Bảo vệ Di sản văn hóa Hội Gióng trong đời sống đương đại

Theo phân loại của UNESCO, Hội Gióng thuộc lĩnh vực tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội. Chúng ta đề cử Hội Gióng bởi vì, có một điều kỳ lạ là không như phần lớn văn hóa phi vật thể khác hoặc là thay đổi, hoặc là mai một trước những thách thức của xã hội đương đại, Hội Gióng là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua rất nhiều thế hệ.

Hội Gióng là một biểu hiện văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đang được đề nghị UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Theo phân loại của UNESCO, Hội Gióng thuộc lĩnh vực tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội. Chúng ta đề cử Hội Gióng bởi vì, có một điều kỳ lạ là không như phần lớn văn hóa phi vật thể khác hoặc là thay đổi, hoặc là mai một trước những thách thức của xã hội đương đại, Hội Gióng là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua rất nhiều thế hệ. Mặc dù đời sống của cộng đồng đã từng trải qua nhiều biến động bởi sự thay đổi hình thái kinh tế xã hội, bởi chiến tranh, bởi sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa thì Hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững. Có thể nói rằng, Hội Gióng đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể, là bản sắc, được cộng đồng ở hai huyện Gia Lâm và Sóc Sơn, Hà Nội ghi nhận là một phần văn hóa của họ và tự nguyện bảo vệ.

Giá trị cơ bản, cốt lõi nhất của Hội Gióng đó là tính cộng đồng trong việc sáng tạo ra di sản, không ngừng tái sáng tạo, tạo thành một biểu hiện văn hóa độc đáo, bản sắc và duy trì nó đến ngày nay. Việc quan trọng nhất của việc bảo vệ Hội Gióng trong cuộc sống đương đại là phải giữ được tính cộng đồng đó. Một khi di sản được ghi nhận để bảo vệ ở cấp độ quốc gia và quốc tế người ta sẽ nghĩ ngay đến chuyện phát triển quy mô, làm cho nó hoành tráng hơn. “Người ta” ở đây ngoài yếu tố khách thể còn bao gồm cả chủ thể cộng đồng nắm giữ di sản. Vì vậy, cần phải có quan điểm rõ ràng và hành động kiên quyết về vấn đề này. Cần để Hội Gióng tồn tại như vốn có, để cộng đồng tự tổ chức và điều hành lễ hội của họ, đừng Nhà nước hóa lễ hội, “nâng tầm” thành “sự kiện” của toàn xã hội, thành lễ hội của Quốc gia. Mặt khác, cần giúp cộng đồng nhận thức rõ vấn đề này và can ngăn sự ngộ nhận về văn hóa, cho rằng mình là nhất và sáng tạo theo kiểu bắt chước để trở thành nhất. Điều đó sẽ nhanh chóng làm biến dạng di sản.

Hội Gióng là một biểu hiện văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam (Ảnh: TL)

Có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể không thể đáp ứng được số lượng lớn khách du lịch. Du lịch đại trà và việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể thật khó có thể song hành với nhau. Du lịch khiến cho các hình thức biểu hiện tính chất, chức năng v.v. vốn có của văn hóa phi vật thể cơ bản bị biến đổi. Hội Gióng là di sản văn hóa tâm linh. Nếu coi Hội Gióng là điểm đến của du lịch tất nhiên sẽ có ảnh hưởng không tốt ngay lập tức tới di sản. Việc xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ du lịch sẽ làm phá vỡ không gian văn hóa của di sản. Du lịch sẽ tác động đến chủ thể văn hóa, họ sẽ nhanh chóng nghĩ ra các hoạt động để thu hút khách nhiều hơn, để kiếm lợi. Sự thương mại hóa di sản sẽ diễn ra nhanh chóng và dần dần không thể kiểm soát. Hội Chùa Hương hiện nay là ví dụ rõ về sự biến dạng của di sản mà chưa có giải pháp cứu vãn. Chúng tôi khuyến nghị các nhà quản lý văn hóa và du lịch các cấp đừng tính đến việc khai thác Hội Gióng để phát triển du lịch. Hãy để Hội Gióng là di sản văn hóa tâm linh, tồn tại bình yên trong cộng đồng bé nhỏ của nó.

Hội Gióng đang “sống”. Tuy nhiên, có vấn đề là những người thực hành di sản hôm nay hiểu biết chưa đầy đủ về di sản của họ dù họ tham gia thực hành thường niên. Sự sống của di sản sẽ trở thành thiếu bền vững bởi lớp trẻ sẽ dần xa rời di sản bởi vì họ không hiểu và không cảm nhận được giá trị của di sản đối với chính họ. Cần tạo ra một ý thức, một thói quen cho người dân Gia Lâm và Sóc Sơn hiểu rằng di sản mình đang có quý giá như vậy nên phải ra sức giữ gìn. Tức là việc giữ gìn di sản những tập quán, truyền thống, ký ức mà ngày nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể được bắt đầu từ chính ý thức tự thân của họ. Cần phải giúp cho cộng đồng nhận diện giá trị di sản mà họ đang nắm giữ. Họ phải hiểu về lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa của di sản để bảo vệ những giá trị của di sản, để không sáng tạo theo kiểu vay mượn, làm sai lệch di sản của chính họ. Họ phải “có sức đề kháng” để bảo vệ di sản trước các nguy cơ can thiệp và xâm hại, để không bị can thiệp vào thực hành tập quán xã hội, để nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về giá trị di sản, cần có kế hoạch kiểm kê di sản Hội Gióng, mục tiêu là xác định biện pháp để bảo vệ. Công việc này cần có sự kết hợp giữa các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và một bộ phận không thể thiếu đó là chủ thể của di sản văn hóa. Các nhà nghiên cứu và quản lý sẽ tập huấn cho cộng đồng, trang bị cho họ những kiến thức để nhận ra giá trị di sản của họ, những yếu tố quyết định việc thực hành di sản. Chính họ phải thống kê lại những thành tố của di sản, để hiểu biết hơn và tổ chức hội tốt hơn. Những tập quán từ đời cha ông phải được nhận dạng và duy trì trong đời sống đương đại và trở thành chuẩn mực của cộng đồng: luân phiên, cắt cử, bầu, ngày ngày luyện tập, chia đều chi phí, chia lộc…

(Ảnh: TL)

Hội Gióng có từ hàng trăm năm nay, sắp tới Hội Gióng sẽ được nhiều người biết đến, khách thập phương sẽ đổ xô đi hội vì tín ngưỡng, vì tâm linh, vì nhu cầu giải trí, vì sự hiếu kỳ. Phải cung cấp thông tin cho họ, phải “giáo dục” họ, phải làm cho họ đến lễ hội với sự hiểu biết giá trị di sản, những điều cần biết để trải nghiệm một cách tích cực khi tiếp cận di sản. Hội Gióng ở Đền Sóc tháng Giêng vừa qua đã có một số hiện tượng là sự cảnh báo đe dọa sự bình yên của lễ hội. Cảnh xông vào cướp hoa tre, trầu cau; cảnh hàng trăm người rùng rùng đuổi theo chiếc kiệu rước Tướng mà không biết để làm gì; những người bảo vệ cuộc lễ lăm lăm cây  gậy trong tay… Tính biểu tượng của lễ hội đang và sẽ thay đổi nếu như người hành lễ và người dự lễ thiếu sự hiểu biết để ứng xử cho phải. Cần xây dựng các chương trình văn hóa, giáo dục và truyền thông đa dạng giới thiệu, phổ biến và quảng bá nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội bảo vệ Hội Gióng.

Vấn đề cuối cùng là việc nhận tài trợ bảo vệ di sản. Mọi tài trợ (donation) dù lớn, dù nhỏ đều quý và đáng trân trọng. Có một thực tế mà cộng đồng sẽ phải đối mặt. Đôi khi các tài trợ ấy có điều kiện mà những điều kiện ấy không phù hợp với việc bảo vệ di sản và có thể tác động xấu tới di sản. Một số tài trợ cho di tích, lễ hội trong những năm gần đây đã có vấn đề đó. Di tích thì biến dạng, lễ hội thì sai lệch, thương mại hóa. Nhà tài trợ cho tiền sai mục đích và cộng đồng sử dụng tiền cũng sai theo. Cần phải biết cách thương thảo và thuyết phục trước các điều kiện không hợp lý của nhà tài trợ. Hơn nữa phải có “văn hóa từ chối”. Tiền không bao giờ là đủ, chúng ta luôn cần có tiền để giữ di sản song “không phải cứ muốn là được, không phải cứ đầu tư nhiều tiền là xong, để di sản “sống” trong đời sống đương đại là một bài toán tổng thể, cần nhìn nhận dưới góc độ khoa học. Và trước hết cần hiểu rõ các đặc điểm của văn hóa phi vật thể, đặc biệt cần hết sức chú ý đến vai trò của các chủ thể đang lưu giữ loại hình di sản đó.” (Thể thao văn hóa 30-10-2009).

Chung quy lại bảo vệ di sản văn hóa thành hay bại - vấn đề là ở con người.
 

TS Lê Thị Minh Lý

Top