Yêu chi cái nghệ Bài chòi

Lúc 15h10’ ngày 7-2-2017, phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003, lần thứ 12 của UNESCO tại Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Ngày 5-5-2018 mới đây tại Bình Định, Chính phủ Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO và công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam.

Đầu năm đi đánh Bài chòi...

Người Bình Định có một câu ca rất hóm hỉnh để nói về cái thú đam mê Bài chòi của mình: Rủ nhau đi hội Bài chòi/Để cho con khóc tới lòi rún ra… Chỉ nôm na vậy thôi mà đã đủ thấy cái sức hút ghê gớm của Bài chòi đối với người dân xứ này. Hàng năm, cứ đến sáng mùng Một Tết là dân khắp nơi trong vùng Bình Định lại đổ về Chợ Gò - một phiên chợ cầu may đầu năm với những trò chơi dân dã được tổ chức mỗi năm chỉ một lần bên cầu Trường Úc, thị trấn Tuy Phước để dự Hội và háo hức đánh Bài chòi.

Đánh Bài chòi đường phố ở Hội An, Quảng Nam

Lễ hội Chợ Gò là tục lệ đã có từ thế kỷ 18. Tương truyền, gò Trường Úc xưa là nơi đồn trú của quân đội nhà Tây Sơn, án ngữ lối vào thành Hoàng đế từ đầm Thị Nại. Vào ngày mùng Một Tết, để các binh sĩ vơi nỗi nhớ nhà, dân trong vùng thường kéo đến ủy lạo và cùng họ tham gia những trò vui bên gò, lâu dần thành hội. Một trong những trò chơi dân dã ở chợ Gò xưa còn lưu lại cho đến ngày nay chính là Hội Bài chòi. Trò chơi này có 9 cái chòi tre lợp lá, có cầu thang lên xuống như nhà sàn, sắp xếp theo hình chữ nhật, cùng quay mặt vào sân chơi, mỗi bên có bốn chòi, một chòi lẻ nằm giữa đầu hồi gọi là chòi trung ương, nơi dành riêng cho các vị chức sắc, có uy tín trong làng, hoặc dành cho các cặp vợ chồng mới cưới muốn tham gia cuộc chơi.

Bài chòi ở Đà Nẵng

Có ai biết cái trò chơi bắt nguồn từ bộ bài tre và những câu thai nôm na, hài hước, cái nghệ thuật diễn xướng dân dã ra đời trong lao động sản xuất của cư dân Bình Định nói riêng, khu vực miền Trung nói chung ấy tưởng sẽ dần mờ phai, dần trở thành quá vãng trong thời buổi bùng nổ các phương tiện giải trí số… vậy mà, Nghệ thuật Bài chòi dân gian vẫn tồn tại, trân quý và không ngừng phát triển

Biểu diễn Bài chòi ở Khánh Hòa

Các vị cao niên bảo rằng, trò chơi hát hò đối đáp trên chòi vốn bắt nguồn từ hình thức giao lưu văn nghệ trên nương rẫy của những lưu dân thời mở cõi. Hình thức hát hò này dần trở thành một môn nghệ thuật, một cách chơi có gắn với thẻ bài; hiện các tỉnh miền Trung đã đầu tư thành lập những đoàn, nhóm, câu lạc bộ Bài chòi, cùng với hàng trăm vở diễn, bài hát rất đặt trưng của người miền Trung. Vài năm trở lại đây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - một địa phương vốn có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rất mạnh đã bắt đầu có chủ trương đầu tư chiều sâu cho việc phục dựng lại nghệ thuật Bài chòi cổ dân gian. Người dân xứ này tin rằng quê hương Bình Định ngày nay, thời Chúa Nguyễn là phủ Hoài Nhơn chính là cái nôi của Nghệ thuật Bài chòi.           

Các khán giả nhí tham gia Hội đánh Bài chòi dân gian 

Chuyện kể rằng, vào đầu thế kỷ 17, Đào Duy Từ, một nhân sĩ tài ba, mưu lược, xuất thân từ gia đình ca hát, quê ở đàng ngoài, vì chán cảnh bạc đãi khinh khi của Chúa Trịnh mà làm một chuyến hành phương Nam đi tìm chân chúa. Đào Duy Từ đến cư ngụ ở làng Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định ngày nay). Tại đây ông được khám lý Trần Đức Hòa tiến cử lên chúa Nguyễn và đã tỏ rõ tài kinh bang tế thế, giúp chúa Nguyễn cai quản giang sơn. Trên quê hương thứ hai này, Đào Duy Từ đã dạy cho dân làng lối hát Bài chòi. Trong mỗi dịp tổ chức lễ hội hoặc liên hoan Bài chòi, người dân Hoài Nhơn hay trở về nhà cũ của danh nhân để chiêm bái. Đền thờ danh nhân văn hoá Đào Duy Từ ngày nay nằm ở xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, Bình Định.

Yêu chi cái nghệ Bài chòi

Vào Hội Bài chòi, mỗi khi trống chầu một hồi ba tiếng vang rền, giàn nhạc gồm: Song loan, đàn nhị, đàn nguyệt, sanh tiền, kèn bóp và trống chiến tiếp theo phụ họa, là lúc Hội chơi Bài chòi bắt đầu với sự dẫn dắt của anh Hiệu, chị Hiệu bằng một lời mời mộc mạc, chân quê:

Dạ, Hiệu tôi kính chào bà con! Chúc bà con minh niên đắc tài, đắc lợi, đắc nhân tâm! Bà con ơi, ai mộ điệu dừng chân chốc lát để mà nghe tôi hô hát cái điệu bài chòi (nói lối). Ai dìa xứ nẫu quê tôi, dừng chân ghé lại nghe tôi hô hát bài chòi một ớ phen; dừa có đờn rầu lại có kèn, có trống có phách có cốc cốc keng, xà, có xà (hát)…

Chị Hiệu, anh Hiệu ở lứa tuổi thiếu niên (Bình Định)

Bắt đầu cho ván Bài chòi, Hiệu rút con bài trong ống tre, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là hô thai. Người chơi mua 3 con bài, ngồi trên các chòi để đợi. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà Hiệu xướng tên thì thắng cuộc.

Trong lúc Hiệu hô, mọi người theo dõi, bàn tán, gặp chỗ thích thú thì cười rần rần tán thưởng. Quanh chòi, dân chúng kéo tới xem đông đảo, trai gái tranh thủ tán tỉnh nhau, trẻ con khoe quần áo mới. Khi có hồi mõ dài vang lên, báo hiệu có chòi trúng bài lần thứ ba, kết thúc ván. Anh chị Hiệu bưng khay tiền thưởng và chung rượu tới chòi trúng thưa mời nhận thưởng. Nhiều người nhận xét: Đi đánh Bài chòi cứ như là đi xem hí kịch thôn quê, nhìn đâu cũng thấy hài hước, thú vị.

 

Bài chòi ở Quảng Bình

Điểm qua tên các lá Bài chòi, thấy rõ là của người Việt, hơn nữa, là của người Việt bình dân. Toàn những cái tên nôm na, được đặt một cách vừa cẩu thả dễ dãi, vừa hài hước nghịch ngợm. Cẩu thả vì khi thì Tam Quăng, khi thì Ba Gà; lúc Cửu Điều, lúc lại Chín Gối. Tiếng Nôm, tiếng Hán xen nhau lẫn lộn. Rồi những cái tên như Ba Bụng, Ông Ầm, Ngũ Rún v.v. nghe như những trận cười vừa nổ tung sau trò nghịch ngợm. Kế đến là những hình vẽ trên quân bài, thường minh họa cho tên gọi của quân bài đó một cách đơn giản. Ví như Sáu Miểng là lá bài vẽ hình sáu miếng rời nhau, Nhì Bánh thì vẽ hình hai chiếc bánh xe, Ba Gà có hình đầu gà… Nét bút chân chất có phần đơn giản ấy lại khiến quần chúng tưởng tượng ra đủ thứ ý nghĩa châm biếm, hài hước khi đặt lời cho những câu thai. Và những câu thai ấy cũng rặt những lời dân dã, mộc mạc:

Chim cu bay bỗng trên sông hỏi thăm em bậu có chồng hay chưa (hát), em có chồng chưa? Chưa! (diễn) Chưa chồng thì anh ẵm, anh bồng, anh thương (hát) Hiệu hô Chín cu (thẻ bài trúng)

Một đặc điểm khác của Hội Bài chòi là nặng phần diễn xướng hơn là chạy theo cuộc đỏ đen. Một ván bài kéo dài hàng giờ, sự được thua chẳng đáng bao nhiêu. Không hề có ai tán gia bại sản vì Bài chòi. Đôi khi người thắng cuộc lại tặng luôn phần thưởng của mình cho nhà trò mỗi khi được dự màn hay. Vậy là đi cờ bạc hóa ra đi xem hát. Không khí ở nơi đánh Bài chòi quả là không khí của một đám hát.

Giữ lửa

Nói về quá trình phát triển nghệ thuật Bài chòi, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Kiểm, cho biết: Những thập niên đầu thế kỷ 20, Bài chòi bắt đầu có những biến thể. Để cho giản tiện, một số nghệ nhân kiến tạo một lối mới gọi là Bài chòi chiếu. Chỉ cần một chiếc chiếu với những khán thính giả là người chơi ngồi xung quanh, anh Hiệu đã có thể một mình độc diễn nhiều vai, nhiều cảnh khác nhau mà không cần những đạo cụ phức tạp; lời thơ, câu hát hoàn toàn phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của người diễn xướng. Theo NSƯT Nguyễn Kiểm, Bài chòi chiếu là đỉnh cao của Nghệ thuật Bài chòi.

Bài chòi ở Huế

Năm 1933, một nhóm nghệ sĩ Bình Định đã đưa vở Bài chòi có cốt truyện đầu tiên lên sân khấu, dứt bỏ thể thức chơi bài truyền thống của Bài chòi. Nghệ sỹ diễn xuất theo quy luật ước lệ và cách điệu. Làn điệu cũng phát triển hơn, ngoài điệu cố hữu là hô Bài Chòi và Xuân Nữ, còn có điệu Cổ Bản, nói lối, Hồ Quảng. Từ năm 1933 đến năm 1945, tỉnh Bình Ðịnh có trên 10 gánh hát Bài chòi nổi tiếng, với đội ngũ diễn viên hùng hậu và lực lượng nhạc công, soạn giả sung sức, làm nên những vở ca kịch nổi tiếng như Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Ðường, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Công Phục Huê Dung, Lý Ân Lang Châu...

Tại TP Quy Nhơn, Bình Định, Hội Bài chòi được tổ chức vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần

Ở Hoài Nhơn, Bình Định, những Liên hoan Hội đánh Bài chòi cổ dân gian như thế này được tổ chức rất thường xuyên, có khi 1 năm tổ chức 2 lần, mà quy mô lần sau bao giờ cũng lớn hơn lần trước; số lượng nghệ nhân, diễn viên tham gia lần nào cũng tăng gấp bội. Theo Ban tổ chức hội thi, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều hưởng ứng hội thi rất nhiệt tình. Những anh Hiệu, chị Hiệu tham gia biểu diễn hát hay, hô giỏi, ứng biến tài tình nên đã tạo được không khí vui vẻ, cuốn hút khán giả. Đặc biệt đã xuất hiện những anh Hiệu, chị Hiệu biểu diễn được các điệu Xàng xê, hát Nam, hát Khách, Tẩu Mã, Lý Thượng, Cổ bản hay Hồ quảng là những làn điệu cổ tưởng chừng đã mất dấu...

Ông Lê Văn Tình - Giám đốc Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện Hoài Nhơn, cho biết: Sự bùng nổ các phương tiện giải trí, dân ca kịch bài chòi ít được xuất hiện trên ánh đèn sân khấu mà âm thầm sống trong lòng dân gian. Vẫn còn đó nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nặng lòng, ăm ắp tình yêu với nghệ thuật dân ca bài chòi. Nhiều nghệ nhân Bài chòi đã bỏ nhiều tâm sức trong việc phục hồi, giữ gìn nghệ thuật Bài chòi. Hiện nay, trên địa bàn huyện tất cả các xã, thị trấn đều đã thành lập được Câu lạc bộ Bài chòi cổ thu hút trên 200 nghệ nhân, diễn viên tham gia.

Khách nước ngoài thích thú tham gia đánh Bài chòi

Không chỉ có vậy, nghệ thuật bài chòi cổ đã được đưa vào giảng dạy ở các trường THCS huyện Hoài Nhơn. Trường THCS Hoài Châu hiện nay đã thành lập được một đội văn nghệ dân ca Bài chòi. Đây là một môn học mới mẻ, mang tính nghệ thuật cao, học sinh học theo phương châm học vui - vui học nên tạo cho các em nhiều niềm hứng thú với Bài chòi.

Hãy một lần dự hội Bài chòi, đến thăm các nghệ nhân Bài chòi cổ, mới thấy vẫn còn đó nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nặng lòng, ăm ắp tình yêu với nghệ thuật dân ca bài chòi. Trên thế giới, có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian cũng có nét tương đồng với Bài chòi như Pansori của Hàn Quốc, Hát nói của Angieri và Ấn Độ… nhưng từ ngữ, làn điệu, âm nhạc … trong Bài chòi Việt Nam có lẽ là độc đáo nhất và nó xứng đáng được tôn vinh là tài sản của nhân loại.

Bài và ảnh: Ngọc Phương

 

Top