Các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc
Cách đây 60 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta còn đang trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Ngày 22-12-2007 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2008). Tạp chí Thế giới Di sản xin giới thiệu các kỳ đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.
1. Đại hội chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I (từ 1 đến 6-5-1952, tại Chiến khu Việt Bắc).
Vào đúng 19h30’ ngày 30-4-1952, “Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất” đã được tổ chức tại Hội trường tám mái thuộc xóm Khuôn Lân, xã Hợp Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tạo và nhiều đại biểu khác đã đến dự. Đặc biệt, Đại hội còn được đón tiếp hai vị khách quý của Chính phủ nhân dân Lào là đồng chí Xi-Hon và đồng chí Nu Hắc. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời khai mạc, Người nêu lên mục đích của Thi đua là để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, hoàn thành dân chủ mới, tiến lên Chủ nghĩa xã hội, đồng thời Người cũng khẳng định “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.
Tại Đại hội lần thứ nhất này, Bác tuyên dương các Anh hùng đầu tiên đó là: Cù Chính Lan (Liệt sỹ), Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu, Nguyễn Quốc Trị, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh và Trần Đại Nghĩa. Trong đó, Đại hội bầu được 3 Anh hùng Lao động, đó là: Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa và Hoàng Hanh, còn lại là 4 anh hùng quân đội.
2. Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (từ 7 đến 8-7-1958, tại Ba Đình, Hà Nội).
Đại hội liên hoan Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, họp tại Hà Nội từ 7 đến 8/7/1958 với sự tham dự của 456 đại biểu, trong đó có 236 chiến sĩ thi đua lao động chân tay và trí óc, 127 chiến sĩ thi đua nông nghiệp, 71 chiến sĩ thi đua quân đội và 22 đại biểu thuộc các lứa tuổi, các thành phần xã hội và 76 đại biểu của 76 đơn vị xuất sắc. Đại hội đã tuyên dương 26 Anh hùng lao động và 446 chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. (Ảnh: TL)
3. Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III (từ 4 đến 6-5-1962 tại Ba Đình, Hà Nội).
Về dự Đại hội có 1.060 đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua của các ngành, các giới, công nghiệp, nông nghiệp, lực lượng vũ trang (LLVT), lao động trí óc, văn nghệ sĩ, sinh viên, thanh niên... Đại hội đã tuyên dương: 45 anh hùng lao động, 267 đơn vị tiên tiến, tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Đồng thời khen tặng: 60 Huân chương Lao động hạng nhất, 93 Huân chương Lao động hạng nhì, 441 Huân chương Lao động hạng ba, 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 24 Huân chương Chiến công hạng ba và 985 chiến sĩ thi đua toàn quốc.
4. Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước (Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV).
Tại Ba Đình (Hà Nội), trong hai ngày 6 và 7-1-1967, có 500 anh hùng, chiến sĩ thi đua thuộc các quân, binh chủng và các chiến sĩ xuất sắc trên các mặt trận sản xuất, giáo dục, văn hóa về dự Đại hội. Đại hội đã tuyên dương danh hiệu anh hùng lao động và anh hùng LLVT nhân dân cho 45 tập thể và 111 cá nhân.
5. Cùng với các Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua ở miền Bắc; từ năm 1965-1974 ở miền Nam có các Đại hội.
* Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua các LLVT giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I, họp tại một địa điểm vùng giải phóng từ ngày 2 đến 6-5-1965. Có 150 chiến sĩ thi đua ưu tú từ Bến Hải đến Cà Mau tham dự. Đại hội tuyên dương 23 anh hùng quân đội giải phóng.
* Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ II, họp tại vùng giải phóng vào trung tuần 9-1967. Đại hội tuyên dương 47 anh hùng LLVT nhân dân giải phóng.
* Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua, dũng sĩ các LLVT Trị Thiên-Huế, họp tại vùng giải phóng vào tháng 2-1969. ĐH tuyên dương 8 đơn vị “Thành đồng quyết thắng”, 25 ngọn cờ tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác.
* ĐH anh hùng, chiến sĩ thi đua các LLVT nhân dân giải phóng miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn, họp tại vùng giải phóng từ ngày 20 đến 23-9-1971. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương: 21 đơn vị anh hùng, 16 cá nhân anh hùng LLVT nhân dân giải phóng.
* Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ IV, họp tại vùng giải phóng từ ngày 1 đến 6-2-1974. Có 200 đại biểu các đơn vị anh hùng, anh hùng và chiến sĩ thi đua về dự. Đại hội trao cờ “Quyết thắng” cho 19 Trung đoàn bộ đội chủ lực, đơn vị anh hùng.
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (Ảnh: TL)
6. Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ V (tại Ba Đình, Hà Nội, từ ngày 16 đến 17-1-1986).
Đại hội đã tuyên dương 218 tập thể anh hùng, 126 cá nhân anh hùng, 223 chiến sĩ thi đua toàn quốc. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đọc báo cáo của Đại hội: “Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần làm chủ tập thể, ra sức thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.
7. Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI, tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 20 và 21-11-2000.
Đại hội lần VI được lấy tên là Đại hội Thi đua toàn quốc để biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đối với phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới đất nước.
Có 1.177 anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyên dương tại ĐH lần này (trong đó có 250 nữ). Đại hội biểu dương và ghi nhận thành quả của phong trào thi đua cả nước; ghi công, tôn vinh các cá nhân, tập thể tiêu biểu nhất trong mọi thành phần và tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; cổ vũ, khơi dậy sức mạnh to lớn của dân tộc, phát huy mạnh mẽ nội lực, tạo ra khí thế mới, quyết tâm mới bước vào thế kỷ XXI, phấn đấu thực hiện mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010.
8. Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII với chủ đề "Phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010".
Đại hội diễn ra trong hai ngày 4 và 5-10-2005, tại Thủ đô Hà Nội. Có 1.270 đại biểu là những cá nhân, tập thể anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực và các vùng miền của Tổ quốc về dự Đại hội. Đại hội vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ vui mừng bởi kể từ sau Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI đến nay, đã có 319 tập thể và cá nhân Anh hùng, 689 chiến sỹ thi đua toàn quốc được Nhà nước tuyên dương và khen thưởng. Nếu tính cả số chiến sỹ thi đua, cá nhân và đơn vị xuất sắc được các cấp, các ngành khen thưởng thì con số đó còn lớn hơn nhiều.
9. Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.
Theo kế hoạch diễn ra trong hai ngày 29 và 30-11-2010, tại thủ đô Hà Nội với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015”.
Đại hội có 1.500 đại biểu là những người ưu tú, tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của các ngành, các địa phương; các cá nhân anh hùng, đại diện các tập thể anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc và các điển hình tiên tiến, nhân tố mới... tham dự Đại hội. Nội dung Đại hội chủ yếu tập trung tổng kết đánh giá phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm 2005-2009; đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, Anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới; đồng thời tiếp tục phát động sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa phong trào thi đua yêu nước trên phạm vi toàn quốc, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2010-2015.
THANH TRIỀU (Tổng hợp)