10 sự kiện di sản văn hóa Việt Nam tiêu biểu 2020

Tạp chí Thế giới Di sản trân trọng giới thiệu 10 sự kiện di sản văn hóa tiêu biểu năm 2020 do Tạp chí bình chọn.

1. Lần đầu tiên cả nước thực hiện đóng cửa tất cả các di tích, danh lam thắng cảnh phòng chống dịch Covid-19

Từ “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở Vũ Hán, một đại dịch chưa từng có (Covid-19) trong lịch sử đã lan ra toàn cầu, ảnh hưởng và làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Di sản thế giới nói chung và di sản văn hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám "cửa đóng then cài". Ảnh: tienphong.vn

Tại Việt Nam, ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên (ngày 23-1-2020), Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng, phù hợp và hiệu quả theo từng giai đoạn, với từng vùng miền, từng lĩnh vực để phòng và chống dịch Covid-19, trong đó có những quyết sách thuộc lĩnh vực di sản văn hóa. Bắt đầu từ việc giảm quy mô đến dừng tất cả các lễ hội đầu xuân (Canh Tý); tiếp đó là khử trùng và hướng dẫn khách tham quan rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang tại các di tích, danh thắng; tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm đến du lịch...

2. Thành lập Hội đồng DSVH quốc gia

Ngày 07-10-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1522/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2020 - 2024, bổ nhiệm Thường trực Hội đồng gồm Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên Thường trực. Tiếp đó, ngày 16-10-2020, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 2952/QĐ-BVHTTDL bổ nhiệm các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Hội đồng là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; xác định chỉ giới khu vực bảo vệ I đối với di tích quốc gia đặc biệt; công nhận bảo vật quốc gia; đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài có thời hạn để trưng bày…

3. Công nhận 7 di tích quốc gia đặc biệt, 24 bảo vật quốc gia

Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg xếp hạng 7 di tích quốc gia đặc biệt (đợt 11). Đến nay cả nước đã có 119 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 31-12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg công nhận 24 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia (đợt 9). Đến nay cả nước đã có 215 bảo vật quốc gia.

4. Lần đầu tiên công nhận một bảo vật quốc gia thuộc sở hữu tư nhân

Đó là Trống đồng Kính Hoa (tên khác Trống đồng Đông Sơn - loại I Heger), hiện đang nằm trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Kính, trú tại Q. Ba Đình, Hà Nội. Hồ sơ đề nghị của Sở VHTT Hà Nội.

Niên đại: Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 4-3 trước CN). Là hiện vật đặc sắc, tiêu biểu cho trống đồng Đông Sơn loại H1 (theo phân loại của F.Heger), hay kiểu trống A1.

Trống còn nguyên vẹn. Chất liệu đồng (hợp kim đồng). Đường kính mặt: 89; Đường kính chân: 98,5; Chiều cao: 59,5. Trọng lượng (kg): 110

Trống đồng Kính Hoa là hiện vật gốc, độc bản; Là hiện vật có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật trang trí của văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam; Trống đồng Kính Hoa phản ánh sinh cảnh và đời sống văn hóa của người thời Đông Sơn.

5. Đại hội Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025

Trong hai ngày 15, 16-8-2020, tại Hà Nội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025. Đại hội đã bầu 79 Ủy viên Ban Chấp hành Hội DSVH Việt Nam; bầu Ban Kiểm tra gồm 11 ủy viên. Tại Phiên họp thứ nhất của BCH đã bầu 13 Ủy viên Thường vụ Hội và bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam nhiệm kỳ IV (2020-2025).

6. Công viên địa chất Đắk Nông gia nhập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. 

Ngày 7-7-2020, Ủy ban chương trình và quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua quyết định của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu công nhận Công viên địa chất Đắk Nông của Việt Nam là Công viên địa chất toàn cầu.

Với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước…, Công viên địa chất Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. 

7. Thành lập CLB Mạng lưới cộng đồng Di sản kéo co Việt Nam

Sau 5 năm (2015) kể từ khi Nghi lễ và Trò chơi Kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 26-12-2020, hơn 40 đại diện đến từ 5 cộng đồng thực hành di sản kéo co tại Việt Nam đã gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận tại “Tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và trò chơi Kéo co 2020” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức. Tại Tọa đàm, đại diện các cộng đồng đã thống nhất thành lập CLB Mạng lưới cộng đồng Di sản Kéo co Việt Nam.

Ngày 26-1-2021, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã ra quyết định thành lập CLB Mạng lưới cộng đồng Di sản Kéo co Việt Nam là thành viên của Hội DSVH Việt Nam.

8. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hoá Việt Nam

Ngày 20-11-2020, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hoá Việt Nam. Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá cao đóng góp của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi càng phải giữ vững độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển, phải quan tâm đến nâng cao dân trí, gắn xây dựng, phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát huy thật tốt truyền thống, cốt cách con người Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam, để làm được điều này, cần có sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo và các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, trong đó có các thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

9. Nhiều hoạt động tôn vinh Nguyễn Du được tổ chức nhân dịp 255 năm sinh và 200 năm ngày mất của Đại thi hào

Năm 2020, UNESCO đã có chủ trương vinh danh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du với nhiều hoạt động ý nghĩa ngay tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng tại Pháp, nhưng do đại dịch COVID-19 nên không thể tổ chức. Ở Việt Nam và trên quê hương Hà Tĩnh, nhiều hoạt động được tổ chức với những hình thức phù hợp, ý nghĩa – trong đó có Tuần lễ kỷ niệm diễn ra tại tỉnh Hà Tĩnh từ 23-26/9.

10. Phát hiện bãi cọc Cao Quỳ

Trên cơ sở phát hiện của người dân khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng về 2 cây gỗ nằm trong lòng đất cùng những bãi cọc lớn, các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu bãi cọc.

Bãi cọc gỗ được khai quật tại xã Liên Khê là một phát hiện quan trọng giúp chúng ta có những nhận thức mới về  quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông năm 1228. Từ đó mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Top