Bánh gai Tứ Trụ
Gọi là bánh gai Tứ Trụ vì nó do người làng Mía làm và được sản xuất tại làng Mía, xã Tứ Trụ, thuộc tổng Diên Hào - một làng cổ có hàng nghìn năm bên bờ sông Chu nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Làng Mía cách trung tâm huyện Thọ Xuân 9km về phía Tây, thuộc hữu ngạn sông Chu. Chếch về phía Tây Bắc của xã chừng 1,5km đường chim bay, về phía tả ngạn là Khu Di tích lịch sử Lam Kinh. Tứ Trụ thường là nơi bày bán, lưu chuyển đi khắp nơi, từ vùng đất này đến vùng đất khác sản phẩm bánh gai của người làng Mía. Đó cũng là một lý do để người đời quen gọi là bánh gai Tứ Trụ.
Mới thoạt nhìn hình dáng nhỏ nhắn của bánh gai, ít ai nghĩ rằng, quy trình làm bánh từ lúc lựa nguyên liệu đến khi bánh thành hình rất phức tạp, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và cả con mắt nghề lâu năm của thợ bánh.
(Ảnh: TL)
Người dân làng Tứ Trụ (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) thường trồng cây lá gai ở bãi bồi ven sông Chu. Có lẽ bởi phù sa ở đây màu mỡ mà cây nào cũng tươi tốt, lá to bản và xanh mơn mởn. Đến độ làm bánh, lá gai được hái về, chọn những lá lành lặn, bỏ cuống, tỉ mẩn tước hết từng cái gân lá một, rồi đem phơi cho thật khô. Khi ấy, một mặt lá đã chuyển màu đen thẫm, mặt kia hơi trắng xám là được. Sau đó đem rửa sạch và bỏ vào nồi luộc thật kỹ.
Khi lá đã luộc xong, thì vớt ra, nắm lại thành từng cục để vắt cho kiệt nước, lúc đấy mới đem đi giã nhuyễn. Giã lá gai bằng cối có thể nói là công đoạn nặng nhọc nhất trong cả quy trình làm bánh. Lá gai phải được giã rất lâu mới trở nên mịn được, giã càng mịn thì bánh càng ngon, càng tròn vị. Ngày nay, làm bánh theo kiểu “công nghiệp”, người ta thường cho lá vào máy xay một tí là xong. Nhưng nếu ai từng quen cái vị bánh được làm theo kiểu truyền thống sẽ dễ dàng nhận ra, bánh ngày nay không ngon bằng, thịt bánh không mịn, ăn cứ như bị “cán”. Vì thế mà cái hồn của bánh gai cũng phôi phai ít nhiều theo thời gian.
Làm nhân bánh cũng là khâu vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thơm ngon, hấp dẫn của bánh. Nhân được làm từ bốn nguyên liệu chính là đường, đậu xanh, dừa nạo, thịt nạc và một ít dầu chuối. Đậu đem cà vỡ đôi, đãi sạch cho tróc hết vỏ, nấu chín rồi trộn với đường. Cùi dừa nạo mỏng thành sợi.
Thơm ngon bánh gai Tứ Trụ - Ảnh: Lune
Sau khi giã lá và các công đoạn trên xong, người ta trộn bột lá gai với bột nếp và mật mía rồi lại đem vào cối đại giã tiếp. Để bánh ngon hơn, người ta phải kén cho được gạo nếp hoa cau để làm cán thành bột, vì nếp này thơm và rất dẻo. Lần giã này vất vả hơn và đòi hỏi người giã phải thật đều tay, đủ độ mạnh để cho hỗn hợp này thật nhuyễn và mịn.Pha chế mật “non” hoặc “già” còn tùy thuộc vào thời tiết nữa. Những người thợ giàu kinh nghiệm thường dùng mắt mà nhận biết. Thứ bột này là phần “thịt” của bánh. Lấy bột này đem nặn từng cục tròn rồi dàn mỏng trên lòng bàn tay, lấy nhân cho vào giữa, vê lại sao cho nhân nằm gọn giữa lòng chiếc bánh. Khi đã xoa cho bánh tròn thì lăn bánh trên mâm đồng đã rải đều hạt vừng. Vừng làm bánh phải được đãi sạch, phơi khô, cà nhẹ sao cho tróc lớp lụa ngoài, tránh làm vỡ hạt vừng. Vừng không thể thiếu vì không chỉ tạo cho bánh gai ngọt, bùi, béo, mà còn làm cho bánh dễ bóc. Vừng sống khi gặp nhiệt độ cao, dầu vừng chảy ra, đủ độ bôi trơn vỏ bánh chứ không làm ướt bánh.
Cuối cùng là đem bánh đi hấp. Làm bánh vất vả bao nhiêu mà chỉ cần hấp bánh chín chưa tới, hoặc chín quá thì coi như công “dã tràng” hết. Vì nếu hấp chưa chín mà đem đi hấp lại thì sẽ mất hết vị bánh, nên thợ bánh khi hấp phải căn rất cẩn thận, từ nhiệt độ, lượng nước, thời gian... để khi vớt ra là bánh vừa chín tới. Với những thợ bánh lâu năm, họ chỉ cần ngửi mùi thơm của bánh là biết ngay bánh chín hay chưa. Sau khi vớt bánh ra, để nguội và thật ráo nước rồi dùng lạt nhuộm màu đỏ, cột chặt từng chiếc một, và bó năm chiếc lại với nhau sao cho thật vuông vức.
(Ảnh:TL)
Một chiếc bánh đạt yêu cầu là thịt bánh phải vừa dẻo mịn vừa thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện với vị dịu mát của lá gai, gạo nếp và mật mía, phảng phất hương thơm nồng của dầu chuối, thêm cái ngọt thanh thanh của nhân đậu, bùi bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc...
Bí quyết gia truyền đã làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng của bánh gai Tứ Trụ. Mùa hè, bánh có thể để được một tuần, mùa đông thì để độ mươi ngày.
Bánh đã ngon nhưng thưởng thức bánh cũng phải đúng cách. Khi bóc bánh, đến lớp lá trong cùng phải bóc theo kiểu tước nhỏ giống bóc bánh nếp. Vì bánh dẻo và dính nên không thể bóc giống bóc bánh lá hay bánh giò. Xưa kia, bánh gai Tứ Trụ là thứ bánh chủ yếu dùng để tiến vua và có mặt trên mâm cỗ trong các ngày lễ tết. Giờ đây, nghề làm bánh gai vẫn được những người con làng Mía xứ Thanh duy trì và phát triển để hương vị của nó mãi khắc sâu vào tâm khảm người xa quê, và còn được nhiều vùng miền trong nước biết đến. Hiện, bánh gai Tứ Trụ có nhiều loại với nhiều giá bán khác nhau, dao động từ 2.000 - 6.000 đồng/chiếc. Bánh gai Tứ Trụ đã được mang đi tiêu thụ ở khắp nơi như Nghệ An, Hà Nội, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau... và trở thành nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực xứ Thanh.
Hồng Quân