Bảo tàng Angkor Borein
Những di tích khảo cổ học ở đây được các nhà khảo cổ học nước ngoài phối hợp với các nhà khảo cổ học trong nước khai quật nhiều năm qua, để tìm hiểu một trong những nền văn minh của Vương quốc Phù Nam rộng lớn và nổi tiếng, được sử sách xưa ghi lại, bao gồm nhiều vùng đất của các quốc gia Đông Nam Á lục địa hiện nay. Thế nhưng, câu chuyện đi tìm cương vực và Kinh đô của Đế chế Phù Nam là một hành trình còn vô cùng gian nan, vất vả, khi mà Vương quốc bao la này còn có nhiều tiểu quốc, trong đó, rất có thể văn hóa Óc Eo ở Đồng bằng Nam Bộ được nhà khảo cổ học Pháp L.Mallere khai quật năm 1944 và các nhà khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu nhiều thập niên qua, đã minh chứng, vùng tứ giác Long Xuyên là một đô thị trung tâm của Vương quốc Phù Nam với những cảng thị, đền đài, thành lũy, phố phường, làng mạc xuất lộ và hé lộ, cùng với những địa điểm khác ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có niên đại tương đồng, thậm chí sớm hơn hàng thiên niên kỷ, phản ánh sự phát triển nội tại của văn hóa Óc Eo - nhân lõi vật chất của Quốc gia Phù Nam. Xin dành Phù Nam cho một dịp khác, dẫu còn bộn bề những vấn đề cần các nhà sử học, khảo cổ học góp sức, chung tay.
Một goc bên trong viện bảo tàng tại Angkor Borei.
Quay trở lại với Bảo tàng Angkor Borein. Đây là một nhà trưng bày được Bộ Văn hóa Cam-pu-chia cho xây dựng năm 2006, là một trong hai bảo tàng của tỉnh Takeo. Ngôi nhà bảo tàng có kiến trúc đặc trưng phong cách Khơ- me với mặt tiền trang trí hoa văn truyền thống và mái ngói theo lối chùa Phật giáo Khơ me, tọa lạc trong một khuôn viên khiêm tốn và với một diện tích cũng vô cùng khiêm tốn và đơn sơ. Hiện vật trưng bày trong bảo tàng chủ yếu được thu gom và khai quật từ các địa điểm trong huyện Borein. Đó là những đồ gốm, đồ đá, đồ đất nung ... là những tác phẩm mỹ thuật của nghệ thuật mang niên đại thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI-VII bằng đá sa thạch, là những vật liệu kiến trúc bằng gạch và ngói của các kiến trúc đền, tháp, thành lũy, là những đồ gốm dân dụng nhiều loại được tô màu, phảng phất gốm Óc Eo, những cũng có nhiều điểm khác biệt, để nhận ra tính đồng quy và di biệt của những nền văn hóa kề cận nhau về địa lý. Phong cách trưng bày ở bảo tàng này không có gì đáng nói, thậm chí rất đáng phàn nàn về sự tùy tiện, thiếu hệ thống, giống như một kho chứa hiện vật đúng hơn là một nhà trưng bày, khi các hiện vật chen chúc nhau trong tủ kính, rồi đặt cẩu thả trên các giá kệ, bục bệ với những chú thích vô cùng thiếu thông tin, dẫu rằng, những sưu tập hiện vật ở đây rất phong phú, đặc biệt là sưu tập đồ gốm được phục dựng khá quy chuẩn từ các nhà khảo cổ học bản địa và nước ngoài. Nhìn sưu tập gốm ở Angkor Borein tôi chạnh lòng, khi các di tích Óc Eo ở Việt Nam, gốm phong phú là vậy mà việc phục dựng chúng ít được quan tâm, khiến cho một cảm giác nghèo nàn, không thể sử dụng để trưng bày trong các bảo tàng ở các tỉnh miền Tây Việt Nam có văn hóa này.
Cũng nói là nhà trưng bày bổ sung cho di tích khảo cổ học được phát hiện và khai quật ở quanh vùng, nhưng dường như những di tích và phế tích được bảo tàng hóa ở Borein còn quá ít và nhỏ nhoi, chẳng có khái niệm gì là bổ sung cả. Đó cũng là một sự khác biệt khi Óc Eo của Việt Nam xuất lộ và bảo tàng hóa nhiều phế tích, nhưng trưng bày bổ sung lại quá nghèo nàn và quá xa di tích. Hệ quả của sự khác nhau này đều đem đến một cảm nhận thiếu thuyết phục khi di vật và di tích không cho người tham quan hiểu được cặn kẽ và tận tường lịch sử của một nền văn minh đã bị chôn vùi. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ đến cách làm của Angkor Borein vững bền hơn, khi nền kinh tế của đất nước này nói chung, Takeo nói riêng chưa đủ để bảo quản những hố khai quật được bảo tàng hóa. Việc lưu giữ hiện vật trong một bảo tàng giống như một kho chứa cũng có thể chấp nhận được, khi họ đang tiến tới một dự án hoàn hảo và tổng thể ở Borein. Họ đang có những bước đi chậm rãi và có định hướng, như một bài học để những nước nghèo rút kinh nghiệm.
Viết đôi dòng về một bảo tàng huyện, một loại hình không có ở ta, nhưng thực chất là nhà trưng bày bổ sung cho di tích, đang và sẽ phát triển ở Việt Nam, nhằm cung cấp cho những nhà quản lý di sản văn hóa Việt Nam thêm kinh nghiệm, để có được những quyết sách phù hợp với thực tiễn, trong những hoàn cảnh cụ thể, ở từng giai đoạn nhất định, chứ không hẳn Angkor Borein là một khuôn mẫu nhất nhất phải đi theo.
TS Phạm Quốc Quân