Xứ Đoài và Sơn Nam Thượng - Vùng di sản đặc sắc của Thủ đô

Người ta thường gọi mảnh đất phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội theo quan niệm truyền thống là vùng đất xứ Đoài (chỉ tỉnh Sơn Tây cũ) và xứ Sơn Nam Thượng (Hà Đông cũ). Đó là vùng đất phên dậu của Kinh đô Thăng Long xưa - Thủ đô Hà Nội ngày nay. Đây là vùng đất của tỉnh Hà Tây cũ. Nhân kỷ niệm 10 năm hợp nhất Hà Tây vào Thủ đô Hà Nội (1/8/2008-1/8/2018), xin giới thiệu vài nét về giá trị truyền thống của vùng đất đặc sắc này.

Nhìn tổng thể hệ thống di tích lịch sử - văn hoá xứ Đoài - Sơn Nam Thượng có thể chia ra làm ba vùng văn hoá. Vùng thứ nhất nằm từ khu vực của sông Đáy (sông Hát - Hát Môn) thuộc huyện Phúc Thọ, tiếp theo là huyện Đan Phượng, theo dòng sông đến hết huyện Mỹ Đức, nhiều làng xã bên hữu ngạn sông thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà. Theo kiểm kê di tích,  miền đất này có tới 85 di tích thờ Hai Bà và các tướng lĩnh tham gia cuộc khởi nghĩa.

Chiều tà trên cổng làng Đường Lâm. Ảnh: doisongtieudung.vn.

Vùng thứ hai là khu vực núi Ba Vì (với các huyện cũ Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai) xuôi xuống thị xã Sơn Tây và huyện Phúc Thọ. Đây là vùng đất trung tâm xứ Đoài. Nói tới xứ Đoài người ta nhớ ngay đến núi Tản Viên, nơi thờ Sơn Tinh - Thánh Tản, vị đệ nhất “Tứ bất tử” trong tâm thức của người Việt. Đặc điểm ở vùng này là mật độ dày đặc các ngôi đình, đền thờ Tam vị Đức Thánh Tản. Theo thống kê, có tới 116 di tích thờ Đức Thánh Tản, trong đó có 53 di tích đã xếp hạng. Đây cũng là vùng đất có 3 ngôi đình thuộc vào loại cổ nhất Việt Nam: Đình Tây Đằng, đình Thanh Lũng và đình Thuỵ Phiêu (thế kỉ XVI). Những di tích mang đậm phong cách kiến trúc - nghệ thuật thế kỉ XVII phải kể đến đình Đông Viên, đình Quang Húc, đình Phú Hữu, đình Cam Đà...

Xuôi dòng sông Nhuệ (xuống địa bàn đất Sơn Nam Thượng) có thể coi là vùng văn hoá thứ ba thuộc địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai và Ứng Hoà. Đây là vùng đất hội tụ của ba con sông: Sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và sông Sa mà điểm gặp nhau là tại Cống Thần. Vùng này có tới 37 đình, đền thờ các vị thần liên quan đến sông nước: Thuỷ Thần. Đáng chú ý có nhiều di tích kiến trúc cổ, quy mô to lớn như đình Giẽ Hạ, đình Đa Chất, đình Nam Quất (huyện Phú Xuyên), đình Nhị Khê, đình Thượng Cung, đình Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín)...còn mang nhiều dấu tích kiến trúc - điêu khắc thế kỉ XVIII.

Ngoài những ngôi đình cổ kính, nổi tiếng nói trên còn phải kể tới những ngôi chùa cổ được xếp hạng Di tích Quốc gia, mỗi ngôi chùa có vẻ đẹp và sự độc đáo riêng như: Chùa Mía, chùa Tây Phương (Di tích Quốc gia đặc biệt), chùa Thầy (Di tích Quốc gia đặc biệt), chùa Bối Khê, chùa Đậu, chùa Trăm Gian và quần thể di tích - danh thắng chùa Hương.

Chùa Tây Phương. Ảnh: iVIVU.com.

Một loại hình di tích khá độc đáo còn phải kể tới là quán Đạo giáo. Đạo giáo tôn Lão Tử và Trang Tử làm Giáo chủ. Các quán nổi tiếng phải kể đến là quán Linh Tiên (xã Cao Xá, huyện Hoài Đức) được tu tạo lớn vào năm 1584 do danh tướng nhà Mạc là Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn đứng làm Hội chủ hưng công. Di tích này còn dấu tích lò luyện đan sa của các đạo sĩ và ba tấm ván gỗ in kinh đạo giáo được làm vào Triều Lê Thái Tông (1434-1443). Hội Linh Quán (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) được tu tạo ở thế kỷ XVI để thờ Tam thanh và về sau thờ cả tượng Phật (nên về sau gọi là chùa Sổ). Ngoài ra còn Lâm Dương Quán (Đa Sĩ- Hà Đông), Viên Dương Quán (Hoài Đức), Hưng Thánh Quán (chùa Mui - Thường Tín) là những di tích kiến trúc lớn và đều đã được xếp hạng.

Vùng đất Tây - Nam của Thủ đô Hà Nội, vùng “địa linh nhân kiệt” - nơi hội tụ khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hát Môn, nơi “một ấp hai Vua” làng cổ Đường Lâm có Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền, nay là làng cổ đầu tiên ở nước ta được xếp hạng quốc gia “Làng cổ - nơi bảo lưu lối sống của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng Bắc Bộ”. Nơi đây là vùng đất có truyền thống khoa bảng. Ở hàng Tam Khôi, trong gần 10 thế kỷ (từ 1075 - 1919) có 5 vị Trạng nguyên (cả nước có 46, bằng 11%), 338 vị Tiến sĩ (cả nước có 2.989 vị, bằng 11,66%). Những tên tuổi Nguyễn Trãi - Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, Nguyễn Trực được tôn vinh “Lưỡng quốc Trạng nguyên”, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một nhân cách lớn thế kỷ thứ XVI, nhà sử học Ngô Sĩ Liên với bộ sử “Đại Việt Sử Ký toàn thư”, Phan Huy Chú - nhà bách khoa toàn thư.

Vùng đất địa linh nhân kiệt trên có hơn 35 di tích cách mạng kháng chiến và có hơn 61 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số di tích nơi Bác Hồ đến làm việc đã xếp hạng Di tích Quốc gia như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ở Vạn Phúc (Hà Đông), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Xuyên Dương (Thanh Oai), Đồi cây Vật Lại (Ba Vì)...

Hội chùa Hương. Ảnh: Hà Nội mới.

Người dân nơi đây có truyền thống cần cù trong lao động, nổi tiếng là “Đất trăm nghề”. Bên dòng sông Đáy hiền hòa có hàng chục làng nghề chăn tằm, ươm tơ như Đốc Tín, Trinh Tiết, Phù Lưu Tế (Mỹ Đức)... Trước đây cũng như bây giờ vùng đất này vẫn nổi tiếng với nghề dệt “Bảy làng La, ba làng Mỗ”... Lụa Hà Đông không chỉ nổi tiếng trong nước mà tiếng tăm còn vang xa tới nhiều nước trên thế giới. Làng Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) đạt tới trình độ điêu luyện về nghề khảm trai. Làng Kim Hoàng (Hoài Đức) chuyên khắc ván in tranh dân gian và trở thành một trong ba dòng tranh nổi tiếng ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Những đôi bàn tay vàng của những người thợ thêu Quất Động (Thường Tín) tạo nên những bức tranh thêu sinh động, đầy màu sắc. Nón làng Chuông (Thanh Oai) nhẹ bay, duyên dáng, đậm đà tâm hồn dân tộc. Đồ mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ) mềm mại, nét thắt dịu dàng, màu sắc trang nhã. Thợ sơn thếp tạc tượng Sơn Đồng (Hoài Đức) với bàn tay tài hoa đã gửi tâm sự nhân gian vào mỗi pho tượng cùng các đồ thờ tự v.v...

Không những thế, nơi đây còn là vùng văn hoá dân gian đặc sắc, vùng đất có nhiều lễ hội cổ truyền. Hội Chùa Hương được coi là “Hội vui nhất trời Nam” với thời gian lễ hội dài nhất nước. Bên cạnh đó là các lễ hội có quy mô tầm cỡ hội vùng như Hội chùa Thày, Hội chùa Tây Phương, Hội đền Và... Có những hội độc đáo mấy chục năm mới mở một lần như Hội hát Dô ở đền Khánh Xuân, Hội chèo Tàu tổng Gối,v.v.

Một vùng đất bao la với núi Tản in bóng sông Đà, với hơn 3.000 di tích, danh thắng, hàng trăm lễ hội truyền thống, đã thực sự điểm tô cho văn hiến ngàn năm Thăng Long. Đầu thế kỷ XIX, học giả Phan Huy Chú đã viết về vùng đất này trong Lịch triều hiến chương loại chí nh­ư sau: Trấn Sơn Tây là một khu có khí thế hùng hậu. Trấn Sơn Nam, đất tụ khí anh hoa, tục gọi văn nhã, thực là cái bình phong, phên chắn của trung đô và là kho tàng của Nhà vua... Những giá trị văn hóa truyền thống đó đã tạo nên cốt cách, nền tảng tinh thần để các thế hệ ngư­ời dân nơi đây tiếp nối chung tay xây dựng quê hương đất n­ước, xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

TS Lưu Minh Trị

Top