Các di tích, công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cộng hòa Pháp

Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng và cả sau này, trên cương vị lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến Pháp nhiều lần và ở lại trong một thời gian khá dài. Chính vì vậy, trên đất nước này còn lưu dấu nhiều di tích, địa điểm di tích mà Người đã từng ở, hoạt động cách mạng và đến thăm với tư cách là Nguyên thủ quốc gia.

Khi mới 21 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) sang phương Tây với mục đích tìm hiểu về “tự do, bình đẳng, bác ái” của Pháp. Với công việc phụ bếp trên tàu, anh đã được đi qua nhiều nước, chứng kiến nhiều bờ bến lạ, nhiều cảnh sống cùng cực của người dân lao động. Ngày 15/7/1911, tàu cập bến Lơ Havơrơ (Le Havre), miền Bắc nước Pháp, anh đã rời tàu lên bộ, bắt đầu cuộc sống làm thuê tại thị trấn Xanh Ađrét (Sainte Adresse) (ngoại ô thành phố Le Havre), cũng là để tìm cách bắt liên lạc với những người Việt đang sinh sống và làm việc trên đất Pháp, tìm hiểu về tình hình chính trị, xã hội lúc này tại Pháp. Được một thời gian, anh lại xin lên tàu để “đi xem các nước”. Lần này, cùng với lịch trình của tàu, anh đã qua nhiều nơi như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria, Tunisia… được chứng kiến cả những tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân. Từ cuối năm 1912, anh đến Mỹ, rồi sang Anh. Ở đâu anh cũng vừa làm việc, vừa tìm hiểu về tình hình chính trị, học hỏi thêm từ các bậc tiền bối và tham gia một số phong trào của tầng lớp lao động ở các nước này. Đến cuối năm 1917, anh quay trở lại Pháp. Lúc này, tình hình chiến tranh giữa Đức và Đồng minh đã lan rộng khắp châu Âu, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi. Tại đây, anh đã tìm được một môi trường phù hợp, điều kiện phù hợp và được sự giúp đỡ tích cực của những người bạn Pháp. Đây là thời kỳ Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc ở Pháp lâu nhất. Những địa điểm chính Người đã ở bao gồm: Lúc đầu Người ở phố Charonne trong một thời gian ngắn. Từ 7/6/1919 đến 11/6/1919, Người ở nhà số 10, phố Xtốc khôm (Stokhom). Ngày 12/6/1919, Người chuyển đến ở nhà số 6, phố Vila đê Gôbơlanh (Villa des Gobelins), quận 13. Tại đây, Người ở cùng nhà yêu nước Phan Châu Trinh và luật sư Phan Văn Trường.

Nhà số 10, phố Stokhom (Ảnh: TL)

Ngày 14/7/1921, Người chuyển đến ở nhà số 12, phố Buyô (Bureau)

Trong tháng 7/1921, Người chuyển đến ở nhà số 9, ngõ Côngpoanh (Compoint), quận 17, Paris. Đây là địa điểm mà Nguyễn Ái Quốc ở trong thời gian 20 tháng, từ tháng 7/1921 đến 14/3/1923. Tại đây, Người đã có những hoạt động quan trọng như: tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa - một tổ chức yêu nước và cách mạng có tổ chức và quy mô đầu tiên hoạt động hợp pháp ở Paris và được bầu làm ủy viên thường trực của Hội. Người đã khởi thảo Tuyên ngôn, điều lệ và lời kêu gọi của Hội;

 Ngày 14/31923, Người đến ở nhà số 3, phố Mácsê Đê Patơriácsơ (Marché des Patriarches), quận 5, Paris. Đây là nơi đặt trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa và là toà soạn báo Le Paria.

Nhà số 6,  phố Vila đê Gôbơlanh (Ảnh: TL)

Bên cạnh những địa điểm Người từng ở, còn có những địa điểm Người thường xuyên lui tới hoặc sử dụng làm địa chỉ liên lạc như số 56 Monsieur Le Prince, Paris (địa chỉ Người ghi trong thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ dự Hội nghị Vécxây (Versailles) ngày 18/6/1919); Công viên Montsouris, nơi Nguyễn Ái Quốc thường gặp bà con kiều bào để thức tỉnh tình yêu đất nước, quê hương; công viên Lúcxămbua (Luxembourg), nơi Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ các kiều bào; Câu lạc bộ Phobua; Thư viện quốc gia Pháp, Bảo tàng Luvrơ (Louvre), Bảo tàng Ghimê (Guimet)…

Các địa điểm nơi Người từng ở hiện nay đã có nhiều thay đổi cùng với thời gian. Ngôi nhà số 9 ngõ Compoint sau này được Thành phố Paris phá bỏ để xây dựng lại vào cuối năm 1986 theo quy hoạch của thành phố thành một ngôi nhà 5 tầng, trên diện tích đất cũ, mặt tiền rộng 12 mét, thuộc sở hữu của 15 chủ, mang tên: Số 9 Villa Compoint. Tại địa điểm nhà số 9 ngõ Compoint đã được gắn biển di tích. Tấm biển được làm bằng đồng đen, kích thước 750cm x 450cm, với dòng chữ vàng đúc nổi bằng tiếng Pháp, mang nội dung “Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc được biết đến dưới tên gọi Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác. Tháng 1 năm 1983”.

Nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris (Ảnh: TL)

Những kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ sống tại Pháp và đặc biệt là tại ngôi nhà số 9 ngõ Côngpoanh (Compoint) đã được đưa về Bảo tàng Lịch sử sống Môngtơrơi (Montreuil) và dựng thành “Không gian Hồ Chí Minh” để phục vụ đông đảo khách tham quan. Ngày 19 tháng 5 năm 2005, chính quyền thành phố đã phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh dựng tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trong khuôn viên bảo tàng.

Ngày nay, các địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cộng hòa Pháp vẫn được chính quyền thành phố hết sức quan tâm, gìn giữ. Năm 2015, thực hiện chương trình "Theo chân Bác", Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp tổ chức chuyến đi đến hai thành phố Xanh Ađrét (Sainte-Adresse) và Lơ Havơrơ (Le Havre) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống trong những năm đầu đến Pháp, giai đoạn 1911-1912; đến những điểm Người từng làm việc, sinh sống ở đây.

Tấm biển đồng gắn tại địa điểm nhà số 9 ngõ Compoint

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên Montreuil-Cộng hòa Pháp (Ảnh: TL)

Các địa điểm di tích về Người không chỉ là sự lưu giữ di sản văn hóa mà còn góp phần lớn trong việc tăng cường và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp, thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa Việt Nam, tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế.

ThS Nguyễn Thị Huyền Trang

Top