Bác Hồ - Điểm tựa niềm tin

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giành được chính quyền song đất nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Trước nhiệm vụ kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị “Tìm người tài đức”.

Trong Chỉ thị, Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. Vì thế, Người hết sức quan tâm, tạo điều kiện để những nhân sĩ, trí thức được đóng góp công sức vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Đặc biệt với tầm nhìn chiến lược, Người đã lựa chọn và đặt niềm tinvào  bốn người trí thức được đào tạo một cách bài bản ở Pháp về cống hiến cho công cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Đáp lại lòng tin của Người, Kỹ sư cơ khí Phạm Quang Lễ (sau là Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa), Kỹ sư Đúc - Luyện kim Võ Quý Huân, Bác sỹ Trần Hữu Tước, Kỹ sư Mỏ Võ Đình Quỳnh đã trọn đời mình phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của nước nhà.

Năm 1946 là thời gian rất đáng nhớ đối với các trí thức trẻ là người Việt Nam đang học tập, sinh sống và làm việc tại nước Pháp. Ở Pháp, Phạm Quang Lễ là kỹ sư trưởng ở nhà máy chế tạo máy bay với mức lương tương đương 22 lượng vàng một tháng. Võ Quí Huân đảm nhận chức vụ kỹ sư trưởng ở một hãng máy bay và một gia đình êm ấm, hạnh phúc; Bác sĩ Trần Hữu Tước có một cơ ngơi bất động sản và người yêu sắp cưới. Với họ, quyết định về nước không phải là việc dễ dàng. Họ phải đấu tranh tư tưởng rất lớn để lựa chọn giữa cuộc sống vật chất đầy đủ, công việc ổn định ở Pháp với cuộc sống gian khổ, thiếu thốn mọi mặt ở Việt Nam. Trở về Tổ quốc đồng nghĩa với bộn bề lo toan khi sự nghiệp cách mạng của dân tộc còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên, bước ngoặt của đời họ có lẽ là từ khi được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris. Uy tín, đức độ, tài năng của Người đã có sức lan tỏa và cảm hóa những trí thức này hướng về nhân dân và có một quyết định quan trọng - trở về Tổ quốc, đem những kiến thức của mình phụng sự cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc. Người chính là điểm tựa niềm tin hết sức to lớn để họ tin vào con đường và vận mệnh tươi sáng của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bế cháu Võ Quí Việt Nga, con gái kỹ sư Võ Quí Huân (Paris tháng 6/1946)

Hành trình hơn một tháng trở về Tổ quốc trên chiến hạm Đuymông Đuyếcvinlơ của Hải quân Pháp từ bến cảng Toulon trên bờ biển Địa Trung Hải nước Pháp đến cảng Hải Phòng, là những ngày họ được dự một lớp huấn luyện đặc biệt ngay trong lòng đối phương do Bác trực tiếp giảng dạy. Người giảng về chủ nghĩa yêu nước, về chủ nghĩa Mác - Lênin, về phương pháp vận động quần chúng lấy dân làm gốc… Sau này, khi nói về lớp học này, giáo sư Trần Đại Nghĩa khẳng định: “Không có một bằng đại học hay chứng chỉ học lực nào có thể đo lường được hết những điều tôi đã tiếp thu và tiếp nhận ở Bác Hồ trong 3 tháng gần gũi đó. Tôi xem như đã trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt, một lớp học có nhiều môn khoa học khác nhau mà chỉ có một người thầy duy nhất. Lời của Bác thật sự ngắn gọn ít lời, nhiều ý, có sức truyền cảm mạnh, lý luận gắn liền với thực tiễn, với tấm gương sáng của Bác, một con người đức độ và tài năng lỗi lạc”

Về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Kỹ sư Phạm Quang Lễ trọng trách Cục trưởng Cục Quân giới quyết định toàn bộ vấn đề vũ khí và khí tài phục vụ chiến đấu và đổi tên cho ông thành Trần Đại Nghĩa; giao cho Kỹ sư Võ Quí Huân là Giám đốc Sở Kỹ nghệ khoáng chất Trung Bộ, phụ trách ngành Đúc - Luyện kim, đúc gang, luyện thép sản xuất vũ khí để bộ đội đánh giặc và nông cụ để phục vụ nông dân sản xuất cung cấp lương thực cho bộ đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với GS.VS Trần Đại Nghĩa (Hà Nội, 1960)

Có thể nói, những loại vũ khí và khí tài mà các kỹ sư nghiên cứu, cải tiến chế tạo để trang bị cho bộ đội ta như súng Bazoka, SKZ… với sức công phá vượt trội là nỗi kinh hoàng của địch mỗi khi giáp mặt bộ đội ta ngoài chiến trường. Những vũ khí này đã làm thay đổi cơ bản cục diện giữa quân ta và địch góp phần vào thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dõi theo từng bước đi của những trí thức này. Trong công việc, Người luôn tạo mọi điều kiện để họ phát huy sở trường của mình.

Cảm động nhất là tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với những người trí thức. Do tính chất công việc, Bác sĩ Trần Hữu Tước có điều kiện được gần Bác nhất. Tình cảm của Bác luôn đọng lại trong tâm trí của ông. Bác đã nhiều lần viết thư cho ông, trong đó có một bức thư Bác gửi cùng với chiếc áo ấm Bác tặng để ông mặc trong những ngày đông giá rét.

 Lúc ông mắc bệnh, Bác đã chỉ đạo đưa ông ra nước ngoài chữa bệnh, lúc ông đi, Bác có mặt để tiễn, Người đã gỡ chiếc mũ đang đội trên đầu đội cho ông. Đó là tình cảm chan chứa yêu thương mà Bác dành cho ông. Tình cảm của Người là động lực để ông vượt qua mọi thiếu thốn gian khổ tận tâm giảng dạy, đào tạo đội ngũ bác sĩ Tai - Mũi - Họng, lực lượng này đã trực tiếp khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khắp mọi miền đất nước trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất.

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Trần Hữu Tước, tháng 8 năm 1948

Người trí thức thứ 4 theo Bác về nước năm 1946 là Kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh. Khi đoàn về tới Hà Nội, ông có nguyện vọng được về thăm nhà tại Sài Gòn. Nhưng không may, sau khi về thăm nhà, ông bị kẹt lại thành phố trong những ngày Toàn quốc kháng chiến và bị đứt liên lạc với tổ chức. Trong điều kiện như vậy, ông tiếp tục theo đuổi con đường kỹ thuật, thành lập nhà máy sản xuất thép mang tên VIKIMCO (nay là Công ty Cổ phần Thép Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh), một mặt kết nối với tổ chức, nỗ lực đưa người em trai là Võ Đình Diêu sang Pháp du học, (về sau ông Diêu trở thành ông tổ năng lượng gió ở Việt Nam, đóng góp rất nhiều công trình cho đất nước). Về phần mình, để đáp lại lòng tin của Bác Hồ, trong công việc, ông phấn đấu không kể ngày đêm sản xuất sắt thép xây dựng cơ sở vật chất của thành phố và nhờ đó đã trở thành ông vua gang thép ở Sài Gòn trong thời kỳ này.

Nhìn lại 70 năm qua, việc lựa chọn những trí thức đưa về phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của dân tộc Việt Nam là chủ trương cực kỳ đúng đắn và mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, đáp lại niềm tin và tình cảm của Người, bốn trí thức đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp khoa học nước nhà, đem những kiến thức được đào tạo áp dụng trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Họ là những người đặt nền móng đầu tiên cho các ngành khoa học: Ngành Cơ khí; ngành Đúc - Luyện kim; chuyên ngành Tai - Mũi - Họng của Việt Nam, họ trực tiếp đóng góp vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc lựa chọn nhân tài giúp dân giúp nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta cần quán triệt đầy đủ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đội ngũ trí thức nhằm phát huy tối đa vai trò của họ trong sự nghiệp công nhiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Top