Báo cáo Kết quả hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam từ tháng 8-2020 đến tháng 12-2021 và phương hướng, nhiệm vụ từ tháng 12-2021 đến tháng 12-2022

(TGDS). Năm 2021, trong điều kiện dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam vẫn có nhiều hoạt động thực tiễn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tạp chí Thế giới Di sản xin giới thiệu Báo cáo Kết quả hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam từ tháng 8-2020 đến tháng 12-2021 và phương hướng, nhiệm vụ từ tháng 12-2021 đến tháng 12-2022.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG

TỪ THÁNG 8-2020 ĐẾN THÁNG 12-2021

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 01/NQ-BCH ngày 16 tháng 8 năm 2020 của Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ I, nhiệm kỳ IV (2020-2025), căn cứ tình hình thực tế; Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam báo cáo tình hình và kết quả hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam từ tháng 8-2020 đến tháng 12-2021 và Phương hướng, nhiệm vụ từ tháng 12-2021 đến tháng 12-2022 như sau:   

I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG

1. Hoàn thiện các văn bản sau Đại hội                                    

- Tổng hợp, tiếp thu ý kiến hoàn thiện các văn bản của Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiệm kỳ IV (2020-2025), báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gửi về các tổ chức, đơn vị thuộc Hội.

- Xuất bản Điều lệ Hội Di sản Văn hóa Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng Anh;

- Biên tập, in ấn và phát hành Kỷ yếu Đại hội đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ (2020-2025).

- Cấp Thẻ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho 79 ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV.

- Ban hành Quy chế số 02/QC-BCH ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Ban Chấp hành Hội về tổ chức và hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra và các ban chuyên môn của Hội nhiệm kỳ IV (2020-2025).

2. Công tác tổ chức xây dựng Hội

- Phân công công việc cho Chủ tịch Hội, các Phó Chủ tịch Hội, thành lập các Ban của Hội và phân công công tác cho các Ủy viên Ban Chấp hành.

- Kiện toàn lãnh đạo một số tổ chức, đơn vị thuộc Hội: Chánh Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản, Trưởng Ban Trị sự Tạp chí Thế giới Di sản, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Diều Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Tôn giáo; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Ngày 26 tháng 1 năm 2021, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có Quyết định số 01/QĐ-HDSVHVN về việc công nhận Hội Di sản Văn hóa thành phố Đà Nẵng (thành lập theo Quyết định số 4806/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng) là thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Nâng tổng số Hội Di sản Văn hóa cấp tỉnh, thành phố lên 12 hội.

- Tháng 4-2020, trình Bộ Thông tin và Truyền thông Đề án củng cố Tạp chí Thế giới Di sản theo quy hoạch báo chí của Chính phủ.

- Thành lập thêm 15 tổ chức mới: Liên Chi hội DSVH huyện Kim Động, Hưng Yên; Câu lạc bộ Phụ nữ với di sản văn hóa; Chi hội DSVH đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Hà Tĩnh; Câu lạc bộ Nghệ thuật Truyền thống Hải Phòng; Chi hội DSVH Tín ngưỡng Thờ Thánh Mẫu Thừa Thiên Huế; Chi hội DSVH Cung Hoàng Mẫu, Quảng Ngãi; Chi hội DSVH Bảo tàng Vĩnh Phúc; Chi hội DSVH Xuân Trường, Nam Định; Chi hội DSVH Chùa Liên Hoa Tự, Ninh Bình; Câu lạc bộ Mạng lưới cộng đồng Di sản Kéo co Việt Nam; Chi hội DSVH Câu lạc bộ Quan Họ Bắc sông Cầu; Chi hội DSVH Tín ngưỡng dân gian xứ Nghệ; Chi hội DSVH xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; Chi hội DSVH Tiên Hương, Hưng Yên; Câu lạc bộ Di sản văn hoá dân gian dân tộc Thái Mường La, Sơn La. Kết nạp 550 hội viên nâng tổng số hội viên toàn Hội lên 10.600 người, sinh hoạt tại 139 tổ chức cơ sở Hội.

- Tháng 4-2021, kết nạp 2 công ty là thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và giải pháp công nghệ 3D ART, Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng công trình văn hóa Việt.

- Tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Hội tính đến tháng 8-2021 là 21 đơn vị gồm: Văn phòng Hội, Văn phòng Đại diện Hội khu vực phía Nam, Tạp chí Thế giới Di sản in (bao gồm: Tạp chí Thế giới Di sản, Tạp chí Vietnam Heritage); Tạp chí điện tử Thế giới Di sản tại địa chỉ thegioidisan.vn; 10 công ty, 6 trung tâm và Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

3. Công tác chuyên môn

Nghị quyết Đại hội Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhiệm kỳ IV (2020-2025) đã định hướng đổi mới, tăng cường công tác chuyên môn của Hội nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chấp hành, các tổ chức, đơn vị, hội viên của Hội. Kể từ sau Đại hội IV, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam mà nòng cốt là Ban Chuyên môn cùng với các tổ chức, đơn vị thuộc Hội đã triển khai được nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực, có ý nghĩa với xã hội:

  - Tháng 8-2020, Hội tham vấn giúp Ủy ban nhân dân thành phố Việt Trì về cách thức tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” và tư vấn về khung định hướng nhiệm vụ, giải pháp để thành phố xây dựng “Đề án triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.

- Tháng 9-2020, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội và giao Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn hóa Việt Nam tổ chức biên soạn ấn phẩm “Niên giám Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội” nhằm góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

- Tháng 10-2020, thành lập Tổ công tác gồm các chuyên gia của Hội xuống Hải Phòng để tư vấn chuyên môn, hỗ trợ nhận diện giá trị cổ vật trong bộ sưu tập cổ vật gốm sứ thuộc sở hữu của Nhà sưu tập Trần Đình Thăng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Cổ vật Hải Phòng, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nhật. Tổ công tác đã nghiên cứu, kiểm kê, xác minh trên 400 hiện vật. Trên cơ sở này, Tổ giám định khuyến nghị Chủ sở hữu tiến hành các thủ tục đăng ký sưu tập với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng. Tháng 1-2021, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng và Nhà sưu tập Trần Đình Thăng tổ chức Tọa đàm khoa học về sưu tập cổ vật An Biên, Hải Phòng. Một số cổ vật trong sưu tập An Biên đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét công nhận Bảo vật quốc gia. Tháng 6-2021, biên tập và hỗ trợ xuất bản ấn phẩm Cổ vật An Biên. Ấn phẩm đã hoàn thiện và ra mắt vào tháng 11-2021. Tháng 10-2021, hỗ trợ Chủ sưu tập An Biên phối hợp với VTV1 thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật giới thiệu Sưu tập cổ vật An Biên. Tháng 11-2021, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sưu tập An Biên tổ chức trưng bày “Gốm Việt Nam - một truyền thống riêng biệt” tại  Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhân kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11-2021.

- Tháng 9-2020, Hội đã bày tỏ quan điểm về Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt, trong đó có tòa nhà 10 tầng dự kiến được xây dựng sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực gắn với Dinh tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức thời Việt Nam Cộng hòa - một công trình có giá trị kiến trúc gắn với lịch sử đô thị Đà Lạt gần 100 năm qua.

- Tháng 10-2020, Hội có Văn bản số 54/CV-HDSVHVN gửi Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm về việc chọn phương án thiết kế công trình Km số 0, đặt trong khu vực không gian Hồ Hoàn Kiếm thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

- Ngày 2-10-2020, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã-Di tích cấp quốc gia” nhằm khẳng định giá trị của Di tích đặc biệt này và có những kiến nghị thiết thực nhằm bảo vệ và phát huy giá trị Di tích.

- Ngày 26-12-2020, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (đơn vị thuộc Hội) tổ chức Tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và Trò chơi Kéo co Việt Nam 2020 nhân kỷ niệm 5 năm Nghi lễ và trò chơi Kéo co được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Ngày 19-3-2021, Hội có Công văn số 10/CV-HDSVHVN về việc cử các chuyên gia có uy tín, năng lực để nghiên cứu, đánh giá, giám định và xây dựng Hồ sơ khoa học cho bộ sưu tập hiện vật gồm nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như: đá, gỗ, gốm sứ, đồng và kim loại quý… của nhà sưu tập Đào Danh Đức ở thành phố Hồ Chí Minh.

- Cử đại diện của Hội tham gia Hội đồng cấp Bộ, cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba năm 2021; tham dự Hội nghị trực tuyến khu vực châu Á-Thái Bình Dương kỷ niệm 50 Công ước UNESCO 1970; tham dự Hội nghị thông tin công tác đối ngoại nhân dân; tham dự Hội thảo xây dựng Hồ sơ khoa học về Quần thể di tích Yên Tử trình UNESCO ghi danh Di sản thế giới; tham gia Ban Giám khảo Cuộc thi “Không gian sáng tạo Hà Nội”.

- Ngày 21-7-2021, Lãnh đạo và Thường trực Quận ủy Hoàn Kiếm đã làm việc với Lãnh đạo và Thường trực Hội Di sản Văn hóa Việt Nam về kế hoạch hợp tác 2021-2025 trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dự kiến xây dựng Đề án “phát huy giá trị di sản văn hóa ẩm thực ở quận Hoàn Kiếm phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025” sẽ được triển khai vào cuối năm 2021.

- Ngày 25-11-2021, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Di tích Chiến khu Ngọc Thanh - Bảo tồn và phát huy giá trị”. Kết quả cuộc Hội thảo đã khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của Di tích Chiến khu Ngọc Thanh và đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất để làm cơ sở cho Tỉnh có phương án bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích.

- Hội cũng đã phát hiện và xử lý kịp thời một số vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Nhìn chung, công tác chuyên môn của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam từ sau Đại hội IV đến nay đã được triển khai đa dạng, đi vào chiều sâu, có nhiều điểm mới, thiết thực, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

4. Tổ chức sự kiện về di sản văn hóa

- Tháng 11-2020, phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản văn hóa Việt Nam” năm 2020 từ ngày 19 đến ngày 23-11-2020 nhằm quảng bá nét đẹp di sản văn hóa vùng miền trên toàn đất nước Việt Nam đến người dân trong nước và đặc biệt là bạn bè quốc tế.

- Ngày 20-11-2020, Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam gồm 100 cá nhân (Lãnh đạo Hội, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành khu vực Hà Nội, một số tập thể, cá nhân tiêu biểu thuộc các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội…) đã tham dự Cuộc gặp mặt của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 65 (23-11-1945 – 23-11-2020) và kỷ niệm 15 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, được tổ chức tại Phòng Tân Trào, Nhà Quốc hội.

- Ngày 21-11-2020, tổ chức lễ kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam” đợt III-năm 2020 cho 68 cá nhân và Bằng khen của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho các cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và có những đóng góp xây dựng Hội. Chương trình được tổ chức tại Hội trường Lớn Bảo tàng Hồ Chí Minh và được truyền hình trực tiếp trên VTC9. Tại sự kiện này, Hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Số tiền thu được đã gửi tới Hội DSVH tỉnh Quảng Bình, Hội DSVH tỉnh Quảng Trị, Hội DSVH tỉnh Quảng Ngãi để trực tiếp hỗ trợ cho một số hội viên và gia đình gặp khó khăn do lũ lụt.

- Ngày 9-4-2021 (tức ngày 28-2 Âm lịch), Hội đã tổ chức Chương trình “Linh thiêng Quốc Tổ cội nguồn- Lễ dâng hương báo công các vua Hùng” tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, với sự tham gia của hơn 170 đại biểu; trong khuôn khổ Chương trình, Đoàn đã đến thăm và tặng quà cho trẻ em tại Làng trẻ SOS Việt Trì với trị giá tiền mặt và vật phẩm gần 300.000 triệu đồng.

- Tham gia  với Cục Di sản Văn hóa và các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc thi và Triển lãm ảnh Di sản văn hóa toàn quốc - lần thứ Nhất với chủ đề “Di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam”, nhằm tìm kiếm các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị tiêu biểu về các loại hình di sản văn hóa vật thể tại Việt Nam.

- Tháng 11-2021, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng của Hội đã họp để xét duyệt hồ sơ đề nghị tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” và Bằng khen của Hội. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội không tổ chức trao tặng Kỷ niệm chương, Bằng khen cho đại diện các tổ chức, đơn vị mà giao Văn phòng Hội gửi Kỷ  niệm chương, Bằng khen về từng tổ chức, đơn vị để trao tặng tại cơ sở.

5. Hoạt động của Cơ quan ngôn luận của Hội

Tạp chí Thế giới Di sản tuân thủ đúng mục đích, tôn chỉ, khắc phục khó khăn ra đều các số Tạp chí hàng tháng, không bị gián đoạn số nào, nội dung và hình thức ngày càng được nâng cao. Cụ thể là:

- Thực hiện thường niên 2 chuyên mục “Muôn phương” và “Hà Nội ngàn năm văn hiến” với sự phối hợp của Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội.

- Bên cạnh việc tuyên truyền, phản ánh các vấn đề về di sản văn hoá theo đúng tôn chỉ, mục đích, Tạp chí còn được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là 1 trong 3 cơ quan báo chí thực hiện 2 chuyên đề: tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn di sản, đăng trên 3 số từ tháng 10 đến tháng 12-2020 với tên gọi “Di sản Việt với chủ quyền biển đảo”, gồm 33 bài viết và hình ảnh có giá trị; tuyên truyền về đất nước, con người, phát triển du lịch, văn hoá, di sản, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa các quốc gia.

- Liên kết xuất bản Đặc san Harper’s Bazaar Việt Nam nhằm cập nhật thông tin về việc gìn giữ, phát huy, cải tiến trang phục cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Giới thiệu xu hướng thời trang, các chất liệu vải vóc và chất liệu thời trang khác tại Việt Nam  và thế giới.

- Tháng 7-2021, phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Italia tại thành phố Hồ Chí Minh xuất bản Đặc san Vivere all Italiana (Phong cách sống Ý) nhằm góp phần thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ và tình hữu nghị giữa 2 quốc gia Việt Nam và Italia, trong đó phản ánh các hoạt động quảng bá về các lĩnh vực: Di sản văn hoá, Bảo tồn di sản, Khảo cổ học, Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, Trang phục truyền thống và hiện đại, Tinh hoa ẩm thực, Nghệ thuật truyền thống và hiện đại.

- Phối hợp với Chủ sưu tập An Biên, Hải Phòng thực hiện chuyên đề về Cổ vật An Biên, từ số tháng 5 đến số tháng 12-2021 nhằm góp phần quảng bá rộng rãi và phát huy giá trị Sưu tập cổ vật An Biên của Nhà sưu tập Trần Đình Thăng tới công chúng.

6. Hoạt động của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam

Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 1260/QĐ-BNV ngày 12-11-2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam xin gia nhập và là thành viên của Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nhưng có tính chất, đặc thù riêng.

Nhiệm kỳ I của Quỹ kết thúc vào cuối năm 2019. Ngày 23-3-2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 413/QĐ-BNV công nhận thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam nhiệm kỳ II (2019-2024) gồm 5 thành viên. Từ tháng 3-2021 đến nay, Quỹ đã khẩn trương triển khai một số công việc:

- Tiếp nhận bàn giao công việc của Hội đồng Quản lý Quỹ nhiệm kỳ 2013-2019; tiến hành các thủ tục cần thiết, củng cố lại website của Quỹ; bổ nhiệm các chức danh  quản lý Quỹ: Giám đốc, Phó Giám đốc, Chánh Văn phòng Quỹ, phụ trách kế toán Quỹ, thành lập Ban Kiểm soát Quỹ và bổ nhiệm Trưởng Ban Kiểm soát Quỹ; chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam trình  Bộ Nội vụ công nhận theo tinh thần Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019  của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; xây dựng Chương trình hoạt động hành động của Quỹ 2021-2024; kết nạp 5 công ty là thành viên của Quỹ; kết nối và làm việc với một số công ty, đơn vị trong hoạt động của Quỹ.

- Từ ngày 22 đến ngày 26-11-2021, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, Câu lạc bộ Phụ nữ với Di sản văn hóa phối hợp với Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm “Di sản quanh ta” tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.

Tuy mới bắt đầu, trong điều kiện có nhiều khó khăn, Quỹ đã và đang mở ra hướng mới cho hoạt động của Quỹ. 

7. Công tác Văn phòng

- Công tác Văn phòng và đối ngoại: đảm bảo hoạt động tham mưu, giúp việc cho Thường trực, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đảm bảo chế độ thông tin giữa Trung ương Hội và tổ chức cơ sở Hội; củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Hội với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách đối với người lao động theo quy định của nhà nước.

- Văn phòng Hội xây dựng được nề nếp, phong cách làm việc nghiêm chỉnh, chính quy, hiện đại. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, giờ giấc làm việc đảm bảo theo giờ hành chính.

- Tháng 6-2021, Hội đã sửa chữa, chống dột phần mái, chống thấm toàn bộ phần tường bao quanh Trụ sở Hội, chỉnh trang lại các phòng làm việc, mua sắm, bổ sung thêm một số trang thiết bị cần thiết phục vụ công việc với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Công ty Cổ phần Phát triển Truyền thông và Truyền hình Việt Nam.

- Tháng 9-2021, đồng chí Trịnh Thanh Giảng, Trưởng Ban Kinh tế của Hội đã tài trợ nâng cấp toàn bộ Trụ sở Hội, đầu tư hệ thống máy tính, máy in, máy photo và các trang thiết bị cần thiết khác cho Trụ sở Hội. Tổng kinh phí sửa chữa và mua sắm thiết bị gần 500 triệu đồng.

- Trong tình hình Dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch Hội đã có Thư kêu gọi các ủy viên Ban Chấp hành, các Hội cấp tỉnh, thành phố, các liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ, công ty, trung tâm, hội viên của Hội cùng chung sức, chung lòng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, theo thống kê chưa đầy đủ, số tiền do các tổ chức, đơn vị, hội viên của Hội lên đến hàng trăm triệu đồng.

- Chi bộ Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đảm bảo sinh hoạt đều đặn, chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước. Tổng số đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ tính đến tháng 8-2021 là 23 đảng viên.

8 . Hoạt động của một số tổ chức, đơn vị thuộc Hội            

Các tổ chức, đơn vị thuộc Hội (các hội cấp tỉnh, thành phố; liên chi hội; chi hội; câu lạc bộ; các công ty; trung tâm) có nhiều hoạt động tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa:

- Hội Di sản Văn hóa các tỉnh, thành phố tiếp tục củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

- Các liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ mặc dù một số tổ chức có thay đổi về nhân sự (do Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tổ chức cơ sở Hội nghỉ hưu, chuyển công tác…) nên tạm dừng hoạt động, số còn lại vẫn hoạt động thường xuyên, củng cố tố chức Hội, phát triển hội viên.

- Các trung tâm thuộc Hội tuy còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức và hoạt động nhưng đang từng bước khắc phục và có nhiều dự án khả thi. Hưởng ứng Thư kêu gọi ủng hội Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, một số Trung tâm của Hội đã phát động đến từng thành viên, ủng hộ nhiều đợt cho Quỹ. Các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam còn năng động, nhiệt tình tham gia giải cứu vải thiều Bắc Giang, với số lượng hàng chục tấn vải, quyên góp ủng hộ cho những gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19..

- Hiện nay, Hội có 10 công ty trực thuộc (không tính 4 công ty đã có Quyết định của Hội cho thôi tư cách thành viên). Các công ty của Hội nói chung giữ được sự ổn định, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với nhà nước, với Hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, tham gia thực hiện nhiều đề án quy hoạch, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích, từng bước xây dựng niềm tin đối với các địa phương. Một số công trình, dự án quan trọng do các công ty thực hiện như: Dự án thi công trưng bày nội thất Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong đó có bức tranh tròn Panorama Điện Biên Phủ; Dự án bảo tồn, tu bổ các di tích ở Huế: tổng thể Khu Di tích Lăng Đồng Khánh (phần còn lại), di tích Đàn Nam Giao, Cầu Ngói Thanh Toàn; thiết kế thi công Triển lãm Biển đảo tại Bảo tàng Hải Phòng, thiết kế chỉnh lý trưng bày Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thiết kế thi công Phòng Truyền thống Công an PCCC, Phòng Truyền thống An Lão tại Hải Phòng ….

         Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức, đơn vị thuộc Hội bị hạn chế các hoạt động, nhất là các tổ chức, đơn vị ở các tỉnh, thành phố phía Nam. Hội đã nắm bắt được tình hình cụ thể của một số Hội cấp tỉnh, thành phố, Liên Chi hội, Chi hội, Câu lạc bộ thông qua các báo cáo hoạt động gửi về Hội.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Tuy tiếp tục có nhiều khó khăn của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội vẫn đảm bảo phát triển toàn diện và vững chắc, có những hoạt động mới nổi bật hơn những năm trước như tổ chức hội thảo, tọa đàm, hoạt động chuyên môn được tăng cường.

2. Tạp chí Thế giới Di sản - Cơ quan ngôn luận của Hội đã tích cực phát huy trong việc tuyên truyền, quảng bá, cập nhật thường xuyên cho bạn đọc, đặc biệt là tính phản biện trước các vấn đề có tính thời sự về di sản văn hóa ngày càng được quan tâm. 

3. Tiếp tục khẳng định vị thế của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, được các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và xã hội đánh giá cao; thông qua hoạt động các tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

4. Tuy nhiên, trong thời gian qua, còn có một số việc thực hiện chưa được tốt như: chế độ báo cáo của nhiều cơ sở Hội với Trung ương Hội còn yếu; một số tổ chức cơ sở Hội do thay đổi về nhân sự, chưa kịp thời củng cố tổ chức dẫn tới hoạt động chưa có hiệu quả hoặc không hoạt động, việc đóng hội phí còn nhiều khó khăn nhưng đối với một số tổ chức mới thành lập đã có chuyển biển tích cực. Một số tổ chức, đơn vị thuộc Hội tổ chức sự kiện không đúng với tôn chỉ, mục đích và tinh thần chung của Hội. Hội đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động.

5. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, các hoạt động Hội từ tháng 8-2020 đến nay gặp không ít khó khăn, nhất là trong những tháng ngày giãn cách.

         Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG

TỪ THÁNG 12-2021 ĐẾN THÁNG 12-2022

1. Khắc phục khó khăn, cụ thể hóa các hoạt động để triển khai Nghị quyết Đại hội IV, gắn Nghị quyết Đại hội IV vào thực tiễn hoạt động tại các tổ chức, đơn vị thuộc Hội.

2.  Đổi mới từng bước nội dung và hình thức của Tạp chí Thế giới Di sản. Đảm bảo duy trì và phát triển Tạp chí.

3. Tăng cường hoạt động của Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.

4. Đẩy mạnh hợp tác về chuyên môn với các địa phương và mở rộng ra quốc tế.

5. Tiếp tục tổ chức các cuộc tọa đàm khoa học về một số vấn đề lớn về lĩnh vực Di sản Văn hóa.

6. Tham mưu cho các tỉnh, thành phố thành lập các Hội cấp tỉnh, thành phố.

7. Tăng cường phát triển hội viên và các tổ chức Hội đi đôi với việc củng cố các tổ chức hiện có.  8. Hướng dẫn các tổ chức Hội có các hoạt động phong phú, thiết thực kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11-2022.

9. Tổ chức xét và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” đợt V cho các cá nhân, Bằng khen năm 2022 cho các tập thể có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa và đóng góp xây dựng Hội vào dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2022).

10. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo “Đặc sắc ẩm thực Vĩnh Phúc”, dự kiến tổ chức vào năm 2022.

11. Cử chuyên gia của Hội cố vấn chuyên môn cho Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Ứng dụng công nghệ xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”; phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch với Chủ đề “Ứng dụng công nghệ giáo dục di sản tích hợp với chương trình giáo dục phổ thông ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”, dự kiến tổ chức vào tháng 11-2022.

12. Dự kiến tổ chức phiên họp lần thứ III Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV (2020-2025) vào tháng 8-2022 tại Hải Tiến resort, Thanh Hóa.

Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam không thể tập trung để họp thường niên như mọi năm. Bản báo cáo này được gửi tới từng đồng chí ủy viên Ban Chấp hành và các tổ chức, đơn vị thuộc Hội để báo cáo tình hình hoạt động chung của Hội cũng như phương hướng nhiệm vụ của năm 2022 để các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành, tổ chức, đơn vị thuộc Hội biết và thực hiện./.

Top