Xuân mới, niềm tin mới, triển vọng mới

Mùa xuân đã về khắp mọi nẻo đường. Bước vào mùa xuân mới, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam mang theo những con số, những sự kiện khá ấn tượng về một nhiệm kỳ khởi đầu với nhiều khó khăn khách quan nhưng kết quả thu nhận được đáng phấn khởi.

Năm 2020 đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của Hội Di sản Văn hóa  Việt Nam, đó là Đại hội nhiệm kỳ IV (2020-2025). Đại hội đã bầu 79 Ủy viên BCH, trong đó nhiều người ở độ tuổi 7X, 8X, chúng ta có quyền tin tưởng thế hệ trẻ chắc chắn sẽ kế tiếp thành công các thế hệ đi trước trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong sự phát triển của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Mặt khác, bên cạnh các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa, còn có nhiều Ủy viên BCH là doanh nhân, nhà báo.  Nhiệm kỳ mới của Hội cũng đánh dấu sự đổi mới về tổ chức theo hướng tinh gọn với 2 ban: Ban Chuyên môn và Ban Kinh tế.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Ngay sau Đại hội, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và các tổ chức cơ sở Hội trên cả nước đã bắt tay thực hiện nhiều kế hoạch, dự định với quyết tâm, nỗ lực mới. Trong điều kiện cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thiên tai mưa lũ miền Trung ảnh hưởng đến nhiều di sản văn hóa cũng như hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích nhưng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có những kết quả ban đầu khá ấn tượng.

Một là: lần đầu tiên Uỷ viên BCT, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội đánh giá cao đóng góp của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi càng phải giữ vững độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển, phải quan tâm đến nâng cao dân trí, gắn xây dựng, phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát huy thật tốt truyền thống, cốt cách con người Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Để làm được điều này, cần có sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo và các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, nghệ nhân, trong đó có các thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Cuộc gặp mặt cũng là dịp để các đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có những chia sẻ, đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc bảo tồn di sản văn hóa thông qua lĩnh vực giáo dục, du lịch cộng đồng, truyền dạy văn hóa truyền thống, tu bổ và tôn tạo di tích...

Hai là:  Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm và các hoạt động triển lãm, trưng bày nhân 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65 về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc (23-11-1945/23-11-2020), 15 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2005/23-11-2020); trao Kỷ niệm chương cho 68 cá nhân, Bằng khen cho một số tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam và sự phát triển của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Tại Lễ kỷ niệm, Hội đã kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, số tiền 15 triệu đồng. Từ kết quả cuộc quyên góp này, ngày 03-12-2020, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã chuyển tới 3 Hội thành viên: Hội DSVH Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Hội DSVH tỉnh Quảng Trị, Hội DSVH tỉnh Quảng Ngãi, mỗi Hội 10 suất quà (mỗi suất quà trị giá 500.000đ) để các Hội trực tiếp hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn tại địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Trước đó, ngay trong những ngày cao điểm của đợt bão lũ, BCH Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã gửi thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các tổ chức Hội và hội viên Hội Di sản Văn hóa ở các tỉnh miền Trung. Ngày 23-10-2020 Văn phòng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Tạp chí Thế giới Di sản (Cơ quan ngôn luận của Hội) đã thông qua UBND phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội gửi 10.000.000đ để cùng với nhân dân phường Đội Cấn góp phần chia sẻ, hỗ trợ đồng bào miền Trung sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Đây là số tiền đóng góp của cán bộ, nhân viên, phóng viên đang công tác tại 2 đơn vị có trụ sở tại 19 Ngọc Hà, thuộc phường Đội Cấn. Cũng trong những ngày lũ lụt, nhiều tổ chức cơ sở, đơn vị thuộc Hội và cá nhân cũng đã có những hoạt động thiết thực theo từng hoàn cảnh để góp phần chia sẻ với bà con miền Trung dưới nhiều hình thức khác nhau...

Ba là: lần đầu tiên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức giám định cổ vật. Luật Di sản Văn hóa quan tâm và thừa nhận quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân về cổ vật. Điều 42 Luật sửa đổi một số điều của Luật Di sản văn hóa 2009: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các nhà sưu tập tư nhân gặp nhiều khó khăn trong giám định cổ vật của mình. Từ thực tế đó và trên cơ sở nguyện vọng của Công ty TNHH Việt Nhật và ông Trần Đình Thăng (Hải Phòng), Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã phối hợp với Hội Cổ vật Hải Phòng tổ chức giám định cổ vật. Tổ Giám định cổ vật được Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thành lập gồm 7 thành viên. Sau hai đợt, Tổ Giám định đã tiến hành giám định, kiểm kê và lập phiếu đăng ký cho 370 hiện vật. Từ kết quả giám định này, ngày 16-1-2021, một cuộc tọa đàm và trưng bày hiện vật đã được tổ chức tại TP Hải Phòng. Đây là tiền đề quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Bốn là: lần đầu tiên, kể từ khi Nghi lễ và Trò chơi Kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015, hơn 40 đại diện đến từ 5 cộng đồng thực hành di sản kéo co tại Việt Nam đã gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận tại “Tọa đàm cộng đồng Nghi lễ và trò chơi Kéo co 2020” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức. Việc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc tọa đàm này không chỉ để đánh dấu sự kiện UNESCO ghi danh, mà còn thực hiện vai trò của Hội với tư cách một tổ chức phi chính phủ tham gia kết nối thúc đẩy cộng đồng chủ thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cũng chính từ kết quả của Tọa đàm này, Mạng lưới cộng đồng di sản kéo co Việt Nam đã được thành lập dưới sự quản lý của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. 

Năm là: hoạt động phản biện xã hội được tăng cường thông qua việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo và có các văn bản gửi các cơ quan chức năng đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như: Tham gia, tham vấn UBND TP. Việt Trì tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam” và tư vấn về khung định hướng nhiệm vụ, giải pháp để thành phố xây dựng “Đề án triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”; thể hiện quan điểm của Hội liên quan đến việc xây dựng toà nhà 10 tầng trên khu vực đồi Dinh (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng); Phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã-Di tích cấp quốc gia”… nhằm góp phần làm sáng rõ thêm các giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của Di tích Đền Bạch Mã, đánh giá những kết quả đã đạt được trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Đền Bạch Mã. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp tiếp theo để phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và trở thành điểm đến du lịch đặc thù đối với du khách trong và ngoài nước.

Sáu là: tiếp tục phát triển hội viên và các tổ chức, cơ sở Hội. Kết thúc nhiệm kỳ III (tháng 7-2020), Hội có 10.050 hội viên, 5 tháng sau, số lượng hội viên đã tăng lên là 10.658 người. Hội thành lập 9 tổ chức mới trong năm 2020. Đáng chú ý, Hội Di sản Văn hóa TP. Đà Nẵng cũng đã được thành lập ngày 27-12-2020. Các tổ chức, cơ sở và đơn vị thuộc Hội phát triển ổn định, có nhiều dự án thiết thực, tạo được niềm tin với các địa phương và dư luận xã hội. Trong đó đáng kể là bức tranh tròn panorama vẽ về toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ bằng chất liệu sơn dầu“Điện Biên Phủ” do Công ty TNHH Một thành viên Bảo tồn Di sản văn hóa (thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) thực hiện. Trong thể loại tranh lịch sử, đây là bức tranh có kích thước lớn hàng đầu thế giới và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam với chiều dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m; tổng cộng diện tích bức tranh 3.225m². Đến nay bức vẽ Panorama đã hoàn thành 80% khối lượng công trình. Dự kiến bức tranh sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Bảy là: lần đầu tiên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phối hợp xuất bản “Niên giám Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội” góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Dự kiến ấn phẩm sẽ ra mắt bạn đọc vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-2021.

Tám là: trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, Tạp chí Thế giới Di sản, Cơ quan ngôn luận của Hội DSVH Việt Nam vẫn xuất bản đều đặn. Đặc biệt, lần đầu tiên Tạp chí được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thực hiện tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam dưới góc nhìn di sản, đăng trên 3 số từ tháng 10 đến tháng 12 với tên gọi “Di sản Việt với chủ quyền biển đảo”, gồm  33 bài viết và hình ảnh có giá trị. Năm 2020 cũng là năm Tạp chí xuất bản 2 số đặc biệt, số trang tăng gấp đôi (số Xuân Canh Tý và số Chào mừng Đại hội lần thứ IV của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam), hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Náo nức, rộn ràng, vui và rất vui... Trong những ngày giáp Tết, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã tổ chức gặp mặt đại diện các đơn vị, tổ chức Hội, các UVBCH khu vực Hà Nội, Thái Nguyên và các hội viên CLB Phụ nữ yêu Di sản (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cùng nhìn nhận lại một năm qua và trao đổi những kế hoạch năm tới. Một khởi đầu mới đầy lạc quan, hứa hẹn một năm mới nhiều triển vọng và thành công. Dù còn nhiều khó khăn và thách thức, song chúng ta có quyền kỳ vọng Hội Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc trong những năm tiếp theo.

 Xuân mới, niềm tin mới, kỳ vọng mới!

PGS.TS Đỗ Văn Trụ

 Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

 

Top