... diễn ra trong lễ hội. Thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, bày bán thịt động vật hoang dã, các đồ chơi có tính bạo lực. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định của cơ quan chức năng. Có phương án bố trí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý, thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội.

- Tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông, có phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội. Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội và du khách; chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.

- Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý hòm công đức; bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích. Không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

5. Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành phố tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội; thực hiện chế độ báo cáo kết quả tổ chức hoạt động lễ hội năm 2016 về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định (qua Cục Văn hóa cơ sở) để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

 

Top